Ẩn số về chiếc bát vàng giá 17 tỷ đồng của vua Khải Định

Giới nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Việt Nam từng có ý kiến nghi ngờ về chất lượng của chiếc bát bằng vàng này. Có người cho rằng chiếc bát không đạt được đến độ tinh xảo thường thấy ở các đồ tạo tác thời Khải Định.

Chiếc bát vàng được đấu giá: Ảnh: Millon.

Vào tối 31/10 vừa qua (theo giờ Paris, Pháp), một hiện vật lịch sử đặc sắc của nhà Nguyễn đã được hãng đấu giá Millon của Pháp đưa ra đấu giá.

Hiện vật được đặt tên là “Bát vàng quý hiếm”, được hãng Millon đánh số 329, triều đại vua Khải Định (1916-1925), thuộc lô 100 trong phiên Bán hàng nghệ thuật Việt Nam, có giá khởi điểm là 15.000 euro (370 triệu đồng).

Trong cuộc đấu giá, chiếc bát vàng này được “chốt giá” với mức 680.000 euro (16,7 tỷ đồng).

Theo hồ sơ hiện vật, chiếc bát vàng thời Khải Định có đường kính miệng cao 10,4 cm, cao 7 cm, nặng 456,6 g, trước kia nằm trong bộ sưu tập của một bác sĩ làm việc ở Huế trong thế kỷ 20.

Mặt ngoài thân bát chạm trổ các đồ án: rồng mặt nạ, long hí thủy (rồng giỡn với nước), hốt như ý và thủy ba văn (văn sóng nước).

Lòng bát bọc khắc nổi ba đồ án lưỡng long triều thủy (hai con rồng chầu cột nước) và khắc nổi bốn chữ: 啟定年造 (Khải Định niên tạo) ở chính giữa; phía trên bọc một lớp thủy tinh màu nâu đậm.

Mặt dưới đáy bát có khắc nổi bốn chữ: 啟定年造 (Khải Định niên tạo: làm dưới triều Khải Định). Hiện vật có một vết nứt.

Trước phiên đấu giá, trong giới nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Việt Nam đã có một số ý kiến nghi ngờ về chất lượng của chiếc bát bằng vàng. Một nhà sưu tầm giấu tên cho rằng chiếc bát không đạt được đến độ tinh xảo thường thấy ở các đồ tạo tác thời vua Khải Định.

Chiếc bát vàng được đấu giá: Ảnh: Millon.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn, người có rất nhiều công trình nghiên cứu về cổ vật triều Nguyễn khẳng định đó chính là một cái bát mỹ nghệ cao cấp do cung đình nhà Nguyễn chế tác dưới thời vua Khải Định. Ông Sơn cho rằng, cái bát này được dùng để đựng những cây hoa thủy tiên trang trí vào các dịp lễ Tết, đặt trên các bàn trong điện của vua.


Theo ông, chiếc “Bát vàng quý hiếm” giá chục tỷ đồng này chỉ là một mỹ nghệ phẩm phục vụ sinh hoạt của nhà vua hàng ngày, không có giá trị về mặt lịch sử như chiếc ấn Hoàng đế chi bảo, hiện vật đặc biệt của triều Nguyễn mà hãng Millon vừa tuyên bố lùi ngày đấu giá từ 31/10 sang 10/11.

Được biết, bên cạnh chiếc bát vàng thời vua Khải Định, trong buổi đấu giá 31/10, một kim bài thời Duy Tân (1907-1916) thuộc lô số 99 cũng được đấu giá thành công với giá trị 70.000 Euro (1,7 tỷ đồng), gấp gần 9 lần mức giá khởi điểm.
Nguồn: DV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *