Số phận của Napoleon phải chăng được quyết định bởi… chiếc cúc áo?

Trong chiến dịch nước Nga, điều lính Pháp sợ nhất không phải là lính Nga, trong những trận chiến đấu sòng phẳng họ thường dành chiến thắng, họ sợ nhất chính là mùa đông nước Nga.

Một mùa đông khủng khiếp với nhiệt độ có thể giảm đến – 50 độ C. Chính tại điểm yếu chết người này, những chiếc cúc áo đã quyết định số phận của lính Pháp.

Phải chăng số phận của Napoleon cùng đội quân hùng hậu Grande Armée được quyết định bởi chiếc cúc áo? (Ảnh: dkn.news)

Khi đội quân của Napoleon hành quân tới Nga vào tháng 6/1812, họ là một lực lượng hùng hậu với hơn nửa triệu binh sĩ. Napoleon tự tin rằng đội quân lớn của mình sẽ thẳng tiến đến chiếm Moscow,  buộc người Nga phải đầu hàng trước mùa Đông.

Đội quân hùng hậu Grande Armée của Napoleon – (Ảnh: WIKIWAND).

Người Nga biết rõ sức mạnh của đội quân Napoleon và quyết định tiến hành chiến lược vườn không nhà trống. Họ giao tranh nhiều trận với quân Pháp nhưng liên tục rút lui, ngay cả khi giành chiến thắng. Trước khi rút, quân Nga mang theo mọi lương thực khiến lính Pháp gặp khó khăn về nguồn tiếp tế. Sau trận đánh lớn ở Borodino, ngoại thành Moscow, Napoleon dễ dàng chiếm được thành phố lớn này nhưng người Nga vẫn không hề đầu hàng.

Do cạn nguồn lương thực, quân Napoleon buộc phải rút lui. Trong quá trình lui binh, mùa đông khắc nghiệt ở Nga khiến quân Pháp bị tổn thất nặng nề. 

Vào giữa tháng 10, nhiệt độ dưới 0 độ C giúp người Nga tận dụng lợi thế trong trận Krasnoi. Dù quân Napoleon trốn thoát được, nhưng cái lạnh cùng tình trạng thiếu lương thực khiến những người lính lạnh cóng và đói khát luôn lo sợ về cuộc tấn công tiếp theo của quân Nga.

Đội quân của Napoleon co ro trong giá lạnh mùa đông nước Nga. (Ảnh: tapchitrithuc.com)

Tới tháng 12 năm đó, đội quân có tên Grande Armée này chỉ còn lại chưa tới 10.000 quân sau khi một số lượng lớn binh sĩ tử trận vì giao tranh, đói khát và vì lạnh.

Penny LeCouteur – giáo sư hóa học, và tiến sĩ Jay Burreson – một nhà hóa học, đã cho rằng những chiếc cúc sử dụng trên áo choàng, quần và áo khoác của binh sĩ trong đoàn quân Grande Armée đã đóng góp một phần quan trọng khiến đoàn quân Napoleon thất bại.

Những chiếc cúc này được làm bằng thiếc, thường không bền trong điều kiện nhiệt độ thấp. Khi ở trong điều kiện thời tiết lạnh, loại vật liệu vốn cứng và sáng bóng này sẽ vỡ vụn ra thành bột.

Thiếu cúc, quân phục và áo choàng chống rét của binh sĩ trở nên “tanh bành” như những tấm thảm rách lỗ chỗ khiến họ không được giữ ấm. Và với nhiệt độ thấp khủng khiếp của mùa đông nước Nga, rất nhiều lính Pháp đã bị chết cóng.

Thêm nữa, khi rút lui, quân đội của Napoleon bị quân Nga truy đuổi rất gắt gao, trang phục lỏng lẻo, vướng víu cũng ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu, và rút lui của họ. 


Quân đội Naponeon rút chạy trong mùa đông lạnh giá của nước Nga (Ảnh: historykon.pl)

Chiến dịch nước Nga  là bước ngoặt trong cuộc chiến tranh của Napoléon. Nó làm giảm sức mạnh của Đế chế Pháp và lực lượng đồng minh, gây nên một sự thay đổi lớn trong nền chính trị ở châu Âu vì nó làm suy giảm đáng kể quyền bá chủ của Pháp ở châu Âu.

Ngoài việc mất hàng trăm nghìn binh lính thiện chiến, danh tiếng của Napoléon , một thiên tài quân sự bất khả chiến bại đã bị lung lay. Các đồng minh của Pháp trước đây, đầu tiên là Phổ và sau đó là Áo đã lần lượt phá vỡ liên minh, và chuyển sang chống lại Pháp. Sau đó là những chuỗi ngày thất bại của Napoléon cho tới khi bị lưu đày tới Elba.

Nguồn: DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *