Trí tuệ nhân tạo giúp phục dựng thành công khuôn mặt của pharaoh Ai Cập từ xác ướp

Ramses II được ghi nhận là một trong những pharaoh vĩ đại, quyền lực và được ca tụng nhiều nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại.

Ramses II (hay còn được gọi là Ramses Đại đế) là con trai của Seti I và Nữ hoàng Tuya. Ông là pharaoh thứ ba của triều đại thứ mười chín của Ai Cập và được người đời tôn vinh là một trong những pharaoh vĩ đại nhất của Ai Cập cổ đại.

Ramses II cũng là vị pharaoh nổi tiếng nhất và quyền lực nhất của Tân Vương quốc – thời kỳ hùng mạnh nhất của Ai Cập cổ đại. Những người kế tục gọi ông là “Tổ tiên vĩ đại”.

Trong các nguồn tiếng Hy Lạp, ông được gọi là Ozymandias, từ sự chuyển ký tự từ tiếng Hy Lạp sang một phần tên ngai của Ramesses: User-maat-re Setep-en-re) – “Người được chọn của Ra”.

Ramses II đã dẫn đầu một số cuộc thám hiểm quân sự về phía nam đến Nubia, bằng chứng là những chữ khắc ở Beit el-Wali và Gerf Hussein.

Thời gian đầu triều đại của ông tập trung vào việc xây dựng các thành phố, đền thờ và tượng đài. Ông lập nên thành phố Pi-Ramses ở Đồng bằng sông Nile làm thủ đô mới và sử dụng nó làm căn cứ chính cho các chiến dịch của mình ở Syria. Năm mười bốn tuổi, ông được cha mình là Seti I bổ nhiệm làm nhiếp chính hoàng tử.




Người ta tin rằng ông đã lên ngôi khi còn là một thiếu niên và được biết đến là người đã cai trị Ai Cập từ năm 1279 đến năm 1213 trước Công nguyên.

Nhà sử học (đồng thời là giáo sĩ Ai Cập cổ đại) Manetho ghi chép rằng Ramses II đã trị vì 66 năm 2 tháng, và hầu hết các nhà Ai Cập học ngày nay tin rằng ông lên ngôi vào ngày 31 tháng 5 năm 1279 trước Công nguyên.




Các ước tính về tuổi của ông khi chết cũng khác nhau nhưng 2 con số 90 hoặc 91 được coi là có nhiều khả năng nhất. Trong suốt triều đại của mình, Ramses II đã tổ chức mười ba hoặc mười bốn lễ hội festival Sed – nhiều hơn bất kỳ vị pharaoh nào khác. Trong đó, lễ hội đầu tiên được tổ chức sau 30 năm trị vì của pharaoh, và sau đó cứ ba năm một lần.

Ông được chôn cất trong một ngôi mộ ở Thung lũng các vị vua. Thi thể của ông sau đó được chuyển đến địa điểm chôn giấu bí mật của hoàng gia – nơi đã bị các nhà khảo cổ phát hiện ra vào năm 1881. Hiện nay, xác ướp của Ramses II được trưng bày trong Bảo tàng Ai Cập.




Năm 1975, bác sĩ người Pháp Maurice Bucaille đã kiểm tra xác ướp trong Bảo tàng Cairo và nhận thấy nó ở trong tình trạng rất xấu. Tổng thống Pháp Valerie Giscard d’Estaing đã thuyết phục được chính quyền Ai Cập gửi xác ướp tới Pháp để trùng tu. Vào tháng 9 năm 1976, xác ướp của Ramses II được chào đón tại sân bay Paris-Le Bourget với đầy đủ các thủ tục quân sự xứng tầm với một vị vua, và sau đó được đưa đến phòng thí nghiệm tại Musée de l’Homme.




Xác ướp đã được kiểm tra pháp y bởi giáo sư Pierre-Fernand Ceccaldi, chuyên gia pháp y chính tại Phòng thí nghiệm Nhận dạng Hình sự ở Paris. Giáo sư Ceccaldi xác định rằng: “Mái tóc được bảo quản hoàn hảo cho thấy một số bằng chứng bổ sung – đặc biệt là về sắc tố: Ramses II là một người có tóc đỏ “cymnotriche leucoderma” – tức là kiểu người người da sáng với mái tóc đỏ gợn sóng”.





Tái tạo ngoại hình của pharaoh Ai Cập Ramses II (1303 – 1213 TCN) bằng trí tuệ nhân tạo.

Sau đó, kiểm tra bằng kính hiển vi đối với chân tóc của Ramses II cho thấy thực sự tóc của nhà vua ban đầu có màu đỏ. Điều này cho phép giả định rằng ông xuất thân từ một gia đình có màu tóc đỏ. Thông tin này không chỉ có giá trị về mặt hình thể mà còn mang ý nghĩa lịch sử bởi ở Ai Cập cổ đại, những người có mái tóc đỏ được coi là có mối liên kết với thần Set – kẻ giết Osiris, và tên của cha của Ramses II là Seti I, có nghĩa là “môn đồ của Set”.

Sau khi được chiếu xạ để diệt nấm và côn trùng, xác ướp được đưa từ Paris trả về Ai Cập vào tháng 5/1977.
Nguồn: Genk

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *