Tại sao người ta muốn tạo ra phôi thai người lai với động vật?

Mục đích của việc tiêm nhân tế bào gốc của người vào phôi thai động vật là nhằm cố gắng nuôi cấy các mô của con người hoặc cơ quan ở động vật, từ đó hiểu rõ hơn về các bệnh ở người từ đó phát triển các phương pháp điều trị.

laigep1

Các nhà nghiên cứu từ lâu đã có thể đưa tế bào người vào động vật, như kiểu họ đưa những mẩu nhỏ của các khối u ung thư vào cơ thể chuột để thử nghiệm các loại thuốc. Tuy nhiên, nghiên cứu tế bào gốc về cơ bản có sự khác biệt. Các tế bào gốc của người sẽ được đưa vào phôi thai đang phát triển, nơi chúng có thể trở thành bất kỳ tế bào nào, chẳng hạn như tế bào của các cơ quan, máu và xương.

laigep2




Nếu hoàn thiện, kỹ thuật này một ngày nào đó có thể giúp thận người được hình thành và phát triển trong cơ thể lợn, cuối cùng là mang cấy ghép cho các bệnh nhân. Mặc dù vậy, ý tưởng về việc tạo nên một sinh vật lai giữa người và động vật – một trong những hệ quả của kiểu nghiên cứu này, chắc chắn sẽ khó lòng được nhiều người chấp nhận. “Không có ranh giới rõ ràng, bởi chúng ta có quá ít sự hiểu biết về điểm mà tính người của một bộ não động vật có thể dẫn đến những suy nghĩ như con người hoặc ý thức”, theo Paul Knoepfler, nhà nghiên cứu tế bào gốc tại Đại học California, Davis.

Nghiên cứu về Chimeras để làm gì?

Chimeras là một thuật ngữ trong thần thoại ám chỉ sinh vật lai giữa người và động vật. Tạo ra phôi thai người lai động vật nghe có vẻ điên rồ, song nếu thành công, nó có thể sẽ tạo tiền đề cho sự ra đời của một giải pháp có thể cứu sống hàng triệu người trên thế giới. Hãy thử tưởng tượng, nếu chúng ta có một nguồn cung giá rẻ và không giới hạn của các cơ quan khỏe mạnh, phục vụ cho cấy ghép, điều đó không chỉ làm thay đổi cuộc sống của những bệnh nhân đang chờ đợi cơ quan hiến tặng trong mỏi mòn.

Trong tương lai, sẽ quá đỗi bình thường khi thấy các ông bà cụ 80 tuổi có thể chạy bộ hàng giờ với các cơ quan khỏe mạnh, chẳng khác gì những người ở độ tuổi chỉ bằng ¼ họ. Với mong muốn này, tại Mỹ, chính phủ và các công ty đã và đang chi ra hàng tỷ USD để nghiên cứu tế bào gốc và y học tái tạo. Đó là một trong những phương pháp nhằm phát triển các bộ phận thay thế từ bên ngoài cơ thể.




laigep3

Tuy nhiên, chi phí quá cao, đòi hỏi kỹ thuật quá phức tạp nhưng lợi ích mang lại chưa đủ để tạo ra những cơ quan có thể cấy ghép, khiến các nhà khoa học nghĩ đến một giải pháp táo bạo được cho là tối ưu hơn: nuôi nội tạng người trong cơ thể động vật. Ý tưởng là tạo ra một phôi lợn không có khả năng phát triển ở một cơ quan nào đó, chẳng hạn như tim. Tế bào gốc của con người sẽ được tiêm vào phôi thai này, sau đó phát triển thành một trái tim người bên trong cơ thể lợn.

Mặc dù đã hình thành trong nhiều thập kỷ qua, ý tưởng này gần đây mới trở nên phổ biến hơn, bắt nguồn từ loạt các thí nghiệm của Hiromitsu Nakauchi tại Đại học Tokyo (Nhật Bản). Nhóm của ông đã thành công trong việc phát triển tuyến tụy chuột bên trong một cá thể chuột khác loài. Thành công của Nakauchi khiến các nhà khoa học trong cùng lĩnh vực trở nên háo hức với với loại nghiên cứu này. Pablo Ross tại Đại học California, Davis (Mỹ) sau đó cũng đã tiến hành tiêm các tế bào gốc của người vào phôi lợn, duy trì cho nó tồn tại 28 ngày trước khi bắt đầu quá trình phân tích.




Các vấn đề đạo đức

laigep4

Điều rất rõ ràng đằng sau các nghiên cứu nói trên là tồn tại những vấn đề đạo đức nghiêm trọng. Mối quan tâm lớn nhất là sẽ có bao nhiêu tế bào con người phát triển trong não động vật, biến nó thành một sinh vật nửa thú, nửa người và mang trí thông minh của con người, ở một mức độ nào đó. Nhiều nhà sinh học cho rằng họ đã tạo ra Chimeras từ nhiều thập kỷ qua, chẳng hạn như một chuột mang hệ thống miễn dịch của con người, và bằng chứng cho thấy tế bào não của người vẫn không khiến con chuột thông minh hơn.

Mặc dù vậy, chúng ta chắc chắn sẽ không phó mặc cho số phận. Nếu các nghiên cứu như chương trình của Ross làm dấy lên mối lo ngại về việc các tế bào người có thể đi vào não của lợn, có rất nhiều cách chúng ta có thể thực hiện để ngăn chặn điều này xảy ra: ví dụ, các tế bào gốc của con người đối với một cơ quan cụ thể có thể được chỉnh sửa để không thể biến thành tế bào não. Đối với việc dự định dỡ bỏ lệnh cấm, NIH đề xuất sẽ tiến hành cấy tế bào gốc của con người vào phôi lợn ở giai đoạn sau, sau khi hệ thống thần kinh đã bắt đầu hình thành, và điều này được cho là sẽ giảm thiểu bất kỳ tác động nào đến não động vật. Tùy thuộc vào ý kiến của công chúng mà lệnh cấm có thể dỡ bỏ hoặc không.


Vẫn còn quá sớm để biết liệu phương pháp phôi người lai động vật có thể thực sự giải quyết được cuộc khủng hoảng thiếu cơ quan cấy ghép, thế nhưng tiềm năng rất lớn mà nó mang lại chắc chắn sẽ tạo động lực để các nhà khoa học tiếp tục tiến về phía trước.

Nguồn: Tinhte, NS, Nytimes

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *