Vào năm 1899, một nhà khoa học có tên là Nikola Tesla đã bắt được sóng tín hiệu vô tuyến của một vật thể bay ngoài không gian. Nhưng phải tới 50 năm sau, người ta mới bắt đầu chú ý tới chiếc “vệ tinh lạ” này và gắn cho nó biệt danh Black Knight – Hiệp sĩ Đen.
Người ta không xác định được “Hiệp sĩ Đen” là của ai, do ai phóng lên. Thậm chí từng có giả thuyết rằng, nó được một nền văn minh nằm cách chúng ta hàng ngàn năm ánh sáng gửi đến để… bảo vệ trái đất!? Xung quanh phát hiện kỳ thú về vật thể đen này, đã từng có nhiều câu chuyện ly kỳ, kể cả chuyện khôi hài về quân sự, tình báo thời Chiến tranh lạnh.
Theo giới khoa học không gian Mỹ, “Hiệp sĩ Đen” đã phát tín hiệu vô tuyến liên tục trong khoảng thời gian 50 năm trước khi tắt ngúm. Nó được cho là đã được chế tạo từ rất lâu. Giới khoa học từ nhiều quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến “Hiệp sĩ Đen”.
Trong số đó có một nhà nghiên cứu vô tuyến nghiệp dư người Thụy Điển đã giải mã được một loạt tín hiệu thu từ “Hiệp sĩ Đen” và diễn giải thành một sơ đồ hệ thống sao giống với hệ thống sao Mục Phu (Bootes), trong đó có cặp sao đôi nổi tiếng Epsilon Bootis, xưa kia gọi tên riêng biệt là Izar và Pulcherrima, phát ra ánh sáng màu đỏ, có thể nhìn thấy bằng mắt thường nằm chếch về hướng cực Bắc địa cầu. Từ sơ đồ sao này, người ta suy ra rằng vệ tinh Black Knight rất có thể xuất xứ từ cặp sao đôi Epsilon Bootis.
Vệ tinh ‘Hiệp sĩ Đen’ và bí ẩn cực lớn của nhân loại ảnh 1Nikola Tesla được xem là người đầu tiên bắt được sóng tín hiệu vô tuyến của “Hiệp sĩ Đen” vào năm 1899.
Theo nhiều nguồn tư liệu thì việc phát hiện sóng vô tuyến của “Hiệp sĩ Đen” đã có từ rất lâu trước khi nó trở thành sự kiện được dư luận quan tâm. Một người có tên là Nikola Tesla được cho là người đầu tiên “cắt” sóng tín hiệu vô tuyến của vệ tinh “ngoài hành tinh” “Hiệp sĩ Đen” vào năm 1899 bằng thiết bị rà sóng vô tuyến cao áp do ông tự thiết kế, đặt tại Colorado Springs.
Khoảng 30 đến 50 năm sau phát hiện của Tesla thì tín hiệu của “Hiệp sĩ Đen” mới được phát hiện nhiều và giải mã, như nêu ở phần trên, và toàn thế giới bắt đầu chú ý đến “Hiệp sĩ Đen”.
Những câu chuyện về vệ tinh “Hiệp sĩ Đen” bắt đầu xuất hiện trước công chúng vào khoảng giữa thập niên 50 thế kỷ XX, với việc 2 tờ báo St. Louis Dispatch và The San Francisco Examiner lần đầu đăng bài viết về “vệ tinh ngoài hành tinh” trong số báo ra ngày 14/5/1954.
Thông tin rộng rãi về việc phát hiện một vệ tinh lạ không rõ nguồn gốc đã khiến cả Mỹ và Liên Xô – hai kình địch trong Chiến tranh lạnh – đặc biệt quan tâm. Trong khi Liên Xô âm thầm theo dõi, tìm hiểu về vệ tinh bí ẩn này thì Mỹ lại có những động thái khiến giới khoa học không khỏi bật cười, chế giễu.
Số là, tờ Time Magazine số ra ngày 7/3/1960 đã thuật lại lần bắt tín hiệu của Mỹ: Hệ thống rađa Dark Fence (Hàng rào Đen) đặt tại Gila River, gần Phoenix, bang Arizona, và Jordan Lake, bang Alabama đã hoạt động từ tháng 8/1959, bắn đi chùm tia vô tuyến theo hình rẻ quạt, biên độ cao 400 km mỗi bên.
Ngày 31/1/1960, Dark Fence nhận được tín hiệu từ một vật thể “đen” bí ẩn. Thông tin lập tức được xác nhận, đó là “vật thể không gian không xác định” (USO) đã được phát hiện nhiều lần trước đó. Time Magazine viết tiếp rằng, thông tin về việc phát hiện “Vật thể đen” ngoài không gian đã tạo nên dư luận hoang mang ở Mỹ, đồn đoán rằng đó là thiết bị do thám do Liên Xô phóng lên, còn người Mỹ thì không hề hay biết chuyện gì đang xảy ra.
Ngay tức thì, Lầu Năm Góc tự tin thông báo rằng: “Vật thể đó đã được xác định là một “cục rác” của vệ tinh Discoverer do không quân Mỹ phóng lên và đã đi lạc trong không gian bấy lâu. “Vật thể đen” được phát hiện chứng minh tính hiệu quả của chương trình không gian của Mỹ”.
Điều mỉa mai là ở chỗ, trước đó khá lâu, ngày 23/8/1954, tạp chí công nghệ Aviation Week and Space Technology đã đăng một bài viết vạch rõ rằng, Lầu Năm Góc cố tình giữ bí mật thông tin vì mục đích quân sự.
Tờ báo này viết: Lầu Năm Góc sợ việc quan sát vệ tinh lạ này sẽ khiến dư luận phát hiện ra những sơ hở của mình trong việc quan sát, theo dõi bầu trời, và hơn nữa Lầu Năm Góc khi đó sợ rằng mình đã bị Liên Xô qua mặt trong lĩnh vực nghiên cứu không gian.
Trong khi đó, dư luận quan tâm đến vệ tinh “Hiệp sĩ Đen” mỗi năm mỗi tăng. Năm 1957, tiến sĩ Luis Corralos ở Bộ Truyền thông Venezuela đã chụp được ảnh của “Hiệp sĩ Đen” khi nó bay qua bầu trời Caracas trong lúc ông đang chụp hình các vệ tinh Sputnik I và Sputnik II do Liên Xô vừa phóng lên.
Điều lạ lùng ở chỗ, “Hiệp sĩ Đen” đi theo quỹ đạo trái đất nhưng theo hướng từ đông sang tây, ngược chiều quay của trái đất, trong khi các vệ tinh Sputnik I và II đều bay theo chiều quay của trái đất từ Tây sang Đông để duy trì quỹ đạo. Một nguồn tin khác cũng trong năm 1957 kể rằng, một vật thể lạ đã được nhìn thấy phủ bóng lên tàu không gian Sputnik I của Liên Xô.
Báo chí đưa tin: Vật thể lạ đó bay theo quỹ đạo Địa Cực, vào thời điểm đó cả Mỹ và Liên Xô đều chưa có công nghệ đưa tàu vũ trụ bay trên quỹ đạo Địa Cực; mãi đến năm 1960 mới có vệ tinh đầu tiên được phóng lên quỹ đạo Địa Cực.
Quỹ đạo Địa Cực thường được dùng vào việc nghiên cứu và vẽ bản đồ trái đất, quan sát trái đất, quan sát và ghi lại hình ảnh thời gian trôi qua trên trái đất, và duy trì vệ tinh thám báo.
Từ đây, “Hiệp sĩ Đen” được liệt vào loại “vệ tinh do thám”. Câu hỏi được đặt ra là: Ai đã phóng “Hiệp sĩ Đen” lên quỹ đạo Địa Cực và nhằm mục đích gì?
Sang thập niên 60 thế kỷ XX, “Hiệp sĩ Đen” tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới thiên văn học toàn cầu. Khoảng thời gian này, “Hiệp sĩ Đen” một lần nữa được xác định đang bay trên quỹ đạo Địa Cực. Giới khoa học và thiên văn học ước tính khối lượng của nó vào khoảng 10 tấn, được xem là vệ tinh nặng nhất thời đó.
Theo quan sát của giới thiên văn học, “Hiệp sĩ Đen” có quỹ đạo khác thường, không như mọi vệ tinh nhân tạo trên trái đất; nó bay theo chiều ngược chiều quay của trái đất và với vận tốc cao gấp 2 lần so với bất kỳ tàu không gian nào do con người chế tạo.
Ngày 3/9/1960, tức 7 tháng sau khi hệ thống rađa Dark Fence bắt được tín hiệu của “Hiệp sĩ Đen”, một camera dò tìm không gian của Tập đoàn quốc phòng Grumman Aircraft đặt tại Long Island đã chụp được hình ảnh của “Hiệp sĩ Đen”. Đến thời điểm đó, rất nhiều người trên thế giới đã có thể quan sát “Hiệp sĩ Đen” bằng mắt thường, với chấm sáng màu đỏ di chuyển với tốc độ rất cao so với các vệ tinh của loài người.
Năm 1963, nhà du hành vũ trụ Gordon Cooper được đưa vào không gian. Trên quỹ đạo, Cooper phát hiện một vật thể màu xanh lục đang di chuyển về phía khoang tàu vũ trụ của mình. Cooper báo cáo về trạm theo dõi ở Muchea, Australia, trong khi trạm này cũng quan sát thấy được vật thể lạ bay từ đông sang tây.
Kênh truyền hình NBC đã đưa tin về sự việc này, nhưng khi nhà du hành Cooper trở về trái đất, phóng viên của NBC không được tiếp cận ông để hỏi thêm về những gì ông nhìn thấy. Giải thích duy nhất là “do ảo ảnh gây nên bởi khí cacbonic (CO2) nồng độ cao”.
Cho đến tận ngày nay, “Hiệp sĩ Đen” tiếp tục là đề tài quan tâm của nhiều người trên thế giới, nhưng những thông tin chính thức về nó đã được các cơ quan chức năng cất giữ kỹ lưỡng. Chính vì vậy, nhiều câu hỏi từ hàng chục năm nay vẫn chưa được giải đáp, như: Ai đã phóng “Hiệp sĩ Đen” lên quỹ đạo Địa Cực và nhằm mục đích gì?
Phải chăng “Hiệp sĩ Đen” là sản phẩm của người ngoài hành tinh đưa đến trái đất để “nghiên cứu” con người? Liệu vệ tinh đó đã từng nỗ lực liên lạc với con người? Liệu chúng ta đã bỏ qua sự giao tiếp đó? Và một câu hỏi lý thú: Liệu có một sự liên hệ nào đó giữa vật thể bí ẩn này với các thành tựu của con người thời cổ đại?
Nguồn: TP
- Linh hồn con người nặng 21 gram?
- Giải pháp cho ngày tàn của vũ trụ: Tiến vào một vũ trụ song song?
- Nghiên cứu khẳng định: Con người có tồn tại giác quan thứ 6, nó là gì?