Từ Hy thái hậu phải chăng là tái sinh của Hòa Thân?

Năm 1799, Hòa Thân, một tham quan có lòng tham lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc bị ép phải tự sát trong tù, khi chết mới chỉ 50 tuổi. Lúc này cách ngày Thái thượng hoàng Càn Long băng hà chỉ 15 ngày, cách ngày Hòa Thân vào tù chỉ có 7 ngày.

Gia Khánh đã ban cho Hòa Thân một dải lụa trắng để tự vẫn.

Ảnh ghép minh họa

Trong dân gian Trung Quốc vẫn luôn lưu truyền rất nhiều truyền thuyết về Hòa Thân, không ngừng lan truyền ra vô số các câu chuyện khác nhau. Trong đó nổi tiếng nhất chính là nói Từ Hy thái hậu là tái sinh của Hòa Thân, cố tình đầu thai đến cõi người để hủy hoại vương triều Đại Thanh, vì thế mà Đồng Trị hoàng đế, Quang Tự hoàng đế và Tuyên Thống hoàng đế cũng gặp xui xẻo, cơ đồ 276 năm của gia tộc Ái Tân Giác La đã bị hủy như vậy.

Tranh vẽ Hòa Thân (Nguồn: Wikipedia)

Tại sao lại có cách nói như vậy? Thì ra Hòa Thân biết rằng ngày chết của mình đã đến, không kìm nén được đau thương trong lòng, ông cầm bút lên viết ra một bài thơ:

Ngũ thập niên lai mộng huyễn chân
Kim triều tát thủ tạ hồng trần
Tha thời thủy phiếm hàm long nhật
Nhận thủ hương yên thị hậu thân

Tạm dịch là:

Năm mươi năm hư hư thực thực
Kiếp này buông tay tạ hồng trần
Năm sau nước dâng con lũ lớn

Nhận rõ hương hỏa kẻ hậu nhân

Bài thơ này vốn dĩ là thể hiện tâm lý bất mãn và muốn báo thù của Hòa Thân, nhưng vì bản thân bài thơ lấp lửng không rõ ràng, khiến cho người đời sau đưa ra rất nhiều diễn giải khác nhau. Mấy trăm năm qua, bài thơ dự ngôn không rõ ràng này đã làm hao tốn rất tâm huyết của rất nhiều nhà lịch sử học, khiến người đời vẫn thắc mắc mà không thể lý giải chính xác.

“Thủy phiếm hàm long” là ám chỉ cái gì? “Hương yên” là cái gì?, khiến những người nghiên cứu cảm thấy rất khó hiểu. Nhà sử học Mạnh Sâm cho rằng, “hương yên” có thể là ám chỉ Từ Hy, “thủy phiếm hàm long” ám chỉ điềm báo Từ Hy gây họa cho nhà Thanh. Và do đó, Từ Hy có thể là “hậu thân” (thân thể của kiếp sau) của Hòa Thân, có lẽ ngay cả bản thân Hòa Thân cũng không ngờ rằng, sau khi ông chết, bài thơ của ông lại có thể gây ra làn sóng lớn như vậy.

Tuy rằng Từ Hy thái hậu không thể ngồi lên ngôi vị của hoàng đế giống như  Võ Tắc Thiên, nhưng bà dùng thân phận thái hậu để buông rèm nhiếp chính, là người thống trị đích thực của đế quốc Đại Thanh trong những năm từ năm 1861 đến năm 1908, thậm chí còn được gọi là “nữ hoàng không vương miện” của nhà Thanh.

Còn về thân thế của Từ Hy thái hậu, cũng có mang màu sắc thần kỳ, được rất nhiều người nhận định là tái sinh của Hòa Thân.

Giải thích về hai câu cuối trong bài tuyệt mệnh thi này của Hòa Thân: “Tha nhật thủy phiếm hàm long nhật, nhận thủ hương yên thị hậu thân”, giới sử học có những cách nói như sau:

Cách giải thích đầu tiên cho rằng “thủy phiếm hàm long” trong thơ của Hòa Thân là điển tích Hạ hậu long ly được ghi chép trong “Trịnh Ngữ” của “Quốc Ngữ”. Chuyện kể rằng vào cuối thời nhà Hạ, có hai con rồng đến vào trong cung đình đánh nhau, tự xưng là hai vị vua của Bao Quốc. Sau khi vua nước Hạ bốc quẻ hỏi Thần, nói là giết chết, đuổi đi hoặc giam cầm đều không cát lợi, chỉ có được lấy long ly (nước miếng của rồng) rồi đem cất giữ thì mới cát lợi. Thế là vua cầu xin rồng, rồng nhổ nước bọt xong rồi bỏ đi, long ly được cất giữ trong một cái hộp đem đi cung phụng.

Nước Hạ diệt vong, truyền cho nước Ân (nhà Thương), nước Ân diệt vong, truyền cho nước Chu, không ai mở ra. Đến thời của Chu Lệ Vương, thì lại ra lệnh kêu người mở cái hộp đó ra xem.

Kết quả long ly ở trong cái hộp chảy ra ngoài, rơi xuống đình viện, không thể lau chùi sạch, hóa thành một con thằn lằn, bò vào trong vương phủ. Trong vương phủ có một tiểu cung nữ vừa mới thay răng xong đụng phải con thằn lằn này.

Khi cô bé này lớn lên đang chờ xuất giá (15 tuổi) thì đã mang thai rồi, mang thai suốt mấy chục năm, cho đến thời của Chu Tuyên Vương mới sinh ra một đứa con gái.

Đứa con gái này sau này chính là Bao Tự khiến cho Chu U Vương vì muốn nhìn thấy cô cười một lần mà đốt lửa trêu chư hầu (phong hỏa hí chư hầu), cuối cùng dẫn đến Tây Chu diệt vong.

Còn từ “hương yên” trong văn tự cổ có nghĩa là nối dõi tông đường, vì thế có người ghép nghĩa của hai câu này lại, nói rằng sau khi Càn Khôn chết sẽ hóa thân thành cô gái giống như Bao Tự để làm hại vương triều Đại Thanh, cô gái đó sẽ chính là Từ Hy sau này.

Tranh vẽ Từ Hy thái hậu (Nguồn: Wikipedia)

Còn một cách giải thích khác lại nói rằng theo như ghi chép trong “Thuật Dị Ký” quyển thượng, kể rằng Hạ Kiệt rất sủng ái một người phụ nữ xinh đẹp có thể biến hình thành rồng, gọi cô ta là “Giao Thiếp”. Giao Thiếp này có thể nói cho Hạ Kiệt biết trước hung cát, nhưng cô ta phải ăn thịt người. Cuối cùng, vương triều đầu tiên của Trung Quốc bị hủy diệt trong tay của Hạ Kiệt hoang dâm và tàn bạo. Có người dựa vào đây để giải thích rằng, sau khi Hòa Thân chết muốn tái sinh làm phi tử giống kiểu “Giao Thiếp”, để gây họa cho đế quốc Đại Thanh.

Cách nói này và cách nói trên đều cùng một kiểu, chỉ là xuất phát từ điển tích khác nhau mà thôi, một cái là Bao Tự, một cái là Giao Thiếp.

Có thể nói, thực tế thì cách giải thích và tiếp cận  không giống nhau.

Còn có một cách nói khác cho rằng chữ long trong câu “thủy phiếm hàm long” không phải là con rồng thực sự, mà là nói xảy ra lũ lụt. Vào năm đầu tiên Hòa Thân bị ban cho cái chết, cũng tức là năm Gia Khánh thứ ba, sông Hoàng Hà ở Hà Nam bị vỡ đê. Vì vậy, có người giải thích ý nghĩa của câu nói “tha thời thủy phiếm hàm long nhật” là nói Hòa Thân đợi đến mùa lũ tiếp theo sẽ tái sinh chuyển thế. Năm Đạo Quang thứ 20 (năm 1832), sông Hoàng Hà bị vỡ đê một lần nữa tại Hà Nam, ba năm sau Từ Hy ra đời.


Nói cho cùng, bất luận nói là thành Bao Tự cũng được, hay là nói thành Giao Thiếp cũng được, nói tái sinh vào mùa lũ cũng được, nhưng cuối cùng tất cả các con đường đều đi đến một cái đích, bất luận giải thích như thế nào đi nữa, cuối cùng vẫn là để chứng minh sự tái sinh chuyển thế của Hòa Thân biến thành sự ra đời của Từ Hy. Dù thế nào đi nữa, Hòa Thân và Từ Hy vẫn là hai tội đồ lịch sử lớn nhất của nhà Thanh, một người ăn mòn tài chính của nhà Thanh, một người ăn mòn chính trị của nhà Thanh, hai người họ đều lần lượt làm gia tăng sự diệt vong của nhà Thanh.

Nguồn: DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *