Viện SETI công bố danh sách 4 nơi có thể tồn tại sự sống trong Hệ Mặt Trời

Chương trình Tìm kiếm Sinh vật thông minh Ngoài hành tinh (Search for Extraterrestrial Intelligence-SETI) vừa công bố danh sách các địa điểm tiềm năng có thể tồn tại sự sống trong hệ Mặt Trời, theo International Business Times.

Sao Hỏa

Mạch khoáng chất Catabola trên sao Hỏa chứa mật độ boron rất lớn – một nguyên liệu cơ bản cho sự sống. (Ảnh: NASA)

Hành tinh đỏ là một trong những ứng cử viên hàng đầu để tìm kiếm sự sống. Khi các nhà khoa học ngày càng hiểu rõ hơn về môi trường và thành phần hóa học trên hành tinh này, thì việc tìm thấy sự sống ở đây rất có thể sẽ trở thành hiện thực. Trước đây, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) từng phát hiện được boron – một nguyên liệu cơ bản cho sự sống trên sao Hỏa.




Sao Diêm Vương

Sao Diêm Vương. Ảnh chụp từ tàu thăm dò New Horizons.

Các nhà khoa học nhận định Sao Diêm Vương có nhiều túi nước lỏng bên dưới bề mặt. Ở những nơi chứa nước lỏng, khả năng tồn tại vi khuẩn là rất lớn. Thực vậy, tàu thăm dò New Horizons đã quan sát được nhiều núi băng trên bề mặt sao Diêm Vương.

Ảnh chụp cận cảnh sao Diêm Vương, với những núi băng nhấp nhô trên bề mặt. (Ảnh: NASA)




Mặt trăng sao Thổ

Những mạch phun ở cực nam của mặt trăng Enceladus. (Ảnh: NASA).

Bất kỳ vật thể nào có quỹ đạo quay xung quanh một hành tinh được gọi là mặt trăng của hành tinh đó. Trái Đất có duy nhất 1 Mặt trăng, tuy nhiên một số hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời lại có nhiều hơn một, ví như Sao Thổ, với 62 Mặt trăng được ghi nhận.

Trên Titan – mặt trăng lớn nhất của sao Thổ, NASA đã phát hiện được nhiều thành phần hóa học phù hợp để duy trì sự sống của màng tế bào. Mặt trăng này còn có nhiều hồ lớn chứa đầy khí ga tự nhiên.
Không chỉ vậy, trên Enceladus, một mặt trăng khác của sao Thổ, cũng hội tụ đầy đủ yếu tố để hình thành sự sống. Mặt trăng này có những mạch phun vào không trung, do đó tàu thăm dò có thể thu thập mẫu vật đem về Trái Đất mà không cần đổ bộ trực tiếp lên bề mặt. Nếu may mắn, biết đâu chúng ta sẽ có thể tìm thấy sự sống ngoài hành tinh bên trong những mẫu vật này.





Mặt trăng sao Mộc

Tàu vũ trụ sẽ đổ bộ lên mặt trăng Europa của sao Mộc trong vòng 15 năm tới. (Ảnh: NASA).

Tương tự sao Diêm Vương, mặt trăng Europa của sao Mộc có cả một đại dương nước lỏng bên dưới bề mặt. Không chỉ vậy, có nhiều núi lửa nhỏ dưới đáy đại dương, tạo nên một môi trường ấm áp thích hợp cho sự sống phát triển.

Ganymede là một mặt trăng khác của sao Mộc, và là lớn nhất trong hệ Mặt Trời. Nó cũng có một đại dương nước lỏng bên dưới lớp băng dày trên bề mặt.

Callisto, một trăng khác nữa của Sao Mộc, sở hữu cả một bầu khí quyển và đại dương, một môi trường thuận lợi để hình thành sự sống.
Nguồn: ĐKN – Theo International Business Times

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *