Sự thật thú vị: Sao Diêm Vương được một cô bé 11 tuổi đặt tên vào năm 1930

Hành tinh thứ chín, hành tinh xa xôi nhất trong hệ Mặt Trời, cách Trái Đất chúng ta khoảng 4,88 tỉ km đã được tìm thấy vào năm 1930 và được một bé gái 11 tuổi đặt cho cái tên SAO DIÊM VƯƠNG.

Hành tinh thứ 9 được một cô bé 11 tuổi đặt tên

Sáng ngày 14/3/1930 như bao ngày bình thường khác trong gia đình nhà Burney. Cô bé Venetia Burney 11 tuổi ở Oxford (Anh) đang ăn sáng cùng mẹ trong khi ông nội của cô, Falconer Mandan, một cựu thủ thư đã nghỉ hưu của Thư viện lịch sử Đại học Oxford lật giở tờ Times of London của ngày hôm đó.

Cô bé Venetia Burney 11 tuổi ở Oxford (Anh) đã đặt tên cho Hành tinh thứ 9 là Sao Diêm Vương. (Ảnh: funfacts.co.in)

Ở trang 14, ông thấy một tin thú vị và đọc to cho cả nhà cùng nghe: “Các nhà khoa học tài Đài Thiên văn Lowell Flagstaff, Arizona đã chụp ảnh được một hành tinh đáng ngờ nằm ngoài Sao Hải Vương và đã phát hiện ra hành tinh thứ 9. Có lẽ nó lớn hơn Trái Đất, nhưng nhỏ hơn Sao Thiên Vương”.

Cả gia đình nhà Burneys đều thích thiên văn học, vì vậy việc các nhà khoa học tìm thấy hành tinh thứ 9 xa xôi trong hệ Mặt trời khiến họ cảm thấy vô cùng xúc động. Ông Falconer Mandan phân vân hỏi không biết hành tinh này sẽ được gọi là gì. Chẳng cần suy nghĩ, cô bé Burney liền trả lời: “Sao không gọi nó là Sao Diêm Vương?”.

Mới 11 tuổi, nhưng Venetia Burney đã hiểu khái quát khái niệm về Hệ Mặt Trời, thuộc tên các hành tinh và khá thích thú với chủ đề liên quan đến Mặt Trăng.

Cô bé cũng rất thích đọc truyền thuyết Hy Lạp và La Mã. Ở trường học, trong giờ giải lao, cô bé thích nghiên cứu các hành tinh bằng cách sắp xếp những viên sỏi ở sân trường để mô phỏng khoảng cách giữa các thiên thể.

Nhìn từ Sao Diêm Vương, Trái Đất là một đốm sáng trên bầu trời. (Ảnh: solarsystem2040)

Ông của Venetia nghĩ rằng cái tên Pluto quả là một ý tưởng tuyệt vời nên đã viết thư cho một người bạn là giáo sư thiên văn học Herbert Hall Turner ở Oxford. Nhà thiên văn học này đã điện báo cho các đồng nghiệp của ông tại Đài quan sát Arizona (Mỹ), nơi đã khám phá ra hành tinh mới và đề xuất cái tên Pluton.

Việc tìm thấy hành tinh thứ 9 là một tin chấn động thời bấy giờ, nhưng quá trình “săn lùng” nó quả là hành trình gian nan và tốn sức kéo dài gần một thế kỷ kể từ khi nhà thiên văn học Urbain Le Vierrier “nghi ngờ” sự hiển diện của nó vào năm 1840.

Trong niềm hân hoan tìm thấy hành tinh thứ 9, người ta không thể không nhắc đến Percival Lowell – một người có niềm đam mê mãnh liệt với bầu trời và các vì sao.

Dành dụm tiền để làm một việc “vô nghĩa”

Năm 1905, Percival Lowell, một người đàn ông ở Boston (Mỹ) đã dành hết phần còn lại của cuộc đời để thực hiện một công việc mà nhiều người giễu ông là “vô nghĩa”: Thành lập Đài quan sát Lowell nhằm tìm kiếm một hành tinh xa xôi mà ông đặt tên là Hành tinh X.

Percival Lowell tự bỏ tiền túi thành lập Đài quan sát Lowell để tìm kiếm Hành tinh X bí ẩn. (Ảnh: en.wikipedia.org)

Chỉ với một cái máy ảnh cổ lỗ sĩ và ống kính thiên văn đi mượn, ông đã dành hơn một thập kỷ ngồi tại Đài quan sát miệt mài cặm cụi chụp những bức ảnh bầu trời đêm, với hy vọng tìm thấy một hành tinh mà về mặt lý thuyết đã được nhà thiên văn học Urbain Le Vierrier dự đoán từ những năm 1840 nhưng chưa bao giờ được ai chứng minh.

Mùa xuân năm 1915, Lowell cuối cùng cũng chụp được những gì ông đang mong mỏi tìm kiếm: Hai hình ảnh mờ nhạt của một quả cầu nhỏ cách Trái Đất vài tỷ dặm đường. Nhưng vì nhiều lý do chúng ta không thể biết được vì sao Lowell đã không lưu tâm đến sức nặng của bức ảnh này. Chính vì vậy Lowell đã không nhận ra được rằng, thực tế ông đã tìm thấy hành tinh thứ 9.

Tại Đài quan sát, ông đã chụp được hình ảnh của Hành tinh X, nhưng đã bỏ qua. (Ảnh: en.wikipedia.org)

Lowell qua đời một năm sau đó và những bức ảnh cũng nhanh chóng bị lãng quên. Sự ra đi của ông vào năm 1916 là một tổn thất đối với những người yêu thích thiên văn thời ấy, và để lại một khoảng trống trong nỗ lực tìm kiếm hành tinh bí ẩn này.

Một người trẻ 22 tuổi tiếp tục sứ mệnh truy tìm hành tinh X

Cho mãi tới năm 1929, khi người thanh niên trẻ tuổi tên là Clyde Tombaugh đến Đài quan sát Lowell học việc, dự án tìm kiếm hành tinh X mới được khởi động trở lại. Tombaugh xuất thân trong một gia đình thuần nông ở bang Kansas (Mỹ) nhưng luôn ôm mộng khao khát chinh phụ bầu trời.

Ước mơ vào đại học của anh bị vỡ vụn bởi một cơn mưa đá phá hủy ruộng đồng khiến vụ mùa của gia đình gặp thất bát, nên Tombaugh không có tiền để trang trải việc học hành.

Tuy nhiên khó khăn không thể cản trở ước mơ, Tombaugh tự tìm tòi trong sách về lượng giác, hình học và bắt đầu tự thiết kế một chiếc kính viễn vọng cho riêng mình.

Clyde Tombaugh đã xác nhận sự hiển diện của hành tinh thứ 9 trong hệ Mặt Trời. (Ảnh: telegraph.co.uk)

Các bản phác thảo về các hành tinh mà anh vẽ cùng với các thiết bị thiên văn tự chế của anh được gửi tới Đài quan sát Lowell đã gây ấn tượng mạnh đến nỗi, giám đốc Đài thiên văn khi ấy là Vesto Slipher đã mời chàng trai trẻ 22 tuổi xuất thân từ nông dân vào làm việc mà không qua thử việc.

Tombaugh đã viết về ngày đi làm đầu tiên trong đời trong cuốn hồi ký: “Tôi khá mất bình tĩnh bởi xung quanh toàn những khuôn mặt lạ và giỏi giang. 1.000 dặm để tới đó và ví của tôi không đủ tiền mua vé khứ hồi về nhà”.

Năm 1929, không ai khác, chính Clyde Tombaugh được giao nhiệm vụ tìm kiếm cái “khối đá” xù xì lạnh lẽo khó nắm bắt, tiếp nối công việc dang dở của ông chủ Đài quan sát Percival Lowell.

“Chúa ơi! Đúng là nó đây rồi!”

Tại Đài quan sát Lowell, mặc dù công nghệ có tiên tiến hơn một chút so với thời của Percival Lowell, nhưng kỹ thuật tìm kiếm hành tinh xa xôi bí ẩn đó vẫn không có thay đổi nhiều.

Cũng giống như Percival Lowell, Tombaugh dành nhiều giờ ngồi lỳ trong nhà vòm chụp từng khoảnh bầu trời trong nhiều đêm, rồi sử dụng Thiết bị so sánh ánh sáng nhấp nháy để so sánh các bức ảnh khác nhau. Sau đó anh kiểm tra độ phơi sáng để xác định xem có bất kỳ ánh sáng nhấp nháy trong các vì sao chuyển động trong nhiều ngày. Nếu vật thể di chuyển, nó có thể là một hành tinh.

Sau gần một năm tìm kiếm, cuối cùng Tombaugh đã “tóm” được nó – một đốm sáng nhỏ xíu len lỏi qua một vài bức ảnh đen trắng của anh. “Chúa ơi! Đúng là nó đây rồi!”, Tombaugh hét vang khiến cả Đài quan sát nhộn nhịp trước phát hiện ấy. Anh đã nhận thấy một vật thể di động như mình đang tìm kiếm. Đó chính là hành tinh thứ 9 – Hành tinh X mà nhiều người đang truy lùng. Khám phá này được thực hiện vào thứ ba, ngày 18/2/1930.

Cuối cùng, sau bao năm con người mới tìm thấy hành tinh cuối cùng trong Hệ Mặt Trời. (Ảnh: suganesh80.blogspot.in)

Tombaugh và các cộng sự đã dành hơn một tuần nghiên cứu về sự di chuyển và xác nhận tính hợp lệ của nó – Hành tinh X. Họ đã công bố tin chấn động này vào ngày 13/3/1930, đúng ngày sinh nhật của Percival Lowell, tiếc rằng ông đã không được chứng kiến sự kiện này.

Phát hiện này đã biến Tombaugh từ một nhà nghiên cứu vô danh trở thành một nhà thiên văn học nổi tiếng toàn thế giới. Ông đã nhận được học bổng từ trường Đại học Kansas, trở thành một nhà nghiên cứu quân sự và được phong hàm Giáo sư thiên văn học.

Sau này, những đóng góp của ông trong ngành thiên văn học khá nổi bật, ông đã khám phá ra nhiều tiểu hành tinh mới và là một trong số ít các nhà khoa học sớm công khai bàn tới chủ đề UFO trên các diễn đàn khoa học.

Đồng thời, ông cũng có khá nhiều công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc về các vật thể bay không xác định (UFO).

Ghi nhận sự đóng góp

Cách đó hàng ngàn dặm, bên kia bờ Đại Tây Dương, những tin tức về khám phá mới làm nức lòng cô bé Burney người Anh vốn đam mê ngành thiên văn học. Cô bé nghĩ rằng, Pluto – Diêm Vương, một vị thần La Mã trông coi chốn Âm phủ, là một cái tên phù hợp dành cho hành tinh tối tăm, lạnh lẽo và xa vời.

Ngoài cái tên Pluto, còn có hai cái tên ứng cử là Minerva và Cronus, nhưng cuối cùng Pluto – Diêm vương nhận được số phiếu tối đa, một phần cũng bởi nó bắt đầu bằng các chữ cái giống như chữ viết tắt của Percival Lowell – người góp phần quan trọng mở đường cho nhân loại biết tới hành tinh bí ẩn cuối cùng trong hệ Mặt Trời.

Tên của Venetia Burney đã được đặt cho một tiểu hành tinh để ghi nhận đóng góp của bà. (Ảnh: astrologyweekly.com)

Ngày 1/5/1930, ngay khi cái tên Sao Diêm Vương được công bố chính thức để gọi hành tinh thứ 9 mới vừa tìm được, ông nội của Burney đã thưởng cho cô bé một tờ giấy bạc trị giá 5 pound. Sau này Burney trở thành giáo viên và là một nhà thiên văn học “nghiệp dư” khá nổi tiếng.

Tên của bà được đặt cho tên cho một tiểu hành tinh cũng như tên một dụng cụ đo bụi trên con tàu thăm dò New Horizons. Bà mất năm 2009, ba năm sau khi tàu thăm dò New Horizons được phóng đi và 6 năm trước khi nó đến được hành tinh mà bà đã đặt tên.

Chinh phục hành tinh xa xôi nhất trong Hệ Mặt Trời

New Horizons là một trong những dự án tham vọng nhất của NASA với mục tiêu khám phá Sao Diêm Vương.

Đây là tàu thăm dò đầu tiên của nhân loại thám hiểm Sao Diêm Vương và cũng là tàu vũ trụ đầu tiên thăm dò những thiên thể ngoài Sao Hải Vương. Sao Diêm Vương, một hành tinh lạnh lẽo quá xa xôi giờ sắp hé lộ cho chúng ta biết được “chân dung” về nó.

Tàu thăm dò New Horizons tiếp cận bề mặt Sao Diêm Vương ở cự ly gần nhất. (Ảnh: ciekawe.org)

 19h ngày 19/1/2006, New Horizons đã được phóng lên tại Căn cứ Không quân Cape Canaveral. Ngoài những thiết bị cần thiết, New Horizons còn mang theo một lá cờ Mỹ, một đĩa CD chứa tên 43 vạn người đăng ký, một mảnh vỡ làm từ sợi cacbon của tàu vũ trụ mang người lái đầu tiên, và đặc biệt nó mang theo 30 gam tro cốt của Clyde William Tombaugh để tưởng niệm người đã phát hiện ra Sao Diêm Vương vào năm 1930.

Gần một thập kỷ “bay lượn” vượt qua quãng đường cách Trái Đất tới 4,88 tỷ cây số, với tốc độ bay 51.000km/h, vào lúc 18 giờ 49 phút ngày 14/7/2015, tàu thăm dò New Horizons đã tiếp cận Sao Diêm Vương – hành tinh duy nhất trong Hệ Mặt Trời chưa từng được nhân loại khám phá và truyền những hình ảnh siêu sắc nét đầu tiên về Trái Đất.

Bức ảnh đầu tiên về bề mặt Sao Diêm Vương được truyền về Trái Đất. (Ảnh: CNN.com)

Những bức ảnh vô cùng quý giá được gửi về từ một nơi cực kỳ xa xôi đã cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng, chi tiết về sự đa dạng địa hình trên Sao Diêm Vương: Những dãy núi gồ ghề, nứt nẻ, những miệng núi lửa rộng ngoác, đồng bằng đá tuyệt đẹp cũng như bề mặt băng lạnh giá của nó….

New Horizons dành hơn 8 giờ đồng hồ để tiến hành một loạt thí nghiệm nhằm nghiên cứu bầu khí quyển cũng như chụp ảnh vùng tối của Sao Diêm Vương. Những hình ảnh và thông số đo lường được chuyển về Trái Đất đã thay đổi quan niệm trước đó của các nhà khoa học về hành tinh này.

Sao Diêm Vương từng được coi là một hành tinh băng lạnh lẽo, không có sự sống, nhưng những dữ liệu được chuyển về từ tàu New Horizones cho thấy nó có những dấu hiệu của hoạt động địa chất với bằng chứng của các hoạt động kiến tạo trong quá khứ và đang chờ chúng ta khám phá.


New Horizon đã hoàn thành sứ mệnh một cách thành công khi thu thập được hơn 1.200 hình ảnh và hàng chục gigabit dữ liệu về Sao Diêm Vương. Hiện nó đang tiếp tục di chuyển sâu hơn vào không gian, bỏ lại Sao Diêm Vương ở phía sau với khoảng cách 167 triệu km và cách hành tinh của chúng ta 5,2 tỷ cây số.

Dự đoán tới ngày 1/1/2019, con tàu sẽ tiếp tục hành trình đến 2014 MU69, một thiên thể nằm trong Vành đai Kuiper.

Nguồn: DKN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *