Tế Điên hoà thượng là Hàng Long La Hán chuyển sinh

Tương truyền, khi Tế Công vừa mới đến Tây Hồ, ngài làm một hòa thượng lo việc bếp núc trong Linh Ẩn Tự, sau này được trụ trì điểm đạo linh tính, đột nhiên giác ngộ, lại sợ bị người khác phát hiện ra, cho nên giả làm người điên để che mắt thế gian…

Ảnh tổng hợp

Tế Công có pháp danh là Đạo Tế, còn gọi là Tế Điên hòa thượng, Tế Công Hoạt Phật (Phật sống Tế Công), thiền sư Tế Công… Tế Công thần thông quảng đại đã trở thành thần tượng thời tuổi thơ của rất nhiều người, sự tích thần kỳ kéo từng khúc gỗ lớn từ trong giếng ra ngoài được lưu truyền qua nhiều đời.

La Hán tái sinh

Tương truyền rằng Tế Công vốn họ Lý, tên Tu Viễn, là người của huyện Thiên Đài vào thời kỳ nhà Tống (nay là thôn Vĩnh Ninh, đường Xích Thành, huyện Thiên Đài, thành phố Đài Châu, tỉnh Chiết Giang), cạo đầu xuất gia tại Linh Ẩn Tự (Chùa Linh Ẩn) Tây Hồ, Hàng Châu, lấy pháp hiệu là “Đạo Tế”. Bởi vì ngài thường xuyên giả điên giả ngốc, và dùng sự điên khùng của mình để độ hóa người đời, vì vậy mới có tên gọi là “Tế Điên”.

Tuy giả dạng điên điên khùng khùng, nhưng trong truyền thuyết Tế Công được xem là có kiến thức Phật pháp vô viên, đồng thời thường xuyên cứu tế người nghèo khổ và giúp đỡ người gặp nạn, cho nên có biệt danh là “Tế Công Hoạt Phật” (tức là Phật Sống Tế Công).

Nghe kể rằng, năm Lý Tu Viễn 18 tuổi, vì cha mẹ đều đã qua đời, sau khi để tang 3 năm, ngài lập tức đi đến Linh Ẩn Tự ở Tây Hồ để cạo đầu làm tu sĩ, trụ trì Viễn Hạt Đường biết ngài là tái sinh của Hàng Long La Hán, cho nên đã thu nhận ngài làm đệ tử của mình, và lấy pháp hiệu là “Đạo Tế”.

Sau khi Viễn Hạt Đường qua đời, Tế Điên chuyển đến Tịnh Từ Tự (Chùa Tịnh Tự) trên núi Nam Bình.

Ngày 16 tháng 5 năm Khai Hy thứ hai của Nam Tống (năm 1206), Tế Điên viên tịch trong tư thế ngồi nghiêm trang, để lại một bài kệ lưu truyền thế gian: “Lục thập niên lai lang tịch, đông bích tả đảo tây bích, vu kim thu thập quy lai, y cựu thiên thanh thủy bích” (Tạm dịch: Sáu mươi năm loanh quanh tìm đạo, từ sắc giới tìm đến không giới, đến nay thu dọn quay trở về, vẫn là trời trong và nước xanh).

Sau khi Tế Công viên tịch, di hài của ngài được chôn cất tại khu vực suối Hổ Bão trên núi Đại Từ phía tây nam Hàng Châu, nơi đó có xây một tòa tháp Tế Công cao hai tầng lầu.

Hổ Bào Mộng Tuyền (虎跑梦泉), trong khuôn viên nơi chôn cất Tế Công (Nguồn: Wikipedia)

Truyền thuyết kể rằng cha của Tế Công tên là Lý Mậu Xuân, mẹ là VươngThị, hai vợ chồng Lý Mậu Xuân sống với nhau ba mươi năm mà vẫn chưa có con cái, cho nên ngày đêm cầu xin Thần Phật.

Một đêm nọ, Vương Thị mơ thấy một vị La Hán tặng cho bà một đóa hoa sen ngũ sắc, Vương Thị nhận lấy hoa sen rồi nuốt vào bụng, không lâu sau thì bà mang thai.

Mồng hai tháng hai năm Thiệu Hưng thứ 3 của Nam Tống (năm 1133), Vương Thị sinh được một đứa con trai, hai vợ chồng Lý Mậu Xuân vô cùng vui mừng, đến khi đứa bé đầy tháng, hai vợ chồng đãi tiệc mời khách, khi đó có cao tăng Tính Không đến chúc mừng, đặt tên cho đứa bé là “Tu Viễn”.

Tương truyền rằng con chim đại bàng ở phía trước chỗ ngồi của Như Lai Phật Tổ đã phạm vào luật trời, tự ý bỏ trốn xuống nhân gian, vì vậy mới phái Hàng Long La Hán (Tế Công) tái sinh xuống cõi người để đi tìm kiếm tung tích của con chim đại bàng.

Tuy nhiên, Tế Công cũng trải qua vô số kiếp nạn ở cõi trần gian.

Nhưng sau khi trải qua vô số gian nan khổ cực, cuối cùng ngài vẫn hoàn thành sứ mệnh của mình.

Nhân vật Tế Công mang đậm màu sắc thần thoại trong truyền thuyết dân gian. Tương truyền rằng ngài từng đấu trí với thừa tướng nước Tần, trừng trị tham quan độc ác, và đi đường gặp chuyện bất bình liền ra tay tương trợ, tuy nhiên những việc làm của Tế Công cũng thường xuyên được miêu tả thành đùa giỡn chửi mắng và hài hước gây cười.

Những sự tích này đều được miêu tả chi tiết trong “Tế Công truyện” lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

Tượng Tế Công trong Tây Viên Tự (Chùa Tây Viên) ở Tô Châu, Trung Quốc vô cùng đặc biệt, trên người mặc áo rách rưới, tay cầm chiếc quạt rách nát, nhưng những biểu cảm trên khuôn mặt thì lại vô cùng sinh động và thú vị, nhìn ở ba góc độ khác nhau thì sẽ nhìn ra ba diện mạo khác nhau.

Một diện mạo là khuôn mặt tươi cười, được gọi là “gió xuân khắp mặt”, diện mạo thứ hai là khuôn mặt u sầu, mọi người gọi là “mặt mày sầu não”, còn diện mạo cuối cùng chính là tổng hợp của hai diện mạo trên, hình như có chút giống như “nửa khóc nửa cười”, hoặc là có cảm giác “muốn khóc muốn cười đều không được”.

Kỹ thuật điêu khắc cao siêu này cũng rất phù hợp với thái độ gặp chuyện gì cũng tự làm theo ý mình, mặc người đời khen chê cười nhạo của Tế Công.

Giếng cổ chuyển gỗ

Tương truyền, khi Tế Công vừa mới đến Tây Hồ, ngài làm một hòa thượng lo việc bếp núc trong Linh Ẩn Tự, sau này được trụ trì điểm đạo linh tính, đột nhiên giác ngộ, lại sợ bị người khác phát hiện ra, cho nên giả làm người điên để che mắt thế gian. Từ sau khi Tế Công chuyển đến Tịnh Từ Tự làm “thư ký” chép kinh sách, ngài mới làm ra rất nhiều chuyện kỳ lạ.

Sau khi một vị cao tăng của Thiếu Lâm Tự là thiền sư Diệu Tung nhận mệnh của triều đình đi đến Tây Hồ làm trụ trì đời thứ 29 của Tịnh Từ Tự, vì để trùng tu lại ngôi chùa nên cần phải khẩn cấp xin quyên góp từ khắp nơi. Trụ trì biết rõ tư duy văn chương của Tế thư ký rất tốt, nên nhờ Tế Công soạn thảo một bản thông báo xin tiền quyên góp. Tế Công nói: “Trưởng lão có mệnh, đâu dám từ chối. Chỉ là không uống say thì tư duy không tốt, xin trưởng lão thưởng cho một bình rượu để trợ giúp cho việc viết văn”. Trụ trì kêu người đi mua rượu, Tế Công uống rất thỏa thích, khi vừa có cảm hứng, Tế Công cầm bút lên viết một mạch liền xong, trong bài thông báo có một câu rất hay: “Dưới cầu trăm họ, ý tưởng xây chùa cảm động lòng người; trên khấu cửu thiên, quả thật muốn gọi thông thiên nhĩ”.

Sau khi bài thông báo này được dán ra bên ngoài, đã làm chấn động cả một thành Hàng Châu, nhiều người chép lại và truyền tai nhau, ngay cả hoàng đế Nam Tống cũng đọc được bài thông báo này. Hoàng đế nhìn thấy trong bài viết có mấy câu tuyệt diệu như “trên khấu cửu thiên”, “gọi thông thiên nhĩ”, liền phái người mang ba vạn quan tiền (quan là đơn vị tiền tệ của Trung Quốc thời xưa) đi bố thí cho Tịnh Từ Tự để xây một ngôi chùa lớn.

Trụ trì Diệu Tung cảm tạ ơn vua, rồi đi tìm Tế Công để bàn bạc xem làm thế nào để đi Tứ Xuyên giải quyết vấn đề nguyên liệu gỗ dùng để xây chùa gấp. Tế Công nói: “Tôi làm việc cho Tịnh Từ Tự, ‘thiên nhĩ’ cũng gọi thông được, chỉ là Tứ Xuyên ở xa, phải cho tôi ăn uống no say, ba ngày sau đảm bảo trưởng lão có gỗ để dùng”. Thế là Tế Công lại uống đến say khướt, ngủ liền một giấc ba ngày sau mới tỉnh dậy, đợi khi tỉnh dậy, Tế Công đột nhiên hét lớn tiếng: “Gỗ đến rồi! gỗ đến rồi!”, trụ trì nghe thấy liền hỏi: “Gỗ ở đâu hả?”, Tế Công nói: “Gỗ đã được chuyển từ sông Tiền Đường đến giếng Tỉnh Tâm trong chùa rồi, kêu người bắt một khung gỗ phía trên miệng giếng, lắp một trục quay lên đó, kéo từng khúc gỗ lên là được”.

Một lúc sau, ở dưới giếng quả nhiên có một khúc gỗ nổi lên trên mặt nước. Các tăng nhân dùng trục quay để kéo gỗ lên, vừa kéo xong một khúc gỗ, trong giếng lại nổi lên một khúc gỗ khác, kéo cho đến khúc gỗ thứ 70, người thợ mộc đứng bên cạnh đếm gỗ nói một tiếng: “Đủ rồi!”, vừa mới dứt lời, trong giếng vẫn còn một khúc gỗ nhưng không nổi lên nữa. Từ đó về sau, giếng Tỉnh Tâm được gọi là “giếng Thần Vận”, hay còn gọi là “giếng cổ chuyển gỗ”, người ta còn xây một ngôi đình bên trên miệng giếng, khúc gỗ cuối cùng đó vẫn được giữ lại dưới đáy giếng, sau này người ta thường thắp nến rồi cột vào một sợi dây thừng, sau đó thả sợi dây thừng xuống dưới giếng cho du khách quan sát khúc gỗ dưới đáy giếng. “Giếng cổ chuyển gỗ” này trở thành một trong những “cổ tích” thu hút khách thập phương đến tham quan nhất của Tịnh Tự Từ.


Nguồn: DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *