“Chúng ta đang bị nướng trên một hành tinh đang chết dần”

Những thành phố ôn đới có nhiều lò sưởi hơn điều hòa đang phải chứng kiến một mức nhiệt độ ngang bằng với xích đạo.

Phần lớn khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương hiện đang bị mắc kẹt trong một hiện tượng thời tiết cực đoan mà các nhà khoa học gọi là “vòm nhiệt”. Nó được ví giống như một cái nồi áp suất, với nắp vung phía trên là một khối áp cao liên tục tạo ra áp lực ép lên toàn bộ khối khí nóng dưới mặt đất.
Vòm nhiệt bẫy khí nóng ở trong, ngăn gió, ngăn mây do đó không hình thành mưa giải nhiệt. Nó chỉ đứng ì một chỗ và khiến nhiệt độ trong khu vực liên tục tăng lên. Nhiều thành phố ở Bắc Mỹ và Tây Canada đã ghi nhận mức nhiệt phá vỡ kỷ lục trong nhiều thập kỷ.




Những khu vực tưởng chừng chỉ có khí hậu quanh năm ôn đới, bây giờ đã nóng hơn cả thủ đô Cairo của Ai Cập: Nhiệt độ ghi nhận được ở tỉnh British Colombia của Canada nhiều ngày đã duy trì quanh mức 49,6oC. Nắng nóng đã đốt cháy một thị trấn – Lytton, khiến hơn 1.000 người dân ở đây phải di tản.

Ở những khu vực khác, người dân Canada cho biết nắng đã làm chảy dây cáp điện, gây biến dạng đường nhựa và làm nứt kính ô tô để ngoài trời.

Cùng khoảng thời gian này, cơ quan y tế Canada ghi nhận số ca tử vong tăng bất thường liên tiếp trong 5 ngày. Ít nhất 486 người đã chết trong đợt nắng nóng, tăng 195% so với con số trung bình trong những ngày khác.

Và đó thực sự là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Nó cho thấy “sóng nhiệt” hay các đợt nắng nóng ngắn ngày đã trở thành dĩ vãng, nhường chỗ cho những hiện tượng “vòm nhiệt” mới kéo dài hơn và thảm khốc hơn.




Để hình dung cuộc sống ở vùng ôn đới có thể diễn ra như thế nào trong tương lai, hãy nhìn vào những khu vực nhiệt đới khắc nghiệt nhất hiện nay. Jacobabad ở Pakistan hiện là thành phố nóng nhất thế giới với nền nhiệt trung bình trên 52 oC.

Trong so sánh, vòm nhiệt ở Tây Bắc Thái Bình Dương lúc này đã đẩy nhiệt độ ở đó lên hơn 46oC. Portland và Seattle, những thành phố ôn đới giờ đã đạt mức nhiệt gần bằng với thành phố nóng nhất trên Trái Đất.




Đó là một hậu quả của biến đổi khí hậu hay nói chính xác hơn là sự nóng lên toàn cầu. Tất cả chúng ta đang bắt đầu bị luộc sống. Nếu bạn nghĩ nói thế thì hơi quá, hãy xem xét cuộc sống ở Jacobabad.

Ở thành phố này, mọi người dân được khuyến cáo không ra khỏi nhà trong những ngày nắng nóng kỷ lục. Và họ tuân thủ điều đó, bởi thực sự là ít ai có thể chịu đựng được sức nóng 52oC. Các hoạt động kinh doanh, thương mại, buôn bán, các sự kiện xã hội – tất cả những thứ này đều dừng lại.

Nghe có vẻ giống như thành phố bị phong tỏa vì COVID-19? Đúng vậy, nắng nóng khắc nghiệt trong tương lai có thể giống như một trận đại dịch, bởi vì cả hai đều là những thảm họa trên một bờ vực không thể cứu vãn.

Ở Jacobabad thì những ngày phong tỏa ấy kéo dài trong nhiều tháng. Vòm nhiệt ở Tây Bắc Thái Bình Dương có thể kéo dài khoảng 2 tuần trước khi khối áp cao trên đó tan đi và mưa xuất hiện trở lại.

Bạn có thể nghĩ vẫn còn một khoảng cách xa để biến Portland hay Vancouver thành Jacobabad. Nhưng sự thật là vòm nhiệt có thể còn quay trở lại và cứ sau từng năm, nó sẽ ở lại lâu hơn với tần suất xuất hiện dày đặc hơn.

Vậy điều gì xảy ra khi Tây Bắc Thái Bình Dương trải qua các vòm nhiệt lâu hơn, thường xuyên hơn? Đây là lúc chúng ta cần bàn tới một khái niệm: “nhiệt độ bầu ướt”.




Lấy một chiếc khăn và phủ lên nhiệt kế, bạn sẽ có được mức nhiệt độ tối đa mà cơ thể có thể làm mát nó xuống thông qua cơ chế toát mồ hôi và bay hơi. Đây là cách đơn giản mà nhà khoa học khí hậu Simon Lewis giải thích về khái niệm “nhiệt độ bầu ướt”.

“Con người không thể sống sót khi tiếp xúc dài với nhiệt độ bầu ướt vượt quá 35oC, vì không có cách nào để làm mát cơ thể chúng ta xuống ở nhiệt độ đó – thậm chí ngay cả khi bạn ở trong bóng râm và có thể uống vào một lượng nước vô hạn”, Lewis nói.




Điều đó có nghĩa là nếu nhiệt độ ngoài trời cao trên 35oC và độ ẩm là 100%, bạn sẽ thấy nó nóng tương đương 70 oC. Mồ hôi trên da của bạn không thể bay hơi, làm ứ đọng nhiệt độ khiến thân nhiệt bạn tăng lên.

Khi thân nhiệt tăng từ 37oC vượt qua ngưỡng 40 oC, máu của bạn bắt đầu đặc lại, tim bạn phải đập mạnh hơn và nhanh hơn để bơm máu tới được các bộ phận trên cơ thể. Nhưng tới ngưỡng 44oC, nó sẽ không còn duy trì được lưu lượng máu nữa. Cơ thể sẽ thu máu về ưu tiên cho các bộ phận quan trọng. Nó bỏ mặc các cơ quan ít quan trọng hơn như thận hoặc ruột.

Không có máu lưu thông, ruột của bạn có thể bị thủng và rò rỉ, tạo ra những khu vực viêm lan tỏa. Các mạch máu ở đó sẽ bị tổn thương và máu sẽ đông lại. Các tế bào thậm chí có thể tan rã khi protein của chúng bị phá vỡ. Thận của bạn sẽ không còn lọc được máu nữa, chất thải tế bào sẽ nhanh chóng tích tụ lại và đầu độc cơ thể.

Tổn thương tế bào do độc tế bào nhiệt và thiếu máu cục bộ tiếp đó dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng đe dọa tính mạng, chẳng hạn như hoại tử ống thận cấp tính, mất chức năng não vĩnh viễn, nội độc tố gan trong máu, viêm tuyến tụy và tổn thương nội mô phổi.

Đến lúc này, tất cả các nội tạng của bạn đã giống như một dãy domino đổ sập xuống. Không lâu sau, bạn sẽ chết.

Hai đợt nắng nóng năm 2003 tại Châu Âu và 2010 ở Nga đã ghi nhận tổng cộng hơn 125.000 ca tử vong khi nhiệt độ bầu ướt mới chỉ chạm ngưỡng 28oC.




Cho đến thời điểm này, nhiệt độ bầu ướt mới chỉ xuất hiện ở một vài nơi và tồn tại trong thời gian ngắn. Chẳng hạn như ngày 8 tháng 7 năm 2003, thành phố Dhahran của Ả Rập Saudi đã đo được mức nhiệt độ ngoài trời lên tới 81oC và nhiệt độ bầu ướt là 42oC.
Một đợt nắng nóng năm 2015 tại Ấn Độ chứng kiến nhiệt độ bầu ướt ở Andhra Pradesh vượt ngưỡng 30oC. Cùng năm đó hai thành phố ở Iraq và Iran cũng ghi nhận mức nhiệt độ bầu ướt 33,5oC.

Nhưng trong bối cảnh Trái Đất vẫn còn ấm lên, chúng ta sẽ ngày càng chứng kiến những mùa hè nóng hơn, dài hơi với những khoảng thời gian có nhiệt độ bầu ướt chết chóc. Hãy nhìn vào tình hình thực tế ở Portland, Vancouver và Tây Bắc Mỹ lúc này.

“Nếu thời tiết nóng lên, đến một mức nào đó nó sẽ chạm tới một ngưỡng nhiệt độ đáng sợ, không hỗ trợ cho sự sống hay sự tồn tại”, Lewis nói.




Bây giờ bạn có thể nghĩ rằng đối phó với nhiệt độ bầu ướt cũng giống như đối phó với nắng nóng thông thường. “Chẳng phải tôi chỉ cần lắp thêm điều hòa thôi sao?”. Chà, sự thật không phải vậy. Điều hòa chỉ hoạt động tốt khi độ ẩm không khí thấp. Trong điều kiện càng ẩm ướt, chúng hoạt động càng khó khăn.

Ngoài ra, trong một thế giới mà ai cũng lắp thêm điều hòa, hệ thống điện của chúng ta chắc chắn sẽ gặp căng thẳng. Chưa kể các đợt nắng nóng cực đoan vốn vẫn thường làm chảy dây cáp điện, cháy trạm biến áp và thường xuyên gây ra các sự kiện gián đoạn nguồn điện – như thực tế đang xảy ra ở Jacobabad, Portland hay Vancouver.




Nhiều người dân ở Bắc Mỹ đang phải lánh nạn trong những trạm làm mát như thế này.

Sự thật là chúng ta chưa có công nghệ và một cơ sở hạ tầng đáp ứng được với một hành tinh đang nóng lên. Lewis cảnh báo tại một số thành phố như Jacobabad, các chu kỳ nắng nóng sẽ ngày càng dày đặc biến nó trở thành địa điểm không thể sinh sống được. Vậy điều gì sẽ xảy ra sau đó?




Đã có những làn sóng người di tản khỏi Jacobabad, không chỉ người nghèo, những người vô gia cư, mà cả những người có của cải và tài sản. Nhưng giống như một cuộc tị nạn chiến tranh, bạn sẽ không thể bán ngôi nhà của mình khi nó đang ở trong vành đai loạn lạc. Một ngôi nhà ở Jacobabad sẽ mất hết thanh khoản nếu thành phố này trở thành một nơi không thể sinh sống.

Những dòng người tị nạn có lẽ sẽ chỉ còn quần áo mang theo, một ít tiền mặt và cùng lắm là thêm một chiếc xe van nhỏ. Nếu các khu vực láng giềng không có chính sách tiếp nhận những công dân này – mà đa số họ sẽ không muốn cho nhập cảnh – một làn sóng bất ổn xã hội sẽ xuất hiện.

Nghe có vẻ không giống lắm một kịch bản có thể xảy ra ở các nước phát triển như Mỹ và Canada ngày nay. Nhưng thực sự thì nó có khả năng xảy ra hay không?

Hãy xem xét đến những đợt siêu hạn hán mà miền Tây nước Mỹ đã phải đối mặt trong những năm gần đây. Hiện tại, hầu hết mọi người đều giả vờ rằng đó không phải một vấn đề quá lớn. Hạn hán thường diễn ra và kết thúc, sau đó những cơn mưa sẽ trở lại, tưới tắm đất đai và hạ nhiệt.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu những cơn mưa trong tương lai không tới nữa?




Đầu tiên, các khu vực nông thôn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hạn hán kéo theo mất mùa, đói kém và khủng hoảng lương thực. Làn sóng này sẽ đẩy đoàn người di dân vào bên trong các thành phố. Ở đây, họ cạnh tranh việc làm, đẩy giá lao động xuống một ngưỡng thấp đến nỗi không đủ để chu cấp cho cuộc sống của chính mình.

Và khi khủng hoảng lương thực đã bắt đầu, chẳng hạn như trận hạn hán lớn ở miền Tây đang biến những thung lũng nông nghiệp ở California từ tươi tốt trở nên khô cằn, nó sẽ lan dần sang phía đông giống như một căn bệnh ung thư.




Sau đó thì sao? Những làn sóng tị nạn trong tị nạn mới sẽ xuất hiện. Tị nạn khí hậu? Thậm chí chúng ta còn chưa có từ nào để đặt cho họ, những người đang trốn chạy khỏi cái nóng khắc nghiệt, sự thiếu hụt nguồn nước và lương thực.

***

Một hành tinh nóng lên là một hành tinh đang chết. Trái Đất đang chết theo nghĩa đen của nó, khi Mặt Trời phình ra, một ngày nào đó sẽ biến hành tinh của chúng ta trở thành một hoang mạc như Sao Kim. Nhưng bản thân chúng ta cũng đang tự đốt nóng mình nhanh hơn với một nền công nghiệp xả thải khí nhà kính.

Chúng ta, chúng ta của thế hệ này, sẽ không sống được đến lúc Mặt Trời trở thành một ngôi sao khổng lồ đỏ. Nhưng nhiều người đang sống sẽ có thể sống đủ lâu để chứng kiến một mức tăng 3oC vào gần cuối thế kỷ. Trái Đất đang nóng lên cực kỳ nhanh, có lẽ nhanh hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử của nó.

Các sinh vật không thích nghi được với nhiệt độ mới sẽ chết. Rất nhiều sinh vật sẽ chết, hàng nghìn tỷ trong số chúng. Cây cối, côn trùng, động vật, các loài cá… Những dòng suối cạn, sông trơ đáy và đại dương chỉ còn muối. Con người chúng ta cuối cùng cũng chịu chung số phận.

Có thể thấy, loài người sẽ không thể tồn tại nếu cứ giữ lối sống như hiện nay. Chúng ta không thể sử dụng công nghệ để chống lại các mối đe dọa hiện hữu ngay trước cửa nhà mình.


Bạn không thể bật điều hòa để ngăn chặn biến đổi khí hậu. Chúng ta cũng không thể sử dụng những đặc điểm văn hóa, những giá trị, chuẩn mực và thể chế hiện có để chống lại chủ nghĩa vật chất, lòng tham, sự ích kỷ và sự thờ ơ.

Loài người rõ ràng đang trên con đường đi tới thảm kịch cuối cùng của chính mình. Khi một thành phố ôn đới có nhiều lò sưởi hơn điều hòa phải chứng kiến mức nhiệt nóng gần bằng xích đạo, nó cho thấy chúng ta đang bị nấu chín.

Vòm nhiệt ở Tây Bắc Thái Bình Dương không phải là một đợt nắng nóng, nó là dấu hiệu cho thấy hành tinh đang chết dần.

Nguồn: Genk – Theo Aand

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *