Thần khí cải tử hoàn sinh: Truyền thuyết về Sênh Hoàng

Thế giới tự nhiên tràn đầy những thanh âm kỳ diệu, âm thanh ấy đi vào trong câu ca, điệu hát, được thể hiện qua các loại nhạc cụ khác nhau. Và bạn biết không, nhạc cụ ra đời sớm nhất lại không phải sáng tạo của con người, mà là món quà của các vị Thần. Món quà đó là gì?

Một phần trong bức họa “Cung nhạc đồ” (Ảnh: Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Bắc) 

Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về một thần khí đã có từ xa xưa. Mỗi khi thần khí ấy diễn tấu, khắp đại địa lại vang lên tiếng nhạc du dương êm ái, ôn nhu hài hòa, có khả năng chữa lành mọi thương tích. Cây cỏ nghe tiếng nhạc mà tốt tươi, vạn vật nghe tiếng nhạc mà sinh sôi nảy nở, ngay cả những sinh mệnh đã chết cũng nhờ tiếng nhạc mà được tái sinh, bừng bừng sức sống. 

 Nhạc cụ ấy chính là “Sênh”.

Nữ Oa tạo ống Sênh
Vào sơ kỳ thời cổ đại, Nữ Oa dùng đất bùn tạo ra nhân loại. Con người trải qua rất nhiều thế hệ dần dần sinh sôi, dần dần phát triển, tạo nên một xã hội phồn vinh thịnh vượng, kiến lập nên nền văn minh thuở ban sơ. 

Đến thời Chuyên Húc trị vì, Thủy thần Cộng Công không chịu phục tùng nên đã khởi binh nhằm tranh đoạt đế vị. Kết quả Cộng Công bị Chuyên Húc đánh cho đại bại, nhưng vì không muốn chịu thua nên Cộng Công đập đầu húc đổ núi Bất Chu. Bất Chu Sơn là một trong tám cột trụ trời nằm ở phía tây bắc. Cột trụ bị gãy, trời phía tây bắc sụp xuống, đất phía đông nam nghiêng đổ, mặt trời, mặt trăng và các vì sao bị đảo lộn, đại địa cũng mất đi thế cân bằng, tất cả sông ngòi đều cuồn cuộn chảy về đại dương, cuộn lên những cơn sóng kinh hoàng. Vì bầu trời thủng một lỗ lớn, nước trên Thiên thượng chảy xuống nhân gian, khiến mặt đất chìm trong biển nước, nhân loại cũng đứng trước bờ diệt vong.

Đã đâm lao thì phải theo lao, Cộng Công liền hóa thành một con hắc long lớn lao vào biển nước, phát động trận hồng thủy khủng khiếp. Các loại mãnh cầm quái thú trong núi sâu rừng già cũng lũ lượt xuất động, tấn công và cắn xé con người. Cán cân thiện ác bị nghiêng lệch, mỗi cá nhân đều đứng trước khảo nghiệm phải đưa ra sự lựa chọn cuối cùng.




Khi tất cả tưởng chừng như vô vọng, Nữ Oa liền trở lại nhân gian. Bà vẫy tay trảm ác long, rắc tro lau sậy để chặn đứng hồng thủy, sau đó lại chặt đứt bốn chân của con rùa tà ác làm cột trụ chống giữ cho đại địa. Cuối cùng, Nữ Oa bay lên thiên không vá lỗ hổng của bầu trời xanh. Vì bà sử dụng loại vật chất rất vi quan tinh diệu nên bầu trời trở nên sáng ngời rực rỡ, từ đó trong dân gian lưu truyền câu nói: “Nữ Oa luyện đá ngũ sắc vá trời”.

Trời đất đã lập lại trật tự, hồng thủy được ngăn chặn, tà ác cũng bị tiêu diệt, những người thiện lương lại tiếp tục sinh tồn. Thiên khung cũng xuất hiện cầu vồng mỹ lệ để ghi nhớ kiếp nạn lần này và ân đức của Nữ Oa.

Sau nạn hồng thủy, mặt đất khắp nơi bị tàn phá nặng nề, số người còn sống sót cũng vô cùng thưa thớt. Nữ Oa bèn xếp các ống tre lên bầu hồ lô tạo thành một pháp khí thần kỳ. Bà đưa thần khí ấy lên miệng thổi, âm thanh du dương tỏa khắp muôn phương, mặt đất như thể được đôi tay của Thần nhẹ nhàng nâng đỡ, các sinh mệnh được hồi sinh trong tiếng nhạc, những đau đớn tổn thương của con người cũng dần dần lành lại.

Nhạc cụ thứ hai từ trái sang phải là Sênh (Ảnh: Một phần của bức bích họa thời nhà Đường)




Pháp khí chữa lành ấy được lưu lại và trở thành nhạc cụ sớm nhất của nhân loại, đó chính là ống Sênh.

Sênh Hoàng
Chữ “Sênh” (笙) gồm hai bộ phận hợp thành: bên dưới là chữ Sinh (生) nghĩa là sinh mệnh, sinh sôi, bên trên là chữ Trúc (竹), nghĩa là ống tre, ống trúc. Về kết cấu, chữ Sinh (生) có hình dạng giống như cây non đang nảy mầm đâm chồi lên khỏi mặt đất. Như vậy, luận về chữ viết, tên gọi của ống Sênh mang ý nghĩa giúp vạn vật sinh trưởng và phát triển không ngừng.

“Thuyết Văn Giải Tự” viết: “Sanh, thập tam hoàng, tượng phụng chi thân, chính nguyệt chi âm, vật sinh, cố vị chi sanh”, nghĩa là: ống Sênh có 13 Hoàng, giống như thân chim Phượng, âm thanh tháng Giêng, cho nên gọi là Sênh. Ống Sênh do 13 ống tre được gắn liền với nhau tạo thành hình cánh chim Phượng Hoàng, đại biểu cho âm luật của tháng Giêng, cũng là thanh âm đầu tiên của đại địa. Trong ống Sênh có đặt miếng Hoàng, là mảnh tre vót mỏng tạo thành hình chiếc lá tre, khi thổi vào thì phát ra âm thanh. Do đó ống Sênh còn được gọi là Sênh Hoàng.

Sênh thuộc nhạc cụ bộ hơi của Trung Quốc, là nhạc khí duy nhất có thể diễn tấu hòa thanh. Theo ghi chép trong các thư tịch cổ, Sênh có hai loại, loại lớn gọi là Vu, có 36 ống, loại nhỏ gọi là Hòa, có 13 ống, chính là Sênh mà chúng ta thấy ngày nay. Chữ “Vu” có nghĩa là ấm áp như gió xuân, còn chữ “Hòa” lại mang nghĩa là dịu dàng, hài hòa, giống như thanh âm đầu xuân của tháng Giêng.

“Hàn Phi Tử – Nội trữ thuyết thượng” từng ghi chép cố sự “Lạm Vu sung số”: 

Thời chiến quốc, Tề Tuyên Vương đặc biệt yêu thích tiếng kèn Vu, bèn cho lập một đội nhạc gồm ba trăm người cùng hợp tấu, trong đó có một nhạc công tên là Nam Quách. Do biết khéo lời xu nịnh nên Nam Quách được Tuyên Vương đãi ngộ rất trọng hậu. Sau này Tề Mẫn Vương lên kế vị, nhà vua cũng thích nghe kèn Vu, nhưng khác với Tuyên Vương thường nghe nhạc hợp tấu, Mẫn Vương chỉ ưa nghe nhạc độc tấu. Mẫn Vương ra lệnh từng nhạc công phải đến thổi kèn cho vua nghe thì phát hiện Nam Quách đã trốn đi mất. Thì ra, Nam Quách không biết thổi kèn Vu, vì muốn lấy lòng quân vương nên mới tìm cách trà trộn vào đội hợp xướng. Từ đó, câu thành ngữ “Lạm Vu sung số” mang ý nghĩa thật giả lẫn lộn, mượn đám đông để che đậy sự thật.

Sênh vừa có thể độc tấu, vừa có thể hợp tấu, vì từ bi nên mới bao dung, vì bao dung hết thảy mọi thanh âm nên mới có thể tấu nên giai điệu hài hòa, ôm trọn lấy vạn vật. Đặc tính ôn nhu không gì sánh được này khiến cho Sênh thích hợp hòa tấu với các loại nhạc cụ khác, tạo nên nét độc đáo riêng so với các nhạc cụ cổ đại của Trung Quốc vốn chỉ quen với độc tấu.

Nhờ có thanh âm hài hòa, ấm áp, nên những người mang tâm trạng bi ai khi nghe tiếng Sênh sẽ có thể tìm thấy niềm an ủi. Tương Truyền, sau 2 năm chịu tang cha mẹ, Khổng Tử gảy đàn Cầm suốt 5 ngày để điều hòa thân tâm. Nhưng vì quá đau buồn nên ông không đàn được điệu nhạc nào hoàn chỉnh. Lại thêm 5 ngày trôi qua, đến ngày thứ mười Khổng Tử cầm ống Sênh lên thổi, quả nhiên thanh âm nhẹ nhàng của Sênh đã chữa lành cho ông, thâm tâm ông tìm được niềm an ủi, thậm chí giờ đây ông còn có thể hát theo tiếng nhạc. 

Thần khí cải tử hoàn sinh
Sênh là tạo tác của Thần, có được uy lực thần kỳ nên người diễn tấu bằng nhạc khí này cũng được Thần Tiên đến tiếp dẫn.

Vào thời Chu Linh Vương, Thái tử Kiều rất thích thổi ống Sênh. Khi chàng diễn tấu dưới ánh trăng, tiếng nhạc của chàng đã dẫn mời một vị Tiên nhân là Phù Khâu Công tới thăm. Sau này chàng rời hoàng cung tu hành, và nhờ có sự tiếp dẫn của Phù Khâu Công, Thái tử Kiều cưỡi hạc tiên bay lên trời.

Thời Xuân Thu, con gái của Tần Mục Công là công chúa Lộng Ngọc có sở trường thổi ống Sênh. Nàng không thích quan lại quyền quý, không ham vinh hoa sang giàu, mà chỉ nguyện kết hôn với một đấng lang quân tinh thông âm luật. Sau đó, nhờ tiếng Sênh mà công chúa nên duyên với một vị Tiên nhân tên là Tiêu Sử. Hai vợ chồng Sênh và tiêu hợp tấu trên Phụng Đài, sau đó một người cưỡi rồng, một người cưỡi phượng sánh đôi cùng thăng thiên.

Sau khoảng nửa năm sống ở Phụng Lâu, Tiêu Sử và Lộng Ngọc cùng cưỡi rồng phượng bay về trời (Ảnh: Public Domain)
Tương truyền, thị nữ hầu hạ Vương Mẫu Nương Nương vốn là một cô gái thanh tu tại gia ở nhân gian, tên là Đổng Song Thành. Nàng tinh thông âm luật, thường hay thổi ống Sênh. Một ngày, thấy kim đơn trong lò đã luyện thành, nàng bèn uống kim đơn rồi tựa vào bên cầu thổi Sênh, đột nhiên hạc tiên từ trên trời bay xuống đưa Đổng Song Thành về chốn Tiên.

Sau khi Đổng Song Thành trở thành Tiên, Tây Vương Mẫu thấy nàng thông minh linh tuệ bèn thu nhận làm thị nữ, giao cho nàng phụ trách việc chăm sóc vườn đào. “Hán Vũ Đế nội truyện” chép rằng, Hán Vũ Đế Lưu Triệt một lòng cầu Tiên học Đạo, không ham danh lợi, không quyến luyến ngôi vị đế vương, tấm lòng chí thành của ông khiến Tây Vương Mẫu cảm động. Vương Mẫu bèn giáng lâm xuống cung điện nhà Hán và ban cho Lưu Triệt bốn quả Bàn Đào, sau đó lại sai thị nữ diễn tấu. Đổng Song Thành liền cầm ống Sênh lên thổi một khúc Vân Hòa.


Đào tiên của Tây Vương Mẫu 3000 năm mới kết trái một lần, ăn vào có thể trường sinh bất lão. Còn ống Sênh do Nữ Oa tạo ra lại có thần lực mãnh liệt, nuôi dưỡng vạn vật, sinh sôi không ngừng, không lạ gì khi do Vương Mẫu giao cho vị Tiên nữ thích thổi Sênh được quản lý vườn đào. 

Ngẩng đầu nhìn lên, thấy màu sắc hài hòa nhất trên bầu trời chính là cầu vồng. Lắng tai nghe, thấy hòa âm mỹ diệu nhất của nhân gian là tiếng nhạc Sênh. Tiếng nhạc mỹ lệ du dương vang vọng tới chân trời không khỏi khiến người ta thầm nghĩ: Khởi nguồn ban sơ của sinh mệnh phải chăng chính là từ bi dịu dàng không gì sánh được của Thần?

Nguồn: VDH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *