Có rất nhiều cái tên mô tả bản chất và ý nghĩa của trục Mundi. Nó thường được gọi là cột chống trời, trục Trái đất, hay trung tâm của thế giới. Đây chỉ là một vài trong số những cái tên mô tả trục Mundi, được tìm thấy trong rất nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới.
Thiên nhiên cũng có thể được coi là một trục Mundi. (Ảnh trên youTube)
Đơn giản thì trục Mundi có nghĩa là nơi giao hội giữa trời và đất, giữa thiên thượng và hạ giới, nơi con người có thể kết nối trực tiếp với các vị thần mà không bị giới hạn bởi địa lý hay các tín ngưỡng tôn giáo.
Một sự thật thú vị về trục Mundi là nó không bị giới hạn ở một nơi nào trên Trái Đất hay chỉ ở những thực thể tự nhiên. Nhiều địa điểm có thể được xem là trục Mundi. Một số công trình nhân tạo cũng có thể là trục Mundi.
Những ngọn núi có thể là trục Mundi
Núi là một trong những nơi phổ biến nhất được xem là trục Trái đất, người xưa tin rằng đó là nơi giao thoa giữa thiên thượng và hạ giới. Đối với tộc người da đỏ Sioux ở Dakota, Bắc Mỹ thì ngọn núi Black Hills là trục Trái đất.
Người Nhật lại cho rằng núi Phú Sĩ là nơi giao thoa giữa trời và đất. Đối với người Trung Quốc, thì đó là núi Côn Lôn thần thoại, với người Ấn Độ giáo là cả núi Tu Di ở Ấn Độ và núi Kailash, Tây Tạng.
Bích họa mô tả núi Tu-di ở Wat Sakhet, Bangkok, Thái Lan. (Ảnh qua Wikipedia)
Người Hy Lạp thì nghĩ rằng núi Olympus là nơi kết nối giữa thiên đàng và mặt đất. Người Aztec cho rằng núi Machu Picchu là trung tâm tâm linh của thế giới và xây dựng làng xã ở đó để dễ tiếp cận hơn với các vị thần. Các ngọn núi đều có hình dáng đồ sộ, hùng vĩ và độ cao của chúng làm cho chúng gần với thiên đường.
Chúng ta có thể bổ sung thêm núi Đền ở Thành phố cổ Jerusalem vào danh sách này do câu chuyện phục sinh trong Kinh thánh và câu chuyện Mohammad cưỡi thiên mã lên trời. Các tín ngưỡng tâm linh cũng đóng vai trò to lớn trong cách nhìn nhận trục Mundi của các nền văn minh thuở đầu.
Vị trí địa lý*
Trong một bản đồ thời Trung cổ, thành phố Jerusalem cũng được đặt ở trung tâm của thế giới. (Ảnh qua Tourist Israel)
Một số quốc gia và thành phố cũng được xem là trục Mundi. Chẳng hạn như Trung Quốc cổ đại được ví là Thần Châu, người Trung Quốc cổ đại tin rằng vương quốc của họ là trung tâm của Trái đất và có mối liên hệ đặc biệt với thiên thượng. Đây cũng là nơi từng xuất hiện vô số câu chuyện thần thoại, những vị tu luyện đắc Đạo thành tiên, hay những bậc đế vương là thần chuyển sinh truyền thừa văn hóa. Từ Trung Quốc cũng có nghĩa là trung tâm chi quốc hay đất nước trung tâm.
Trong một bản đồ thời Trung cổ, thành phố Jerusalem cũng được đặt ở trung tâm của thế giới. Còn người Hồi giáo thì cho rằng thành phố Mecca có mối liên hệ đặc biệt với thiên đường.
Các tòa nhà
Tính linh động của trục Trái đất không dừng lại ở những thực thể tự nhiên hay vị trí địa lý. Người Sumer và Babylon cổ đại cho rằng các tòa nhà cũng có thể kết nối với thiên thượng. Họ xây dựng các kiến trúc ziggurat (loại hình kiến trúc kiểu bệ núi tầng bậc, trên đỉnh có một đền thờ nhỏ) để chứng minh quan điểm của mình.
Đế Quốc Khmer đã cho xây dựng đền Angkor Wat vào thế kỉ XII vì những lý do tương tự. Thiết kế của ngôi đền phản chiếu hình ảnh núi Tu Di, họ cũng quan niệm rằng Angkor Wat là một nơi đặc biệt để kết nối với các vị thần.
Thiên nhiên cũng có thể được coi là một trục Mundi
Những người tu Phật và Đạo tin rằng trong khi thiền định, nguyên thần có thể rời khỏi thân thể để đến thế giới khác. (Ảnh: Internet)
Trong thần thoại Bắc Âu, người ta tin rằng cây Yggdrasil là “Cây thế giới” nối liền 9 thế giới khác nhau. Các pháp sư được cho là có khả năng du hành đến các thế giới khác để học cách chữa bệnh, có được trí tuệ và tái sinh các linh hồn.
Nhiều người cũng cho rằng cơ thể người có thể có mối liên hệ đặc biệt với các cõi thiên đường. Những người tu Phật và Đạo tin rằng trong khi thiền định, nguyên thần (linh hồn) người ta có thể rời khỏi thân thể để đến thế giới khác và câu thông với các sinh mệnh ở đó. Quan niệm cơ thể người là một trục Mundi cũng có thể được tìm thấy trong Kitô giáo.
Sách Hebrews, chương 8 câu 10 nói: “Này là giao ước mà Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó”, Chúa lại phán: “Ta sẽ để luật pháp ta trong trí họ và ghi tạc vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời họ. Họ sẽ làm dân ta”.
Các môn khí công, yoga cũng góp phần cho thấy cơ thể người là một vật dẫn để kết nối với các thế giới tâm linh không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Hình thức của trục Mundi
Có thể thấy, hình thức của trục Mundi và cái tên mà mọi người gọi nó ra sao không quan trọng. Bất cứ thứ gì được coi là nơi kết nối giữa trời và đất đều có thể được xem là trục Mundi. Vì thế người cổ đại rất tôn kính và xem đó là một nơi thiêng liêng. Nó mở ra cho họ một mục đích sống, là nơi họ có thể đến để kết nối và lĩnh hội những khải thị từ các vị Thần.
Nó giúp họ liên kết với thế giới xung quanh khi tiếp xúc với các quốc gia khác. Nó mang đến cho họ hy vọng rằng có một cái gì đó siêu phàm vượt trên cuộc sống trần tục nơi Trái đất.
Nguồn: Tinhhoa/Ancient Pages