Các nhà khoa học tin rằng, Trái Đất đã có những thời kỳ phát triển ổn định, khi mà trong một năm chỉ có khoảng một phần triệu các loài biến mất và được thay thế bằng loài mới. Tuy nhiên hiện tại, chúng ta đang bước vào kỳ tuyệt chủng thứ 6 của thế giới động vật.
(Ảnh: Internet)
Nói tới tuyệt chủng, có thể bạn sẽ nghĩ tới tê giác, hổ, gấu trúc, hay cá voi. Nhưng những con vật đó chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh tổng thể. Con số thực tế còn kinh khủng gấp nhiều lần. Trong tất cả những loài sinh vật mà giới khoa học đã biết, cứ 1 trong 4 loài động vật có vú, 1 trong 8 loài chim, 1 trong 3 loài lưỡng cư, và nhiều loài sinh vật khác hiện đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.
Hãy cùng chúng tôi điểm lại một số loài vật đang tuyệt chủng có thể bạn chưa biết.
1. Hải cẩu trùm đầu – Cystophora cristata
(Ảnh: Internet)
Loài hải cẩu này chỉ được tìm thấy ở một số khu vực tại phía Bắc Đại Tây Dương, và đang bị săn bắn bừa bãi. Hải cẩu trùm đầu có phần mũi màu đen rất đặc trưng, trông giống như một chiếc mũ phồng lên xẹp xuống khi chúng đang bơi. Loài hải cẩu này có thể nặng tới 400 kg và dài 2,5 m.
2. Kền kền râu – Gypaetus barbatus
(Ảnh: Internet)
Đây là loài chim sinh sống tại những dãy núi cao, như Everest hay Himalaya. Kền kền râu gần như tuyệt chủng trong thế kỷ trước, sau khi con người tiêu diệt chúng vì sợ loài kền kền này ăn thịt gia súc. Hiện chúng chỉ còn khoảng 10.000 cá thể.
3. Kỳ giông Mexico – Ambystoma mexicanum
(Ảnh: Internet)
Kỳ giông Mexico là một loài vật bản địa sinh sống tại hồ Xochimilco và hồ Chalco ở trung tâm México. Loài vật này được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu khoa học do khả năng tái tạo chân tay của chúng. Tuy nhiên thật không may cho chúng, hồ Chalco không còn tồn tại và hồ Xochimilco đang phải chịu nhiều sức ép từ sự phát triển đô thị.
4. Linh dương Saiga – Saiga tatarica
(Ảnh: Internet)
Loài linh dương này từng hiện diện trên khắp các vùng thảo nguyên rộng lớn ở Á-Âu, từ dãy núi Karpat và Caucasus tới Dzungaria và Mông Cổ. Tuy nhiên, do bị săn bắt và mất môi trường sống, linh dương Saiga hiện chỉ còn vài ngàn cá thể.
5. Cá sấu Gharial – Gavialis gangeticus
(Ảnh: Internet)
Loài vật bên bờ vực tuyệt chủng này có thể dài tới 6 m và nặng 160 kg. Hiện các nhà khoa học ước tính chỉ còn 235 cá thể cá sấu Gharial sống tại vùng Nam Á. Khi con người mở rộng săn bắt cá và xây dựng thành phố, môi trường sống của loài Gharial đã co cụm lại, và hiện chỉ còn 2% so với ban đầu.
6. Cá heo Irrawaddy – Orcaella brevirostris
(Ảnh: Internet)
Cá heo Irrawaddy, hay còn gọi là cá nược, sống ven bờ biển và cửa sông của khu vực Đông Nam Á. Chúng được tìm thấy trong sông Irrawaddy tại Myanmar, sông Mahakam ở Indonesia, và sông Mê Kông tại Campuchia cũng như ở Việt Nam. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, loài cá này chỉ còn có 77 cá thể, và phải đối mặt với tình trạng săn bắt của con người.
7. Vẹt cú – Strigops habroptilus
(Ảnh: Internet)
Loài vẹt cú, hay vẹt Kakapo này là một loài chim đặc hữu tại New Zealand. Vì quá… béo, nên loài vẹt này có lẽ là loài vẹt duy nhất trên thế giới không biết bay. Hiện chỉ còn 128 cá thể vẹt cú sống rải rác trên các hòn đảo được bảo tồn sinh thái.
8. Cá cúi – Dugong dugon
(Ảnh: Internet)
Cá cúi, cá Dugong, bò nước, hay cá nàng tiên là tên gọi của loài vật hiền lành này. Cá Dugong có thể nặng tới hơn 1 tấn, nhưng chỉ ăn các loài thủy tảo mà thôi. Loài cá này phân bố chủ yếu ở các vùng ven biển cận duyên nhiệt đới và bán nhiệt đới từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Cá Dugong bơi chậm chạp, có nanh giống ngà voi, và thịt ngon, nên chúng phải đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trước nạn săn bắn bừa bãi của con người.
9. Nhện Gooty – Poecilotheria metallica
(Ảnh: Internet)
Loài nhện Gooty chỉ được tìm thấy ở một số cánh rừng tại Ấn Độ. Với màu xanh bắt mắt, nhiều con nhện Gooty được bán với giá 500 USD. Vì thế, chúng bị săn bắt vì mục đích lợi nhuận và phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
10. Sơn dương Markhor – Capra falconeri
(Ảnh: Internet)
Loài sơn dương này là động vật biểu tượng quốc gia của Pakistan, và cũng xuất hiện trong một số thần thoại, truyền thuyết về thần rừng. Theo truyền thuyết dân gian, sơn dương Markhor có khả năng giết chết một con rắn và ăn nó. Trong khi ăn rắn, Markhor nôn ra một loại chất bọt mà theo người dân địa phương là rất hữu ích trong việc điều trị những vết rắn cắn. Hiện chỉ còn khoảng 2.500 cá thể của loài sơn dương này.
Nguồn: ĐKN