Thần, Phật, Chúa vì sao không giúp để con người hết khổ?

Trong các tín ngưỡng cổ xưa đều mô tả hình tượng Thần, Phật, Chúa với quyền năng lớn lao, có thể thực hiện rất nhiều phép lạ. Bởi vậy các tín đồ ngày nay thường đến nơi chùa chiền, thánh điện để cúng bái, cầu xin. Nhưng vì sao có rất nhiều người cầu mà không được? Thậm chí trong đại nạn hay dịch bệnh, cả những người xin được ban ơn, xin không mắc phải bệnh tật, cũng không toại nguyện, như ý? Có người còn sinh tâm oán trách các bậc giác giả. Vì sao lại như vậy?

Tượng Phật Lư Xá Na tại hang Long Môn. (Ảnh: Bule Sky Studio/Shutterstock, Royalty-free stock photo)

Có câu chuyện kể rằng trên một ngọn núi nọ có một ngôi chùa cổ. Người trong vùng truyền tai nhau rằng ngôi chùa rất linh nghiệm, chỉ cần lên chùa thành tâm thành ý cầu nguyện trước tượng Phật thì sẽ được cứu giúp. Tuy vậy, ngôi chùa cổ nằm trên núi cheo leo, đường đi không dễ.

Trong vùng có một thư sinh nghe được, cũng muốn đến cầu nguyện, mong đạt được công danh, mong đi thi có tên trên bảng vàng. Để tỏ lòng thành của mình, anh ta sắm sửa một mâm lễ thật đầy rồi tự mình bưng lên núi. Sau hành trình vất vả, anh ta cũng lên đến nơi.

Lạy lục cầu xin, dâng sính lễ xong, anh thư sinh nọ thu dọn sính lễ để trở về. Trên đường về, tới chân núi, anh gặp một người ăn mày. Người ăn mày đói rét nọ thấy mâm lễ, chìa tay xin: “Thí chủ hào phóng! Tôi đã bị đói ba ngày, xin ngài thương xót bố thí chút đồ ăn! Đội ơn ngài lắm!”

Thư sinh kia nhìn thấy bộ dạng người ăn mày bẩn thỉu nên đưa tay phất phất ra chừng coi thường rồi nói: “Đi đi, ngươi vừa rách nát vừa bẩn thỉu, đừng làm bẩn lễ của ta! Lễ của ta còn phải mang về cho vợ con ta ăn hưởng lộc. Đâu có phần cho ngươi được!”

Người ăn mày yếu ớt dập đầu cầu xin: “Thí chủ hào phóng à! Tôi sắp chết đói rồi! Ngài chỉ cần bố thí cho tôi một chút thôi là đủ rồi. Xin ngài cứu mạng tôi với!”

Thư sinh sợ người ăn mày cướp lễ nên vội vàng bê lễ chạy vụt qua. Người ăn mày quá đói chỉ còn cách trân trân ngồi nhìn theo. Trên người chỉ có vẻn vẹn một tấm chăn, ông ta lê lại ngôi nhà hoang tàn tạ dưới chân núi.

Màn đêm buông xuống càng lúc càng nhanh, trời càng lúc càng lạnh. Người ăn mày quấn tấm chăn lông run rẩy. Đột nhiên, từ đâu một con chó nhỏ bị chốc khắp thân chạy đến. Nó rụt rè tới bên người ăn mày rồi dựa vào người ăn mày sưởi ấm. Anh ta bực tức co chân đá con chó: “Cút! Cút! Đồ bẩn thỉu. Đi đi.”




Con chó nhỏ bị đạp, đành chạy ra, đến ban đêm thì chết cóng tại cổng nhà. Ngày hôm sau, người ăn mày cũng lăn ra chết vì đói.

Nửa năm thoáng chốc qua đi, thư sinh kia đi thi lại rớt. Anh ta nổi giận đùng đùng, chạy lên núi oán trách trước tượng Phật: “Vì sao mọi người đều nói Thần Phật linh thiêng, vậy mà các ngài nỡ lòng không giúp đỡ con, vẫn để con thi rớt?”

Tối hôm đó, anh ta nằm mơ thấy có vị Thần hộ Pháp đến trách mắng. Anh ta bèn kêu oan: “Con đã thành tâm thành ý mang lễ đến cầu xin rồi mà.”

Bấy giờ đột nhiên anh ta thấy hồn người ăn mày hiện ra, rên rỉ: “Tôi cầu xin ngài bố thí cho tôi một chút lễ, vậy mà ngài cũng không nỡ lòng. Ngay cả một chút tâm này ngài cũng không có thì vì sao Thần linh phải giúp đỡ ngài?”

Người ăn mày lại tranh thủ nói tiếp: “Nhưng mà Thần Phật cũng thật tàn nhẫn, các ngài để con chết đói mà không ban cho con chút đồ ăn…”

Bấy giờ, hồn con chó nhỏ lại hiện ra: “Ta chỉ cầu xin ngươi cho ta được ấm áp một chút, ngươi đâu có tổn hại gì? Vậy mà ngươi cũng không cho. Vì sao phải thương xót ngươi đây?“

Vị Thần hộ Pháp bèn nói: “Ngay cả khi có khả năng trợ giúp người khác mà các ngươi cũng không muốn hao tổn, không muốn cho đi một chút. Vậy thì các ngươi vẫn nên là tự sinh tự diệt, có chỗ nào đáng để thần linh trợ giúp đây?”




Con người rất nhiều khi thật sự quá hẹp hòi, ngay cả một cái mỉm cười khích lệ cũng không nguyện ý cho đi. Đó là bởi vì trong đầu người ta luôn không ngừng tính toán: “Làm việc này có lợi ích gì cho bản thân mình? Có thể đạt được thành quả gì?” hay “Làm việc này thì có giải quyết được gì đâu?” Rất nhiều khi chỉ một việc đơn giản, không phương hại gì đến bản thân, chỉ là bày tỏ thái độ trước một tội ác, một điều nhiễu nhương, thể hiện lương tri của bản thân, mà người ta cũng phải lui lại tính toán.

Kỳ thực, thờ ơ cũng là một loại tội ác không nhỏ. Trong Thần Khúc của Dante, một kiệt tác nổi tiếng thế giới miêu tả đức tin Kitô, thì thảm thương nhất không phải là những kẻ bị nhốt vào địa ngục, mà là những kẻ bị cả Thiên đường và Địa ngục chối từ, trở thành những linh hồn không hy vọng, không lối thoát. Đó chính là những Thiên thần từng cư ngụ tại Thiên giới, nhưng thờ ơ trước trận chiến giữa Lucifer và Michael, trận chiến mà họ đáng nhẽ phải đưa ra lựa chọn – về với quỷ Satan hay về với Chúa. Đó cũng là những kẻ sống mà chỉ biết nghĩ tới mình, không dám lên tiếng trước tội ác xảy ra.




Trước khi bước vào cửa Địa ngục, Dante gặp các thiên thần sa ngã và những kẻ không dám lên tiếng trước tội ác. Cả hai nhóm giờ đây đã trở thành những linh hồn không có chốn về ở cả Địa ngục lẫn Thiên đàng, được đánh giá là những kẻ đau khổ nhất trong trời đất. Tranh minh họa cho khúc thứ 3 trong Thần Khúc , 1587, Họa sĩ Stradanus.

Mỗi từng sinh mệnh trong vũ trụ này là đều có trách nhiệm, tầng thứ cao bao nhiêu, trách nhiệm lớn bấy nhiêu. Các bậc Giác Giả hiểu rõ và nắm giữ đạo lý của vũ trụ, cũng là những người duy hộ chân lý đó. Tương tự như vậy, làm người là có tiêu chuẩn làm người, chính là tuân theo những giá trị phổ quát được lưu truyền trong tất cả các chính giáo xa xưa. Ấy là sự chân thật, thiện lương, là bao dung với vạn vật, cũng là bảo trì chính nghĩa, bảo tồn lương tri, không chấp nhận đồng lõa với cái ác.





Con người nguyên vốn là nên duy hộ đạo lý ấy. Người chỉ một mực muốn được mà không nguyện ý cho đi thì làm sao có phúc báo, làm sao xứng nhận được bảo hộ đây? Thần linh sao có thể giúp người ấy được? Vậy nên, đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm, đừng do dự, cũng đừng thờ ơ. Hãy luôn nhớ rằng trong mọi việc, giúp người khác kỳ thực cũng là giúp chính mình.
Nguồn: TTVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *