Hai triều đại nối tiếp, tại sao mộ nhà Minh không ai động tới mà mộ nhà Thanh lại bị trộm không sót lăng nào?

Đối với các vị hoàng đế, xây lăng mộ là một việc vô cùng quan trọng, chẳng hạn như Tần Thủy Hoàng đã bắt đầu xây lăng mộ từ khi còn sống. Ngoài Tần Thủy Hoàng, những hoàng đế khác của Trung Hoa cũng rất quan tâm tới vấn đề này, nhiều người vì sợ mộ bị lộ mà nhẫn tâm giết cả công nhân xây dựng. Tuy nhiên, hàng ngàn năm sau, rất nhiều ngôi mộ lần lượt bị trộm mộ phát hiện.

Nói đến nạn trộm mộ, phải nói đến mộ nhà Thanh, hiện nay gần như không còn sót một lăng mộ nào là chưa từng bị trộm dòm ngó. Trong đó vụ trộm mộ kinh thiên động địa phải kể đến năm 1928, tên lãnh chúa quân phiệt Tôn Điện Anh cho người lục tung cả mộ của Càn Long và Từ Hy Thái Hậu rồi lấy hết tất cả vàng bạc châu báu, năm 1938 mộ của hoàng đế Quang Tự cũng bị trộm.

Số phận trái ngược của hai triều đại nối tiếp

Tính đến năm 1945, hầu hết các lăng mộ của hoàng tộc nhà Thanh đều bị mộ tặc tấn công. Phải nói rằng nhà Thanh thật sự rất đáng thương, đến sau khi chết cũng không được mồ yên mả đẹp. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, về cơ bản mộ của các hoàng đế nhà Minh chưa hề bị trộm mộ viếng thăm.

Cùng là hoàng đế, tại sao các hoàng đế nhà Minh lại may mắn như vậy? Ở đây, các nhà khảo cổ đã chỉ ra ba nguyên nhân cơ bản làm nên sự khác biệt của hai triều đại này.




Thanh Đông Lăng (trái) và Minh Thập Tam Lăng (phải). (Ảnh: Internet).

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là cấu trúc mộ của hai triều đại này không giống nhau. Lăng mộ của nhà Minh có kết cấu giấu cửa ra vào, rất khó tìm thấy. Vị học giả và nhà chính trị nổi tiếng Trung Quốc Quách Mạt Nhược từng muốn thâm nhập vào trong mộ của Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc, nhưng ông phải tốn hơn một tháng mới tìm thấy cửa mộ.

Không chỉ có vậy, kết cấu dưới lăng mộ nhà Minh vô cùng phức tạp, đường cong queo, lối vào cũng được bố trí rất ngẫu nhiên nên trộm mộ thường sớm bỏ cuộc.

Nguyên nhân tiếp theo chính là vị trí của lăng mộ. Lăng mộ của nhà Minh thường được xây rất gần kinh thành bởi vì các vị hoàng đế đầu tiên đều cho rằng vị trí của lăng mộ không chỉ có ý nghĩa về mặt phong thủy mà còn có giá trị về mặt quân sự, có thể trở thành nơi hiểm yếu bảo vệ kinh đô khi cần thiết.

Các lăng mộ đều được đặt dưới sự giám sát trực tiếp của triều đình, nên trộm mộ không dám lui tới.

Nhà Thanh thì không như vậy, họ thích những nơi có phong thủy tốt như rừng núi hoang vu, sơn thủy hữu tình, bởi thế rất khó giám sát.




Trộm mộ hoành hành thời kỳ quân phiệt Trung Quốc. (Ảnh: Internet).

Nguyên nhân cuối cùng phải nói đến yếu tố may mắn. Dù nhà Minh đã bị nhà Thanh lật đổ nhưng các hoàng đế nhà Thanh đều đối xử rất hậu với các lăng mộ tiền triều. Khang Hy và Càn Long từng đến hành lễ tại lăng mộ Chu Nguyên Chương, cho tu sửa Thập Tam Lăng… Lăng mộ nhà Minh đều được bảo vệ ở thời bình.


Không có được may mắn như vậy, cuối thời nhà Thanh, các lăng mộ dù được xây dựng xa hoa lộng lẫy bao nhiêu cũng được chăm sóc tốt vì thế thời nhiễu nhương, loạn lạc. Khi Trung Quốc vừa lập lại hòa bình, chính phủ cũng bận rộn với việc kiến thiết mà chưa có thời gian chăm lo bảo tồn các di tích lịch sử phong kiến.

Có thể nói, các lăng mộ nhà Thanh được xây dựng trên quy mô lớn, tập trung, xa hoa ngút trời, lại xa kinh thành, gặp thời loạn lạc quân phiệt cát cứ nên việc bị trộm là không tránh khỏi.

Nguồn: KH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *