Trải nghiệm hồi ức tiền kiếp chấn động của cô gái Ấn Độ

“Khi rời khỏi cơ thể, con cảm thấy toàn thân vô cùng đau đớn và căng thẳng. Sau đó, con bay lên cao giống như một con chim, nhưng lại không biết mình bay đến đâu, dường như cứ lơ lửng trên không.

Vào thời điểm đó, con nhìn thấy rất nhiều cảnh đẹp tráng lệ và những cảnh tượng khiến con người vui vẻ. Những người sống ở đó rất hạnh phúc. Khi đó, con chợt nhớ ra mình đã rời bỏ mọi người, trong lòng vô cùng buồn bã, những chuyện khác con cũng không nhớ rõ”.

Ảnh: Shutterstock

Medha Satyavathi sinh ra ở Dehradun, thủ phủ của bang Akandh phía bắc Ấn Độ. Bố mẹ cô là người Bania theo đạo Hindu, trong nhà làm kinh doanh rất giàu có. Cô vào học viện nghệ thuật của Benares Hindu University học tập và qua đời vì bệnh ung thư lưỡi năm 1945, trong kỳ thi tốt nghiệp khi mới 24 tuổi.

Ngày 31 tháng 7 năm 1949, Medha chuyển thế đầu thai làm con gái của một gia đình Bà La Môn ở Nasik, tên là Mridula Sharma. Cha của Mridula qua đời khi cô còn rất nhỏ, mẹ cô tự tìm được một công việc dạy học tại trường cấp hai  Dehradun để nuôi sống gia đình nên cả nhà đã chuyển đến sống ở đó.

Một hôm, người mẹ đưa cho cô bé Mridula 3 tuổi một đĩa vải, đĩa vải ngon miệng đó đã gợi lên những hồi ức về tiền kiếp của Mridula. Cô bé nhớ rằng mình đã từng thưởng thức rất nhiều trái cây ngon ở ngôi nhà cũ của mình.

Cô bé nói với mẹ: “Mẹ ơi! Con có một ngôi nhà khác!”. Mẹ cô nghe thấy cô con gái nhỏ nói điều bất thường cũng không ngăn cản mà còn vui vẻ khích lệ con gái nói tiếp. “Con có con voi và một chiếc xe hơi. Con có bố mẹ, em gái và rất nhiều bạn bè. Mẹ có thể đưa con đến nhà người mẹ trước đây của con được không? Con muốn về nhà!”. Kể từ đó, Mridula thường xuyên kể với mẹ mình những chuyện “kiếp trước”. Cô nhớ “kiếp trước” đến mức rất mong có thể quay lại ngôi nhà trước đây của mình.

Khi Mridula lên 4 tuổi, mẹ cô đã đưa cô tìm về ngôi nhà trước đây. Khi đó nơi Mridula ở lại chính là quê hương của Medha. Cô bé Mridula nhỏ bé kéo tay mẹ đi dạo quanh thành phố, dường như cô bé còn hiểu biết về nơi này hơn cả mẹ mình. Họ dừng trước một ngôi nhà lớn, khi đó người trong nhà đang tụ tập một chỗ. Mridula dường như nhận ra một người phụ nữ trong số đó, liền đi vào trong, bước tới bên người phụ nữ và nói với cô ấy: “Em là em gái của chị!”. Cô gái cảm thấy khó hiểu, nói: “Em bé, em đang nói gì vậy? Em nhỏ hơn chị nhiều lắm, chị lại lớn hơn em, sao là em gái em được?”.

Mridula nói: “Chị là Munu, chị cả của em đây!”. Munu là biệt danh của Medha. Cô gái rất sốc khi nghe đến tên “Munu”, nhưng nhìn đến cô bé ngây thơ trước mặt, cô cho rằng đó có thể là một trò đùa của trẻ con.

Lúc này, mẹ của Mridula đến gần và giải thích lý do tại sao họ đến đây.

Cô gái đó thực sự là em gái của Medha. Ở Ấn Độ, người ta hoàn toàn tin rằng có luân hồi chuyển thế. Medha đã chết 8 năm, cô bé trước mặt liệu có phải là Medha chuyển kiếp?

Để xác minh những gì cô bé nói, người phụ nữ dẫn họ vào ngôi nhà lớn. Mridula đi hết phòng này đến phòng khác, nói về “lịch sử” của từng căn phòng. Khi bước đến căn phòng nơi Medha đã ở, cô bé chỉ vị trí để sách khi Medha học tập, kể ra trong tủ quần áo có gì, và chỉ vào chiếc giường cô đã nằm khi bị ốm. Mọi người chăm chú lắng nghe, họ phát hiện tất cả những gì cô bé nói đều đúng sự thật. Cô bé lại hỏi đến những người bạn trước đây của mình giờ thế nào? Hỏi thăm cả Shukraji, người từng học tại học viện D.A.V…

Người phụ nữ dẫn Mridula vào ngôi nhà lớn. (Ảnh: Shutterstock)

Cô bé để ý thấy một cái quạt trên trần phòng, liền chỉ tay và nói: “Trong phòng này vốn không có cái quạt nào, cái quạt này trước đây ở phòng khách”. Quả thật chiếc quạt được chuyển từ phòng khách tới đây.

Khi đi qua những nơi đã được cải tạo tân trang lại trong ngôi nhà, cô bé đều nói chúng trông rất mới; đi mãi, đi mãi, Mridula chỉ ra những nơi của ngôi nhà đã thay đổi sau cái chết của Medha.

Sau đó, những người lớn lại dẫn Mridula ra bên ngoài ngôi nhà để tiếp tục kiểm tra trí nhớ tiền kiếp của cô bé. Đúng lúc đó, một người bán mứt trái cây đi qua, Mridula nhìn chằm chằm anh ta và nói:

“Đừng mua bất cứ thứ gì từ người bán mứt trái cây này, anh ta đã từng cướp ví của con!” Bị đột ngột chỉ đích danh, người bán mứt xấu hổ thừa nhận việc xấu mình đã làm.

Sau đó, khi trông thấy một nhà sư Ấn Độ giáo, cô bé lớn tiếng chào hỏi: “Đại sư! Người mặc áo cà sa từ bao giờ vậy? Con nhớ trước đây người đều mặc đồ trắng!” Trí nhớ của cô bé khiến vị sư vô cùng ngạc nhiên.

Người bố kiếp trước của Mridula luôn trầm mặc bên cạnh quan sát, hiện tại càng thêm vui mừng, nói: “Medha, con có nhận ra người hầu cũ của con không?”.

Mridula nói: “Người không phải là người hầu của con, mà là cha của con!”, rồi tiến lên ôm lấy ông. Tiếp đó, Mridula nắm chặt tay người mẹ kiếp trước của mình nói: “Mẹ, mẹ không nhận ra con sao? Mẹ, khi con rời xa mọi người, không phải con đã đáp ứng mọi người sẽ quay lại sao?”. Sau đó, cô kể với người nhà kiếp trước về thế giới cô nhìn thấy sau khi chết, chính là khung cảnh được nhắc đến ở phần đầu bài viết.

Mẹ của Medha là Sethani Satyavathi vô cùng vui mừng, đứa con gái đã chết của bà thực sự quay trở lại! Họ ôm nhau khóc, nhớ lại quá khứ, những giọt nước mắt vui mừng không thể kìm nén.


Người mẹ hiện tại và người mẹ tiền kiếp đều rất thương yêu Mridula. Năm 1960, hai bà mẹ đưa cô đến ngôi đền ở Rishikesh để gặp Sri Swami Sivananda. Cũng vào thời điểm đó, một học giả Trung Quốc đến Ấn Độ nghiên cứu và giảng dạy tên là Chu Tường Quang đã tận mắt nhìn thấy ba người họ, cũng được biết đến đầu đuôi câu chuyện chuyển thế luân hồi này.

Trong quá trình chuyển đổi giữa tiền kiếp và kiếp hiện tại (trong nghiên cứu gọi là “thời kỳ trung ấm”) Medha đã nhìn thấy một thế giới mà “những người sống ở đó đều rất hạnh phúc”. Nhưng không phải ai luân hồi chuyển thế đều được nhìn thấy thế giới tươi đẹp đó, có những người không nhìn thấy hoặc có những người chỉ thấy những cảnh tượng không vui. Vậy yếu tố sinh mệnh nào tạo nên sự khác biệt đó?

Nguồn: DKN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *