Thung lũng cá voi hàng triệu năm tuổi nằm gần Kim tự tháp Ai Cập cổ đại

Ai Cập vốn nổi tiếng với các kim tự tháp, nhưng ít ai biết rằng đất nước này cũng có nhiều danh thắng kỳ vĩ và tuyệt đẹp không kém. Wadi El Hitan, hay còn gọi là Thung lũng Cá voi, cũng là một địa điểm mà có thể nhiều người chưa từng nghe đến. Đây thực sự là một kho tàng lịch sử cho nghiên cứu khoa học về sinh trưởng của các loài động vật có vú thời tiền sử.

Wadi El Hitan, Thung lũng Cá voi ở Ai Cập. (Nguồn: Wikimedia Commons / CC BY-SA 4.0)

Hành tinh của chúng ta còn ẩn chứa vô vàn điều kỳ bí. Mỗi nơi đi qua đều khiến ta tò mò suy ngẫm, dù đó là những kỳ quan thiên nhiên hay những công trình do loài người kiến tạo trong suốt lịch sử.




Tôi giữ Ai Cập một góc trong trái tim mình. Mặc dù tôi không sinh ra tại Ai Cập, lịch sử của đất nước này đã cuốn hút tôi kể từ khi tôi là một chú bé lớn lên ở Châu Âu và Châu Mỹ. Đất nước Ai Cập mê hoặc tôi vì nhiều lý do.

Dù tôi vẫn luôn yêu thích các kim tự tháp, hầu như mọi thứ về Ai Cập đều thu hút tôi: từ văn hóa, ẩm thực đến các thành phố. Cứ như thể trong một quá khứ xa xôi và một kiếp sống nào đó, tôi đã từng sinh ra ở đó – vùng đất của các Pharaoh.

Trong số tất cả các danh thắng cổ đại ở Ai Cập, các kim tự tháp, đặc biệt là ở Giza, là những địa danh nổi bật nhất. Nếu bạn hỏi bất kỳ khách du lịch nào về địa điểm cổ đại ở Ai Cập để lại ấn tượng trong họ, thì Kim tự tháp Giza có lẽ là câu trả lời.




Cho đến nay ai đã xây dựng các kim tự tháp này và mục đích xây dựng chúng làm gì vẫn còn là bí ẩn đối với nhân loại.

Nhiều địa danh khác ở Ai Cập đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử. Và bất kể nơi đâu, dù là Thượng Ai Cập hay Hạ Ai Cập, vô số địa điểm vẫn đang chờ con người khám phá.

Bên cạnh những công trình được tạo dựng từ thời cổ đại, Ai Cập còn nhiều kỳ quan thiên nhiên đáng giá khác. Sông Nile rõ ràng là một trong những con sông vô cùng ấn tượng. Vì vậy, nếu bạn du ngoạn đến đất nước này, nhớ thưởng thức một chuyến du thuyền xuôi dòng sông Nile.

Nhưng không xa Kim tự tháp Giza có một địa điểm tên là Wadi El Hitan, và không nhiều người quen thuộc với nó, mặc dù di tích này quan trọng không kém các địa danh khác. Ở đó không có kim tự tháp và cũng không có thành phố cổ đại nào được khai quật. Thay vào đó, Wadi El Hitan là một địa điểm cổ xưa đáng nhớ do thiên nhiên mang lại cho chúng ta: đây là nơi vô số bộ xương của các sinh vật thời tiền sử nằm ẩn mình dưới lớp cát.




Địa điểm này còn được gọi là Thung lũng Cá voi vì nơi đây các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rất nhiều bộ xương của các sinh vật cá voi thời cổ đại.

Được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 2005, địa danh này có tầm quan trọng lớn vì các bộ xương đóng vai trò như khối thời gian được bảo quản kĩ càng. Qua đó, chúng ta có thể hình dung về cuộc sống thời cổ đại. Đó là thời kỳ mà các bãi cát của Ai Cập được bao phủ bởi các đại dương khổng lồ, nơi các con thú lớn bơi lội sinh sống.

Tại Wadi El Hitan, các nhà nghiên cứu đã khai quật được hàng trăm hóa thạch thuộc về một số chủng cá voi sớm nhất – chủng Archaeoceti, một phân bộ cá voi đã tuyệt chủng từ lâu.




Khoảng 40 triệu năm trước, những sinh vật khổng lồ này bơi lội trong vùng nước sâu của đại dương Thetys, một vùng nước tồn tại trong thời đại Mesozoic (Đại Trung Sinh, thời đại của khủng long) giữa lục địa cổ đại Laurasia (các châu lục thuộc Bắc bán cầu) và Gondwana (lục địa thuộc Nam bán cầu). Bên trong đại dương rộng lớn này, những sinh vật thời tiền sử đã sống, săn mồi và sinh sản.

Rất nhiều hóa thạch đã được khai quật tại địa điểm này. Và một trong những hóa thạch lớn nhất dài 15m (50 feet) là con thú thời tiền sử có bộ hàm đồ sộ với những chiếc răng lởm chởm. Nó trông không giống bất cứ thứ gì chúng ta từng thấy ngày nay.




Những sinh vật này tiến hóa, sống và chết. Cuối cùng khi chìm xuống đáy đại dương, bộ xương của chúng bị chôn vùi dưới lớp cát cổ của Trái đất.

Hàng triệu năm trôi qua, Trái đất cũng trải qua nhiều biến đổi. Các lục địa chuyển dịch, các loài sinh vật đến rồi đi. Các hóa thạch ngày càng bị chôn vùi, cuối cùng, một lớp trầm tích bảo vệ đã giúp bảo tồn xương của cá voi cổ đại hàng triệu năm.

Đại dương rút đi khi các lục địa trên Trái đất dịch chuyển và hóa thạch của cá voi cổ đại còn lại trên bề mặt, nơi cát tích tụ qua hàng triệu năm lại thành lớp màng bảo vệ chúng hơn nữa.




Trong thời gian này, từ sự rạn vỡ trên vỏ Trái đất, Ấn Độ dịch chuyển vào châu Á, và dãy Himalaya huy hoàng ra đời.

Nhưng tầm quan trọng của địa điểm trên không chỉ nằm ở chất lượng và số lượng của các hóa thạch. Các nhà nghiên cứu đã tiết lộ rằng tầm quan trọng thực sự của Wadi El Hitan nằm ở chỗ nó chứng thực những bí ẩn lớn nhất trong quá trình tiến hóa của cá voi. Loài sinh vật có hình dạng là động vật có vú sống ở đại dương có thể từng là sinh vật sống trên cạn.

Ngoài vô số bộ xương của cá voi thời tiền sử, quá trình khai quật còn phát hiện ra hóa thạch các sinh vật thời tiền sử khác như cá mập, cá cưa, rùa và cá sấu. Hệ sinh thái đa dạng này đã cho phép các nhà khoa học tái tạo lại chính xác môi trường đã tồn tại ở khu vực này vào hàng triệu năm trước. Các hóa thạch phần nào giúp các nhà khoa học thấy được cấu trúc hộp sọ và răng của các loài động vật thời nguyên thuỷ.




Điều này có nghĩa, Wadi El Hitan thực chất là một thư viện hóa thạch đa dạng. Địa điểm này độc đáo ở chỗ nó vượt xa các điểm tương tự khác trên trái đất về chất lượng và số lượng hóa thạch. Và những mẫu hóa thạch được bảo quản tốt nhất đồng thời cũng mang ý nghĩa khảo cổ quan trọng nhất: chủng Archaeoceti. Qua đó, các nhà khoa học đã hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa của cá voi.


Về niên đại của địa điểm, các nhà nghiên cứu căn cứ vào địa tầng của Wadi El Hitan và ước tính nó có tuổi từ giữa thế Eocene (hay còn gọi là Thế Thuỷ Tân, thuộc kỷ Paleogen, đây là thời kỳ đánh dấu sự xuất hiện của động vật có vú). Các hóa thạch trong khu vực hiện vẫn nằm rải rác trên diện tích 200 ki lô mét vuông sa mạc.




Các hóa thạch được bảo quản tốt một phần là do không có nhiều người dám mạo hiểm đi xa đến sa mạc khám phá. Theo ước tính, chỉ có khoảng 2.000 khách du lịch đến Wadi El Hitan mỗi năm. Trong khi đó, vào thời điểm trước khi dịch COVID bùng phát, kim tự tháp Giza đã đón gần 15 triệu lượt khách mỗi năm.

Nguồn: NTDVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *