Tâm nhỏ, việc nhỏ sẽ thành lớn; tâm lớn, việc lớn sẽ thành nhỏ

Nhắc đến Phong Tử Khải tiên sinh, chúng ta lại nhớ đến ngòi bút mềm mại tươi mới, nội tâm phong phú tinh tế, lời châu chữ ngọc, ý vị sâu xa… của ông. Nhiều người thường thích tranh châm biếm của Phong Tử Khải, thích những bài thơ nho nhỏ, nhưng lại càng bị cuốn hút bởi “mê lực” trong cách đối nhân xử thế của ông.

Phong Tử Khải tiên sinh không chỉ là một người có tài hoa phi thường, mà còn có tấm lòng từ bi. Tình cảm chân thành của ông, người thường khó mà có được, Phong Tử Khải quả xứng đáng là bậc thầy của thế hệ.
Ông từng nói: “Trái tim của tôi bị lấp đầy bởi bốn thứ: thần linh và các tinh tú trên trời, nghệ thuật và những đứa trẻ ở nhân gian.”
Trong trái tim của một người mà lại dành chỗ cho “thần linh và các vì tinh tú trên trời” thì ắt hẳn là người có tấm lòng biết kính sợ.
Tâm biết sợ thì hành động sẽ có điểm dừng. Lòng lúc nào cũng biết kính sợ thì hành sự mới không ngông cuồng lỗ mãng, hoành hành ngang ngược, đi lệch khỏi quỹ đạo.
Kính sợ trời đất, kính sợ thần linh, kính sợ tự nhiên, kính sợ vạn vật. Người biết kính sợ, hành sự sẽ có giới hạn của riêng mình, là người đáng mến, đáng tin tưởng, đáng được tôn trọng nhất.
Còn “Nghệ thuật nhân gian” lại là một sự theo đuổi và hưởng thụ về tinh thần ở cấp độ cao hơn trong cuộc sống.

Trong cuốn “Hộ sinh họa tập”, ông chủ trương yêu thương, trân trọng tất cả các loài gia cầm, gia súc, cá, côn trùng. Ông đã sử dụng những đường nét đơn giản để phác họa lên tư tưởng sâu rộng của ông, nuôi dưỡng một trái tim nhân ái, đính kèm theo đó là bài văn của Hoằng Nhất đại sư Lý Thúc Đồng khiến mọi người vô cùng tán thưởng.
E rằng từ cổ chí kim ở cả trong và ngoài nước, chỉ có duy nhất một mình Phong Tử Khải tiên sinh là đặt “trẻ em” ngang hàng với tinh tú, nghệ thuật?
Tiên sinh là một người có thế giới nội tâm thanh khiết, ấm áp, thuần túy, ông kính sợ thần linh, yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật, yêu trẻ em.
Dưới ngòi bút của ông có rất nhiều hình tượng nghệ thuật về trẻ em. Những đứa trẻ được so sánh như những chú én nhỏ, có vị trí như tinh tú và nghệ thuật.
Tình yêu là biểu tượng cuộc sống của ông, là nguồn sống dồi dào cho sự sáng tạo nghệ thuật, cũng là nơi nuôi dưỡng sự phong phú trong cuộc sống. Người có thể yêu, nguồn cảm hứng sẽ không bao giờ cạn kiệt.
Cả đời Phong Tử Khải, có tấm lòng chất phác, mộng mơ, cảm hứng; yêu vẽ tranh, yêu trẻ con. Ông theo đuổi một cuộc sống dân dã, bình dị ấm áp tình người, từ đầu đến cuối luôn giữ khoảng cách như gần như xa với hiện thực.
Bất luận trong mọi hoàn cảnh, ông luôn kiên trì giữ vững sự hiểu biết của mình về nhân sinh.
Nói theo lời của ông là “Ông là một người rất giống người”, đó cũng là lời khen ngợi đầy tôn trọng của ông dành cho ân sư Lý Thúc Đồng.




Làm “một người rất giống người” là một chuyện vô cùng khó khăn, cũng là lý tưởng mà Phong Tử Khải tiên sinh dùng cả đời để theo đuổi.
Nhiều người cứ vội vã, mải miết chạy trên con đường nhân sinh, đi mãi đi mãi liền quên đi ước nguyện ban đầu; đi mãi đi mãi liền quên đi ý định xa xưa. Cứ thế mà sống trong cuộc đời, rồi dần dần biến thành một người mà chính bản thân mình cũng không nhận ra.
Họ coi những vọng tưởng là chân thật, bị dục vọng thúc giục khống chế, bị lòng tham không đáy nô dịch đày đọa, càng ngày càng không phải là chính mình nữa.
Nửa đêm tỉnh mộng, bất ngờ khi thấy một người mơ hồ lạ lẫm, cảm thấy kinh ngạc khi phải đối diện với sự thật: Đây là ai? Người này là tôi sao? Sao người này lại là tôi? Nhìn thật kĩ, có chút quen thuộc, nhưng tại sao lại cảm thấy xa lạ như vậy?
Hầu hết ước nguyện và ý định ban đầu của mỗi người đều rất tốt đẹp, nhưng dòng đời xô đẩy, dần dần mọi thứ bị đi ngược lại với ước nguyện và ý định ban đầu.

Thỉnh thoảng, không phải là do chúng ta mong muốn quá nhiều, mà là do chúng ta bị những thứ ở thế giới bên ngoài thao túng.
Thấy người khác đều ra nước ngoài, chúng ta cũng muốn ra nước ngoài; người khác mua nhà cao cửa rộng, chúng ta cũng phải mua một căn nhà thật hoành tráng; Con cái của người khác thi đậu trường quốc tế nổi tiếng, chúng ta cũng muốn con mình phải đi du học.
Cái nhân vật “người khác” này cũng thật khó sống, lúc nào cũng bị coi là vật tham khảo, so sánh.




Mà nhân vật “người khác” lại rất nhiều, trái cũng là người khác, phải cũng là người khác, hết nhìn trái lại nhìn phải, cuối cùng khiến chúng ta vô cùng mệt mỏi khi lúc nào cũng phải ngoái đầu để nhìn “người khác”.
Tâm càng nhỏ, việc sẽ càng lớn. Tất cả mọi chuyện trong cuộc sống suy cho cùng cũng chỉ như một ngọn núi, một con sông, vì vậy càng sân si, càng lo lắng, thì chuyện lớn cũng không thể nắm giữ, chuyện nhỏ càng không thể buông bỏ, từ đó mà khiến cuộc sống của chính mình không thể tự tại được nữa.
Có người nói, tâm càng lớn, thế giới càng lớn. Phong Tử Khải tiên sinh thì nói: “Tâm nhỏ, việc nhỏ sẽ thành lớn; tâm lớn, việc lớn sẽ thành nhỏ.”
Tâm lượng, tấm lòng lớn hay nhỏ thì liên quan đến điều gì?
Tất nhiên là liên quan đến tầm nhìn, khí độ, học thức, tu dưỡng; liên quan đến sự từng trải của mỗi người.
Tâm lượng lớn hay nhỏ sẽ quyết định người đó sống vui hay buồn. Tâm lượng càng lớn, vui vẻ càng nhiều; tâm lượng hẹp hòi, phiền não càng sâu.
Trái tim con người giống như một đồ chứa, chất rất nhiều đồ, có người xếp đầy từ bi, hỷ, xả, xếp đầy vạn vật vũ trụ; có người trong đó chỉ có cái tôi cái nhân, ích kỷ, hẹp hòi.
Hãy tu dưỡng để tâm lượng trở nên rộng lớn, sống thật có ích, khiến ánh sáng tỏa ra từ trái tim bạn không chỉ soi rọi cho bản thân, mà còn soi rọi cho người khác.
Hãy bước chầm chầm mỗi bước đi trong cuộc sống, hãy thưởng thức từng bữa cơm, hãy nói những lời tốt đẹp, chân thành sống mỗi ngày.


Nguồn: VDH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *