Các nhà khoa học cho rằng có thể tồn tại sự sống trên sao Hỏa. Kết luận này được đưa ra sau khi tìm thấy sự tồn tại của vi khuẩn tại sa mạc khô cằn nhất trên Trái Đất – sa mạc Atacama.
Quang cảnh tại sa mạc Atacama ở Chile. Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Internet)
Sa mạc Atacama nằm tại phía bắc Chile gần như không ghi nhận một lượng mưa đáng kể nào trong suốt giai đoạn 1570-1971. Chính vì vậy, nó được mệnh danh là “Sao Hỏa trên Trái Đất”, do có môi trường rất giống hành tinh đỏ.
Cụ thể, nghiên cứu của NASA chỉ ra lượng mưa trung bình năm ở đây chỉ đạt mức 1 mm, và xếp Atacama vào loại sa mạc khô cằn nhất thế giới.
Chính bởi sự tương đồng này, và căn cứ vào các nghiên cứu gần đây tại sa mạc Atacama, ngày càng nhiều nhà khoa học tin rằng sao Hỏa có tồn tại sự sống.
Sa mạc Atacama gần như không ghi nhận một lượng mưa đáng kể nào trong suốt giai đoạn 1570-1971. (Ảnh: Internet)
Họ cũng cho rằng bất chấp tình trạng thiếu nước trầm trọng và bức xạ cực tím mạnh, vẫn có khả năng tìm kiếm các dạng sống có thể thích nghi và sinh tồn trong những môi trường cực hạn.
Nhưng nếu sự sống có mặt trên sao Hỏa thì nhiều khả năng nó tồn tại trong các hang động hay dưới lòng đất, theo quan điểm của nhà sinh vật học người Chile Armando Azua, từ Viện Khoa học không gian Blue Marble ở Seattle (Mỹ).
Ông nhận định:
“Atacama là sa mạc khô cằn và lâu đời nhất trên Trái đất, với niên đại 150 triệu năm tuổi. Trên sa mạc này, chúng ta có thể nhìn thấy bóng dáng của sự sống trên sao Hỏa trong quá khứ.”
Nhà sinh vật học này cho biết ông đã tìm thấy một số dạng sống đã thích nghi được với môi trường sa mạc – bao gồm một con nhện “đã thích nghi được với việc sinh sống trên mạng nhện nhờ lợi dụng những giọt nước tích tụ bên trên vào buổi sáng”.
Ở vùng thung lũng trung tâm, các nhà nghiên cứu tìm thấy 70 loài vi sinh vật và khi tiến sâu hơn, họ đã có một khám phá chấn động.
Ông Azua cho biết: “Ở độ sâu 1 m dưới lòng đất, chúng tôi đã tìm thấy vi khuẩn”.
Quang cảnh sa mạc Atacama giống với bề mặt gồ ghề trên Sao Hỏa. (Ảnh: Internet)
Đây là sa mạc khô cằn nhất trên thế giới, với lượng mưa trung bình năm khoảng 1 mm. (Ảnh: Internet)
Nghiên cứu các dạng sống trong sa mạc Atacama “cũng giống quan sát các xác ướp sống đang đi bộ trên đường, có khả năng chịu đựng và vẫn sống tốt với hầu như không chút nước nào”, ông nói thêm.
Nhóm ông hiện đang nhờ tới sự hỗ trợ của NASA để gửi một nhà kính nhỏ chứa hạt giống lên Mặt Trăng và Sao Hỏa, để xem cách chúng phát triển trong không gian.
Sứ mệnh này nhằm xác định những hành tinh thích hợp cho sự sống, để từ đó xây dựng căn cứ của con người trong tương lai nếu dân số Trái Đất tiếp tục gia tăng.
Nguồn: DKN
- Khám phá văn minh cổ xưa: Vì sao số 9 là biểu tượng linh thiêng trong các nền văn hoá cổ đại
- Nam Cực phải chăng là lối vào thế giới dưới lòng đất?
- Viễn cảnh tương lai khi con người chinh phục Hệ Mặt Trời