Tại Hàn Quốc năm 1998, khu vực Jeongsang-dong của thành phố Andong, tỉnh Gyeongsangbuk được chỉ định quy hoạch cải tạo thành khu dân cư mới. Đi cùng quyết định này, một số ngôi mộ vô chủ ở quanh đây sẽ được tiến hành di dời đến nơi khác.
Và trong quá trình ấy, người ta vô tình phát hiện ra một ngôi mộ chứa xác ướp cùng nhiều món đồ tùy táng. Nhìn tình trạng của quan tài còn khá tốt nên ngôi mộ được dự đoán có niên đại gần đây. Tuy nhiên sự thật lại không phải vậy.
Khi nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã tìm được một lá thư bên trong ngôi mộ. Dựa trên cách hành văn bằng chữ Hangeul và nội dung của nó, danh tính của xác ướp bên trong và cả niên đại 450 năm của ngôi mộ cổ được xác định.
Một số món đồ tùy táng tìm thấy bên trong ngôi mộ cổ hiện nay được trưng bày tại bảo tàng của Đại học Andong
Xác ướp bên trong là của một người đàn ông có tên Eung Tae. Gia đình ông gồm 4 người, 2 vợ chồng ông Eung Tae, một đứa con và tính cả đứa con trong bụng bà xã ông. Vào thời điểm đó, một căn bệnh truyền nhiễm đang hoành hành trong vùng và cướp đi mạng sống của nhiều người. Ông Eung Tae cũng không phải ngoại lệ, ông đã mắc bệnh và phải vĩnh biệt vợ con ở tuổi 31.
Khi tìm được xác ướp của ông, lá thư mà ông giữ khư khư bên mình khiến nhiều người không khỏi hiếu kỳ. Sau khi nghiên cứu, xác định lá thư tay được viết vào năm 1586 trên giấy Hanji, loại giấy truyền thống của Hàn Quốc, rộng 58cm và dài 34cm.
Người viết nó chính là vợ ông Eung Tae. Gọi chồng mình là “Cha bé Won”, người phụ nữ gửi gắm nốt những tâm tình xúc động dành cho người chồng giờ đã không còn. Lá thư thể hiện nỗi đau đớn khi âm dương cách biệt, sự thương cảm, xót xa cho chính bản thân mình và hai đứa con. Vợ giờ đã thành góa phụ còn con thì mồ côi cha.
Tình trạng của lá thư sau 450 năm
Không những nhắc nhở về những kỉ niệm đẹp của cả 2 khi ông còn sống, trong thư bà cũng trách ông nhiều thứ, bà trách ông đã hứa sống bên nhau đến già rồi đột ngột lại bỏ vợ bỏ con mà đi. Nhưng trách móc là vậy, cuối thư bà vẫn yếu đuối xin ông hãy trở về tìm bà trong những giấc chiêm bao. “Mỗi khi chúng ta nằm xuống bên nhau, chàng luôn nói với thiếp, ‘Những người khác có trân trọng và yêu thương nhau như chúng ta không? Cớ sao chàng có thể bỏ lại tất cả những điều đó và ra đi trước thiếp?”
Từng câu từng chữ một mà bà viết ra đều thấm đẫm nhưng cảm xúc đau buồn mãnh liệt, khiến người đọc xúc động đến rơi nước mắt. Tấm chân tình mà vợ chồng họ dành cho nhau chắc chắn rất chân thành, sâu đậm, và có lẽ sự ra đi đột ngột của ông đã khiến bà suy sụp đến tưởng như không thể vực dậy nổi.
Đôi dép Mituri được “mẹ bé Won” bện bằng chính tóc của bà
Bên trong quan tài còn có một đôi dép sợi gai dầu thời Joseon (hay gọi là dép Mituri). Khi còn sống, “mẹ bé Won” đã tự tay bện đôi dép này bằng tóc của mình với ước nguyện chồng sẽ gắng gượng để chống chọi bệnh tật và mau chóng khỏe lại. Thế nhưng, cha bé Won mãi mãi cũng không có cơ hội đi thử đôi dép quý giá ấy. Sau khi chồng qua đời, bà viết bức tâm thư cho ông rồi chôn nó và đôi dép theo cùng như một món kỉ vật.
Toàn cảnh cầu Woryeonggyo vào mùa hoa anh đào
Sau khi xác ướp được phát hiện vào năm 1998, câu chuyện cảm động và nội dung của lá thư đã trở nên nổi tiếng và là niềm cảm hứng cho các ca khúc, nhạc kịch và đặc biệt là địa danh cầu Woryeonggyo nổi tiếng của thành phố Andong.
Nguồn: KH
- Các nhà thiên văn đề xuất Trái đất có thể là một thực thể thông minh
- “Bí ẩn rợn người” ở những ngôi làng được cho là “ma ám”
- Bí mật đáng sợ về lãnh cung trong Tử Cấm Thành: Nơi không nên đến!