Làm thế nào để huấn luyện não bộ ghi nhớ mọi thông tin mà bạn muốn?

Trong vòng 1 tiếng đầu tiên, bạn sẽ quên mất 50% kiến thức vừa học được.
Bạn muốn thành công, bạn phải có kiến thức. Bởi kiến thức là thứ đem đến cho bạn cơ hội và giúp bạn ra quyết định. Quyết định đúng sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu của cuộc đời mình.

Nhưng để có thể ra quyết định đúng, bạn lại cần nhiều kiến thức. Và muốn có kiến thức, bạn phải học hỏi. Sự thật trớ trêu là chúng ta không thể nhớ phần lớn những kiến thức chúng ta đã học được.

Nghiên cứu cho thấy nếu bạn nạp thông tin mới mà không sử dụng, trong vòng 1 tiếng đầu, chúng sẽ rơi rụng đi một nửa. Sau 24 giờ, lượng thông tin thất thoát sẽ tăng lên tới 70%. Con số sau 1 tuần là 90%, nghĩa là hầu hết thông tin bạn học được đã biến mất khỏi bộ nhớ.

Để cải thiện việc tiếp thu và lưu giữ kiến ​​thức, thông tin mới cần phải được củng cố và lưu trữ an toàn trong bộ nhớ dài hạn của bạn.




bonao1

Tiến sĩ Elizabeth Bjork là một giáo sư tâm lý học nhận thức tại Đại học California, Los Angeles. Cùng với Piotr Wozniak, một nhà nghiên cứu người Ba Lan nổi tiếng với công trình SuperMemo (một hệ thống học tập dựa trên sự lặp đi lặp lại), tiến sĩ Bjork đã nghiên cứu một lý thuyết được gọi là lý thuyết quên.

Theo đó, trí nhớ dài hạn của chúng ta được xây dựng từ hai đặc điểm: cường độ truy xuất và cường độ lưu trữ thông tin. Tiến sĩ Bjork cũng đặt ra các khái niệm như: Sức mạnh hồi tưởng là thứ đo lường khả năng bạn có thể nhớ lại một cái gì đó ngay lập tức hay không, nghĩa là thông tin ở gần hay xa so với bề mặt tâm trí bạn. Sức mạnh lưu trữ đo mức độ sâu mà thông tin được ghi nhớ.

Theo lý thuyết của tiến sĩ Bjork, nếu muốn học tập và ghi nhớ những kiến thức hiệu quả, chúng ta không thể chỉ đặt mục tiêu đọc một cuốn sách mỗi tuần hoặc thụ động nghe một cuốn sách nói hay podcast.

Thay vào đó, hãy đọc lại các chương sách mà bạn đã không hiểu trong lần đọc đầu tiên, viết ra hoặc thực hành những gì bạn đã học tuần trước, trước khi tiếp tục đọc một chương sách mới hay nghe bài học kế tiếp. Hoặc bạn cũng có thể ghi chú trong khi học hoặc sau khi học, nếu bạn cảm thấy điều đó hiệu quả với mình.




Nếu bạn đang phải vật lộn để ghi nhớ một thông tin nào đó, hãy thường xuyên đọc lại nó. Bằng cách buộc bản thân phải ghi nhớ thông tin trong quá khứ, bạn đã đang củng cố kiến ​​thức mới trong tâm trí mình.

bonao2

Nghiên cứu chỉ ra rằng khi một ký ức được ghi lại lần đầu tiên trong não, đặc biệt là ở vùng hải mã, nó vẫn còn rất mong manh và dễ bị lãng quên.

Bộ não của chúng ta liên tục ghi lại thông tin một cách tạm thời để tách thông tin quan trọng khỏi đống lộn xộn. Những thông tin lộn xộn là những mẩu đối thoại bạn nghe thấy trên đường đi làm, những thứ bạn nhìn thấy, bộ quần áo mà người trước mặt bạn đang mặc, những cuộc thảo luận tại nơi làm việc, v.v.

Để có chỗ cho những thông tin mới, não bộ của bạn phải dọn dẹp mọi thông tin cũ đã không được bạn nhắc lại. Nếu bạn muốn ghi nhớ hoặc sử dụng thông tin mới trong tương lai, bạn phải chủ động lưu trữ nó trong bộ nhớ dài hạn của bạn.

Quá trình này được gọi là mã hóa hay in thông tin vào não. Nếu bạn không tạo ra một quá trình mã hóa phù hợp, bạn sẽ không thể lưu trữ thông tin và mọi cố gắng truy xuất thông tin đó sau này sẽ đều thất bại.




Vào cuối thế kỷ 19, nhà tâm lý học Herman Ebbinghaus đã trở thành người đầu tiên giải quyết một cách có hệ thống các phân tích về trí nhớ. Đường cong quên lãng mà Ebbinghaus mô tả đã giải thích sự suy giảm của việc duy trì trí nhớ theo thời gian. Những đường cong ghi lại cách mà bộ não lưu trữ thông tin đã góp một phần không nhỏ vào lĩnh vực nghiên cứu trí nhớ.

Ebbinghaus từng nói rằng: “Bất kỳ số lần lặp lại đáng kể nào cũng tạo ra một sự phân phối thông tin phù hợp trong một khoảng thời gian, và nó có lợi hơn nhiều so với việc tạo ra cả một khối lớn thông tin cùng lúc”.

bonao3

Đường cong quên lãng: Hầu hết thông tin chúng ta học được đều bị quên lãng theo thời gian.

Trong một báo cáo của Đại học Waterloo nhìn vào cách chúng ta quên lãng mọi thứ, các tác giả cũng đã lập luận rằng: Khi bạn cố tình ghi nhớ điều gì đó mà bạn đã học được hoặc nhìn thấy cách đây không lâu, bạn sẽ gửi một tín hiệu mạnh đến não để khiến nó lưu giữ thông tin đó lại.




“Khi một thứ gì đó được lặp đi lặp lại nhiều lần, bộ não của bạn sẽ nói: ‘Ồ – nó lại được lặp lại một lần nữa, tôi nên giữ nó lại’. Khi bạn tiếp xúc với một thông tin đã được lặp đi lặp lại nhiều lần, sẽ mất ít thời gian hơn để ‘kích hoạt’ thông tin đó trong bộ nhớ dài hạn của bạn, và việc truy xuất thông tin đó khi cần sẽ trở nên dễ dàng hơn”, các nhà khoa học viết.

Chúng ta hay nói rằng việc học là việc cả đời. Nhưng khi ra khỏi trường học, hầu hết những gì chúng ta học được chỉ đến từ việc đọc và nghe. Vậy, bằng cách sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để đưa kiến ​​thức mới vào bộ nhớ, bạn cũng sẽ củng cố được thông tin mới một cách nhanh hơn và sâu hơn:

Lặp lại thông tin sau một khoảng thời gian

bonao4

Đúng như tên gọi của nó, phương pháp này đơn giản chỉ đòi hỏi bạn nạp lại những thông tin mới mà bạn muốn lưu trữ sâu vào não bộ sau những khoảng thời gian nhất định.




Ví dụ, khi bạn đọc xong một cuốn sách và thực sự thích nó. Thay vì cất cuốn sách vào tầng cuối cùng của giá sách, hãy để nó ở vị trí dễ nhìn thấy để đọc lại nó sau 1 tháng, rồi một lần nữa sau 3 tháng, một lần sau 6 tháng và một lần sau 1 năm.

Lặp lại thông tin sau một khoảng thời gian tận dụng được hiệu ứng giãn cách, một hiệu ứng cho thấy não bộ của chúng ta học tốt hơn khi chúng ta phân tách thông tin theo thời gian. Đó là bởi những lần lặp lại giúp các kết nối thần kinh mới được củng cố nhiều lần.

Quy tắc 50/50

bonao5

Dành 50% thời gian của bạn để học bất cứ điều gì mới, và 50% còn lại để chia sẻ hoặc giải thích những gì bạn đã học được cho người khác.




Nghiên cứu cho thấy khi bạn giải thích một khái niệm cho người khác, đó là cách tốt nhất để bạn học nó. Quy tắc 50/50 là một phương pháp rất tốt để tìm hiểu, xử lý, lưu giữ và ghi nhớ thông tin.

Ví dụ, thay vì đọc từ đầu đến cuối một cuốn sách, hãy thử chỉ đọc một nửa cuốn, sau đó nhớ lại, chia sẻ hoặc viết ra những ý tưởng chính mà bạn đã đọc được trước khi đọc nốt nửa còn lại.

Bạn thậm chí có thể áp dụng quy tắc 50/50 cho từng chương riêng lẻ thay vì toàn bộ cuốn sách. Phương pháp học tập này hoạt động thực sự tốt nếu bạn đặt mục tiêu cần lưu giữ lại hầu hết những gì bạn đang học.

Bài kiểm tra cuối cùng cho những kiến ​​thức của bạn là khả năng bạn có thể truyền những kiến thức này cho người khác.

“Cách tốt nhất để học một cái gì đó là hãy dạy nó cho người khác – giải thích một kiến thức mới không chỉ giúp bạn hiểu nó, mà còn giúp bạn nhớ nó kỹ hơn”, Adam Grant nói.


Thuyết trình

bonao6

Một phương pháp rất hữu dụng khác là hãy tận dụng tối đa các buổi thuyết trình mà bạn có để hiểu cặn kẽ một chủ đề từ trong ra ngoài. Không đơn giản là đọc, nghe hay giải thích cho người khác, một buổi thuyết trình cho phép bạn nhìn được cơ chế vận hành của mọi thứ, giúp bạn hình dung mọi khái niệm.




Hãy đi ngủ

bonao7

Cuối cùng, hãy sử dụng giấc ngủ như một sự trợ giúp mạnh mẽ giữa các buổi học. Các nhà khoa học cho biết, trong khi ngủ, chúng ta sẽ củng cố những gì chúng ta mới học được trong ngày vào trí nhớ dài hạn. Trong khi đó, một giấc ngủ trước khi học kiến thức mới cho phép não bộ của bạn trở nên sáng suốt hơn.

Bằng chứng cho thấy ngay cả những giấc ngủ trưa dài (hơn 60 phút) cũng giúp củng cố những gì mà bạn đã học.

Nguồn: Trithuctre – Tham khảo Medium

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *