Trục Trái đất bị lệch trong suốt 25 năm qua, làm thay đổi vị trí các cực Bắc – Nam

Biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều thảm họa trên Trái đất. Một trong những thảm họa ngoài sức tưởng tượng của con người là các cực của Trái đất đang bị lệch khỏi trục vốn có của nó. Nghiên cứu cho thấy: Sự tan chảy của các sông băng và sự suy giảm nguồn nước ngầm đóng vai trò then chốt gây ra hiện tượng chuyển động của các cực địa lý này.

Cuối cùng chúng ta cũng biết tại sao Bắc Cực lại di chuyển về phía Đông. (Ảnh: Gizmodo)

Theo báo cáo vào tháng trước trên tạp chí Geophysical Research Letter, các nhà nghiên cứu cho biết đã sử dụng các vệ tinh theo dõi lực hấp dẫn để theo dõi cái mà họ gọi là “sự trôi dạt cực”. Trong khi chúng ta coi trọng lực là một hằng số, tuy nhiên nó thực sự thay đổi dựa trên sự dịch chuyển của hành tinh. Mặc dù động đất và các hoạt động địa vật lý khác chắc chắn có thể đóng một vai trò nào đó bằng cách đẩy đất xung quanh, nhưng chính nước mới là nguyên nhân gây ra sự thay đổi lớn nhất. Các vệ tinh được sử dụng cho nghiên cứu, được gọi là GRACE và GRACE-FO, đã được hiệu chỉnh để đo khối lượng dịch chuyển của Trái đất.

Trước đây, họ đã phát hiện những thay đổi về trọng lực liên quan đến việc các sông băng tan chảy ở Nam Cực và hạn hán dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm ở California vào giữa những năm 2010. Dữ liệu cũng có thể tiết lộ những thay đổi về trọng lực này đã tác động đến các cực.

Chênh lệch cực là điều gì đó xảy ra một cách tự nhiên. Trục của Trái đất đang dịch chuyển chậm, nhưng đã có một sự gia tốc rõ rệt trong những thập kỷ gần đây. Các cực hiện đang di chuyển với tốc độ lớn hơn gần 17 lần so với tốc độ của chúng vào năm 1981, một sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn nữa là các trục thực sự bắt đầu di chuyển theo một hướng mới khá đột ngột vào năm 2000 với tốc độ khá nhanh.

Nghiên cứu trước đây đã sử dụng dữ liệu vệ tinh tương tự để quan sát tốc độ tăng và thay đổi của trục Trái đất. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là các sông băng tan chảy ở Greenland và Tây Nam Cực cũng như việc khai thác quá nhiều nước ngầm. Nghiên cứu mới đây đã mở đường cho những thành tựu đạt được của những năm 1990, đã khám phá ra một số biến động hàng năm một cách chi tiết hơn. Các phát hiện đã chỉ ra những thay đổi trong việc sử dụng nước ngầm ở các vùng cụ thể là nguồn gốc của các thay đổi đó.




“Sử dụng dữ liệu GRACE (trong giai đoạn 2002-2015), chúng tôi đã chỉ ra rằng các tín hiệu liên tục hàng năm như vậy (như các tác giả này đã chỉ ra: sự thay đổi đột ngột vào năm 2005 và 2012) có thể được giải thích là do trữ lượng nước trên cạn”, Surendra Adhikari, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy – NASA, người dẫn đầu nghiên cứu năm 2016, cho biết trong một email. “Bài báo mới củng cố tuyên bố bằng cách chỉ ra một sự thay đổi khác trong dữ liệu chuyển động địa cực (vào năm 1995) cũng được giải thích bởi sự thay đổi tổng trữ lượng nước, đặc biệt là do khối lượng băng ở Greenland biến mất nhanh chóng và sự cạn kiệt trữ lượng nước tại Trung Đông và tiểu lục địa Ấn Độ.

Mối quan hệ giữa trữ lượng nước trong lục địa và sự dao động trong trục quay của Trái đất. Hình ảnh: NASA / JPL-Caltech




“Nhìn chung, bài báo (cùng với các công trình trước đây của chúng tôi) tiết lộ mối liên hệ chặt chẽ giữa sự biến đổi khí hậu và sự chuyển động của Trái đất”, ông nói thêm, lưu ý rằng nghiên cứu mới là một “bài báo được thực hiện một cách độc đáo”.


Hiện tại, biến đổi khí hậu gây ra chuyển động ở các cực không phải là điều quá đáng lo ngại. Có những nguy cơ hiện tại khác đang diễn ra còn đáng lo ngại hơn đó là sóng nhiệt dữ dội, axit hóa đại dương và đại tuyệt chủng lần thứ sáu. Tác động của sự cạn kiệt nước ngầm này có khả năng ảnh hưởng đến hàng tỷ con người.

Nhưng đây là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về mức độ ảnh hưởng do con người đã gây ra cho hành tinh này và chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ nếu không muốn thế giới của mình bị đảo lộn.

Nguồn: NTDVN – Theo Earther.gizmodo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *