Có thể nói thời cổ đại đến nay, hầu hết những phát minh của nhân loại không phải đến từ quá trình miệt mài suy nghĩ, mà lại là trong lúc vô thức mà “ngộ” ra. Vậy vì cớ gì mà khi người ta vắt kiệt trí óc cũng không có cách, nhưng khi không nghĩ nữa, khi muốn thư giãn, thì ý tưởng lại đến?
Thời Hy Lạp cổ đại, Archimedes suy nghĩ mãi về phương pháp kiểm tra độ thuần của một chiếc vương miện bằng vàng nhưng không có cách gì, khi ông vừa thư giãn một chút, bước vào bồn tắm, sức nước đẩy ông lên đã khiến ông bừng tỉnh và có lời giải đáp cho câu hỏi hóc búa ấy, thậm chí còn phát minh ra một định luật quan trọng của vật lý có giá trị tới tận ngày nay.
Nhiều nhà khoa học sau này, nhất là nhà toán học, cũng rơi vào trường hợp tương tự như Archimedes vậy.
Carl Gauss, người được mệnh danh là “hoàng đế Toán học”, cũng từng có một thời gian dài rơi vào tuyệt vọng khi nghiên cứu về các định lý Số học. Nhưng bất ngờ khi ông định bỏ cuộc, thì theo như ông kể lại, “giống như một tia chớp lóe lên trong đầu tôi, ẩn đố đã được giải đáp”. Thậm chí khi quay lại nhìn, ông cũng không thể trả lời được lời giải ấy là đến từ đâu, “không biết kết nối nào đã liên kết những điều tôi đã biết lại với nhau tạo nên thành công cho tôi”.
Tuy nhiên câu chuyện đáng kể nhất là của nhà toán học Poincare. Ông kể lại rằng ông đã mất rất nhiều tuần để tìm câu trả lời cho một bài toán khó nhưng vẫn không thành công. Đến một hôm khi ông không hề chuẩn bị gì, ông đang ở trên xe buýt để đi giải quyết một chuyện khác và đã bỏ bài toán kia không quan tâm nữa, thì kết quả bỗng bất ngờ hiện rõ lên trong óc ông. Như ông kể lại: “Đúng vào lúc tôi đặt chân lên bậc cửa xe, thì ý tưởng đã vụt đến với tôi, mà trước đó tôi hoàn toàn không nghĩ gì về điều đó cả”.
Poincare kể lại: “Đúng vào lúc tôi đặt chân lên bậc cửa xe, thì ý tưởng đã vụt đến với tôi, mà trước đó tôi hoàn toàn không nghĩ gì về điều đó cả”. (Ảnh: Prabook)
Và còn nhiều, khá nhiều các chuyện khác nữa trong khoa học cũng giống như vậy. Đại khái đều là khi người ta mải mê nghiên cứu một thứ gì đó, nhưng nghĩ cách nào cũng không ra, tới khi buông lơi tư tưởng để thư giãn một chút thì kết quả bỗng lóe lên, như một tia sáng xuyên qua sương mù vậy!
Không chỉ trong khoa học, ngay cả trong đời thường cũng có nhiều người đã từng trải qua chuyện tương tự. Chẳng hạn có doanh nhân suy nghĩ mãi không ra về chuyện nên hợp tác với đối tác A hay đối tác B, khi không nghĩ nữa thì từ đâu đó trong óc người doanh nhân bỗng xuất hiện tư tưởng “nhất định phải hợp tác với đối tác A”, doanh nhân theo đó mà quyết định liền thu gặt được rất nhiều thành công, còn đối tác B không lâu sau đó bị bắt vì có hành vi lừa đảo.
Có tác giả sáng tác truyện tới đoạn đó rồi thì không viết tiếp được nữa, không nghĩ ra phần tiếp theo là gì, khi dừng lại ra ngoài dạo một vòng, ý tưởng liền tới rất dồn dập và bộ truyện của ông lập tức hoàn thành.
Có học sinh ngồi miệt mài làm bài tập mà không giải được, thức suốt cả đêm đến nổi hoa mắt nhức đầu, nhưng khi vừa buông bút đi ăn sáng thì cũng nghĩ ra ngay lời giải.
Có lẽ do những lo toan về cuộc sống khiến nhiều người không mấy khi dừng lại để nghĩ về điều này, “có kết quả thì là có kết quả thôi”, “giải ra thì là giải ra thôi”. Nhưng quả thật nếu chịu suy ngẫm, chúng ta có thể sẽ nhận ra đây là một điều rất thú vị và cũng rất huyền bí. Vì cớ gì mà khi người ta vắt kiệt trí óc cũng không có cách, nhưng khi không nghĩ nữa, khi muốn thư giãn, thì ý tưởng lại đến?
Thật ra những nhà khoa học ở trên, Gauss và Poincare, đều từng rất băn khoăn về điều này. Tới khi họ đạt đến đỉnh cao trong lĩnh vực nghiên cứu của mình rồi, họ vẫn không biết bằng cách gì mà mình có thể tư duy đến mức ấy! Nghe cứ như một người đã tự tay leo lên tới đỉnh núi mà vẫn không biết tại sao anh ta có thể làm được điều đó.
Nhà khoa học trước những ý tưởng bất ngờ đến với bản thân trong lúc không chuẩn bị, chỉ đành gọi là “chớp sáng khoa học”. Có người cho rằng đó là kết quả của cả một quá trình tư duy trong vô thức. Có người cho rằng ý tưởng đã có sẵn nhưng vì khi đó người ta chất chứa quá nhiều thứ trong não bộ nên không thể sắp xếp lại được, khi thư giãn thì mọi thứ lại đi vào trật tự và ý tưởng sẽ lộ ra,…
Thậm chí có nhà khoa học về vật lý thiên văn đã đưa ra một giả thuyết táo bạo về điều này, ông cho rằng tồn tại hẳn một “thế giới ý niệm” độc lập với thế giới vật chất mà chúng ta đang sống. Trong “thế giới ý niệm” ấy, các chân lý khoa học đã tồn tại sẵn, chúng là các thực thể sinh mệnh có tính chất vĩnh hằng.
Nhà khoa học trong một chớp nhoáng, vì nguyên nhân nào đó, đã bất ngờ liên kết được với “thế giới ý niệm” này, và do đó trong khoảnh khắc ông liền hiểu ra chân lý. Tuy nhiên do liên kết với “thế giới ý niệm” chỉ diễn ra trong một sát na ngắn ngủi đủ để ông thông suốt điều ông đang băn khoăn, sau đó liên kết liền biến mất, nên ông không nhận ra bất kỳ dấu vết nào về “thế giới ý niệm”.
Quan điểm của nhà khoa học trên có lẽ xuất phát từ tư tưởng của Platon – một triết gia lớn thời cổ đại Hy Lạp. Platon cho rằng “thế giới chân lý Toán học” là tồn tại độc lập với thế giới vật chất mà loài người đang sống. Trong thế giới đó các công thức, định lý Toán học không phải là sản phẩm của tư duy nào cả, chúng là những sinh mệnh thật sự hiện hữu, hơn nữa chúng còn vĩnh hằng!
Điều mà nhà nghiên cứu cố gắng làm chỉ là tiếp cận với những sinh mệnh trong thế giới đó, và viết chúng lại dưới dạng “công thức”, “định lý”,… là những thứ mà con người có thể hiểu và sử dụng được.
Tuy nhiên tất cả những lời giải thích trên của khoa học đều chỉ là “giả thuyết” và đều có sơ hở. Kể cả khi nhà khoa học nói rằng ông đã liên kết với “thế giới chân lý Toán học” để giải quyết được vấn đề đang nghiên cứu, thì vẫn còn rất nhiều vấn đề khác trong cuộc sống nằm ngoài khoa học cũng được giải quyết theo cách này.
Platon cho rằng “thế giới chân lý Toán học” là tồn tại độc lập với thế giới vật chất mà loài người đang sống. (Ảnh: Efestio)
Chẳng hạn trường hợp của người doanh nhân trong ví dụ bên trên. Ngoài ra trong âm nhạc, hội họa, thi ca,… cũng đều có. Chẳng hạn người yêu thích thơ cổ thể, nhất là Đường thi Trung Quốc, hẳn từng có lúc ngạc nhiên: nghệ thuật cần phải được sáng tác lúc người ta tỉnh táo nhất, nhưng Thi Tiên Lý Bạch càng say thì viết thơ càng hay, say đến mức lảo đảo quay cuồng thì thơ vô cùng bay bổng, những gì mà lúc tỉnh ông không viết được thì khi say ông lại viết được! Nếu nói trong khoa học người ta liên kết được với “thế giới chân lý”, thì trong các lĩnh vực khác người ta liên kết với thế giới nào?
Khi nghĩ về điều này mới thấy thế giới quả thật tồn tại vô số bí ẩn mà người ta không giải đáp được, khoa học cũng chưa thể trả lời được.
Mặc dù là vậy, ngoài khoa học thực chứng ra thì vẫn còn có các phương pháp khác để lý giải. Một số người nghiên cứu về tâm linh hoặc có tín ngưỡng nhìn nhận ở một khía cạnh rất khác: những “chớp sáng” trong tư duy của một người, bao gồm cả ý tưởng khoa học, ý tưởng nghệ thuật, hay “linh cảm” trong cuộc sống, thực chất không phải xuất phát từ đại não của người đó, mà là do các sinh mệnh vô hình trong các không gian vì muốn giúp đỡ mà truyền “lời nhắc nhở” vào đại não của người đó.
Những sinh mệnh kia thuộc về siêu nhiên, là không thể kiểm chứng, càng không thể chủ động liên lạc, chỉ là “họ” thấy rõ nhiều bản chất mà con người không thấy nên khi cần thiết thì có thể giúp đỡ con người. Bình thường vì ý thức của người ta làm chủ đại não nên khi người đó càng suy nghĩ, càng chi phối đại não, các sinh mệnh càng không thể truyền thông tin vào đó. Khi ý thức người ta buông lỏng, muốn thư giãn, đầu óc thoáng đãng, thì các sinh mệnh lại có cơ hội gửi những điều họ biết tới.
Ngoài ra cũng theo cách lý giải này, thì vai trò chính của các sinh mệnh kia là cố gắng ngăn cản không cho con người làm điều xấu xa, tất nhiên khi người kia quá ư cố chấp thì các sinh mệnh đó cũng không có cách gì. Phải chăng đây là lý do mà mỗi khi chúng ta muốn làm điều xấu hoặc muốn hại người, thì trong tâm chúng ta hay xuất hiện các ý nghĩ trái ngược không cho chúng ta làm?
Đương nhiên, đã thuộc về tâm linh thì người ta chỉ có thể chọn tin hay không tin chứ rất khó để mà đưa ra bằng chứng. Nhưng dù sao thì đây cũng là một lời giải thích rất thú vị. Điều không thể phủ nhận là khi chúng ta muốn làm chuyện xấu, trong tâm chúng ta sẽ có đôi chút bất an và cảm thấy tội lỗi, dẫu đó là “lương tâm” của chính chúng ta hay là loại “linh cảm” do các sinh mệnh khác truyền tới (nếu họ có thật), thì quả thật cũng sẽ xuất hiện một cuộc đấu tranh tư tưởng trước khi chúng ta làm chuyện xấu. Có người vì thế mà cảm thấy bất an, rồi quyết định không làm chuyện xấu kia nữa. Cũng có người quá ư cố chấp, tuy rằng có ray rứt khó chịu nhưng vẫn quyết định làm chuyện xấu.
Dẫu sao, trước những sự kiện trọng đại hoặc trước khi định làm những chuyện tồi tệ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho người khác, chúng ta cũng là nên dừng lại một chút để lắng nghe tư tưởng đang phản ánh trong đầu bản thân mình. Cũng như “chớp sáng khoa học” đem tới chân lý cho các nhà khoa học và giúp họ thành công, tư tưởng ấy có lẽ cũng sẽ cho chúng ta một lời khuyên đúng đắn hơn so với những gì mà chúng ta định làm dựa trên cảm xúc cá nhân.
Nguồn: TS
- Bí ẩn giác quan thứ 6: Thấy trước vụ tấn công khủng bố 11/9
- Rùng người với loạt dị tượng liên tiếp xảy ra, người dân lo là điềm báo đại hung
- Nhiếp ảnh gia tâm linh: Bức ảnh chụp “linh hồn” cố Tổng thống Lincoln