Tranh ve sầu đơn giản nhưng có giá 2.800 tỉ, điều gì ẩn chứa phía sau?

Hoạ sĩ Tề Bạch Thạch (1864-1957) là danh hoạ nổi tiếng hàng đầu Trung Hoa thời hiện đại. Với những bức vẽ nhân vật, sơn thuỷ, động vật, hoa điểu… bằng màu nước sống động như thật, không có gì khó hiểu khi tên tuổi của ông trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.

Bài đăng của KK News về bức tranh “Ve sầu”. (Ảnh chụp màn hình)

KK News đưa tin, nhờ tài năng xuất chúng, tranh của ông thường được bán với giá cao. Trong đó, bức hoạ mang tên “Ve sầu” có mức giá lên đến 800 triệu NDT (hơn 2.800 tỉ đồng). Điều này khiến không ít người mới nhìn qua một lần thắc mắc, tại sao nó lại có giá trị lớn đến vậy?

Tác phẩm “Ve sầu”. (Ảnh: KK News)

Cụ thể, khi nhìn đơn thuần, bức tranh tuy rất đẹp nhưng không quá cao siêu. Chỉ khi những chuyên gia phóng to lên để phân tích, nhiều người mới giật mình trước tài năng vẽ tranh của Tề Bạch Thạch. Được biết, nền hội họa của quốc gia này vốn có hai trường phái: “tả ý” (lối vẽ phóng túng, bay bổng) và “công bút” (lối vẽ tinh vi, tỉ mỉ). Trong số các hoạ sĩ Trung Quốc, ông là người hiếm hoi có thể sử dụng hai thủ pháp này một cách nhuần nhuyễn.

Hình ảnh ve sầu sau khi được phóng to. (Ảnh: Sohu)




Hình ảnh sau khi được phóng to cho thấy, chú ve sầu trong tranh có độ chân thực đáng kinh ngạc; mọi đường nét đều hiện lên sống động, thần thái. Từng đường gân, lông hay thân của ve được khắc hoạ kĩ càng, thậm chí khi chuyên gia phóng đại bức tranh lên 30 lần, chúng vẫn không bị mất nét. Có thể nói, để biến loài côn trùng vốn quen thuộc, bình dị trở thành một tuyệt tác như vậy là điều khó ai có thể làm được. 

Từng cánh ve sống động cho thấy thủ pháp sử dụng bút lông tuyệt đỉnh của tác giả. (Ảnh: Sohu)




Tề Bạch Thạch khi đó 88 tuổi, đã sử dụng từng nét bút mực tàu nhạt, đậm xen kẽ nhau để tăng sự đối lập giữa các bộ phận trên cơ thể ve sầu. Nếu không quan sát kĩ, có lẽ nhiều người sẽ không phát hiện ra rằng, chú ve sầu này có nhiều hơn một đôi cánh. Bên cạnh đó, ở giữa hai đôi cánh lớn còn có những cánh nhỏ khác. Nhìn tổng thể, cánh ve đầy đủ hai tầng, sống động như thật. Tác giả cũng dày công nghiên cứu một số yếu tố như hướng nhìn, ánh sáng để khi khắc hoạ côn trùng, dù nhìn góc nào cũng cảm thấy sinh động.

Với tài hoa cùng sự nghiêm túc, chỉn chu khi vẽ tranh, cái tên Tề Bạch Thạch chiếm vị trí không nhỏ trong trong nền nghệ thuật Trung Quốc. Đáng chú ý, “Ve sầu” vẫn chưa phải tác phẩm đắt nhất của danh hoạ này. Trước đó, từng có người bỏ ra 140,8 triệu USD (khoảng 3.200 tỉ đồng) để mua về bức tranh thủy mặc “Thập nhị phong cảnh đồ” (sáng tác năm 1925).

Tề Bạch Thạch sử dụng bút lông để vẽ tranh. (Ảnh: Sohu)

Tề Bạch Thạch tên thật là Tề Thuần Chi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại tỉnh Hồ Nam. Gia cảnh không mấy khá giả, lại thường ốm đau bệnh tật, ông phải nghỉ học khi mới 9 tuổi. Năm 27 tuổi, ông được một vị sư phụ truyền dạy kiến thức về hội hoạ, văn chương, thi pháp… và nổi danh từ đó đến nay.


Được biết, vị danh hoạ này không chỉ gây được tiếng vang trong lĩnh vực hội hoạ mà còn được nhận xét là bậc thầy triện khắc và thư pháp. Mặc dù vô số tác phẩm của ông đã bị huỷ hoại trong thời kì Trung Quốc phát động “Đại cách mạng văn hóa”, song cái tên Tề Bạch Thạch vẫn được người đời kính trọng.

Trong quá khứ, Tề Bạch Thạch còn được bầu làm Chủ tịch danh dự của Hội Họa sĩ nhân dân, cũng như được bầu vào Hội nghị đại biểu nhân dân Trung Quốc. Năm 90 tuổi, ông vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân do Bộ Văn hóa Trung Quốc phong tặng.

Nguồn: Yan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *