Tần Thủy Hoàng giết sạch người xây mộ, vì sao 100 năm sau Tư Mã Thiên vẫn biết?

Lăng mộ nổi danh của Tần Thủy Hoàng (Tần Vương) đến nay vẫn chưa được khai quật hết dù công nghệ có hiện đại. Một trong những điểm khiến nó gây chú ý là bởi sự tàn bạo trong quá trình xây dựng. Khi tất cả đã hoàn thành, Tần Thủy Hoàng để đảm bảo bí mật đã ra lệnh đóng cửa hầm mộ chôn sống những người thợ tham gia xây dựng. Vậy tại sao 100 năm sau Sử gia Tư Mã Thiên vẫn có những ghi chép khá chi tiết về lăng mộ này?

Trước hết phải khẳng định, thời đại Tư Mã Thiên sống dưới triều Hán dù là Trung Quốc phát triển rất thịnh vượng nhưng cũng không bao giờ đủ công nghệ tiên tiến để đào hay khai phá lăng mộ cổ dưới lòng đất này.

Mãi đến năm 1974 người ta mới tìm ra từng bước khai quật cho tới nay. Như vậy Tư Mã Thiên đã phải dựa vào yếu tố khác để tìm hiểu về lăng mộ. Ông đã làm thế nào?

Dựa vào tài liệu thời đại trước

Tư Mã Thiên không chỉ sống trong thời thịnh trị của nhà Hán mà được sinh ra trong một gia đình quan lại với truyền thống học rộng hiểu nhiều. Cha ông là Tư Mã Đàm, dưới thời Hán Vũ Đế giữ chức Thái Sử lệnh.

Có thể nói từ nhỏ Tư Mã Thiên đã nhận được sự giáo huấn rất tốt. Ông được tiếp xúc với những loại sách văn học, sử học từ rất sớm. Trong tư duy của ông đã hình thành quan điểm khi tìm hiểu về sử học thì phải tìm hiểu nhiều nguồn tài liệu khác nhau và phải có tư tưởng khách quan nhất.




Có thể nói, chính vì sinh ra trong gia đình hiếu học nên Tư Mã Thiên đã có cơ hội tiếp cận sách vở, tư liệu mà đa phần người dân trong chế độ phong kiến không có cơ hội sở hữu.

Minh họa sử gia Tư Mã Thiên thời nhà Hán. (Ảnh: k.sina.com.cn).

Về lăng mộ Tần Thủy Hoàng, dường như Tư Mã Thiên nắm khá rõ về sự tồn tại của nó. Cụ thể, trong Sử ký “Tư Mã Thiên” có đoạn chép: “Khi việc lớn đã xong, để che giấu tất cả, những người thợ từ khu trong, khu giữa hay vòng ngoài đều bị đóng cửa nhốt lại hết, không thể ra ngoài”.

Điều này cho thấy tất cả những người tham gia xây dựng đã bị nhốt đương nhiên là chết ở trong chính công trình mà mình xây dựng. Sử ký Tư Mã Thiên còn mô tả chi tiết hơn: “Khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi đã chọn núi Ly Sơn để xây mộ, sau này thống nhất thiên hạ thì đưa tới đây 700.000 lượt người, đào ba đường suối để làm lối dẫn vật liệu, đồ dùng vào trong, đem cả những vật quý giá, sang trọng vào cùng.

Trên đường vào thiết lập công cụ tự động bắn cung tên đề phòng kẻ xâm nhập. Còn đem cả thủy ngân đổ xuống để tạo thế như sông Hoàng Hà, Trường Giang chảy ra biển lớn. Trên có trời cao dưới có đất vững, đem dầu cá đốt làm đèn, với tính toán hi vọng sao cho đèn cháy mãi về sau”.




Nếu nhìn vào những gì Tư Mã Thiên viết trong Sử Ký, thì như thể ông là một nhân chứng sống tham gia xây dựng dù thời đại Tần Thủy Hoàng trước ông cả trăm năm.

Như đã nói, Tư Mã Thiên là người được đọc rất nhiều sách văn sử, trong số đó chắc chắn có sách vở còn được lưu giữ từ thời nhà Tần dù Tần Thủy Hoàng từng hạ lệnh đốt sách trong thiên hạ. Đặc biệt, với một đại công trình như lăng mộ đế vương (so với ngày nay vẫn là rất lớn) thì đương nhiên phải có sự tính toán kỹ lưỡng trong thiết kế và thi công.

Những tính toán đó sẽ được ghi lại trong nhiều tài liệu và lưu giữ trong cung. Từ việc thiết kế ra sao, khảo sát thế nào, gặp trục trặc gì, số lượng người tham gia là bao nhiêu, sử dụng vật liệu gì,… tất cả đều phải được chép lại.

Khi nhà Tần suy vong, khởi nghĩa nổ ra khắp nơi trong đó nổi tiếng nhất là hai cuộc khởi nghĩa của Lưu Bang và Hạng Vũ. Cuối cùng Lưu Bang giành thắng lợi và lập ra nhà Hán đầy huy hoàng. Trong quá trình khởi nghĩa chống nhà Tần thì quân đội của Lưu Bang đã tiến đánh kinh đô Hàm Dương của nhà Tần trước quân đội của Hạng Vũ.

Khi đến nơi, quân lính và tướng sĩ đã tiến hành cướp bóc của cải, vũ khí, nô lệ để mang đi chứ không hề quan tâm đến tư liệu và sách vở. Chỉ có Tiêu Hà – là quân sư phò tá Lưu Bang, sau này là thừa tướng đầu tiên của nhà Hán đã sai người đi tìm và đem mọi văn vật, tài liệu, sách vở quý giá trong kinh đô nhà Tần đem về cất giữ.




Trong đó, có cả các tài liệu ghi chép lại quá trình xây dựng lăng mộ bề thế kia. Và đây là một may mắn cho các học giả hậu thế, bao gồm cả Tư Mã Thiên. Ông đã dựa vào các tài liệu này để phân tích, nghiên cứu và tổng hợp rồi đưa vào bộ Sử ký nổi tiếng của mình.

Một tài liệu cổ từ thời Tần. (Ảnh: k.sina.com.cn).

Dựa vào những câu chuyện trong dân gian

Nghe có vẻ hơi thiếu thuyết phục về mặt khoa học nhưng việc dựa vào những câu chuyện dân gian để tìm hiểu lịch sử vẫn khả thi. Vậy nếu những người xây dựng lăng đã nhốt đến gần bị chôn sống thì làm thế nào tìm hiểu qua cách này?

Đầu tiên, phải nhìn lại quá trình xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Quá trình này kéo dài tới… 38 năm, huy động 700.000 lượt người. Nếu một người đàn ông khỏe mạnh bắt đầu xây lăng từ năm 20 tuổi thì khi lăng hoàn thành anh ta cũng đã 60 tuổi (mà với tuổi thọ trung bình thời xưa thì ai sống đến 60 tuổi là khá hiếm).

Vậy thì khó có chuyện một người sẽ tham gia từ đầu đến cuối. Những nhóm người, lượt người sẽ thay nhau đến để làm thợ xây dựng lăng. Hơn nữa, hầu hết những người đến làm việc là những thành phần bị coi thường trong xã hội, chủ yếu là tù nhân, hàng binh, nông dân không còn ruộng đất, …




Trong điều kiện kham khổ và nguy hiểm khi làm việc ở công trình lăng mộ, có nhiều người đã chống đối và trốn thoát. Việc giữ bí mật cho dù là đã sử dụng biện pháp tàn bạo cũng khó lòng bịt được mọi thông tin.

Để xây những kỳ quan làm nên tên tuổi của mình, Tần Thủy Hoàng đã vô cùng tàn nhẫn. (Ảnh: tamnhinrong.org).

Thêm vào đó, việc lựa chọn địa điểm xây lăng và chỉ đạo quá trình tiến hành xây dựng ban đầu được trao cho Lã Bất Vi. Đến khi Tần Thủy Hoàng hoàn thành cuộc chiến thống nhất Trung Hoa thì lại được giao cho Tả thừa tướng Lý Tư.

Rồi đến khi Tần Thủy Hoàng chết thì con trai ông là Tần Nhị Thế vẫn tiến hành tu bổ, sửa sang lại lăng, cho trồng rất nhiều cây để ngụy trang thành một quả đồi. Như vậy, lăng mộ tuy xây xong nhưng sau đó vẫn cần có người chăm sóc, cải tạo.

Khi nhà Tần suy vong, các cuộc khởi nghĩa nổ ra uy hiếp triều đình thì Tần Nhị Thế cần có lực lượng đàn áp, thừa tướng quyền lực nhất dưới thời Tần Nhị Thế là Triệu Cao đã hiến kế rằng để có thêm lực lượng bảo vệ triều đình và dập tắt khởi nghĩa thì có thể huy động cả những người đang tham gia trông giữ, tu sửa lăng mộ.


Tần Nhị Thế đồng ý. Như vậy là những người biết và đang làm các công việc liên quan đến lăng Tần Thủy Hoàng đã tham gia vào quân đội chứ không bị thủ tiêu, nếu họ tiếp tục ở lại làm việc, ai dám chắc họ không bị giết hay chôn sống như những người trước đây ?

Có thể thấy, dù tàn bạo và tham vọng, dù muốn yên nghỉ vĩnh viễn và che đậy mọi tung tích về “thế giới bên kia” của mình, Tần Thủy Hoàng cũng không thể thành công.

Nguồn: DV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *