Núi Võ Đang trở thành thánh địa của Đạo giáo như thế nào?

Hoàng đế Vĩnh Lạc có được lời dạy từ Trương Tam Phong thì vô cùng vui mừng, hạ lệnh cho quân lính cùng thợ xây đến tu sửa lại núi Võ Đang, xây cất các công trình to lớn gồm: chín cung điện, ba mươi sáu điện thờ, bảy mươi hai ngôi chùa trên núi, lại ban cho núi cái tên là “Núi Thái Hòa Thái Nhạc”.

Chân nhân Trương Tam Phong: Ông tổ của Thái cực quyền.

Có phải bạn đã từng tưởng tượng rằng một ngày nào đó, mình có thể tạm thời rời khỏi thế gian huyên náo để tìm kiếm một nơi rừng núi cách biệt thế giới bên ngoài, sau đó hòa mình vào thiên nhiên để tìm lại sự yên bình của nội tâm không? Tất cả những điều này đối với con người trong cuộc sống bận rộn hiện đại mà nói thì đẹp như truyện cổ tích vậy, là chuyện vô cùng xa vời…

Trong số những ngọn núi cao và cheo leo ở Trung Quốc không thiếu những nơi phù hợp với điều kiện trên. Hôm nay bài viết này sẽ giới thiệu với mọi người về một trong những ngọn núi đó. Nằm ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, ngọn núi này có phong cảnh tuyệt đẹp như tranh, bí ẩn khó đoán. Núi cao xuyên qua các đám mây, trên núi có một Đạo quán trải qua sự gột rửa của năm tháng vẫn không đánh mất đi vẻ đẹp của mình. Ngọn núi này chính là núi Võ Đang được xem là thánh địa của Đạo giáo. Hơn hai ngàn năm qua vẫn luôn là lựa chọn duy nhất của những người chuyên tâm tu đạo.

Chân nhân Trương Tam Phong: Ông tổ của Thái cực quyền
Từ xưa đến nay núi Võ Đang luôn là nơi hoạt động hưng thịnh của Đạo giáo nhưng lý do thật sự khiến ngọn núi này trở nên nổi tiếng như vậy là vì có Chân nhân Trương Tam Phong và Thái cực quyền do ông sáng lập. Trương Tam Phong sinh vào năm Thuần Hựu thứ 7 thời Nam Tống (1247), từng chết đi sống lại ở Kim Quán Đài tại Ngọc Kê. Nhưng khoảng 300 năm sau vào thời nhà Minh còn có người nói là đã từng nhìn thấy ông, sau đó không biết ông đã đi đâu. Trong dân gian đều lan truyền rằng ông đã đắc đạo thành tiên.

Theo Minh sử ghi chép, Trương Tam Phong thân dài, cao to, tai to, mắt tròn, râu dài như cây kích, mùa đông hay mùa hè đều chỉ mặc một chiếc áo đạo sĩ, khoác bên ngoài một chiếc áo rơm. Khi xưa ông từng du ngoạn đến núi Võ Đang và nói: “Núi này ngày sau chắc chắn hương hỏa hưng thịnh”. Lúc bấy giờ các điện thờ trên núi Võ Đang đều bị chiến tranh tàn phá, ông cùng các đệ tử cắt cỏ chặt cây, dựng nhà rơm mà ở.

Được biết khi còn tại thế, Trương Tam Phong là cao thủ võ lâm tuyệt thế vô song. Ông không chỉ tinh thông công phu thiếu lâm, kiếm thuật mà còn là cao thủ nội gia tinh thông nội tu và là người sáng lập Thái cực quyền pháp.

Trong Vương Chính Nam mộ chí minh ghi chép: Trương Tam Phong “đêm mơ Huyền Đế truyền thụ quyền pháp, hôm sau một mình giết hơn trăm kẻ cướp”. Huyền đế tức là Huyền Thiên thượng đế. Tương truyền rằng Trương Tam Phong sau khi thọ nhận quyền pháp này đã sáng lập ra Thái cực quyền trong mơ, chủ về lấy tĩnh chế động, lấy nhu khắc cương. Ngày hôm sau, khi bị bọn cướp bao vây Đạo quán, ông đã chứng thực được công hiệu thực chiến của Thái cực quyền.

Lúc bấy giờ Thái cực quyền được mọi người biết đến rộng rãi là nhờ vào công dụng giúp cơ thể cường tráng. Nhưng điều này hoàn toàn không đúng với tiêu chí ban đầu khi sáng lập Thái cực quyền. Thái cực quyền vốn dĩ dùng để tĩnh tâm và điều tiết hơi thở, tu thân dưỡng tính, nâng cao cách tu luyện về mặt tinh thần cho người tập luyện.

Vì Trương Tam Phong vang danh khắp thiên hạ nên hoàng đế của nhiều triều đại luôn tìm kiếm và phong hiệu cho ông. Chu Nguyên Chương, hoàng đế khai quốc của nhà Minh, từng nhiều lần tìm kiếm Trương Tam Phong nhưng không có kết quả. Vĩnh Lạc đại đế (tức Minh Thành Tổ Chu Đệ) sau khi đăng cơ cũng từng nhiều lần phái người đến thăm hỏi, cuối cùng được Trương Tam Phong viết cho một lá thư, truyền thụ đạo trường sinh bất lão “thanh tâm quả dục”. Hoàng đế Vĩnh Lạc có được lời dạy này thì vô cùng vui mừng, hạ lệnh cho quân lính cùng thợ xây đến tu sửa lại núi Võ Đang, xây cất các công trình to lớn gồm: chín cung điện, ba mươi sáu điện thờ, bảy mươi hai ngôi chùa trên núi, lại ban cho núi cái tên là “Núi Thái Hòa Thái Nhạc”. Lời tiên đoán của Trương Tam Phong thời trước đã hoàn toàn ứng nghiệm.


Dạo bước quanh ngôi tự viện được bao phủ bởi một màn sương khói mờ ảo, khói nhang đèn mờ nhạt theo những cơn gió nhẹ bay lướt qua mặt, cờ lệnh năm màu bay bồng bềnh trong gió, dưới vách núi hùng vĩ,  bạn sẽ nhìn thấy các động tác uyển chuyển và đều tăm tắp của Thái cực quyền đang diễn ra. Bất luận bạn muốn tầm tiên tu đạo, muốn có được nội tâm bình yêu hay là muốn tham quan phong cảnh nước non thì núi Võ Đang tuyệt đối là một lựa chọn tốt.

Nguồn: DV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *