Về lý thuyết, con người có thể “đi vào” lượng tử giới

Whaooo ! nghe như tôi sắp diễn thuyết một bài thuyết trình về Seri phim người kiến của Marvel. Nhưng thực ra không phải.

“Đi vào” lượng tử giới ở đây có nghĩa là: con người có thể biến mình thành một hệ lượng tử và chịu các hiệu ứng của cơ học lượng tử.

Nếu bạn chưa biết các hiệu ứng này ma quái như nào thì hãy để tôi nhắc lại một chút:

Giả sử con người là một hệ lượng tử, thì…

Chúng ta có thể ở 2 nơi cùng một lúc, ví dụ bạn vừa ở trường, vừa ở nhà CÙNG MỘT LÚC trong một mốc thời gian cố định – tính chất chồng chập lượng tử.
Chúng ta có thể thần giao cách cảm với những người có liên đới với mình ở khoảng cách xa vô cực – tính chất liên đới lượng tử – vướng víu lượng tử.
Chúng ta có thể đi xuyên tường, thậm chí bị kẹt ở giữa bức tường, không có một rào cản vật lý nào có thể ngăn bạn làm điều đó – tính chất xuyên hầm lượng tử.




Không biết các phim siêu anh hùng có áp dụng các tính chất lượng tử này không, nhưng về lý thuyết thì nó hoàn toàn có thể xảy ra. Dĩ nhiên để làm được điều đó bạn sẽ phải đánh đổi 1 thứ vô cùng quan trọng.

1/Các hiệu ứng lượng tử có thể xảy ra ở thế giới vĩ mô.
Như đã biết, chỉ có các hạt nguyên tử, hạ nguyên tử mới chịu các hiệu ứng lượng tử, thế giới của chúng gọi là “thế giới vi mô”, còn thế giới của chúng ta gọi là “thế giới vĩ mô”, 2 thế giới này có ranh giới rất rõ ràng, tức là chưa có ai quan sát được viễn cảnh con người có thể chịu các hiệu ứng lượng tử. Nhưng rất nhiều thí nghiệm trong thập kỷ qua các dần hé lộ một sự thật:

Có thể cơ học lượng tử cũng áp dụng cho cả thế giới vĩ mô.

Ngoài ra, Aaron O’Connell – một nhà vật lý tài năng cũng đã dành rất nhiều năm nghiên cứu để tìm cách bắc cầu cho thế giới lượng tử vào vĩ mô. Ông là người đầu tiên tạo ra và đo lường các hiệu ứng lượng tử trong chuyển động của một vật thể nhân tạo.

Thí nghiệm kinh ngạc nhất mà ông đã thực nghiệm thành công đã được trình bày trên ted.com: Khiến một miếng kim loại có thể ở 2 nơi cùng một lúc.

Trong thí nghiệm này, O’Connell đã tạo ra một miếng kim loại kích cỡ nano, có hình dáng như một chiếc ván trượt. Sau đó O’Connell đặt nó vào môi trường chân không, ngăn cản nó tiếp xúc với ánh sáng và làm lạnh đến tiệm cận độ 0 tuyệt đối (-273 độ C).

Và công sức của O’Connell đã được đền đáp vì sau khi đo đạc, anh ta nhận ra miếng kim loại đã chuyển động hết sức kỳ lạ. Thay vì chỉ đứng yên 1 chỗ thì nó lại RUNG….nhưng nó không rung như cách chúng ta thường thấy trong thế giới của mình, mà nó xuất hiện ở 2 nơi cùng một lúc trong quá trình rung. Hay nói cách khác: nó vừa RUNG và ĐỨNG YÊN cùng một lúc.




2/Cơ học lượng tử có thể áp dụng cho sinh vật sống hay không?
Quantum biology – sinh học lượng tử là một ngành mới ra đời thời gian gần đây, chuyên nghiên cứu về các khía cạnh của cơ học lượng tử áp dụng cho sinh học.

Giáo sư Jim Al-Khalili – một nhà khoa học đã có 30 năm trong ngành vật lý lượng tử đã nghiêm túc khi bắt đầu chuyển hướng sang sinh học lượng tử. Ông cho rằng sẽ không thể giải mã sự sống là gì nếu thiếu đi cơ học lượng tử.




Để dễ hình dung, bạn hãy suy nghĩ một chút. Tất cả sự sống và vũ trụ này đều khởi nguồn từ những nguyên tử nhỏ bé, ngay cả tôi và bạn cũng không ngoại lệ. Vậy nếu chúng ta là một hệ lượng tử khổng lồ với hàng tỷ tỷ nguyên tử, thì tại sao chúng ta không cảm nhận các hiệu ứng lượng tử ma quái áp dụng lên bản thân mình.

Lý do thuyết phục nhất cho đến nay được các nhà khoa học đưa ra là: Do môi trường. Chính môi trường sống đã gây “nhiễu loạn” hệ lượng tử của chúng ta, ép chúng ta phải biểu hiện như một vật thể vĩ mô.

Tương tự như bạn đang ở nhà 1 mình, không có ai quan sát, bạn sẽ nhảy múa loạn xạ và hát hò những bài mình thích, nhưng khi có người xuất hiện, bạn sẽ ngay lập tức dừng những hành động ma quái đó lại và nghiêm túc hơn. Chính vì hiểu nguyên lý này nên các nhà khoa học bắt buộc phải thực nghiệm các thí nghiệm lượng tử trong một môi trường đặc biệt “cô lập” hoàn toàn với thế giới bên ngoài, vì ngay cả 1 nguyên tử oxi nhỏ bé nhất hay một tia sáng yếu ớt chứa photon cũng có thể làm sụp đổ hệ lượng tử.


3/Cách thí nghiệm các hiệu ứng lượng tử trên cơ thể sống:
Cho đến nay thì điều này là bất khả thi, vì việc đưa bạn vào môi trường chân không để thực hiện thí nghiệm sẽ khiến bạn……không muốn thở ngay lập tức.

Nhưng kiếm một “chiếc hộp” cùng với con mèo thì có vẻ không quá khó khăn. Schordinger chắc hẳn đang mong chờ điều này xảy ra.

Nhưng dù vậy, “đi vào” lượng tử giới là một việc làm không mấy dễ chịu cho lắm, vì chẳng biết chúng ta có thể còn sống sau khi thí nghiệm kết thúc hay không. Thôi thì cứ mong chờ vào các nhà khoa học vậy, hoặc hóng tin tức trên báo chí, vì biết đâu tương lai sẽ xuất hiện các vụ cướp ngân hàng mà kẻ trộm có thể đi xuyên tường, vừa ở nhà vừa ở ngân hàng cùng lúc thì sao????
Nguồn: NU

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *