Triệu phú lừng danh nhớ lại nhiều kiếp sống, thức tỉnh trước bài học nhân quả

Câu chuyện cuộc đời thật của một triệu phú giới tài chính phố Wall như một câu chuyện Thần thoại, cuốn hút, hấp dẫn và gợi mở cho chúng ta phương thức sống trí tuệ vượt qua những kiếp nạn đang liên tiếp giáng xuống nhân loại như dịch bệnh, thiên tai, động đất, sóng thần, núi lửa, lũ lụt, hỏa hoạn, xung đột…

Phật gia tin rằng, thể xác mất đi nhưng linh hồn là bất diệt. Thể xác chỉ như là lớp y phục bên ngoài, cái chết xảy đến chỉ như là cởi bỏ y phục cũ và sang một kiếp sống mới chỉ là bạn thay đổi lớp y phục mới mà thôi. (Ảnh; Tổng hợp)

Tác giả “Muôn kiếp nhân sinh” là Nguyên Phong hay giáo sư John Vũ – là một nhân vật trí thức tầm cỡ thế giới – với hơn 20 năm là kỹ sư cao cấp tại Boeing, là nhà khoa học tại Đại học Carnegie Mellon và Đại học Seattle. Nhân vật chính một nhà triệu phú tài chính phố Wall – New York, tạm gọi là Thomas, ngoài ra còn có những người nổi tiếng khác, các giáo sư đầu ngành… tóm lại là những nhân vật thuộc giới tinh anh của xã hội đương đại phương Tây, vốn đã có thừa danh tiếng, nhưng lại cùng nhau xuất hiện trong một cuốn sách gây tiếng vang kinh động tâm linh.

Vốn vô cùng thành công trong kinh doanh, ông Thomas cũng là người tỉnh táo trong đời thường, và khó có thể chấp nhận những điều kỳ lạ về tâm linh, cho đến khi ông trực tiếp trải nghiệm tất cả. 

Lần nọ, thay vì dùng phi cơ riêng, ông Thomas đã cùng vợ lái xe đến căn nhà nghỉ dưỡng trên núi thuộc vùng Colorado, hôm ấy trời đổ tuyết nhiều, con đường lại ngoằn nghèo khiến xe ông sụp xuống một hố trũng. Thomas may mắn được một người lạ giúp đỡ, người mà sau này trở thành người thầy tinh thần của ông. Thomas đã gặp nhiều vị nguyên thủ quốc gia, những nhà quản lý công ty lớn, những người lãnh đạo cao cấp nhưng chưa thấy ai có vẻ sang trọng, oai nghi như người đàn ông tên Kris này.

Tiền kiếp dậy sóng
Như một sự sắp đặt sẵn của định mệnh, vợ chồng ông Thomas đã tạm tá túc tại nhà người đàn ông bí ẩn đó, Thomas vô tình chạm tay vào cây gậy có gắn bảy viên đá quý và cảm nhận ngay một luồng điện cực mạnh, ông Kris thì thầm điều gì như thôi miên, rồi tâm thức Thomas trôi dạt về quá khứ…

Không hiểu sao ông biết rằng đó chính là châu Atlantis. Huyền thoại Hy Lạp nói rằng Atlantis hiện hữu vào thời xa xưa, ở giữa Đại Tây Dương, được coi là cái nôi của nền văn minh Ai Cập cũng như Hy Lạp, và rất có ảnh hưởng đến nền văn minh hiện thời.

Ngay khi đó Thomas biết văn minh Atlantis đã tiến xa hơn nền văn minh hiện nay rất nhiều vì nó được xây dựng dựa trên những kiến thức khác hẳn. Vào lúc đó, người Atlantis đã khám phá ra bảy loại ngọc có công dụng chữa bệnh là kim cương, sapphire, ngọc lục bảo, vân ngọc, hoàng ngọc, hồng ngọc, và tía ngọc. Nếu biết kết hợp năng lượng của chúng cùng một lúc thì sẽ tạo ra một năng lượng rất mạnh có thể thay đổi nguyên tử hay tiêu hủy vật chất. Đó là một ngành khoa học cổ xưa mà ngày nay đã thất truyền. Thomas trong kiếp này thuộc giai cấp cao trong xã hội và cũng sở hữu cây gậy ngọc như thế, giống như thứ mà ông đã chạm vào tại nhà ông Kris.

Người Atlantis còn chế tạo ra những dụng cụ, máy móc tối tân cho những mục đích mà ngày nay không thể nào giải thích được. Họ có thể sử dụng ánh sáng mặt trời cùng sự rung động của các loại kim thạch để thay đổi nguyên tử vật chất. Họ có thể làm mất trọng lượng của một vật thể để nâng những tảng đá khổng lồ hay những vật nặng lên cao và xây dựng nên những công trình kiến trúc khổng lồ, kiên cố mà không cần sử dụng đến máy móc hiện đại như ngày nay. 

Qua kỹ thuật thay đổi nguyên tử, người Atlantis có thể thay đổi những cơ quan đã bị yếu, tổn thương trong cơ thể người để chữa bệnh. Phương pháp này cũng có thể biến đổi con người thành một sinh vật khác khi ghép vào cơ quan của loài vật và tạo ra một loại người mới. Những người thuộc đẳng cấp thấp, hay tù binh chiến tranh thường bị đưa vào phòng thí nghiệm để tác hợp với nguyên tử của những loài thú có sức mạnh như trâu, bò, voi, ngựa, lạc đà, rồi họ được giao phó những công việc nặng nhọc như xây dựng, chuyên chở, hay trở thành cỗ máy giết người. Đó là một lực lượng lao động không còn biết suy nghĩ mà chỉ tuân theo mệnh lệnh.




Vào giai đoạn cuối nền văn minh Atlantis, đời sống tiện nghi vật chất hết sức đầy đủ nhưng cũng vì thế mà đa số sống xa hoa, phung phí, ích kỷ và có tính dâm dục rất cao, con người dường như không hề biết đến tình thương hay sự đồng cảm với nhau.

Triệu phú Thomas ở vào đúng thời điểm thảm họa hủy diệt sắp diễn ra. Các nhà tiên tri khi đó đã cảnh báo về hiện tượng địa cầu chuyển trục, với các dấu hiệu về thời tiết thay đổi, hạn hán kéo dài nhiều tháng, bão mạnh gây lụt lội khắp nơi, cháy rừng, dịch bệnh khiến người chết vô số. Nghe qua có vẻ rất giống với tình trạng nhân loại chúng ta ngày nay.

Cuối cùng, Atlantis bị chôn vùi bởi một trận động đất, chỉ một bộ phận người có tâm linh cao đã rời đi trước và tìm vùng đất mới để xây dựng lại nền văn minh của mình.

Mặc dù khi ấy Thomas được sinh ra trong một gia đình quyền quý, nhưng lại kiêu căng, tham vọng nên đã đi theo con đường tà thuật, và chỉ vì ham mê dục vọng mà đã tìm mọi cách chiếm đoạt người Thánh nữ trong trắng, cuối cùng đã không thể thoát được thảm họa diệt vong. 

Nghiệp quả báo ứng
Khi tỉnh lại, Thomas bàng hoàng vì sự xấu xa, ích kỷ của mình khi đó. Kris – người thầy tinh thần chỉ ra cho ông rằng lúc ở Atlantis, ông chỉ là một thực thể non dại, vì đã quen sống trong một môi trường mà sự ích kỷ, độc ác, tham lam, chiếm đoạt là điều bình thường. Ở kiếp sống đó ông chưa thức tỉnh về tình thương, lòng trắc ẩn, hay sự hối hận. Vì thế mà đã phải trả giá khi bị tái sinh làm loài dòi bọ trong rất nhiều kiếp sau. 




Ông Kris cho biết: “Một thực thể phải trải qua nhiều kiếp sống. Kẻ hung dữ thường tái sinh thành con vật bị đánh đập tàn nhẫn để học bài học về sự đau khổ mà họ đã gây ra cho người khác. Dĩ nhiên khi phải trải qua nhiều kiếp sống bị đày đọa… họ mới ý thức được hậu quả việc làm của mình và chịu học”.

Tại sao con người sinh ra để rồi chết đi? Đời sống có ý nghĩa gì nếu chỉ có một đời duy nhất và chết là hết? Tại sao có người được sinh ra ở những quốc gia thịnh vượng, trong khi người khác lại sinh ra ở những quốc gia nghèo đói, chiến tranh liên miên, chịu cảnh thiên tai hay dịch bệnh? 

Bài học mà tất cả những người tham lam, ích kỷ đều phải trải qua đó chính là sự đau khổ. Hãy tưởng tượng mỗi kiếp người là một khóa học. Mục đích của việc học này là khiến sinh mệnh hướng thượng, có đạo đức hơn, minh triết hơn, chứ không phải giàu có hơn, nổi tiếng hơn… nếu chưa đạt sẽ học tiếp, thi tiếp ở kiếp sau… không gì thoát khỏi Luân hồi và Nhân quả.

Lịch sử đang lặp lại – Con người đã học được bài học cần thiết?
Ông Kris cho biết nếu một lục địa như Atlantis có thể biến mất thì các lục địa khác như châu Mỹ, châu Âu, hay châu Á hiện đang hưng thịnh cũng có thể vỡ nát hay chìm xuống đáy đại dương. Điều này có thể xảy ra vì một số người vẫn chưa học được điều họ phải học, dù đã trải qua nhiều kiếp sống.

“Những biến động trong tự nhiên như là lời cảnh cáo về sự vô ý thức của con người… các tảng băng khổng lồ tồn tại hàng triệu năm ở hai đầu cực trái đất đang tan rã vì hành tinh đang nóng lên, và ít lâu nữa nước biển sẽ dâng lên gây ngập lụt khắp nơi… sẽ có những trận hạn hán khủng khiếp và cháy rừng thiêu đốt địa cầu – gây ra sự biến đổi khí hậu không thể vãn hồi. Rồi nạn đói, thiên tai, dịch bệnh sẽ tràn lan khắp nơi.




Người chết có thể lên đến con số hàng triệu hay nhiều hơn nữa”, người thầy tinh thần đã từng tiên tri điều này từ nhiều năm trước.

Thần linh không trong tượng đài
Kiếp sống ở Atlantis chỉ là bước khởi đầu, và ông Thomas còn phải học thêm nữa. Nhưng rốt cuộc chúng ta phải học gì? 

Mỗi cá nhân có những bài học riêng, như Thomas phải trải qua nhiều kiếp sống, chịu đựng nhiều đau khổ mới học được bài học quan trọng nhất: đó là về tình yêu thương.

Ở kiếp sống tại Ai Cập cổ đại, Thomas là một Pharaoh quyền uy và tàn nhẫn, nắm quyền sinh sát trong tay, sẵn sàng tống bất cứ kẻ nào trái ý ông vào hầm sư tử, nhưng ông cũng là vị Pharaoh cô đơn trên đỉnh cao của quyền lực, là một linh hồn khao khát học hỏi, tìm kiếm chân lý.

Ở kiếp sống tại Ai Cập cổ đại, Thomas là một Pharaoh quyền uy và tàn nhẫn, nắm quyền sinh sát trong tay. (Ảnh minh họa: Wikipedia/CC BY-SA 4.0)




Trong một lần cải trang ra khỏi cung, Pharaoh đã vô tình gặp một gia đình y sĩ nghèo có một cô con gái sở hữu khả năng đặc biệt: chữa bệnh bằng tình thương. 

Đáp lại câu hỏi ngạo mạn: “Tình yêu thương là cái quái gì mà có thể chữa được bệnh tật?”, người y sĩ già cho biết: “Thật ra không có gì cần thiết cho con người hơn là tình yêu thương, đó là điều kiện tất yếu cho sự sống còn, trưởng thành. Thiếu tình thương, trẻ nhỏ không thể chống chọi trước những căn bệnh hiểm nghèo… Khi lớn lên, chúng dễ trở thành những kẻ hung ác, vô cảm và ích kỷ”.

Tùy theo việc đứa trẻ được cha mẹ dạy dỗ như thế nào, được thương yêu hay bị đánh đập mà cuộc đời đối với nó trở nên đáng ghét hay đáng sống… Nếu được sống trong yêu thương, nó sẽ biết thương yêu. Trái lại, thì khả năng thương yêu của nó sẽ mất đi và nó chỉ biết sống một cách vô ý thức. Làm sao nó có thể thương ai được nếu như trước giờ nó chưa hề được ai thương? Làm sao nó có thể thông cảm với nỗi khổ đau của người khác khi khả năng yêu thương đồng cảm của nó đã bị thui chột? 

Pharaoh giận đến tức cả ngực vì những điều này ám chỉ đến sự hung bạo của ông. Bình thường thì chỉ một ngón tay giơ lên, ông già này có thể bị ném vào hầm sư tử ngay. Nhưng lần đầu tiên trong đời Pharaoh lờ mờ nhận ra ý nghĩa cao hơn của nhân sinh, đó chính là tình yêu thương. 

Ngài quay ra nhìn người con gái đặc biệt vẫn đang ôm đứa trẻ để chữa lành bằng tình thương của mình. Tuy cô không quá xinh đẹp nhưng vẫn toát ra một vẻ thánh thiện kỳ lạ. Tự nhiên Pharaoh cảm thấy sung sướng một cách lạ lùng về cái gọi là tình thương; và nghĩ đến thân phận của mình, mất mẹ từ nhỏ, bị đối xử một cách khắt khe, tàn nhẫn nhưng nhờ ý chí cương quyết, đã vượt qua mọi khó khăn, trở thành một Pharaoh uy quyền tột đỉnh, song lại chưa biết gì về tình thương cho đến lúc này, chưa hề thương yêu ai, và cũng chưa hề được ai yêu thương. 




Bài học này khiến Pharaoh dằn xé nội tâm, đám giáo sĩ muốn xây cất thêm nhiều đền thờ, bành trướng thế lực, trong khi Pharaoh đã hiểu ra bản chất biến dị của tôn giáo thời bấy giờ; và Cihone, người con gái làm Pharaoh xao động, lại kết hôn với một người khác. 

Pharaoh tự hỏi phải chăng chính sự thu xếp của thần linh đã để cho người con gái đó phải thuộc về người khác? Dĩ nhiên chỉ cần vung tay ra là sẽ đạt được điều mình muốn ngay, nhưng không hiểu sao ông biết mình không thể làm như thế với người con gái này. 

“Chưa bao giờ tôi thấy mình lại bất lực đến thế. Ai đã đặt tôi vào hoàn cảnh trớ trêu lạ lùng như bây giờ? Nếu mọi việc đều là ý muốn của thần linh thì tại sao họ lại ác thế? Từ ngày lên ngôi Pharaoh, tôi đã dâng cúng rất nhiều phẩm vật cho thần linh… Phải chăng đó là sự thử thách về đức tin của tôi đối với chư thần hay là một cái gì đó khác nữa chăng?”, Pharaoh trăn trở như vậy

Khao khát tìm kiếm chân lý nhân sinh, Pharaoh ra sa mạc, thỉnh cầu Thần Thái Dương. Thật kinh ngạc, không phải qua các nghi thức cúng tế, mà giữa sa mạc mênh mông này, đột nhiên Pharaoh cảm nhận sự hiện diện của Thần với tiếng nói vô thanh vang lên:

“Tại sao trước giờ ngươi lại mải miết đi tìm kiếm Ta ở bên ngoài? Hãy quay vào bên trong nội tâm, ngươi sẽ gặp Ta!… Ta chính là tình thương”.

Sức mạnh tâm linh khiến Pharaoh chấn động với cảm nhận về nguồn an lạc vô biên, Ngài nhận ra rằng: thần linh không phải trong đền thờ, Ngài ở trong tâm của chúng ta.

Quyền lực và yêu thương
Đoán biết nỗi lòng Pharaoh, hoàng hậu đã cho mời Cihone vào cung. Ngồi sau bức màn quan sát cuộc trò chuyện của người con gái bình dị này với hoàng hậu, Pharaoh nhận ra một chân lý cao đẹp khi Cihone nói: “Cha tôi dạy rằng có hai động lực điều khiển đời sống con người: là lòng tham và tình thương. Lòng tham dẫn đến việc sử dụng tất cả mọi thứ, kể cả bạo lực, để chiếm lấy cái mình muốn. Tình thương thì khác, nó chỉ biết cho đi chứ không đòi hỏi gì hết… 

Tôi biết rằng trong mọi việc, dù lớn hay nhỏ, đều phải có thái độ như thế. Đừng mong mỏi hay đòi hỏi được đền đáp điều gì. Nên là người cho đi, nên là người giúp đỡ người khác, thương yêu tất cả, dù bị lường gạt cả trăm lần. Đừng kể những điều tốt đã làm, đừng nhắc những gì đã cho, đừng chờ đợi ai trả ơn, đừng cố muốn có những gì vốn không thuộc về mình – và hãy vui tươi thanh thản sống như thế thì sẽ hạnh phúc thực sự”.

Pharaoh chấn động nhận ra rằng Cihone chính là hiện thân của tình thương thuần khiết cao thượng – tạo nên năng lượng, sức mạnh diệu kỳ có khả năng chữa lành được những tổn thương, bệnh tật và có thể tác động làm chuyển biến được nội tâm con người. Cái ham muốn thầm kín nhằm chiếm được người con gái này của Pharaoh cũng tan nhanh như bọt nước. 

Trong thời Ai Cập cổ đại này, với tham vọng bành trướng thế lực tôn giáo, các giáo sĩ xúi giục các Pharaoh mở mang bờ cõi qua việc xâm lăng những nước khác, tạo nên tội nghiệp sâu nặng. Do đó, sau này Ai Cập phải gánh chịu những nghiệp quả do mình gây ra. Trải qua gần ba ngàn năm, người dân Ai Cập phải sống dưới ách đô hộ xâm lăng.

Qua việc quay lại tiền kiếp, ông Thomas nhận ra rằng đời người tưởng chừng rất dài nhưng lại trôi qua rất nhanh. Luân hồi là một ngôi trường rộng lớn, nơi tất cả sinh mệnh đều phải học để tâm linh hướng thượng. Nếu không thì buộc phải học lại, chính xác theo quy luật Nhân quả.


Lời kết
Hiện nay, có hơn 7 tỷ người sống trên trái đất này. Nếu nhiều người ý thức về sự nguy hại của tính ích kỷ, tham lam, và tìm cách nuôi dưỡng lòng từ bi hướng đến những giá trị cao đẹp Chân, Thiện, Nhẫn, thì rất có thể họ sẽ tạo ra những ảnh hưởng tích cực lên những người xung quanh. Như lời của ông Thomas ở cuối cuốn sách: 

“Tôi mong chúng ta – những cánh bướm bé nhỏ rung động mong manh cũng có thể tạo nên những trận cuồng phong mãnh liệt để thức tỉnh mọi người… Nhân quả đừng đợi thấy mới tin. Nhân quả là bảng chỉ đường, giúp con người tìm về thiện lương”.

Nguồn: NTDVN 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *