Người đàn ông tự treo cổ mình 12 lần

Người đàn ông trong hình là Nicolas Minovici – một nhà khoa học pháp y và tội phạm học người Romania. Ông nổi tiếng với các nghiên cứu điều tra về mối liên hệ giữa xăm mình và hành vi phạm tội nhưng đặc biệt nhất là nghiên cứu về treo cổ và ảnh hưởng sinh lý của nó đối với cơ thể con người. Để thực hiện nghiên cứu có tên “Studies on Hanging”, ông đã tự treo cổ mình 12 lần. Đây được xem là một trong những thử nghiệm điên rồ nhất mà con người từng thực hiện.

Khi còn làm giáo sư khoa học pháp y tại Trường khoa học quốc gia tại Bucharest, Minovici đã bắt đầu nghiên cứu những tác động của việc treo cổ đối với con người. Trong thí nghiệm đầu tên, Minovici đã thiết kế một chiếc thòng lọng gắn với ròng rọc và lực kế treo trên trần nhà. Đặt thòng lọng vào cổ, ông kéo đầu kia của sợi dây hết sức có thể. Ngay lập tức mặt ông chuyển sang màu đỏ, ông nghe thấy tiếng rít kéo dài bên tai, thị giác mờ đi và chỉ sau 6 giây, ông mất ý thức. Hệ thống này cho phép Minovici ngừng kéo dây vào đúng thời điểm ông sắp bất tỉnh.

Trong giai đoạn thử nghiệp tiếp theo, ông yêu cầu các trợ lý kéo dây nâng mình lên và dùng nút thắt không siết. Mỗi giây họ sẽ đếm thật to để ông có thể nghe thấy cho đến khi tai ù đi. Ngay lần đầu tiên treo cổ bằng cách này, khi ông được kéo lên, chân chỉ vừa rời sàn thì ông nhận thấy một cơn đau dữ dội xuyên qua cổ họng vì đường thở bị bóp nghẹt, mắt vô tình nhắm lại. Minovici điên cuồng ra hiệu cho các trợ lý dừng lại sau chỉ vài giây.

Không nản lòng, ông quyết định “tập treo cổ”. Ông nói: “Tôi tự treo cổ mình 6 7 lần trong từ 4 đến 5 giây để làm quen”. Sau cùng, Minovici đã có thể chịu được đến 25 giây khi treo cổ ở tư thế bình thường với chân lơ lửng cách sàn vài mét nhưng đổi lại, ông bị đau cổ và cổ họng dữ dội trong 2 tuần.




Tuy nhiên, Minovici vẫn chưa dừng lại bởi ông vẫn chưa sử dụng nút thắt thòng lọng (Hangman) – loại nút thắt mà người treo cổ tự sát hay sử dụng. Vì vậy, ông muốn “treo cổ như một người đàn ông thực sự”! Ở thử nghiệm cuối cùng, ông đã sử dụng sợi dây với nút thắt Hangman, đặt vào cổ và ra hiệu cho phụ tá kéo dây lên. Ông chỉ có thể chịu đựng cơn đau trong vòng 4 giây trước khi phải dừng lại. Lúc đó chân ông vẫn chạm đất nhưng thử nghiệm này đủ khiến cổ họng của ông bị tổn thương và phải mất một tháng sau ông mới ăn uống trở lại bình thường.




Ông cũng thực hiện thí nghiệm ngạt thở trên những tình nguyện viên bằng cách tạo áp lực lên động mạch cảnh và tĩnh mạch cảnh của họ trong tối đa 5 giây, đến khi mặt của họ đỏ bừng, sau đó ghi chép những gì họ trải qua như các vấn đề thị giác, dị cảm (cảm giác ngứa ran hay tê bì chân tay), cảm giác nóng ở đầu và ù tai.




Minovici đã công bố nghiên cứu về treo cổ dài 200 trang với 2 ngôn ngữ. Phiên bản tiếng Romania được phát hành vào năm 1904, bản tiếng Pháp phát hành năm 1905. Nghiên cứu của ông không chỉ giới hạn ở những thí nghiệm treo cổ mà còn có hồ sơ lâm sàng, số liệu thống kê liên quan, thông tin về nút thắt thường được các nạn nhân tự sát sử dụng, ghi chú giải phẩu … từ đó đã đóng góp không nhỏ cho y học và khoa học pháp y.




Nicolas Minovici mất vào ngày 26 tháng 6 năm 1941 vì một căn bệnh ảnh hưởng đến dây thanh quản. Ông được nhớ đến là một con người giàu lòng nhân ái khi phần lớn cuộc đời ông dành để giúp đỡ những người yếu thế, người nghèo ở Romania vào đầu thế kỷ 20. Ông đã thành lập một trong những dịch vụ cấp cứu đầu tiên, cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ cho hơn 13 ngàn người vô gia cư và tạo cơ hội cho họ làm việc cho các đơn vị phản ứng nhanh. Ông thậm chí còn được bầu làm thị trưởng của quận Băneasa và sau này ông sáng lập Hiệp hội y học pháp lý Romania và xuất bản tạp chí y học pháp lý Romania. Ông qua đời khi vẫn còn độc thân và những di sản của ông, bao gồm cả ngôi nhà và bộ sưu tập nghệ thuật dân gian Romania được để lại cho đất nước. Ngôi nhà của Minovici hiện là một bảo tàng dân tộc học.
Nguồn: TT


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *