Từ nửa đầu năm 2011, thời điểm gần kề năm 2012, nhiều hiện tượng thiên nhiên bất thường đã xảy ra như động đất ở Nhật, hay sao chổi Elenin sẽ đi qua rất gần Trái Đất vào cuối năm nay lại càng làm cho nhiều người nghĩ Ngày tận thế đã đến nơi…
Ngày tận thế còn 17 tháng nữa?
Đầu năm 2008, lần đầu tiên một website tiếng Việt đề cập đến vấn đề ngày tận thế này, chính là một bài viết của Thienvanvietnam.org, bài viết có đề cập đến nhiều khả năng dự đoán về ngày tận thế có thể đến trong khoảng đầu thế kỉ 21 này, trong đó có việc dự đoán của lịch Maya rằng ngày 21/12/2012 sẽ là ngày tận thế của Trái Đất.
Lịch Maya và sự kết thúc của chu kì hơn 5000 năm
Chúng ta hãy quay lại với căn nguyên về chuyện ngày 21 tháng 12 năm 2012 được đồn đại là ngày tận thế của loài người.
Thật ra, ngày 21 tháng 12 năm 2012 là ngày cuối cùng trong lịch của người Maya – một nền văn minh rất phát triển vào khoảng từ năm 250 đến 900 sau Công Nguyên (CN) tại Trung Mỹ. Maya nổi tiếng với các công trình kiến trúc độc đáo và kiến thức về thiên văn cũng như chiêm tinh học thời điểm đó. Tôi nghĩ cần có đôi dòng trước hết giải thích cho độc giả qua về hệ thống lịch này và tại sao nó lại kết thúc vào ngày 21 tháng 12 năm sau.
Người Maya ban đầu sử dụng 2 chu kì lịch cơ bản (như chu kì năm của chúng ta hiện nay) là lịch Tzolk’in kéo dài 260 ngày và lịch Haab kéo dài gần bằng độ dài 365 ngày của dương lịch ngày nay. Ngoài ra còn chia ra thành chu kì ngắn 13 ngày và chu kì dài 20 ngày.
Sau đó người Maya kết hợp 2 hệ thống lịch này thành một chu kì kéo dài 52 năm (tương đương với độ dài tương đối của một thế hệ/triều đại). Như vậy cứ mỗi khi hết chu kì 52 năm thì lịch của họ sẽ lại phải viết lại (ta nên nhớ khi đó người Maya không sử dụng hệ thống lịch đánh số năm như ngày nay ta dùng tức là số năm tăng lên bao nhiêu cũng được).
Để có một chu kì dài hơn người Maya sáng tạo ra một cách tính lịch hiệu quả hơn sử dụng 5 giá trị chu kì với số 13 và số 20 là những giá trị cơ bản được sử dụng (theo quan niệm của nền văn minh này thì đây là 2 con số có vị trí cao nhất tượng trưng cho sự tuyệt đối). Họ chọn một ngày tương đương với lịch chúng ta hiện nay là ngày 11 tháng 8 năm 3114 trước CN để làm ngày đầu tiên của chu kì dài này (mà họ xem đó là ngày bắt đầu của thế giới và văn minh mới), ngày đó được kí hiệu là 0.0.0.0.1, những ngày tiếp theo sẽ là 0.0.0.0.2, 0.0.0.0.3, …
Đến ngày 19 kí hiệu sẽ là 0.0.0.0.19, ngày thứ 20 sẽ được làm tròn sang hàng số tiếp theo và sẽ là 0.0.0.1.0, ngày 21 là 0.0.0.1.1 , đến ngày thứ 39 là 0.0.0.1.19 và ngày 40 là 0.0.0.2.0, cứ như thế từng con số ở các hàng tiếp theo (riêng hàng từ 2 chỉ tính đến 17 và hàng thứ 5 tức là hàng ngoài cùng chỉ đến 13) sẽ được tăng dần đến 19 trước khi chuyển qua hàng tiếp.
Riêng hàng ngoài cùng (đơn vị cao nhất) được qui ước chỉ có giá trị cực đại là 13, tức là ngày cuối cùng trong chu kì sẽ là 13.0.0.0.0, ngày này tương đương với sự kết thúc của chu kì lịch dài 5126 năm.
Ngày được qui ước là 13.0.0.0.0 này tương đương với ngày 21 tháng 12 năm 2012 sắp tới.
Chu kì kết thúc và Ngày tận thế
Bản thân người Maya tin rằng sẽ có một biến đổi to lớn hay một sự thay thế vĩ đại nào đó mỗi khi một chu kì dài kết thúc. Họ tin rằng ngày 11 tháng 8 năm 3114 trước CN (ngày 0.0.0.0.1) đã là ngày sáng tạo ra văn minh và thế giới ngày nay của con người thay thế cho một thời kĩ cũ, và do đó ngày kết thúc có thể chuyện đó sẽ lại xảy ra, loài người có thể sẽ bị quét sạch và có thể được thay thế bởi một kỉ nguyên mới.
Đề tài trên đã được khai thác trong bộ phim năm 2007 “Indiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skulls” trong đó Harrison Ford phải tập hợp được 13 chiếc sọ người trong truyền thuyết Maya để cứu thế giới nếu không Trái Đất sẽ bị đánh bật khỏi trục quay hiện tại của nó.
Từ năm 1995 đến nay, còn có những tin đồn trên mạng xuất phát từ 1 website rằng có một hành tinh X sẽ đi qua quĩ đạo Trái Đất vào khoảng thời gian này và sẽ va chạm mạnh với Trái Đất và đó sẽ là ngày tận thế, biết đâu nó sẽ rơi vào đúng ngày 21 tháng 12 năm 2012 như lịch Maya đề cập.
Tuy vậy, chúng ta nên biết rằng các nhà thiên văn đều phủ nhận thông tin này, và nếu một hành tinh hay tiểu hành tinh đủ lớn để va chạm và phá hủy Trái Đất chỉ còn hơn 1 năm sẽ tới đây thì hẳn rằng nó đã được quan sát thấy từ rất lâu.
Cũng như việc động đất mấy tháng trước ở Thái Bình Dương chỉ đơn thuần là các dịch chuyển thạch quyển trên lớp vỏ Trái Đất vẫn xảy ra trong hàng trăm triệu năm qua, đừng quên rằng với thời gian sống ngắn ngủi chỉ vài chục năm của chúng ta thì việc này có thể là hiếm hoi và đặc biệt nhưng với tuổi thọ hàng tỷ năm của hành tinh này thì đó là một hoạt động khá thường xuyên.
Còn việc sao chổi Elenin bay rất sát Trái Đất thực tế không những không có gì đáng lo lắng mà còn là một cơ hội tuyệt vời cho các nhà thiên văn nói riêng cũng như tất cả người yêu thiên văn nói chung có dịp quan sát rất chi tiết một sao chổi. Ngay cả việc Hệ Mặt Trời đang tiến tới gần mặt phẳng chính của thiên hà, với khoảng cách khổng lỗ trong thiên hà thì nếu như vào một thời điểm nó có thể phá hủy Trái Đất thì lúc này trước đó chỉ hơn 1 năm các lực của nó cũng đã đủ làm ra không biết bao nhiêu thảm họa chứ không thể yên bình thế này.
TS Karl Kruszelnicki trong cuốn “The Great Moments in Science“ (những khoảnh khắc vĩ đại của khoa học) có viết như sau: “Khi một cuốn lịch đi hết chu kì của nó, nó sẽ được lật tiếp để đi sang chu kì tiếp theo. Trong lịch phương Tây của chúng ta, sau ngày 31 tháng 12 không phải là tận thế mà là ngày 1 tháng 1. Vậy thì ngày 13.0.0.0.0 của người Maya sẽ được nối tiếp bằng ngày 0.0.0.0.1 tức là ngày 22 tháng 12 năm 2012 – chỉ còn vài ngày để mua sắm cho Giáng sinh”. Vậy bạn hãy cứ yên tâm rằng sẽ chẳng có ngày tận thế nào vào sang năm và đừng quên bài viết này được thực hiện vào ngày 12 tháng 7 năm 2011 (ngày 12.19.18.9.12 theo lịch Maya).
Nếu bạn đọc bài viết này sau ngày 21 tháng 12 năm 2012 đừng quên uống mừng vì bạn là người vinh dự sống xuyên 2 chu kì dài của người Maya.
Nguồn: KH
- Bí mật bên trong Kim tự tháp Mặt trời
- Chòm sao thợ săn Orion bí ẩn: 23 điều thú vị bạn cần biết
- Lý giải khoa học về sự đầu thai chuyển kiếp