Lục Nhâm là một loại kỳ thuật có từ thời Trung Quốc cổ đại. Cùng với Thái Ất và Kỳ Môn Độn Giáp, chúng được gọi là “tam đại chiêm bốc thuật” cổ xưa.
Cao thủ Lục Nhâm nói chính xác ngày cây bị sét đánh và nơi 2 tướng cướp ẩn trốn. (Ảnh: Pixabay)
Tương truyền, Lục Nhâm có nguồn gốc từ Hoàng Đế, sau này được một người tên là Quản Lộ kế thừa và phát dương quang đại. Do đó, hầu hết mọi người đều coi Quản Lộ là tôn sư. Môn này không phải là đồ đệ tìm sư phụ, mà là sư phụ chọn đồ đệ để truyền. Vì vậy, người học tuy rất nhiều, nhưng số người có thể học thành cao thủ và hiểu được những điều huyền diệu trong đó thì ít vô cùng ít, có thể nói là hiếm như lông phượng sừng lân.
Cao thủ Lục Nhâm Thẩm Đan Thái
Về phần Thẩm Đan Thái, có thể nói ông có trí huệ thiên bẩm về phương diện này, là một cao thủ hiếm có của Lục Nhâm. Thẩm Đan Thái quê gốc ở Gia Định, Chiết Giang, sau đó chuyển đến Lục Gia Tân ở Côn Sơn, từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, do một tay tổ phụ (ông nội) nuôi dưỡng thành người.
Ông nội của Thẩm Đan Thái có một người anh rể tên là Đường Ông, là người tinh thông Lục Nhâm. Đường Ông không có con, thấy Thẩm Đan Thái tài năng và thông minh thì vô cùng yêu quý. Ông thấy Thẩm đang học về Lục Nhâm nên đã dạy anh kỳ thuật này, ông còn truyền một cuốn cổ thư viết về thuật Lục Nhâm cho Thẩm.
Bìa trong cuốn sách có viết: “Sách của Nguyên Nữ ban cho Quản Lộ. Ngọc Trướng, Trung Hoàng, có thể thấy được bí mật diệu huyền. Nếu gặp đúng thời, tận trung báo đáp. Không được trọng dụng thì cất giấu kỹ, là báu vật giấu trong gối. Bán hoặc cho mượn, đều là bất hiếu”.
Ý nghĩa đại khái là: Cuốn sách này do trưởng nữ của Võ Vương để lại, sau đó được Quản Lộ và Thiệu Ngạn Hòa truyền thừa, sau này có những kiệt tác kinh điển như “Lục Nhâm Ngọc Trướng Ca” và “Ngũ Biến Trung Hoàng Kinh”. Phải bí mật nghiên cứu những điều huyền diệu ẩn chứa bên trong. Nếu gặp được đúng người thì có thể tận trung báo đáp, nếu không thì giấu đi như vật báu, nếu tùy tiện đưa cho người khác thì là bất hiếu.
Đường Ông truyền kỳ thuật Lục Nhâm và một cuốn cổ thư cho Thẩm Đan Thái. (SOH)
Đường Ông từng nói với ông nội của Thẩm Đan Thái rằng: “Đạo được giảng trong cuốn sách này đã không được truyền lại trong 40 năm. Con trai của ông mất sớm, cháu nội sau khi sinh ra lại có đồng tử đôi, có thể truyền dạy thuật này” (Theo sử sách ghi lại, trong lịch sử chỉ có 8 người có đồng tử đôi là Thương Hiệt, Ngu Thuấn, Trùng Nhĩ, Hạng Vũ, Lã Quang, Cao Dương, Ngư Câu La, Lý Dục).
Sau này Thẩm Đan Thái sinh ra đã có đồng tử đôi, thông minh hơn người, đặc biệt rất có ngộ tính về tướng học, chiêm bói và Kinh Dịch.
Hứa Trọng Nguyên làm quan tri huyện vào thời nhà Thanh, ông là tác giả cuốn “Tam Dị Bút Đàm”. Vị tri huyện này từng đọc và giao lưu với Thẩm Đan Thái về cuốn “Thông Chí Đường Kinh Giải”. Thẩm đều nói được đại khái cuốn sách này giảng về điều gì, thậm chí là chỗ hay chỗ dở của nó.
Sau đó, khi nói về bốc (bói bằng mai rùa) và phệ (bói bằng cỏ thi) trong Dịch học, Thẩm Đan Thái nói rằng không thể không coi trọng tâm tính. Do đó, ông có những kiến giải riêng về Vương Dương Minh và Trình Di, Trình Hiệu. Ông nói, ông thích nhất là sách về Dịch học của hai vị quan triều Minh là Hoàng Đạo Chu và Nghê Nguyên Lộ.
Toán được nguồn gốc của cây, ngày cây bị sét đánh chết
Trên lăng mộ tổ họ Tào ở Lâm Đường, Tây Sơn bỗng mọc lên một cái cây. Quả mọc trên đó rất lạ, năm nay ra quả đào, năm sau ra quả mận, năm Tý ra quả dưa, năm Sửu ra quả đậu, biến hóa bất thường. Từng có đưa bé nghịch ngợm ăn quả trên cây, ăn xong liền chết, nên người dân gọi đây là cây độc.
Mọi người cảm thấy rằng Thẩm Đan Thái thấy nhiều biết rộng, bèn hỏi ông chuyện này. Thẩm Đan Thái bốc một quẻ rồi nói: “Có một con chim biển ngậm hạt giống và bay qua đại dương tới đây, con chim bay mệt nên đã làm rơi hạt giống xuống, mọc ra cái cây này. Cái cây này sẽ bị sét đánh vào giờ Thân, ngày Thân, tháng Thân, năm Thân”.
Mọi người cho rằng Thẩm Đan Thái nói quá. Đến tháng 7 (tháng Thân) năm Bính Thân, quả nhiên cây kia bị sét đánh chết. Sau đó, mọi người chẻ cây lấy gỗ cho Thẩm Đan Thái xem, thì thấy gỗ giống cây dương nhưng lại có mùi thơm nồng. Tri huyện Hứa Trọng Nguyên cũng tận mắt chứng kiến việc này.
Nguyên nhân Thẩm Đan Thái không có tử tôn
Chú vợ của Hứa Trọng Nguyên, họ Dương, đã nhờ Thẩm Đan Thái xem điềm cát hung cho ông. Đúng lúc này nhà họ Dương đang làm lễ “thỉnh Tiên giáng bút”.
“Thỉnh Tiên giáng bút” là một hình thức tiên tri lưu truyền ở Trung Quốc. Đây là một phương pháp tiên đoán có nguồn gốc từ Đạo giáo. Phương pháp này sau đó cũng lan ra các nước Á Đông, ở Việt Nam gọi là “giáng bút”, “cơ bút”. Loại hình này cần có một người trung gian là người viết ra chỉ dụ của Thần Tiên, gọi là “kê đồng”.
Khi này, kê đồng đột nhiên viết: “Thẩm Đan Thái đã ngồi thuyền đến nơi, đang dừng bên sông, mau đi mời ông ấy vào”.
Thẩm Đan Thái đã ngồi thuyền đến nơi, đang dừng bên sông, mau đi mời ông ấy vào. (Tranh của Đỗ Cẩn đời Minh)
Họ Dương vội mở cửa đi mời. Ngay khi vừa mở ra, đã thấy Thẩm Đan Thái đứng trước cửa, Thẩm Đan Thái cũng cảm thấy kỳ lạ. Người nhà họ Dương nói với Thẩm Đan Thái rằng, chính kê đồng đã nhắc nhở họ ra nghênh đón ông. Thẩm Đan Thái bước vào cửa và hành lễ với kê đồng.
Kê đồng đã viết một đoạn cho Thẩm Đan Thái: “Ông có biết tại sao ông không có con trai không? Tất cả là do ông thường hay dùng Thần thuật Lục Nhâm. Nếu ông có thể từ bỏ, ông có thể sinh con trai”.
Sau khi biết được nguyên do, từ đó trở đi Thẩm Đan Thái không còn bói toán cho người khác nữa.
Toán quái tìm ra nơi đạo tặc lẩn trốn
Một ngày nọ, khi trời vừa rạng sáng, có người dồn dập gõ cửa nhà Thẩm Đan Thái, khi mở cửa ra thì đó là tri huyện Gia Định (không phải Hứa Trọng Nguyên). Thẩm Đan Thái mời tri huyện vào nhà, tri huyện quỳ sụp xuống nói với Thẩm Đan Thái: “Hạ quan gặp phải chuyện gấp, không ai có thể giúp tôi ngoài ngài”.
Thẩm vội hỏi chuyện, hóa ra là hai tên tướng cướp sông biển đã trốn thoát khỏi đại lao.
Tri huyện nói với Thẩm Đan Thái: “Tôi đã phái bốn mươi sai dịch tinh nhuệ, bốn thuyền gỗ với tám mái chèo, chia thành bốn mũi điều tra để truy bắt bọn chúng, nhưng không có kết quả. Bây giờ tôi chỉ có thể nhờ ngài tính toán giúp nên đến đâu để bắt hai tên tướng cướp sông biển đó”.
Thẩm Đan Thái tính toán rồi nói với tri huyện: “Đừng lo lắng, ông phái hai chiếc thuyền đi lên phía bắc hai mươi dặm, rồi rẽ sang phía đông. Ở đó có một ngôi miếu cổ bỏ hoang. Bên ngoài ngôi cổ miếu có một cây to, trên cây có một tổ chim. Hai tên tướng cướp đang ngủ say trong miếu, có thể dễ dàng bắt chúng”.
Sau đó Thẩm Đan Thái đi chuẩn bị bữa sáng, trước khi dùng bữa, liên tiếp có người tới báo tin vui. Sau khi kể về chuyện đã xảy ra, có người van xin Thẩm Đan Thái xem quẻ cho.
Thẩm Đan Thái kể lại cho người đó 2 câu chuyện trên, rồi ông nói: “Đương nhiên là đạo tặc phải chết. Dù ta không giết người, người cũng vì ta mà chết, đây mới là nguyên nhân khiến ta không có tử tôn. Ta không thể mang tấm thân 50 tuổi không có con trai này ra đánh cược được”.
Không tùy tiện truyền Thần thuật
Về sau, Hứa Trọng Nguyên muốn học Lục Nhâm từ Thẩm Đan Thái, nhưng Thẩm Đan Thái nói: “Ông vẫn chưa tinh thông thiên văn lịch pháp. Nếu mặt trời đi qua cung, ông không thể tính toán chính xác, vậy làm sao có thể xác định được nguyệt tướng?”.
Thế là Hứa Trọng Nguyên đành từ bỏ.
Lục Nhâm, hay những môn pháp siêu thường khác, không phải là thứ có thể tùy tiện truyền thừa, không phải là đồ đệ tìm sư phụ, mà là sư phụ chọn đồ đệ, phải xem tâm tính và ngộ tính của người cầu học.
Nguồn: NTDVN
- Xuất hiện thuồng luồng dài 30m trên sông ở Malaysia, “Rồng biển” xuất hiện ở Việt Nam qua lời kể của nhân chứng?
- Thăm nơi an nghỉ của Hàm Hương có thật ngoài đời
- Ảnh hiếm về cựu hoàng Bảo Đại – vị vua cuối cùng giữ ấn Hoàng đế chi bảo