Tìm thấy hàng trăm “Stonehenge” 2.000 năm tuổi ở Amazon

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hàng trăm vòng tròn bí ẩn được xây dựng từ hơn 2.000 năm trước trong Amazon cho thấy rừng nhiệt đới này có thể không “nguyên sơ” như chúng ta nghĩ.

Nạn phá rừng nghiêm trọng trong những năm gần đây đã làm phát lộ hàng trăm mương rãnh tròn lớn.

Những công trình đáng chú ý từ lâu đã được các tán cây che giấu, nhưng nạn phá rừng trong những năm gần đây phát lộ hơn 450 geoglyph khổng lồ – những hình vẽ khổng lồ trên mặt đất.

Các mương rãnh giống Stonehenge nằm trên một phần khá rộng lớn khoảng 13.000 km ở bang Acre, phía Tây vùng Amazon của Brazil.

Dù không biết được ai đã tạo ra những cấu trúc lớn đó và để làm gì, nhưng theo các nhà nghiên cứu đến từ Anh và Brazil, phát hiện cho thấy khu rừng nhiệt đới này không “nguyên sơ” như chúng ta vẫn nghĩ.

“Thực tế là địa điểm này nằm ẩn mình suốt nhiều thế kỷ trong khu rừng nhiệt đới xa xưa thực sự thách thức ý tưởng rừng Amazon là ‘hệ sinh thái nguyên sơ’“, nhà nghiên cứu Jennifer Watling, một hậu tiến sĩ tại Bảo tàng Khảo cổ học và Dân tộc học thuộc Đại học Sao Paulo cho biết.

“Chúng tôi lập tức muốn biết khi các geoglyph được tạo ra liệu khu vực này đã là rừng rậm chưa, và con người đã ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh tới mức độ nào để thực hiện công việc đào đắp“.

Các cấu trúc tròn này được so sánh giống Stonehenge.




Các nhà khoa học đã tái tạo lịch sử vụ cháy và thảm thực vật xung quanh 2 geoglyph trong 6.000 năm và phát hiện những thay đổi lớn do người cổ đại gây ra. Người xưa đã thay đổi các rừng tre trong hàng thiên niên kỷ, tạo ra rừng thưa nhỏ tạm thời để xây dựng các cấu trúc bí ẩn.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu đất ở trong và ngoài mương rãnh geoglyph, rồi phân tích phytolith, một loại hóa thạch thực vật cực nhỏ có thành phần là silic. Từ đó họ có thể tái tạo thảm thực vật và số lượng than củi thời cổ đại, đánh giá số lượng carbon đồng vị ổn định, số lần cháy rừng và xác định thảm thực vật được sử dụng.

Các mương rãnh tròn được phát hiện ở phía Tây Brazil. (Ảnh: Daily Mail)


Cuộc điều tra cho thấy người dân bản địa đã không thực hiện những vụ đốt rừng lớn dù là để xây dựng các geoglyph hay phát triển nông nghiệp. Thay vào đó họ tập trung vào những loài cây có giá trị kinh tế như cây họ cọ, biến môi trường của họ trong quá trình đó tạo ra một “siêu thị thời tiền sử”. Và sự đa dạng sinh học của một số khu rừng còn lại ở Acre có thể có nguồn gốc từ phương pháp “nông lâm kết hợp” cổ đại.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Watling cũng nhấn mạnh, chúng ta không nên dùng việc rừng Amazon từng được người dân bản địa quản lý từ rất lâu trước đây để biện minh cho hành động sử dụng đất không bền vững, phá hủy rừng ngày nay.

Nguồn: TH –  Theo Daily Mail

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *