Nikola Tesla: Nhà bác học điên hay thiên tài bị quên lãng?

Cùng thời với Thomas Edison – nhà phát minh nổi tiếng của thế kỷ 20, còn có một thiên tài bị lãng quên. Đó là người có thành tựu khoa học ảnh hưởng rất lớn đến nhân loại trong thế kỷ 21 – Nikola Tesla (1856-1943).

Chân dung Nikola Tesla – Tranh của họa sĩ Vilma Lwoff-Parlaghy (Ảnh: Wikipedia)

Tuy nhiên, vì tính cách lập dị và những tuyên bố kỳ lạ khó tin về triển vọng phát triển của khoa học kỹ thuật vào thời điểm đó, Tesla thường xuyên bị cô lập và bị coi là một nhà bác học điên. Nhưng thực tế, Nikola Tesla lại là một nhà phát minh vĩ đại. Và chắc chắn bạn đang sử dụng ít nhất một phát minh có đóng góp của vị thiên tài bị quên lãng này: điện xoay chiều, động cơ điện, điều khiển từ xa…




Ảnh chụp Nikola Tesla năm ông 34 tuổi (Ảnh: Wikimedia)

Hãy cùng chúng tôi nhìn lại những phát minh và tầm nhìn vượt thời gian của Nikola Tesla, vị thiên tài lập dị, người đã có cống hiến to lớn cho nhân loại, nhưng lại ra đi trong cô đơn và nghèo khó.

1. Hệ thống truyền tải điện xoay chiều

Ngày nay, hệ thống truyền tải điện xoay chiều được sử dụng trên khắp thế giới (Ảnh: Milicevic01, Wikimedia)




Những người ủng hộ Nikola Tesla vẫn thường luyến tiếc cho ông: Tesla đã công bố phát minh về truyền tải điện xoay chiều của mình cùng thời với hệ thống điện một chiều của Edison. Bằng việc dí điện vào động vật sống cho tới khi chúng chết, Edison và công ty của ông đã gạt công ty của Tesla qua một bên với lý do phát minh của Tesla quá nguy hiểm. Thực chất, ngày nay, chúng ta đều biết rằng điện một chiều rất tốn kém, không thể truyền tải đi xa, và nguy hiểm hơn nhiều so với điện xoay chiều.

2. Phân phối ánh sáng và năng lượng

Lý thuyết về bóng cuộn cảm không dây của Tesla và một số ứng dụng của nó trong thí nghiệm (Ảnh: incandescentsculpture)

Tesla đã sáng tạo ra một loại bóng đèn từ cuộn cảm, 40 năm trước khi bóng đèn huỳnh quang được hoàn thiện. Phát minh của Tesla sau này được sử dụng khá nhiều trong loại bóng đèn tần số cao dùng cho phòng thí nghiệm.

Về vấn đề năng lượng, Tesla cho rằng Trái đất có thể trở thành một “cuộn cảm” tự nhiên, và có thể cấp nguồn cho loại bóng cuộn cảm “không dây” thông qua một hệ thống chuyển đổi. Hơn nữa, Tesla còn cho rằng đây sẽ là phương thức phân phối năng lượng trong tương lai. Đó quả là một tin sét đánh với những tập đoàn năng lượng.




Sau khi Tesla mất, toàn bộ tài liệu nghiên cứu của ông đã bị chính phủ Mỹ tịch thu và giữ bí mật. Vậy nên việc lý thuyết trên có trở thành hiện thực hay không còn là đề tài gây nhiều tranh cãi.

3. Tia X

Những thí nghiệm đầu tiên về tia X của Tesla (Ảnh: tesla.aziznatour.com)

Cuối thế kỷ 19, lý thuyết điện từ và bức xạ được các nhà khoa học tập trung chú ý, và Tesla là nhân vật trung tâm của những nghiên cứu về tia X. Năm 1894, Tesla đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm, mô hình và thu thập được nhiều dữ liệu về một loại tia phóng xuất từ cực âm (tia X), tuy nhiên tất cả đã bị đốt cháy trong một trận hỏa hoạn vào tháng 3 năm 1895. 9 tháng sau đó, Wilhelm Röntgen công bố tìm ra tia X.

Sau vụ hỏa hoạn, Tesla tiếp tục thử nghiệm của mình và đã có cống hiến quan trọng trong những phát minh liên quan đến loại sóng điện từ này, nhất là việc sử dụng nó trong hệ thống y tế.




4. Điều khiển từ xa

Một mô hình điều khiển từ xa nhờ sóng radio của Tesla tháng 8/1898 (Ảnh: Bằng sáng chế Mỹ số 613809)

Mặc dù có những hướng đi sai lệch về sóng radio vào thời kỳ đầu, Tesla đã sáng chế ra một thiết bị điều khiển từ xa sử dụng radio theo yêu cầu của Hải quân Mỹ và công bố nó vào năm 1898. Thiết bị này sử dụng những cục pin lớn và sóng radio để kiểm soát hoạt động của một con tàu mô hình nhỏ bằng ăng-ten.

Mặc dù hải quân Mỹ cho rằng nó không phù hợp để sử dụng trong chiến tranh, ý tưởng của Tesla đã nhanh chóng lan sang các lĩnh vực khác. Nhờ đó, ngày nay bạn có thể sử dụng điều khiển từ xa cho TV tại nhà.




5. Động cơ điện

Một hệ thống động cơ điện xoay chiều của Nikola Tesla (Ảnh: Bằng sáng chế Mỹ số 381968)

Năm 1882, Nikola Tesla đưa ra khái niệm về từ trường quay, vốn là nguyên lý chính cho các động cơ điện xoay chiều. Tesla đã phát triển động cơ điện dựa trên lý thuyết này trong phòng thí nghiệm vào năm 1887 và được cấp bằng sáng chế tháng 5/1888.

Động cơ điện mà Tesla đưa ra sử dụng là hệ thống điện nhiều pha làm quay từ trường, dẫn đến động cơ quay. Phát minh của Tesla không cần sử dụng bộ chuyển mạch, từ đó tránh được việc làm bắn tia lửa điện và giảm chi phí bảo trì. Động cơ điện ngày nay được sử dụng trong hầu hết các thiết bị gia dụng của chúng ta, như quạt, máy giặt, máy bơm, v.v…




6. Robot

Tác phẩm Nikola Tesla cưỡi chim máy của một cư dân mạng (Ảnh: VonMonkey, woot.com)

Óc tưởng tượng của Tesla thật đáng kinh ngạc! Ngay tại thời điểm đó ông đã nghĩ ra khái niệm về robot, một cỗ máy có nguồn cấp, có thể hoạt động, và phản ứng lại với các tác nhân bên ngoài. Thậm chí Tesla còn cho rằng những cỗ máy này sẽ tiến tới một trình độ mà khác biệt duy nhất của chúng với con người là khả năng trưởng thành và sinh sôi.

Tesla hình dung một xã hội tương lai với ô tô thông minh, robot làm bạn với con người, cùng những hệ thống cảm biến tự động. Tầm nhìn của ông phần nào được thể hiện qua các bài viết đăng tải sau này trên tạp chí công nghệ điện tử Serbia, 2006.




7. Liên lạc không dây, năng lượng không dây

Tesla thuyết trình về lý thuyết không dây sử dụng tần số cao của mình năm 1891(Ảnh: Skies, Wikimedia)

Tesla luôn trăn trở về vấn đề năng lượng và phân phối năng lượng, trong đó nổi bật nhất là những ý tưởng về lý thuyết không dây. Một trong những tầm nhìn của Tesla chính là việc sử dụng Trái Đất như một “cuộn cảm” tự nhiên mà chúng ta đã đề cập đến.

Cảnh Tesla ngồi trong phòng thí nghiệm, bức ảnh do Dickenson Alley chụp với kỹ thuật phơi sáng (Ảnh: Dickenson Alley, Wikimedia)




Năm 1899, Tesla xây dựng một phòng thí nghiệm để nghiên cứu về truyền tải điện không dây. Phòng thí nghiệm này chứa một trong những “cuộn cảm Tesla” lớn nhất từng được xây dựng, với công suất 150 kW, tạo ra hiệu điện thế 12 triệu Volt, với tần số khoảng 150 kHz, gây ra những tia sét lớn.


Dựa trên những nghiên cứu đó, từ năm 1900 đến năm 1917, Tesla đã xây dựng tòa tháp Wardenclyffe để thực hiện một loạt thí nghiệm liên quan đến khả năng truyền tải điện năng, liên lạc không dây… Tuy nhiên sau đó do chiến tranh xảy ra, Tesla không tìm được nguồn kinh phí duy trì dự án.

Tesla có thành công trong thí nghiệm của ông hay không? Đây là câu hỏi gây tranh cãi lớn. Một số người ủng hộ Tesla tin rằng ông đã thật sự biến lý thuyết năng lượng của mình trở thành hiện thực, còn một số khác lại cho rằng ông chỉ đưa ra một viễn tưởng cho tương lai.

Dù sao đi nữa, Émile Girardeau, một trong những kỹ sư xây dựng hệ thống radar đầu tiên của Pháp đã nói, “Tesla hoặc là tiên đoán trước, hoặc là đang mơ mộng, vì ông không có khả năng biến ý tưởng thành hiện thực. Nhưng hãy nhớ rằng, nếu ông có đang mơ mộng, thì ít nhất là ông đang mơ đúng hướng.”

Nguồn: DKN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *