Thành phố huyền thoại Ai Cập dưới đáy biển trong 1000 năm

Năm 1987, nhà khảo cổ học hàng hải Franck Goddio đã thành lập Viện Khảo cổ học dưới nước của Châu Âu (Viện IEASM) để tập trung vào các cuộc khai quật và nghiên cứu khảo cổ dưới nước.

Sau đó, ông đã tìm thấy một số con tàu đắm có tính quan trọng trong lịch sử nhân loại, bao gồm tàu đắm San Diego được tìm thấy trong vùng biển của Philippines và tàu chiến của Napoléon Bonaparte trong dự án của ông ở Ai Cập.Thành tựu quan trọng và nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông Goddio cho đến nay là việc phát hiện ra thành phố cảng cổ đại Thonis-Heracleion dưới đáy biển và các phần của thành phố Canopus ở Vịnh Aboukir gần Alexandria, Ai Cập. Hợp tác với Bộ Du lịch và Khảo cổ Ai Cập, Goddio và nhóm của ông đã đưa lên được một số hiện vật đáng chú ý từ đáy biển.

Frank Goddio với bức tượng Thần Hapi, vị thần của nước sông Nile, biểu tượng cho sự dồi dào và màu mỡ được tìm thấy ở thành phố Heracleion dưới đáy biển. (Ảnh: Franck Goddio/Hilti Foundation)




Trước khi được phát hiện vào năm 2000, không có dấu vết nào của Thonis-Heracleion được tìm thấy.

Theo trang web franckgoddio.org, bức tường dài gần 152 m của một ngôi đền cũng như một tấm bảng vàng khắc các chữ cái Hy Lạp đã được tìm thấy, cho thấy rằng Vua Ptolemy III đã xây dựng riêng một ngôi đền để tưởng nhớ vị anh hùng Herakles.

Ba bức tượng khổng lồ làm bằng đá hoa cương màu hồng đã được đưa lên. Các bức tượng đại diện cho một vị vua, hoàng hậu và thần Hapi, vị thần sông Nile biểu tượng cho sự màu mỡ và dồi dào. Chúng cao khoảng 5 m và nặng hơn năm tấn.

Các bia đá (cột cao hoặc tấm đá khắc chữ, thường chỉ có hai nội dung chính: sắc lệnh của pharaoh hoặc lời ca ngợi các vị thần) cũng được làm bằng đá hoa cương màu hồng, được tìm thấy với các văn bản của cả Hy Lạp và Ai Cập trên đó, chứng thực ý tưởng rằng hai quốc gia có chung hệ tư tưởng cũng như hệ thống buôn bán trao đổi hàng hóa.




Một tấm bia đá hoa cương đen được làm theo yêu cầu của Pharaon Nectanebo I vào khoảng năm 360 TCN đã được đưa lên và được phát hiện gần giống với tấm bia của Naukratis trong Bảo tàng Ai Cập ở Cairo.

Nhiều cột Doric (một trong 3 loại cột cơ bản dùng trong kiến trúc Hy Lạp cổ đại) từ một ngôi đền Hy Lạp và tiền xu, bao gồm một đồng xu vàng Byzantine từ thế kỷ 4, một đồng xu bằng đồng khác cũng từ thế kỷ 4 đã được tìm thấy cùng với một chiếc hoa tai Byzantine.

Những viên đá chì và quả cân bằng đồng, sử dụng để cân hàng hóa cũng được đưa lên và một bức tượng bằng đá sẫm màu của một người phụ nữ mặc trang phục của nữ thần Isis được tìm thấy trong lớp phù sa của biển. Nhóm khảo cổ cho rằng người phụ nữ có thể là Cleopatra, vì bà có nhiều câu chuyện gắn liền với nữ thần Isis.

Thức cột Doric của thành phố Heracleion được tìm thấy dưới đáy biển. (Ảnh: Franck Goddio/Hilti Foundation)




Ngoài ra, hàng trăm bức tượng nhỏ của các vị thần và Pharaon, bùa hộ mệnh, mảnh gốm và những chiếc bình đá nhỏ đã được phát hiện dưới đáy biển.

Trước khi Alexandria trở thành trung tâm thương mại ở khu vực Địa Trung Hải vào năm 331 TCN, Thonis-Heracleion là một bến cảng nhộn nhịp ở cửa sông Nile, nơi giao nhau với biển Địa Trung Hải cũng như ở gần vị trí của một ngôi đền quan trọng: Đền thờ Lớn của Amun de Gereb.

Thành phố đạt đến tầm quan trọng đỉnh cao vào thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Có rất ít thông tin còn lưu lại về các thành phố cổ đại, ngoài các trước tác của nhà sử học Hy Lạp Herodotus sống trong thế kỷ thứ V trước Công nguyên.

Bản vẽ mô phỏng lại thành phố Thonis-Heracleion được tìm thấy dưới đáy biển. (Ảnh: Franck Goddio / Hilti Foundation)




Các tác phẩm của ông bao gồm câu chuyện về một ngôi đền vĩ đại được xây dựng tại nơi mà anh hùng Herakles, con trai của thần Zeus và chính là thần Hercules ở Hy Lạp cổ đại, hạ cánh ở Ai Cập. Ông ấy cũng cho biết Helen và Paris đã đến thăm thành phố trước Đại chiến thành Troy.

Số lượng xác tàu được tìm thấy cho đến nay là sáu mươi chiếc, và bảy trăm chiếc neo có niên đại từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ II trước Công nguyên cho thấy rằng bến cảng đóng vai trò rất quan trọng về mặt kinh tế do việc thu thuế và thuế hải quan từ các tàu nước ngoài, theo Viện IEASM.

Khu vực Địa Trung Hải và hoạt động núi lửa của nó được biết đến với không chỉ núi lửa trên mặt đất mà còn nhiều núi lửa hình thành dưới đáy biển. Hoạt động địa chấn kèm theo đó, chính là lý do ngọn hải đăng Alexandria bị đổ theo ghi chép, được cho là nguyên nhân dẫn đến việc Thonis-Heracleion bị chìm xuống đáy biển.


Sự hóa lỏng của đất tạo ra các túi nước. Khi bị ép với trọng lượng của các bức tượng và tòa nhà làm bằng đá hoa cương, các túi nước sẽ vỡ ra, sau đó độ cao của đất sẽ bị hạ thấp so với mức ban đầu.

Giữa các hoạt động địa chấn và những cơn sóng thần hầu như luôn theo sau, thành phố dần dần chìm xuống biển cho đến cuối thế kỷ VIII sau Công nguyên, khi những phần cuối cùng thành phố cuối cùng chìm xuống dưới những con sóng.

Ông Franck Goddio ước tính rằng chỉ có 5% diện tích thành phố đã được phát hiện và các cuộc khai quật vẫn đang tiếp tục với nhiều hiện vật cùng những điều thú vị khác khác sẽ được khám phá ra.

Nguồn: NTDVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *