Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định là câu nói được truyền tụng suốt hơn 100 năm qua, đại diện cho tên của 4 nhân vật nức tiếng Sài Gòn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Có ý kiến cho rằng, 4 nhân vật này không chỉ giàu nhất Sài Gòn mà thậm chí còn giàu nhất khu vực Đông Dương.
Nhất Sỹ
Nhất Sỹ nói về Lê Nhứt Sỹ (1841 – 1900). Ông sinh ra tại Sài Gòn trong một gia đình theo đạo công giáo, sau đó được các tu sỹ người Pháp đưa sang Malaysia học tập và được đổi tên thành Lê Phát Đạt do tên cũ trùng với tên một người thày.
Sau khi trở về nước, ông được bổ nhiệm làm thông ngôn rồi sau đó làm Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam kỳ. Người ta gọi ông là Huyện Sỹ bởi những ai biết ông gọi ông bằng tên Sỹ, chứ không phải tên Đạt.
Huyện Sỹ giàu lên nhanh chóng phần nhiều nhờ may mắn. Khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, dân chúng di tản, ruộng đồng không người cày cấy, bỏ hoang. Lúc này, chính quyền bắt ép ông phải mua ruộng đất, khiến ông bất đắc dĩ chạy đi vay mượn mua liều. Tuy nhiên, ruộng của ông liên tiếp trúng mùa, khiến ông trở nên giàu có không ngờ. Đổi đời, ông treo 2 câu đối trong nhà: “Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách/Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ”.
Người ta đồn rằng, ngôi nhà đồ sộ của Huyện Sỹ ở Tân An được cất trên thế đất hàm rồng, nên gia đình ông giàu có, danh vọng bậc nhất thời bấy giờ. Sau khi trở nên giàu có, ông dùng tài sản của mình để xây các nhà thờ, bởi ông là người theo đạo công giáo.
Nhà thờ Huyện Sỹ
Các di sản mà Huyện Sỹ và gia đình để lại vẫn tồn tại cho đến ngày nay và cho thấy quy mô hoành tráng của nó. Nổi bật nhất là nhà thờ Huyện Sỹ, công trình ngốn khoảng 1/7 tài sản của ông để xây dựng, tốn khoảng 30 ngàn đồng bạc Đông Dương, xây mất hơn 3 năm. Ngoài ra, ông còn xây nhà thờ Chí Hòa và con trai ông là kỹ sư Lê Phát Thanh cũng bỏ tiền xây nhà thờ Hạnh Thông Tây, nằm tại quận Gò Vấp TPHCM. Tất cả các ngôi nhà thờ này đều xây trên đất của Huyện Sỹ.
Ngày nay. nếu đi bằng xe máy từ nhà thờ Huyện Sỹ đến nhà thờ Hạnh Thông Tây, phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, cho thấy quy mô đất đai của Huyện Sỹ lớn như thế nào.
Huyện Sỹ qua đời năm 1900 còn vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài mất sau đó 20 năm. Thi thể 2 người được chôn ở gian sau cung thánh nhà thờ Huyện Sỹ. Tại đây, 2 bên là 2 tượng bán thân của 2 ông bà, bằng thạch cao. Ở giữa là 2 phần mộ bằng đá cẩm thạch, bên trên mộ là 2 bức tượng toàn thân của 2 ông bà, cũng đều bằng đá cẩm thạch với hoa văn tinh xảo.
Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại, cháu ngoại Huyện Sỹ
Các con cái của Huyện Sỹ đều được ăn học thành tài và là những đại điền chủ sở hữu vô số đất đai ở Nam Kỳ lục tỉnh, nhận nhiều bổng lộc từ triều đình nhà Nguyễn dù không phải người hoàng tộc. Về sau, một người cháu ngoại của Huyện Sỹ là Nguyễn Hữu Thị Lan trở thành vợ của vua Bảo Đại, danh xưng Nam Phương hoàng hậu.
Người ta đồn rằng, vua Bảo Đại không giàu bằng Huyện Sỹ, trong đời làm vua, Bảo Đại dùng tiền của vợ nhiều hơn của hoàng gia. Của hồi môn của hoàng hậu Nam Phương khi lấy vua Bảo Đại lên tới 20.000 lượng vàng.
Nhì Phương
Nhì Phương là tên gọi của Đỗ Hữu Phương (1841 – 1914), con trai đại địa chủ Nam Kỳ thời bấy giờ là Bá Hộ Khiêm. Nhờ người cha giàu có nên ngay khi mới sinh ra, ông Hữu Phương nghiễm nhiên có trong tay cả một cơ ngơi mà không nhiều vị địa chủ có được.
Trong thời kỳ thực dân Pháp chưa vào chiếm đóng, gia đình ông Phương cai quản cả một vùng rộng lớn về phía bắc thành phố Sài Gòn. Từ đất cát, ruộng đồng, những mảnh vườn cây trái bạt ngàn cho đến hàng trăm những cửa hàng, nhà ở trong nội đô để cho tiểu thương thuê.
Bên cạnh đó, bá hộ Khiêm còn được biết đến như là một trong những người đầu tiên thực hiện giao thương với người nước ngoài. Từ việc mua bán các mặt hàng nông sản cho đến việc thôn tính các cơ sở kinh doanh tại Sài Gòn. Rồi sau này ông Phương kế nghiệp gia sản đó và đã phát triển lên rất nhiều lần đến mức dân gian còn khẳng định, nếu để một người ngồi đếm tiền của nhà ông Phương thì có lẽ ngồi đếm cả đời cũng không hết.
Ông Phương học tiếng Hán từ nhỏ, sau này biết thêm cả tiếng Pháp và là một thanh niên có tầm hiểu biết, giỏi ngoại ngữ, có kiến thức văn hóa, chứ không phải chỉ biết tiêu tiền như những công tử con nhà bá hộ khác. Vì vậy, ông Phương cưới được một người vợ xinh đẹp nết na, lại có gia đình quyền thế, là con một vị Lang trung Bộ Bình, chức quan khá lớn trong triều đình phong kiến nhà Nguyễn.
Thời điểm sau khi lấy vợ cũng là lúc ông dần được mọi người gọi là Bá hộ Phương, khi ông sinh sống trong căn nhà lớn nhất nhì Sài Gòn. 2 vợ chồng ông thừa hưởng khối tài sản khổng lồ sau khi Bá hộ Khiêm qua đời. Gia đìnhh ông đã kết nối với các tiểu thương ở khắp nơi, xây dựng hệ thống buôn bán riêng biệt, chi phối một phần giao dịch thông thương ở Sài Gòn. Vợ ông Phương là người buôn bán và quản lý tài sản cực kỳ khéo léo.
Về con đường quan lộ, năm 1861, ông được nhận làm cộng sự của người Pháp với sự giới thiệu của cai tổng Đỗ Kiến Phước. Sài Gòn Chợ Lớn thời đó chia làm 20 hộ. Đỗ Hữu Phương được chính quyền cho làm hộ trưởng, từ đó lần lượt leo lên nhiều chức vụ khác nhau.
Năm 1866-1868, Đỗ Hữu Phương chỉ huy hoạt động do thám phong trào chống đối Pháp và tham gia dẹp nhiều cuộc khởi nghĩa ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn và lân cận. Với nhiều công trạng, ông Phương liên tục thăng tiến, năm 1872 trở thành hội viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn và năm 1879 làm phụ tá Xã tây Chợ Lớn cho Antony Landes.
Đây là thời kỳ ông làm trung gian để giới thương gia người Hoa hối lộ các viên chức Pháp, qua đó kiếm về những món tiền kếch xù. Ông được thưởng tam đẳng bội tinh, thăng Tổng đốc hàm, và từ đó được gọi là Tổng đốc Phương. Ông gia nhập quốc tích Pháp năm 1881, đưa các con sang Pháp du học. Gia đình ông có 8 người con, 5 trai 3 gái.
Tam Xường
Tam Xường tên thật là Lý Tường Quan (1842-1896), tên tự là Phước Trai. Được biết đến là một người giàu có, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Bá hộ Xường – Lý Tường Quan được ghi chép lại rất ít. Theo đó, Lý Tường Quan là người Minh Hương (Hoa Kiều trung thành với nhà Minh) chống lại nhà Thanh nên đến lánh nạn ở miền Nam Việt Nam.
Lý Tường Quan trở thành thông ngôn cho Pháp nhờ thông thạo cả tiếng Hoa lẫn tiếng Pháp, và được tin tưởng, trọng dụng. Tuy vậy, địa vị mà nghề thông ngôn mang lại không làm Lý Tường Quan thỏa mãn. Khoảng năm 30 tuổi, ông bỏ nghề này chuyển sang làm kinh doanh, cung cấp lương thực, thực phẩm cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận.
Gặp thời điểm xuôi chèo mát mái, lại biết khôn khéo lấy lòng các quan Tây để được họ che chở, nâng đỡ, chẳng mấy chốc ông trở thành nhà trọc phú quyền uy, nhất là trong lĩnh vực lương thực – thực phẩm lúc bấy giờ. Do Tường Quan còn có tên khác là Xường, lại rất giàu có, nên người dân thường gọi ông là Bá hộ Xường.
Với lợi nhuận từ việc kinh doanh buôn bán, Bá hộ Xường bắt đầu mua đất xây cất biệt thự tại vùng Chợ Lớn để cho thuê và bán, càng ngày càng trở nên giàu có. Dinh thự của Bá hộ Xường rất bề thế, ngày nay tọa lạc trên đường Hải Thượng Lãn Ông, được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Từ đường bề thế của họ Lý ở đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5.
Một công trình khác ông để lại là khu nhà mồ cổ xây dựng năm 1896, hiện thuộc địa phận quận Tân Bình, TP HCM. Toàn bộ công trình tuy không đồ sộ nhưng rất khoáng đạt và tinh tế, là sự kết hợp của lối kiến trúc gôtich với phong cách Á Đông.
Bá hộ Xường qua đời năm 1896. Sau khi ông mất, hầu hết tài sản bị con cháu ăn xài, tiêu phí hết.
Tứ Định và 3 ứng viên khác
Nếu như 3 vị trí Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường được tất cả thừa nhận, thì vị trí thứ 4 lại có nhiều tranh cãi, có người nói là Tứ Định, cũng có người nói Tứ Hỏa, Tứ Trạch hay Tứ Bưởi.
1.Tứ Định, tên thật là Trần Hữu Định, xuất thân là chủ tiệm cầm đồ, rồi được chính quyền Pháp cho làm Hộ trưởng (bấy giờ, Chợ Lớn là một tỉnh riêng biệt gồm 20 hộ, độc lập cùng với tỉnh Gia Định) kinh doanh đất đai, xuất nhập khẩu vải sợi. Ông phất lên nhanh chóng nhờ biết nắm thời cơ những lúc hàng khan hiếm. Trần Hữu Định có biệt thự ở nhiều nơi, và cũng như bá hộ Xường, danh xưng bá hộ Định (hoặc Hộ Định) là do dân Chợ Lớn thấy ông giàu có nên gọi như vậy.
Cũng giống Tam Xường, sau khi ông mất, con cháu không biết giữ của, tiêu xài và xóa sạch vết tích của nhà cự phú này.
2.Tứ Hỏa tên thật là Hui Bon Hoa (1845-1901) hay Hứa Bổn Hòa, Jean Baptiste Hui Bon Hoa, dân gian thường gọi là Chú Hỏa. Ông là người Việt gốc Hoa, theo đạo Công giáo.
Thiên hạ đồn rằng, khi đi nhặt ve chai Chú Hỏa đã nhặt được cả túi vàng nằm trong một chiếc ghế nệm cũ và dùng số vàng đó làm ăn rồi giàu lên nhanh chóng. Các phiên bản khác của giai thoại này thay túi vằng bằng bức tượng đúc đồng nhưng bên trong đầy vàng, hoặc những thứ đồ cực kỳ quý hiếm trong những món đồ vứt đi.
Rồi có cả những giai thoại cho rằng chú Hỏa an táng mộ cha đúng long mạch nên làm ăn phát đạt hay thừa hưởng cả một kho báu của nhà Minh để lại. Những giả thiết có phần thực tế hơn cho rằng Hỏa đã tích cóp để trở thành chủ đại lý ve chai, hoặc được một ông chủ người Pháp thương tình giúp đỡ, từ đó có vốn liếng để làm ăn.
Chú Hỏa lập công ty Hui Bon Hoa, có thời là công ty bất động sản lớn sở hữu trên 20.000 căn nhà ở Sài Gòn đồng thời xây dựng rất nhiều công trình có giá trị lớn vẫn còn tồn tại đến ngày nay như Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, khu nhà khách chính phủ, nhiều ngân hàng, trụ sở mua bán ở quận 5 và các công trình nhà riêng, chùa chiền, bệnh viện khác.
Khách sạn Majestic do Chú Hỏa xây dựng
Ông Hứa Bổn Hòa có người con gái, không may chết sớm khi còn trẻ. Từ cái chết này và những điều kỳ bí trong đó, người ta truyền nhau những câu chuyện ma quái xuất hiện trong nhà của Hui Bon Hoa. Câu “Con ma nhà họ Hứa” xuất phát từ gia đình này.
3.Tứ Trạch tên thật là Trần Trinh Trạch (1872-1942), do từng tham gia thành viên Hội đồng Tư mật Nam Kỳ (Conseil privé), nên dân gian còn gọi là Hội đồng Trạch.
Tương truyền ông xuất thân nhà nghèo, đi làm mướn cho một điền chủ nhập tịch Pháp. Do được mướn đi học thay cho con của người điền chủ, ông có vốn chữ nghĩa tiếng Pháp, về sau đi làm viên chức cho tòa bố (tòa hành chánh) tỉnh Bạc Liêu. Cũng nhờ vốn kiến thức về luật pháp mà ông giàu lên nhanh chóng nhờ thu mua tài sản điền địa của các địa chủ thất vận.
Ông được xem là một trong những đồng sáng lập ngân hàng đầu tiên do chính người Việt Nam sáng lập và điều hành, trụ sở đặt tại Sài Gòn (1927), tên là Ngân hàng Việt Nam (công ty trách nhiệm hữu hạn), do ông làm chánh hội trưởng.
Công tử Bạc Liêu chính là con trai thứ 3 của ông, tên là Trần Trinh Huy.
4.Tứ Bưởi tên thật là Đỗ Thái Bưởi (1874–1932), do làm con nuôi trong một người nhà giàu họ Bạch nên ông còn có tên là Bạch Thái Bưởi. Dân gian còn gọi ông là Ký Năm do có thời gian ông làm ký lục cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội.
Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở làng An Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Cha mất sớm, ông phải phụ giúp mẹ kiếm sống bằng nghề bán hàng rong. Sau được nhận làm con nuôi và được cho ăn học.
Ông nổi danh khi cạnh tranh với người Pháp và người Hoa trong các lĩnh vực vận tải thủy, khai thác mỏ và xuất bản với các công ty Giang Hải Luân thuyền Bạch Thái Bưởi công ty, Công ty in và Xuất bản Bạch Thái Bưởi (sau là Đông Kinh ấn quán). Ông được xem là nhà tư sản dân tộc tiêu biểu của thế kỷ 20.
Nguồn: CFB
- Ông Huyện Sỹ: Đại hào phú Sài Gòn và mối quan hệ với Nam Phương hoàng hậu
- Tòa biệt thự 99 cửa ở Sài Gòn và những bí ẩn chưa giải đáp về giai thoại “con ma nhà họ Hứa”
- Công tử Bạc Liêu: Xài hết 5 tấn vàng?