Tìm hiểu: Tính thống nhất giữa con người với tự nhiên trong khoa học Trung Hoa cổ đại 

Tư tưởng “Thiên Nhân hợp nhất” đại biểu cho vũ trụ quan của Trung hoa cổ đại. Theo đó, cơ thể con người có tính thống nhất với tự nhiên, như một chỉnh thể. Tính chỉnh thể đó được duy trì dựa trên Đạo đức. Theo Khoa học Trung Hoa cổ đại, cơ thể con người có tính thống nhất với tự nhiên, như một chỉnh thể.

Tính chỉnh thể đó được duy trì dựa trên Đạo đức. (Ảnh minh họa: Geralt/Pixabay)

Trong lịch sử phát triển văn minh của mình, các tín ngưỡng Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo đã tạo dựng nên cho người Trung Quốc một hệ thống đạo đức vô cùng hoàn chỉnh và ổn định. Hệ thống đạo đức này là bộ chuẩn tắc, quy phạm về hành vi để con người chung sống cùng nhau, cũng là nền tảng đảm bảo cho sự tồn tại, an định và hoà hợp của xã hội.

Đạo và Đức là gì? 
Lão Tử đã nói trong Đạo Đức Kinh rằng: “Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề liêu hề, độc lập nhi bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên địa mẫu. Ngô bất tri kì danh, tự chi viết đạo” (dịch nghĩa: Có một vật hình thành từ trong hỗn độn, nó đã tồn tại trước cả khi thiên địa hình thành. Nó không có tiếng, không có hình, tịch mịch hư không, nó độc lập và bất biến vĩnh hằng; chuyển động tuần hoàn khắp vũ trụ mà không ngừng nghỉ, có thể coi là căn bản của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết tên nó là gì, cho nên miễn cưỡng gọi nó là Đạo).

Có thể thấy rằng “Đạo” từ tiên thiên đã có, từ khi chưa có thiên địa thì đã có “Đạo”. Từ trong “Đạo” sản sinh ra thiên địa. Vậy thì “Đạo” rốt cuộc là vật gì? Từ cổ chí kim, những bậc trí giả vẫn luôn tìm hiểu vấn đề này.

Lão Tử lại nói: “Đạo sinh chi, Đức súc chi, Đạo chi tôn, Đức chi quý, phù mạc chi mệnh nhi thường tự nhiên.” (dịch nghĩa: Đạo sinh ra vạn vật, Đức bồi dưỡng vạn vật. Đạo sở dĩ được tôn sùng, Đức sở dĩ được quý trọng là vì Đạo và Đức sinh ra vạn vật mà không can thiệp và chi phối vạn vật mà để vạn vật tự nhiên phát triển).

Đạo và Đức không thể tách rời, khi sinh ra vốn đã vậy, là bản tính tiên thiên không thể thiếu để làm người. Nhờ vậy, Đạo đức có thể giải thích là: Lấy đức làm gốc, cái đức này nằm ở trong Đạo; hoặc: Người thuận theo Đạo thì có đức, người nghịch với Đạo thì vô đức.

Tư tưởng của Nho gia về làm người
Hơn 2000 năm trước, Khổng Tử đã truyền cho thế nhân những tư tưởng tiêu biểu của Nho gia: Nhân (nhân từ), Nghĩa (nghĩa khí), Lễ (lễ nghi), Trí (trí huệ có được nhờ giáo dục), Tín (chính tín) để quy phạm nền tảng đạo đức của con người và xã hội. Con người chỉ cần tuân theo lời dạy của thánh nhân mà thực hành là được.

Trong xã hội Trung Quốc thời xưa, biểu hiện của mối quan hệ bình thường giữa người với người là: Trung (trung thứ [1]), Hiếu (hiếu thuận với cha mẹ, huynh hữu đệ cung), Tiết (khí tiết), Nghĩa (xả thân vì nghĩa), Kính Thiên địa (kính Thần), Quân (trung quân ái quốc), Thân (thân thiết với gia đình), Sư (tôn sư trọng đạo). Trạng thái xã hội biểu hiện ra tất yếu sẽ là Thành (chân thành), Thiện (thân thiện), Dung (bao dung), Hoà (hòa hợp).

Văn hóa Trung Hoa cổ đại

Thuật phong thuỷ được lưu truyền trong dân gian Trung Hoa cổ đại thực tế là một môn khoa học tổng hợp. (Ảnh minh họa: Gustavoresende/Pixabay)




Tư tưởng từ bi phổ độ của Phật giáo và tư tưởng “Thiên Nhân hợp nhất” của Đạo giáo kết hợp cùng với luân lý của Nho giáo tạo nên thành phần cốt lõi của văn hoá truyền thống Trung Hoa. Những khái niệm về thiện ác quả báo, thiên quốc địa ngục của Phật giáo đã trở thành những kiến thức thông thường trong xã hội ai ai cũng biết.

Bởi vì nghiên cứu trực tiếp nhắm vào thân thể người, sinh mệnh, vũ trụ, nên những bậc tiên hiền đã dung nhập tư tưởng “Thiên Nhân hợp nhất” của Đạo gia vào trong huyết mạch văn hoá, làm cho văn hoá Trung Hoa càng trở nên bác đại tinh thâm, lưu tồn trong dân gian một nền khoa học cổ đại phát triển, gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân như: Trung Y, khí công, phong thuỷ và các dự ngôn.

Trung Y, khí công, phong thuỷ và các dự ngôn
Trong đó Trung Y là bảo vật của Trung Hoa, là tinh túy của đất nước này. Trung Y truyền thống là lấy đức làm gốc, lấy điều hòa tâm tính (tu đức) làm chủ, phòng bệnh là chính, trị bệnh là phụ.

Khí công là văn hóa tu luyện, nó bao hàm những lĩnh vực như: luân lý học, ngôn ngữ học (như ngôn ngữ cơ thể), truyền bá học (như truyền bá hành vi phi ngôn ngữ), khoa học nhân thể, khoa học sinh mệnh cho tới các lĩnh vực y học; nó bao gồm: Luyện, có thể giúp thân thể khỏe mạnh, cường tráng; Tu (tu tâm, tu đức), có thể tề gia trị quốc bình thiên hạ.

Thuật phong thuỷ được lưu truyền trong dân gian của Trung Quốc thực tế là một môn khoa học tổng hợp, bao gồm: luân lý, triết học, lịch sử, thiên văn, địa lý, khí tượng, số học, vật lý, hoá học, lực học, mỹ học, sinh thái học, kiến trúc học v.v. Dù trong lĩnh vực quân sự hay dân sự, nó cũng phát huy tác dụng to lớn (ví như những điển cố thuyền cỏ mượn tên, hoả thiêu xích bích, trâu gỗ ngựa máy trong “Tam quốc diễn nghĩa”; hay như ứng dụng trong việc quy hoạch đồng ruộng, trồng trọt đất đai, đàn tế trời, tứ hợp viện [kiến trúc nhà cổ Trung Quốc], nhà ở của người dân…).

Bởi vì vật chất vận động tuần hoàn theo một quy luật nhất định, sự sinh sôi, phát triển của mọi sự vật đều tuân theo tiền nhân, có tiền nhân (nguyên nhân từ trước) mới có hậu quả (kết quả về sau), thiện có thiện quả, ác có ác quả, đều theo nhân đó, mà được quả đó, không ra khỏi cửa mà biết được việc trong thiên hạ, cho nên mới có dự ngôn.




Từ hàng trăm nghìn năm nay, cuốn sách “Kinh Dịch” mà mọi người dân Trung Quốc đều quen thuộc, được tôn xưng là quần kinh chi đạo (đạo của các loại kinh), tính chuẩn xác của những dự ngôn trong sách Kinh Dịch thì ngay cả khoa học hiện đại cũng khó mà sánh được.

Hai quy luật của khoa học Trung Hoa cổ đại
Ở trong thế giới vật chất mà chúng ta đang sinh tồn, theo quan điểm của khoa học Trung Hoa cổ đại, có hai chủng đặc tính luôn tồn tại là: âm dương đồng tồn, tương sinh tương khắc.

Lấy một gia đình làm ví dụ về âm dương đồng tồn. Nam là dương, nữ là âm; bên ngoài là dương, bên trong là âm; nam giới dương cương, nữ giới âm nhu; nam chủ ngoại, nữ chủ nội; đàn ông kiếm sống nuôi gia đình, phụ nữ hỗ trợ chồng và dạy dỗ con; cương nhu hòa hợp, một căng một trùng. Có như vậy cuộc sống gia đình mới có thể hòa hợp mỹ mãn, phong phú đa dạng.

Mặt khác, trong xã hội nhân loại thiện ác cũng đồng thời tồn tại. Con người trải qua nỗ lực sẽ biết trân quý thành quả mà họ không dễ dàng mới đạt được; họ phải sống trong mâu thuẫn mới cảm thấy cuộc sống muôn màu muôn vẻ.

Vậy cũng nói âm dương ngũ hành, tương sinh tương khắc là hai mặt không thể tách rời của một sự vật, là quy luật và nguyên nhân sinh-diệt của vạn vật trên thế gian. Tương sinh thúc đẩy sự vật phát triển và trưởng thành, tương khắc duy trì sự cân bằng của sự vật trong quá trình biến hóa phát triển.




Theo quan điểm của khoa học Trung Hoa cổ đại, có hai chủng đặc tính luôn tồn tại là: âm dương đồng tồn, tương sinh tương khắc. (Ảnh: derGestalterCottbus/Pixabay)

Tính thống nhất giữa con người với tự nhiên trong khoa học Trung Hoa cổ đại
Con người là anh linh của vạn vật, Đạo gia coi thân thể người như một tiểu vũ trụ. Ngũ phủ và ngũ tạng (phủ là dương, gồm: túi mật, ruột non, dạ dày, ruột già, bàng quang. Tạng là âm, gồm: gan, tim, lá lách, phổi, thận) tương ứng với ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ), đây là trung tâm hoạt động của cơ thể.




Hoạt động ý thức tinh thần của con người (như ngũ thần: hồn, thần, ý, phách, chí; ngũ chí: nộ, hỉ, tư, ưu, khủng) cũng thuộc về ngũ tạng. Theo đó, Ngũ tạng thông qua kinh mạch (ngũ kinh: phế kinh, tâm kinh, can kinh, tỳ kinh, thận kinh) kết nối khắp cơ thể, thể hiện tính chỉnh thể của cơ thể con người.

Ngũ tạng cũng có liên hệ với tự nhiên (như năm hướng: Đông, Nam, Trung, Tây, Bắc; hoặc năm mùa xuân, hạ, trường hạ, thu, đông), biểu thị tính thống nhất giữa con người với tự nhiên. Tính chỉnh thể của cơ thể người và tính thống nhất giữa con người với tự nhiên được duy trì dựa trên đạo đức.

Tư tưởng “Thiên Nhân hợp nhất” đại biểu cho vũ trụ quan của Trung hoa cổ đại. Theo đó, cơ thể con người có tính thích ứng nhất định với tự nhiên. Nếu vượt khỏi phạm trù thích ứng sinh lý này sẽ sinh ra phản ứng bệnh lý.

Lấy mộc làm ví dụ: gan thuộc mộc, gan tàng hồn, có tính tĩnh, liên quan đến sự tức giận, tức giận quá sẽ làm thương tổn gan. Lại vì mộc khắc thổ, tỳ vị thuộc thổ, tức giận quá có thể tổn thương tỳ vị. Gan thuộc mộc, có vị chua, gan thích chua, gan có thể dùng loại thảo dược có vị chua để chữa trị.

Ngũ tạng cũng liên quan tới ngũ quan (mắt, lưỡi, miệng, mũi, tai), ngũ vị (chua, đắng, ngọt, cay, mặn) và ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen). Các thầy thuốc thời xưa xem màu sắc của ngũ quan có thể đoán được bệnh của tạng phủ, sau đó dùng thuốc theo ngũ vị để điều trị.

Đương nhiên, đó chỉ là kế sách tạm thời, muốn trị tận gốc rễ bệnh, cần phải chú trọng điều tâm (tu đức), phải thủ đức mà không thất đức. Người đức cao vọng trọng thì có thể hưởng hết tuổi trời, bình thản mà ra đi.

Thay lời kết
Bởi vì thiên nhân hợp nhất, ngũ hành ứng với ngũ phủ, ngũ sắc, ngũ vật (trùng, binh hoang, phong, tang, khiếm), bậc trí giả quan sát năm màu sắc của mây có thể biết được cát, hung, phong, khiếm, vì thế mới có câu không ra khỏi cửa mà biết được việc trong thiên hạ. Như khi nước nhiều, nước vượng thì lấy đất bao quanh, có thể tưới ruộng, nuôi dưỡng vạn vật. Đó cũng bởi vì thổ khắc thủy, thủy sinh mộc.

Hiện nay ở Trung Quốc xảy ra rất nhiều lũ lụt, cũng là do đạo đức suy đồi, chặt phá rừng quá mức, dẫn đến mộc không thể khắc chế thổ, thổ bị tổn hại nên không thể khắc chế thủy. Nên mới gọi là nhân khởi họa đoan, thiên giáng tai nạn (tai nạn ông Trời giáng xuống là do con người gây nên). Thiên nhân hợp nhất, những biến cố trong giới tự nhiên cũng là bởi con người thất đức mà dẫn tới.


Khoa học Trung Hoa cổ đại cho biết rằng vạn vật đều tuân theo Đạo. Vậy thì bậc trí giả không ra khỏi cửa mà biết việc thiên hạ, hay như thầy lang đoán và chữa bệnh, chẳng phải cũng bao gồm đạo của khoa học tự nhiên, đạo của y học, đạo của khoa học luân lý mà các chuyên gia, học giả đã dốc hết tinh lực cả đời siêng năng học tập, nghiên cứu mới có thể ngộ ra sao?

Nguồn: DV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *