Tại sao các kiến trúc cổ Trung Quốc thường có đôi sư tử đá?

Người Trung Quốc xưa coi sư tử đá là vật cát tường. Tại các danh lam thắng cảnh, viên lâm ta thường thấy những chú sư tử đá được tạo hình với đủ dáng vẻ bày đặt khắp nơi…

Theo văn hóa truyền thống và thuần phong mỹ tục xưa, ở cổng cung điện, nha môn, lăng tẩm, miếu đường, viên lâm, cầu lớn hoặc gia trạch lớn… người ta thường đặt đôi sư tử đá để trấn trạch. Trong các thư tịch cổ cũng có ghi chép, ví như sách Văn kiến ngẫu lục của Chu Tượng Hiền đời Thanh có chép: “Ở ngoài cổng hai bên trái phải của các cung điện, nha môn ngày nay có đặt tượng thú bằng đá, tóc quăn mắt lớn, nhe nanh múa vuốt, thường được gọi là: Sư tử đá”.

Theo văn hóa truyền thống và thuần phong mỹ tục xưa, ở cổng cung điện, nha môn, lăng tẩm, miếu đường, viên lâm, cầu lớn hoặc gia trạch lớn… người ta thường đặt đôi sư tử đá để trấn trạch. (Ảnh: Shutterstock).




Nguồn gốc của sư tử và mối liên quan giữa sư tử với Phật giáo
Sư tử là mãnh thú mạnh khỏe, lông màu nâu vàng. Sư tử đực cổ có lông dài gọi là bờm, tiếng gầm vang rền. Sư tử sống ở châu Phi và vùng phía Tây châu Á. Chúng thường săn bắt và ăn thịt các động vật lớn như ngựa vằn, hươu cao cổ, linh dương… nên được mệnh danh là “Vua của các loài thú”.

Theo sử sách ghi chép, Hán Vũ Đế sai Trương Khiên đi sứ Tây Vực, mở ra con đường nối thông với các nước Tây Vực. Sách Hậu Hán thư có chép: “Năm Chương Hòa thứ nhất đời Chương Đế, nước An Tức đi sứ dâng sư tử và phù bạt. Phù bạt hình dáng như kỳ lân nhưng không có sừng”.

Cụm từ “Sư tử gầm” được dùng để miêu tả âm thanh vang rền khi Phật Đà thuyết Pháp, có mang thần uy chấn nhiếp hết thảy tà thuyết ngoại đạo. (Ảnh: Pexels).

Cùng với quá trình Phật giáo truyền vào Trung Quốc thì sư tử đã dần dần thay thế địa vị “Vua các loài thú” của hổ. Trong tác phẩm Truyền đăng lục của tăng nhân đời Tống là Đạo Nguyên có viết: “Khi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni giáng sinh, một tay Ngài chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, nói như sư tử gầm rằng: Trên trời dưới đất, duy ngã độc tôn”.




Sau này cụm từ “Sư tử gầm” được dùng để miêu tả âm thanh vang rền khi Phật Đà thuyết Pháp, có mang thần uy chấn nhiếp hết thảy tà thuyết ngoại đạo. Vì thế địa vị sư tử trong Phật giáo cũng ngày càng trở nên quan trọng, được các tín đồ Phật giáo coi là Thần thú cát tường, trang nghiêm uy dũng.

Kiến trúc thời đại nào thường dùng sư tử đá trấn trạch?

Do tâm lý tôn sùng sư tử nên trong con mắt của mọi người, sư tử là con thú may mắn biểu trưng cho sự uy nghiêm và tôn quý. Từ đó, rất nhanh chóng sư tử đã trở thành đề tài của các tác phẩm nghệ thuật và điêu khắc. Cũng kể từ đó lăng mộ và nghĩa trang các dòng họ danh gia vọng tộc thời Hán Đường đã bắt đầu xuất hiện hình bóng sư tử đá. Thời đó, sư tử đá chưa được sử dụng rộng rãi, chỉ xuất hiện ở trước cổng lăng tẩm, nhà mồ, và thường được đặt cùng ngựa đá, dê đá… với mục đích khiến cho con người nảy sinh lòng kính sợ.

Từ thời Đường Tống về sau thì sư tử đá đã được sử dụng rộng rãi trong dân gian. Dân gian cho rằng: trước cổng đặt sư tử đá giống như có hình Thần thú gác cổng, dùng để bảo hộ gia môn, xua đuổi tà linh quỷ quái, vừa mỹ quan lại vừa có ý nạp phúc lộc đón cát tường. 

Việc tạo hình sư tử đá ở các triều đại khác nhau thì cũng có sự khác nhau. Đến triều nhà Thanh, điêu khắc sư tử đá về cơ bản đã cố định hình dáng. Sư tử đá thời Hán Đường cường tráng dữ tợn. Sư tử đá thời nhà Nguyên gầy mà hùng tráng mạnh mẽ. Sư tử đá thời nhà Minh thì khá ôn hòa hiền lành.




Trước cổng đặt sư tử đá giống như có hình Thần thú gác cổng, dùng để bảo hộ gia môn, xua đuổi tà linh quỷ quái, vừa mỹ quan lại vừa có ý nạp phúc lộc đón cát tường. (Ảnh: Shutterstock).

Hình dạng của mỗi chú sư tử đá cũng thể hiện nét đặc sắc của từng địa phương khác nhau. Do đó sư tử đá còn có phân biệt giữa sư tử đá miền Nam với sư tử đá miền Bắc. Sư tử đá miền Bắc ngoại hình đơn giản chất phác, khá hùng tráng, dữ tợn, uy nghiêm. Sư tử đá miền Nam thì điêu khắc trang trí phức tạp cầu kỳ, ngoại hình hoạt bát, thú vị. 

Người xưa cho rằng vạn vật đều phân chia âm dương, coi trọng âm dương điều hòa, do đó dùng sư tử đá cũng có những quy tắc nhất định. Thông thường là sử dụng cặp sư tử đá một đực một cái, thành đôi, bên trái là con đực, bên phải là con cái, phù hợp học thuyết âm dương “nam tả nữ hữu”. Trong dân gian, sử tử đá được coi là có tác dụng trừ tà, thường được dùng để trấn giữ cổng. Bên ngoài cổng phía tay trái đặt sư tử đực, thường được điêu khắc chân đạp một quả tú cầu, tượng trưng cho quyền lực vô hạn, phía bên tay phải là sư tử cái và một sư tử con đang nép mình bên dưới, tượng trưng cho hình ảnh con cháu trường tồn, sinh sôi nảy nở


Nguồn: DV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *