5 công trình kỳ vĩ của Tần Thủy Hoàng khiến thế giới kinh ngạc

Tuy rằng Tần Thủy Hoàng chấp chính chỉ có 37 năm, nhưng lại hoàn thành rất nhiều công trình ‘vô tiền khoáng hậu’ với tốc độ đáng kinh ngạc…

Năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng bình định sáu nước, xây dựng một chính quyền thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. Sau đó bắt đầu tiến hành điều chỉnh chính trị trong nước với mức độ lớn, như: thống nhất cách cân đo, thống nhất chữ viết trong cả nước, thực hiện ‘tam công cửu khanh’ quản lý quốc gia đại sự… Đối ngoại thì có chống lại quân Hung Nô, nam chinh Bách Việt, hao tốn nguồn lực của cả nước, xây dựng được một số công trình vĩ đại. Tuy rằng Tần Thủy Hoàng chấp chính chỉ có 37 năm, nhưng lại hoàn thành rất nhiều công trình ‘vô tiền khoáng hậu’ với tốc độ đáng kinh ngạc, để lại rất nhiều giá trị lịch sử cùng kỳ quan thắng cảnh cho hậu thế. Có một số công trình đến nay vẫn phát huy được tác dụng, thật sự khiến người ta hết lời cảm phục và tán thán.

1. Tần Trực Đạo
Trong lịch sử ghi chép, Hạng Vũ đốt cung A Phòng, còn về cung A Phòng có thật sự tồn tại hay không? Hậu thế đã không thể kiểm chứng được nữa rồi. Nhưng Tần Trực Đạo là một công trình quan trọng có cùng quy mô như Vạn Lý Trường Thành, và lăng mộ Tần Thủy Hoàng thì vẫn được nhiều người đời sau biết đến.

Tần Trực Đạo phần lớn đều là tận dụng sự tiếp nối giữa các đoạn đường ở các nước trong thời kỳ Chiến quốc để hình thành, tổng chiều dài của công trình này là 800km, “Trực Đạo” này từ Lâm Quang Cung, Vân Dương, Hàm Dương (nay thuộc thôn Ngũ Lương Đế, huyện Thuần Hóa) ở miền Nam, kéo dài đến tận quận Cửu Nguyên (nay thuộc thôn Tây Nam Mạnh Gia Loan, thành phố Bao Đầu, Nội Mông Cổ) ở miền Bắc, nó đi qua 14 huyện thị thuộc Trung Quốc.

Theo lịch sử ghi chép: Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước, vì để chế ngự quân Hung Ngô xâm lược, năm 212 TCN, ông lệnh cho Đại tướng quân Mông Điềm thống lĩnh 10 vạn dân quân, chỉ mất thời gian hơn hai năm, đã xây dựng được một tuyến đường cao tốc. Chỗ rộng nhất của tuyến đường lộ này vào khoảng 60m, bình quân từ khoảng 20m đến 30m. Trong tình huống không có công cụ đo lường tại thời điểm đó, mà có thể mở thông giao lộ nhanh chóng như vậy là chuyện không dễ dàng chút nào. Bởi vì có một số địa phương phải băng qua đồi núi, vì vậy độ khó của công trình này là vô cùng lớn.

2. Đô Giang Yển

Đô Giang Yển (ảnh: Wikipedia)




Đô Giang Yển nằm ở thành phố Đô Giang Yển, tỉnh Tứ Xuyên, thuộc đoạn thượng lưu Mân Giang – tức phía tây đồng bằng Thành Đô. Đô Giang Yển bắt đầu được xây dựng vào năm 256 TCN bởi thái thú quận Thục của nước Tần là Lý Băng cùng con trai ông, đến nay đã có hơn hai ngàn năm lịch sử, đây là là công trình thủy lợi không có đập duy nhất, lâu đời nhất trên thế giới vẫn còn được sử dụng hết sức hiệu quả cho đến tận ngày nay.

Cha con Lý Băng dùng cách nhấn chìm lồng tre đựng đá xuống sông, dựng bờ kè thấp, xây dựng “miệng cá”, phá núi bằng cách đốt nóng và tưới nước lạnh, đục vách đá, đào “Bảo Bình Khẩu”, đơn giản dễ làm, chứng minh được nguyên lý “đại đạo chí giản chí dị”. Những phương tiện và kỹ thuật mà ông ứng dụng được chiểu theo tự nhiên, thuận theo chiều hướng có lợi mà làm, biến cái bất lợi thành có lợi, cách làm khéo léo như vậy chính là biểu hiện của “đạo pháp tự nhiên”, “thiên nhân hợp nhất”.

3. Vạn Lý Trường Thành

Vạn Lý Trường Thành (ảnh: Wikipedia)




Trước khi Tần Thủy Hoàng tiêu diệt sáu nước, trường thành là công trình phòng ngự của sáu nước. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước, năm 214 TCN ông phái đại tướng Mông Điềm đi đến phía Bắc đánh đuổi Hung Nô, chiếm được Hà Sáo, đồng thời nối liền các tường thành cũ của ba nước Tần, Triệu, Yên thành một bức tường thành dài hơn một vạn dặm kéo dài từ Lâm Thao, Cam Túc ở phía tây cho đến Liêu Đông của phía đông, bức tường thành này được gọi là “Vạn Lý Trường Thành”, chủ yếu dùng để phòng ngự Hung Nô mang quân tấn công vào miền Nam, lịch sử gọi là Tần Trường Thành.

Như đã nói ở trên, sau khi xây xong Vạn Lý Trường Thành, Tần Thủy Hoàng còn cho xây dựng Tần Trực Đạo thông thẳng đến Tần Hoàng Cung, để làm đường cao tốc quân sự, thuận tiện cho việc điều binh đi các nơi một cách nhanh chóng, đây cũng là một trong tám kỳ quan của thế giới.

4. Kênh Trịnh Quốc
Theo như “Hậu Hán Thư” ghi chép, việc xây dựng kênh Trịnh Quốc vốn dĩ là một gian kế của nước Hàn vào những năm cuối của thời kỳ Chiến Quốc. Nước Hàn phái gián điệp ra sức khuyên Doanh Chính (tức Tần Thủy Hoàng) khi ấy đang là Tần Vương xây dựng kênh Trịnh Quốc, dùng điều đó để tiêu hao quốc lực của nước Tần. Sau đó, mưu kế của nước Hàn bị bại lộ, Tần Vương muốn giết Trịnh Quốc, Trịnh Quốc nói rằng: “Lúc đầu thần là gian tế, nhưng nếu có thể xây thành công kênh này thì cũng là có lợi cho nước Tần. Thần chỉ kéo dài vận mệnh cho Hàn thêm vài năm, nhưng lại vì Tần mà lập được công lớn muôn đời”. Thế là, Tần Vương cho Trịnh Quốc tiếp tục xây dựng công trình này, mất khoảng 10 năm, xây dựng hoàn tất một công trình tưới tiêu dẫn nước vào Lạc Hà.




Từ đó nước Tần lại có thêm một công trình thủy lợi vĩ đại, tưới tiêu cho hàng vạn khoảnh ruộng ở Quan Trung, giúp Trung Nguyên trở thành một mảnh đất phì nhiêu, khiến nước Tần tăng trưởng thực lực kinh tế một cách đáng kể, công trình này cũng có cống hiến rất lớn trong việc ổn định an ninh lương thực, giúp Tần Thủy Hoàng đánh thắng sáu nước sau này.

Kênh Trịnh Quốc tuy là một công trình nhân tạo nhưng lại tuân theo quy luật tự nhiên, đưa dòng nước vào Lạc Hà, trải qua thời gian hai ngàn năm, kênh Trịnh Quốc cùng với những công trình thủy lợi khác được xây dựng trên cơ sở “thuận theo tự nhiên” qua các thời đại đã làm màu mỡ thêm cho mảnh đất Quan Trung, Trung Nguyên, bồi đắp sự huy hoàng cho các triều đại Tần, Hán, Đường…

5. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Lăng  mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở chân núi phía bắc núi của dãy núi Ly Sơn cách khu Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây 5km. Mặc dù hiện nay vẫn chưa khai quật toàn bộ, nhưng chỉ là một góc hầm binh mã dũng (đội quân đất nung) được đào lên từ lăng mộ Tần Thủy Hoàng, cũng đã được liệt vào một trong tám kỳ quan của thế giới.

Lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng (ảnh: Wikipedia)

Theo lịch sử ghi chép, năm thứ hai sau khi Tần Thủy Hoàng đăng cơ là ông đã bắt đầu chuẩn bị cho việc xây dựng lăng mộ. Lăng viên do Thừa tướng Lý Tư chỉ đạo việc quy hoạch và thiết kế, Đại tướng Chương Hàm giám sát công trình, huy động 720.000 người và mất thời gian 38 năm kiến thiết. Đây là một ‘hoàng cung’ được xây dựng dưới lòng đất to lớn hơn tất cả những công trình khác, cũng là một lăng tẩm đế vương có quy mô vĩ đại nhất và thiết kế hoàn thiện nhất trong lịch sử các triều đại Trung Hoa.


Theo ghi chép, bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng còn có các kiểu cung điện khác nhau, có rất nhiều kỳ trân dị bảo được trưng bày trong đó. Xung quanh lăng mộ Tần Thủy Hoàng có rất nhiều hầm mộ và hầm bồi táng với hình dáng và nội dung khác nhau, hiện nay người ta đã khám phá được hơn 400 hầm, trong đó bao gồm hầm binh mã dũng (hầm đội quân đất nung) nổi tiếng thế giới.

Nguồn: DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *