“Thủy mộ” 2.500 năm độc nhất tại Trung Quốc: Kinh ngạc bên trong

Đây là sự kiện khảo cổ lớn hiếm có năm 1978 tại Trung Quốc. Máy bay trực thăng quân sự đã được huy động để chụp ảnh toàn cảnh lăng mộ.

“Thủy mộ” độc nhất vô nhị

Cuối tháng 2 năm 1978, trên một ngọn đồi nhỏ ở ngoại ô huyện Tùy (nay là thành phố Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), lực lượng không quân Vũ Hán đang tiến hành sử dụng thuốc nổ phá núi để mở rộng nhà máy sửa chữa ra-đa. Khi lớp sa thạch trên đồi nổ tung, một khoảnh đất màu sắc bất thường lộ ra.

Ảnh chụp lăng mộ bằng máy bay trực thăng năm 1978. (Ảnh: Sohu).

Phần đất này có màu sắc và tính chất không đồng đều với mặt đất xung quanh, cho thấy dấu hiệu đào xới của con người. Tính toán trên diện tích của toàn bộ khu đất, đây nhiều khả năng là nơi chôn cất một ngôi mộ cổ quy mô rất lớn.

8 ngày sau, một nhóm khảo cổ thuộc Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc được thành lập, họ dành suốt hai tháng để lên kế hoạch và chuẩn bị khám phá lăng mộ. Tới ngày 11/5/1978, công cuộc khai quật chính thức bắt đầu.

Đây là sự kiện khảo cổ lớn hiếm có, máy bay trực thăng quân sự đã được huy động để chụp ảnh toàn cảnh lăng mộ, báo chí và đài truyền hình cũng liên tục có mặt để đưa tin về tiến độ khai quật.

Ông Lưu Bính, một chuyên gia trong đoàn khảo cổ năm đó nhớ lại: “Tôi đã tham gia khai quật cổ vật cả đời, chưa bao giờ thấy cảnh huy động máy bay quân sự để làm việc này cả. Đây là lần đầu tiên”.

Hình dáng lăng mộ sau khi tháo nước. (Ảnh: Sohu).

Đội khảo cổ đã tiến hành khoan thăm dò khu vực, càng nhiều lỗ khoan thì phạm vi của lăng mộ càng rõ ràng. Theo Baike, lăng mộ có tổng diện tích 220m vuông, sâu 13 mét, chỉ tính riêng buồng quan tài đã rộng 190m vuông, lớn gấp 6 lần buồng mộ Tân Truy phu nhân trong lăng mộ Mã Vương Đôi nổi tiếng.

Theo Baike, lăng mộ này không có lối vào nên đội khảo cổ đã phải dùng tới cần cẩu lớn để dịch chuyển 47 phiến đá khổng lồ. Phía dưới lớp đá là lớp đất dày 250cm, tiếp sau là lớp bùn xanh 10 – 30cm chống thấm. Dưới cùng là một lớp than củi cũng có tác dụng chống thấm, chống ẩm; than củi khi được lấy ra ngoài và hong khô có tổng trọng lượng tới 60 tấn.

Được bảo vệ và chống thấm kỹ càng như vậy nhưng khi lật lớp ván gỗ lên, các nhà khảo cổ lại bàng hoàng phát hiện ra… toàn bộ lăng mộ đang ngập trong biển nước.

Lăng mộ này đã không may gặp phải một trận động đất hoặc lũ lụt trong quá khứ khiến mạch nước ngầm bị vỡ tung; cổ vật bên dưới đều chìm sâu dưới nước và đứng trước nguy cơ bị hủy hoại nghiêm trọng.

Ngay lập tức, các máy bơm được huy động làm việc hết công suất để tháo nước và hút bùn ra khỏi vùng trũng. Khi mực nước rút xuống, toàn cảnh lăng mộ mới bắt đầu hiện ra. Lăng được chia thành bốn gian hình chữ nhật; quan tài chủ mộ được đặt ở gian phía đông.

Theo Baijiahao, quan tài nằm trong một chiếc áo quan lớn hơn (外棺) được chế tác bằng đồng; dài 3,2m, rộng 2,1m, cao 2,19m, nặng 3,29 tấn, chạm khắc hoa văn nổi vô cùng tinh xảo. Kỳ lạ hơn là áo quan đồng còn được bổ sung cánh cửa, một số chuyên gia suy đoán rằng đây là thiết kế đặc biệt cho phép linh hồn người quá cố đi lại tự do.




Chiếc quan tài bằng đồng được chạm khắc tinh xảo. (Ảnh: Internet)

Sau khi tiến hành xét nghiệm sơ bộ, đội khảo cổ xác nhận thi thể bên trong quan tài là nam, cao khoảng 1m63.

Kết hợp với nhưng dòng chữ được khắc trên quan tài, các nhà khảo cổ có thể kết luận đây chính là lăng mộ của vua nước Tăng, một nước chư hầu thời kỳ Chiến Quốc. Ông có tên thật là Cơ Ất nên được gọi là Tăng Hầu Ất (475 TCN – 433 TCN).

Tuy nhiên, quan tài của vua Tăng không phải quan tài duy nhất được tìm thấy ở lăng mộ này. Khi nước gần rút hết, 23 chiếc quan tài khác đã bắt đầu trôi nổi trên mặt nước. Sợ quan tài va đập vào các cổ vật khác gây hư hỏng, đội khảo cổ đã phải dùng cần cẩu trục vớt chúng lên.

Lăng mộ ngập nước khiến việc khai quật gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Sohu)

Khi mở nắp những chiếc quan tài này, các nhà khảo cổ thấy một cảnh tượng kinh ngạc: Bên trong 23 quan tài đều là hài cốt những người phụ nữ trẻ với độ tuổi từ 13 – 25. Họ là thê thiếp hay người hầu của chủ nhân ngôi mộ?

Tại sao họ lại chết khi tuổi đời còn trẻ như vậy?

Các chuyên gia sau đó xác định rằng 23 thi thể này đều là những nhạc công biểu diễn trong cung. Sau khi Tăng Hầu Ất qua đời, họ bị ép tuẫn táng theo ông. Phong tục tàn nhẫn này được coi là “lẽ đương nhiên” trong chế độ phong kiến và mãi cho đến thời vua Minh Anh Tông (1457 – 1464) mới được hủy bỏ.

Kho báu ngủ yên hàng ngàn năm

Hơn 15.000 cổ vật bao gồm nhạc cụ, nhạc cụ, đồ gỗ sơn mài, vàng ngọc, vũ khí, xe ngựa, tre, nứa và tổng cộng 6.239 đồ vật bằng đồng đã được khai quật từ lăng mộ. Trong đó, đáng chú ý nhất là bộ chuông đồng 65 chiếc – bộ chuông lớn và hoàn chỉnh nhất từng được khai quật tại Trung Quốc.

Bộ chuông quý được tìm thấy trong quá trình khai quật. (Ảnh: Sohu).

Bộ chuông này không chỉ đáng kinh ngạc về số lượng mà còn bởi thiết kế tinh xảo và chất lượng âm thanh tinh khiết. Nó được gọi là đỉnh cao nhạc cụ đồng thời Chiến Quốc và được mệnh danh là “báu vật quốc gia”.

Đồng sử dụng làm chuông được nấu chảy cùng thiếc, chì với tỉ lệ chính xác, độ dày của thành chuông và thiết kế hình dáng quả chuông đều đạt đến độ hoàn mỹ.

Theo Cơ quan lưu trữ bảo vật quốc gia Trung Quốc, chiếc chuông lớn nhất cao 152,3 cm nặng 203,6 kg; chiếc nhỏ nhất cao 20,2 cm nặng 2,4 kg; tổng trọng lượng thân chuông là 2,5 tấn; tổng trọng lượng bộ chuông cả giá treo là 4,5 tấn.

Một chiếc chuông trong bộ chuông có hình dáng tương đối khác biệt, trên thân được khắc lên dòng chữ 31 ký tự. Những dòng chạm khắc cho thấy vào năm Sở Huệ Vương thứ 56 tức năm 433 TCN, Sở Huệ Vương, vua nước Sở, nhận được tin Tăng Hầu Ất qua đời và đã đúc chiếc chuông thứ 65 này tặng riêng cho ông.


Khôi phục bộ chuông cổ 65 chiếc của Tăng Hầu Ất, tổng trọng lượng bộ chuông cả giá treo là 4,5 tấn. (Ảnh: Internet)

Dòng chữ này không chỉ cho thấy mối quan hệ hảo hữu giữa nước Tăng và nước Sở mà còn cung cấp bằng chứng xác thực về niên đại của lăng mộ Tăng Hầu Ất. Theo đó, thời điểm Tăng Hầu Ất băng hà là năm 433 TCN. Xét nghiệm thi thể của vua Tăng cũng cho thấy rằng ông đã qua đời trong khoảng thời gian này, hưởng thọ 43 – 45 tuổi.

Vậy là “thủy mộ” thần kỳ của Tăng Hầu Ất đến nay cũng gần 2.500 năm tuổi.

Nguồn: DV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *