Sự sa ngã giữa Adam và Eva được ẩn dụ tinh tế như thế nào qua tranh thời kỳ Phục Hưng?

Nói đến Phục Hưng, chúng ta có phản xạ nghĩ đến nước Ý, bởi phong trào Italian Renaissance (Phục Hưng Ý) diễn ra sớm nhất, là cánh chim đầu tiên kéo châu Âu khỏi thời kỳ Trung Cổ tăm tối, và “bộ ba quyền lực” da Vinci, Michelangelo, Raphael với những tác phẩm để đời đã là những tên tuổi sáng chói trong thời kỳ Phục Hưng. Nhưng Northern Renaissance (Phục Hưng phương Bắc) của các nước ở phía Bắc núi Alps lại ẩn chứa nhiều điều thú vị mà ít khi được chạm tới….

Những ẩn dụ tinh tế hàm chứa đạo lý cao thâm trong những tác phẩm hội họa thời kỳ Phục Hưng

Nếu Phục Hưng Ý thường có chủ đề thần thoại hoặc tôn giáo, bố cục cân bằng, chuẩn xác, thân người căng đầy hoàn hảo, thì Phục Hưng phía Bắc lại có những nét rất tinh tế khác trong thể hiện, điều đặc biệt nhất chính là phép ẩn dụ sâu xa, với nhiều hàm ý, nhiều đạo lý trong đó chứ không đơn thuần là những bức tranh tả thực.

Thời kì này chất liệu sơn dầu thực sự lên ngôi bá chủ, cho phép các nghệ sĩ tạo ra những chi tiết nhỏ xíu và chính xác như ảnh chụp. Chủ đề cũng phong phú hơn, mang đậm chất đời thường nhưng lại ẩn chứa nhiều chi tiết ẩn dụ rất sâu sắc.

Trong đó, những loài vật xuất hiện trong tranh Northern Renaissance cũng thường mang nhiều ý nghĩa kín đáo sâu xa do họa sĩ chủ động đưa vào tác phẩm một cách có dụng ý, chứ không xuất hiện chỉ để “cho vui.”

Một trong những bức tranh với nhiều ẩn dụ qua hình tượng động vật nhất của Durer có lẽ là Adam and Eve của họa sĩ Albrecht Durer.

Lòng tham dục tương đương với sự hủy diệt: câu chuyện của Adam và Eve

Albrecht Dürer (hay Albrecht Duerer, còn được viết là Albrecht Durer, sinh ngày 21 tháng 5 năm 1471 tại Nürnberg, Đức, và mất ngày 6 tháng 3 năm 1528) là một họa sĩ, một nhà đồ họa và một lý thuyết gia về nghệ thuật nổi tiếng ở châu Âu. Dürer là một nhà nghệ thuật lớn trong thời kỳ của Chủ nghĩa nhân đạo. Bức tranh Adam và Eve của ông là bức nổi tiếng về những ẩn dụ uyên thâm.

(Ảnh: Pinterest)

Adam and Eve, của Albrecht Durer, 1504

Chân Adam đạp lên đuôi chú chuột, biểu tượng cho sự yếu đuối của người đàn ông. Trong Kinh thánh, Adam bị sa ngã cũng bởi Eva năn nỉ.

(Ảnh: Metmuseum.org)

Nếu Eve năn nỉ Adam thì con rắn lại là căn nguyên, nó “quỷ quyệt hơn mọi con thú trên cánh đồng” (sách “Sáng thế 4”- Kinh Thánh) và mời Eve ăn trái cây nhận thức, chính là đang lừa nàng vào sự mê muội.

(Ảnh: Soi)

Chú vẹt đậu trên cây, bên cạnh tấm biển ghi rõ tên tuổi hoạ sĩ cùng năm vẽ bức tranh. Quả của cây giống trái táo, nhưng lá lại giống lá vả. Con vẹt là kẻ thù của loài rắn. Trong tín ngưỡng Thiên Chúa giáo, con vẹt có ý nghĩa thiêng liêng vì tiếng kêu của nó giống Eva – Ave (Eve và Ave Maria.) Nếu Chúa đóng vai trò cứu chuộc tội lỗi của người cha nguyên thuỷ – Adam, thì Đức Mẹ trong sạch cũng rửa tội cho Eve, canh chừng để không rơi vào cái bẫy hiểm độc của con rắn.

(Ảnh: Blogspot.com)

Góc phải phía trên cùng của tranh là một chú dê núi trên mỏm đá cheo leo, tư thế như sắp nhảy xuống. Dê là biểu tượng cho tình dục – đam mê nó có thể khiến người ta hành động ngu ngốc. Adam và Eve sắp sa ngã, giống như chú dê sắp rơi xuống vực.

Ngoài bốn loài vật phụ bố trí rải rác, trong tranh còn có bốn loài vật chính: mèo, thỏ, bò, và nai sừng tấm luẩn quẩn quanh chân Adam và Eve. Từ thời Hippocrates, người ta đã tin rằng trong cơ thể người có bốn loại thể dịch (máu, đờm, mật vàng, mật đen) quyết định tâm trạng. Khi bốn thể dịch cân bằng thì tinh thần con người ta cũng yên ổn. Bốn loại tâm trạng đó là: choleric (nóng giận), melancholic (buồn rầu), sanguine (vui vẻ), và phlegmatic (bình thản). Bốn loại tâm trạng đó cũng có các nguyên tố (đất, nước, khí, lửa) và động vật tương ứng. Trong bức tranh:

Mèo yểu điệu nhưng mang tính ác, ứng với sự nóng giận.

Nai sừng tấm buồn rầu, “mong manh dễ vỡ”, yếu đuối.

Bò lười biếng, ì ạch, bình tĩnh không dễ bị kích động.

Thỏ vui vẻ, nhí nhảnh, đẻ lắm ăn nhiều.

Vị trí của tám con vật trong tranh. (Ảnh: Youtube.com)

Lại trở lại con chuột mà ta đã nhắc đến ở phần trước. Adam đè chân lên đuôi chuột, giữ không cho nó (sự yếu đuối) sổ lồng. Con mèo thì đang rình rập chú chuột. Một khi Adam bị Eve quyến rũ, Adam sẽ sơ ý để con chuột chạy ra, mèo ta sẽ vồ lấy, và cảnh tượng đang yên bình sẽ trở nên hỗn loạn.

Trước khi Adam và Eve nếm trái cây nhận thức, bốn nguyên tố, bốn con vật, bốn tâm trạng,… cân bằng với nhau. Nhưng khi họ sa ngã, bốn yếu tố sẽ chạy lung tung, vườn Địa Đàng sẽ trở nên nhiễu nhương, và hai người Adam-Eve sẽ bị đuổi khỏi Vườn địa đàng.

Lời bàn:

Có thể thấy rằng, từ ngày xưa, người xưa đã luôn cảnh báo với thế nhân, rằng những đam mê dục vọng không kiểm soát chính là tương đương với sự hủy hoại. Nó dẫn con người rơi vào sự mê muội không lối thoát.

Như ở Phương Đông, có câu chuyện rất ngắn về hạnh phúc: Một người hỏi Đức Phật: Tôi muốn hạnh phúc.
Đức Phật nói: Trước tiên, loại bỏ cái ‘tôi’, đấy là tự ngã, sau đó loại bỏ ‘muốn không kiểm soát’, đó là tham dục. Bây giờ thấy không, ngươi chỉ còn “hạnh phúc”.

Trong tình yêu điều quan trọng nhất là gì: Lòng chung thủy!

Jan van Eyck, họa sĩ người Hà Lan sinh trước 1390 (người ta không xác được chính xác ngày sinh của ông) và mất 9 tháng 7 năm 1441, là một họa sĩ Hà Lan trong giai đoạn Phục Hưng phương Bắc của thế kỷ 15.

Ông luôn rất chú trọng đến tính biểu tượng trong những tác phẩm của mình. Tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông có lẽ là Arnolfini Portrait. Có những người coi Arnolfini Portrait là gương mặt đại diện cho cả thời kì Northern Renaissance, gương mặt theo nghĩa đen khi nó được dùng làm bìa sách cho những quyển sách mỹ thuật về thời kì này. Ví dụ như cuốn sau:

(Ảnh: Wikipedia.org)

Bìa cuốn “The Mirror of the Artist: Northern Renaissance art in its historical context”

Chúng ta cùng nhìn vào chi tiết phụ trong bức tranh: chú chó nhỏ dưới chân hai vợ chồng sắp cưới.

(Ảnh: Wikipedia.org)

Jan van Eyck, “Arnolfini Portrait”, 1434, kích cỡ 82 cm x 60 cm

(Ảnh: wikipedia.org)

Cận cảnh chú chó nhỏ, người ta nhìn thấy rõ nét tới từng sợi lông mảnh óng ánh của chú! Để vẽ chú chó này, có lẽ Jan van Eyck đã phải sử dụng một loại bút có đầu nhỏ gần bằng…sợi lông.

Theo Erwin Panofsky, đây không chỉ là một bức tranh vẽ hai vợ chồng sắp cưới (bởi nếu thế thì hoạ sĩ chẳng khác gì… thợ chụp ảnh cưới thôi sao?), mà là một bản hợp đồng hôn nhân bằng tranh. Các nhà phê bình vẫn tranh cãi về kết luận đó, nhưng đa số đều đồng ý rằng: mọi chi tiết từ nhỏ nhất được đưa vào trong Arnolfini Portrait đều mang một ý nghĩa cụ thể.

Chú chó xinh xắn nằm dưới chân Giovanni di Nicolao Arnolfini và vợ là một ví dụ. Chú chó này là tiền thân của giống chó Griffon Bruxellois ngày nay. Chó vốn được coi là người bạn đồng hành trung thành của con người. Fido – một cái tên phổ biến cho các chú cún thời đó có nguồn gốc từ chữ fidelity – sự chung thủy. Trong bức tranh này, chú chó xinh xắn tượng trưng cho nghĩa vợ chồng trước sau như một.

Hiện nay, loài thiên nga được biết đến như biểu tượng về vẻ đẹp và sự cao quý, có lẽ bởi chúng một đời chỉ có duy nhất một tình yêu? 

Sự phù du của cuộc sống: Một kiếp người thoáng trôi qua, hãy biết trân quý ngày hôm nay
Tiếp bước đàn anh Jan van Eyck, Petrus Christus, họa sỹ người Hà Lan (1410/1420 – 1475/1476) (cũng trêu chọc người xem bằng biện pháp trompe-l’œil (đánh lừa con mắt) với những hàm ý sâu sắc đầy ý vị, thể hiện sự hài hước cũng như ẩn ý sâu xa.

Trong bức tranh vẽ thầy tu Carthusian, ông vẽ một chú ruồi giống y như thật trên khung tranh, giống đến nỗi ai không biết có thể muốn lấy tay xua hoặc đập.

(Ảnh: Metmuseum.org)

“Portrait of a Carthusian monk”, của Petrus Christus, 1446

Chi tiết chú ruồi. (Ảnh: Twitter)

Nghệ thuật vẽ trompe-l’œil là một kỹ năng thật sự đáng tự hào, bởi lừa được người xem đâu phải dễ. Các họa sĩ thời đó, vì thế, thường đặt các trompe-l’œil bên cạnh tên mình, như một cách khẳng định bản quyền. Nhưng cũng không chỉ đơn thuần mà các họa sĩ dùng thủ pháp trompe-l’œil, mà vì họ muốn những hàm ý sâu xa của mình lại mới là điều đáng chú ý nhất trong một tác phẩm.


Ở đây con ruồi cũng đậu trên chữ kí của Petrus: “Petrus ΧΡΙ Me Fecit.” Con ruồi còn đóng vai trò biểu tượng của tội lỗi (quỷ Beelzebub được mệnh danh là “Lord of the flies”), và cũng là một memento mori nhắc nhở con người ta về sự phù du của cuộc sống với hình tượng chú ruồi, vì ruồi có vòng đời ngắn ngủi, chỉ chốc lát lại bay đi nơi khác.

Vậy là, từ xưa người xưa đã dạy: Cuộc sống thật phù du, một kiếp người thoáng chốc đã trôi qua, hãy biết trân quý từng giây từng phút của ngày hôm nay!

Nguồn: DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *