Giờ đã 2019 và thực ra người ta vẫn chưa thể “đóng băng” để tạm ngừng mọi hoạt động sống của con người trong một khoảng thời gian nhất định giống như trong phim khoa học giả tưởng vẫn hay đề cập. Tuy nhiên, các bác sĩ Mỹ vừa lần đầu tiên trong lịch sử làm được điều đó: tạm dừng mọi hoạt động sống bên trong cơ thể con người trong vòng 2 tiếng để tiến hành các phẫu thuật cấp cứu nhằm cứu sống tính mạng của bệnh nhân chấn thương.
Các bác sĩ tại trung tâm y khoa đại học Maryland gọi tên của kỹ thuật “tạm ngừng sống” này là “bảo toàn và hồi sức khẩn cấp” (EPR), được thiết kế để cấp cứu những bệnh nhân chấn thương cấp tính như bị vết thương hở quá sâu hoặc bị súng bắn. Thường thì các ca bệnh này chỉ có tỷ lệ sống chưa tới 5% nhưng với EPR thì các bác sĩ sẽ có thêm thời gian để cứu sống bệnh nhân.
Chi tiết hơn xíu về kỹ thuật EPR, bệnh nhân sẽ được làm lạnh nhanh bằng cách thay toàn bộ máu bằng nước muối đóng băng. Lúc này tim sẽ ngừng đập và hoạt động não cũng gần như ngừng hoàn toàn. Tại nhiệt độ cơ thể bình thường, các tế bào sẽ cần được liên tục cung cấp oxy để tồn tại, tuy nhiên ở nhiệt độ lạnh, các phản ứng trong tế bào sẽ được chậm lại hoặc thậm chí là ngừng hẳn, từ đó lượng oxy cần thiết cũng ít hơn. Còn não người thì có thể sống khoảng 5 phút mà không có oxy, tuy nhiên với EPR thì các bác sĩ sẽ có thêm 2 tiếng phẫu thuật mà não vẫn không bị tổn thương. Sau ca phẫu thuật, các bác sĩ chỉ cần làm ấm dần và tim, não sẽ “khởi động lại”.
Nhóm nghiên cứu cho biết báo cáo đầy đủ của thử nghiệm sẽ được phát hành vào cuối 2020. Nhóm cho biết hiện cách làm của họ có thể cho bệnh nhân “ngủ đông” được tối đa là 2 tiếng, tuy nhiên vẫn chưa biết chính xác rằng con người có thể ở trong trạng thái này tối đa là bao lâu mà vẫn không chịu những tác dụng phụ hay tổn thương gì. Trưởng nhóm Tisherman cho biết sẽ tiếp tục tìm hiểu và tin rằng sẽ có nhiều tiến bộ hơn nữa trong tương lai gần, dù vậy ông khẳng định “chúng tôi phải làm rõ rằng không phải ngâm cứu cái này để gởi con người lên Sao Thổ, chúng tôi chỉ đơn giản là mua thêm thời gian để cứu mạng người.”
Nguồn: Tinhte – Tham khảo NS