Trong nền văn minh nhân loại dù ở phương Đông hay phương Tây, số 7 mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Ví dụ, Thượng đế trong văn hóa phương Tây dùng 6 ngày tạo ra trời đất, vạn vật, ngày thứ 7 nghỉ ngơi. Lại có thuyết 7 tông tội. Mỗi tuần có 7 ngày tuần hoàn một lần. Ánh mặt trời có 7 sắc màu tổ hợp thành, nhạc phổ có 7 nốt nhạc; độ PH của nước là 7; 7 kỳ quan thế giới; thậm chí trong chuyện cổ tích của trẻ nhỏ cũng có 7 chú lùn; trong thần thoại có câu chuyện về 7 tiên nữ…
Văn hóa phương Đông lại dùng con số này để giải thích sự tổng hòa của Ngũ hành và Âm dương. Trước khi kết thúc triều đại nhà Thanh, Trung Quốc còn sử dụng cách nói ‘Thất Diệu Nhật’ là một tuần. Trong đó, Nhật Diệu Nhật là Chủ Nhật, Nguyệt Diệu Nhật là thứ Hai, Hỏa Diệu Nhật là thứ Ba, Thủy Diệu Nhật là thứ Tư, Mộc Diệu Nhật là thứ Năm, Kim Diệu Nhật là thứ Sáu, Thổ Diệu Nhật là thứ Bảy. Sau khi thành lập Trung Hoa Dân Quốc, tên được đổi thành tuần lễ. Vậy số 7 có mang màu sắc thần bí gì?
Trong vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Malaysia vào ngày 17/7/2014, số 7 xuất hiện trùng hợp với tần số rất cao: Máy bay mang số hiệu Boeing 777, số hiệu chuyến bay là MH 370, sự việc xảy ra vào năm 2014 tức 2+0+1+4=7; ngày xảy ra vụ việc là 17/7. Ngoài ra, theo thông tin từ hãng hàng không Malaysia, chiếc máy bay này đã đưa vào phục vụ được 17 năm, chuyến bay đầu tiên vào của nó cũng vào ngày 17/7/1997… Những chuỗi chữ số này dù là trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng cũngkhông khỏi khiến người ta đặt câu hỏi và tò mò.
Ngày ‘Nhân nhật’ và ‘ngày Chủ Nhật’
Người Trung Hoa xưa gọi ngày mùng 7 tết âm lịch là “Nhân nhật”. Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, Mùng 1 tết âm lịch gọi là “Quá đại niên”. Trong Vấn Lễ Tục của Đổng Huân thời Tấn, từ ngày 1 tết âm lịch tới ngày 7 lần lượt là Kê nhật, Cẩu nhật, Trư nhật, Dương nhật, Ngưu nhật, Mã nhật, Nhân nhật. Truyền thống này được ghi chép rất nhiều trong các tài liệu lịch sử thời nhà Tấn.
Theo truyền thuyết trong thần thoại Trung Hoa, trước khi Nữ Oa tạo ra nhân loại đã tạo ra những động vật có liên quan mật thiết tới con người. Từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 6, bà lần lượt đã tạo ra gà, chó, lợn, dê, trâu, ngựa, đến ngày thứ bảy mới hoàn thành kế hoạch tạo ra nhân loại. Vì vậy quan niệm truyền thống của người Hoa cho rằng, ngày 7/1 âm lịch chính là ngày sinh nhật của tất cả nhân loại.
Trong văn hóa phương Tây cũng có câu chuyện truyền thuyết liên quan đến số 7 về Thượng đế tạo ra con người. Mặc dù câu chuyện Nữ Oa tạo ra con người chỉ là truyền thuyết, nhưng có một điều trùng hợp là, sự ra đời của nhân loại trong thần thoại phương Tây cũng đồng thời có liên quan tới số 7. Điều khác biệt đó là, trong truyền thuyết ‘Sáng thế tạo nhân loại’ ở phương Tây, con người được tạo ra vào ngày thứ 6, sớm hơn 1 ngày so với Nữ Oa. Ngày thứ 7 là ngày Thượng Đế nghỉ ngơi, một tuần của phương Tây có bảy ngày, chính là từ đây mà ra.
Kết hợp truyền thuyết về việc tạo ra con người ở phương Đông và phương Tây, việc thiết lập ngày thứ 7/1 âm lịch là ngày ‘Nhân nhật’ tức ngày sinh nhật của toàn nhân loại, có lẽ cũng chính là người xưa đang kỳ vọng dân số có thể sinh sôi nảy nở, vì vậy số 7 ở đây cũng có mang ý nghĩa là ‘sinh”.
Ảnh: Shutterstock.
Ngày 7 tháng 7 âm lịch và “Tiết Thất tịch”
Theo quan niệm của người Trung Hoa cổ, ngày 7/7 âm lịch là ngày vô cùng đặc biệt, là ‘Tiết Thất Tịch’ hay còn được gọi ‘Khất xảo tiết’ hay Lễ hội thể hiện tài năng. Lễ tiết này của người Hoa có liên quan tới câu chuyện Ngưu Lang, Chức Nữ. Hán Ưng Thiệu trong Phong tục thông nghĩa có viết: “Chức nữ thất tịch đương độ hà, sử thước vi kiều”. Nghĩa là: Tiết Thất Tịch, Chức Nữ dùng cầu ô thước để qua dải Ngân Hà.
Tác phẩm nổi tiếng Phong tục thông nghĩa cũng có truyền thuyết về chiếc cầu Ô Thước. Trong cuốn Tuế Hoa Kỷ Lệ – Thất Tịch nói rằng: “Cầu Ô Thước đã thành, Chức Nữ sẽ băng qua”. Đồng thời còn chú thích: “Phong Tục Thông nói rằng vào ngày 7/7 Chức Nữ sẽ vượt sông, biến những chú chim Ô Thước thành một cây cầu”. Vào thời Tam Quốc, Ngưu Lang Chức Nữ đã nên duyên vợ chồng
Trong bài Yến Ca Hành của Tào Phi thời Tam Quốc có một câu nổi tiếng như sau: “Dải Ngân Hà chảy về Tây khi trời còn chưa sáng. Ngưu Lang, Chức Nữ đã ngóng trông nhau. Tội chi một mình chẳng được qua sông?”.
Trong bài Lạc Thần Phú và Cửu Vịnh của Tào Thực, Ngưu Lang và Chức Nữ đã kết thành phu thê, được ghi lại rằng: “Ngưu Lang là chồng. Chức Nữ là vợ. Sao Chức Nữ và Ngưu Lang mỗi ngôi sao lại nằm ở một bên của sao Hà Cổ. Ngày 7 tháng 7, hai người mới được gặp nhau một lần”.
Từ diễn biến về truyền thuyết tình yêu của Ngưu Lang và Chức Nữ có thể thấy rằng truyền thuyết về tình yêu, hôn nhân và cuộc hội ngộ giữa chàng Ngưu Lang nơi xa xôi và nàng Hà Hán Nữ vào đêm 7/7 đã sớm được lưu truyền giữa những năm Tam Quốc. Lúc này Ngưu Lang (cậu thanh niên chăn trâu) và Chức Nữ (cô gái dệt vải) đã vượt qua vạn dặm để nên duyên vợ chồng.
Những tình tiết trong câu chuyện Ngưu Lang và Chức Nữ gặp gỡ nhau, hợp rồi lại tan vào đêm 7 tháng 7 trên cây cầu Ô Thước mà người đời sau truyền lại cũng đã sớm xuất hiện một cách đầy đủ trong cuốn sách khác có tên là Tiểu Thuyết triều Đông Bắc.
Câu chuyện Tiểu Thuyết được Đoạn Văn thời Nam Lương viết lại như sau: “Nơi phía Đông của dòng Ngân Hà có cô gái dệt vải dung mạo đoan trang, là con của Ngọc Hoàng. Hàng năm cô đều chăm chỉ bên khung cửi, dệt thành những bộ thiên y mỹ miều, trông rất đẹp mắt. Ngọc Hoàng thương con gái một mình cô độc, bèn hứa gả cho chàng trai chăn trâu ở phía Tây sông Ngân Hà. Sau khi thành gia thất Chức Nữ đã bỏ nghề dệt cửi. Nàng Chức Nữ cần mẫn khi xưa chăm chỉ dệt nên những bộ xiêm y hoa lệ trên cung đình nay lại vì tình vương vấn, vì yêu thương bó buộc mà không còn tâm trí tiếp tục dệt vải. Nàng chẳng khác chi Tiên nữ trên thiên thượng bị rớt xuống cõi nhân gian. Vậy nên Ngọc Hoàng phẫn nộ, trách mắng và lệnh cho nàng phải quay về phía Đông dòng sông Thiên Hà. Ngài ra lệnh chỉ cho phép hai người được gặp nhau mỗi năm một lần”.
Người chết 7 ngày sau cần làm lễ ‘Cúng thất’
Trong phong tục tang ma cổ xưa, số 7 đồng thời cũng mang ý nghĩa vô cùng bí ẩn. Đến ngày nay, trong dân gian ở nhiều vùng quê vẫn có phong tục Cúng thất cho người quá cố. Cái gọi là Cúng Thất chính là sau khi có người nhà qua đời, từ ngày thứ 7, con cháu cứ 7 ngày lại phải thực hiện một đàn lễ trai giới đủ bảy lần gọi là ‘bảy bảy bốn mươi chín ngày’ mới kết thúc.
Theo kinh Địa Tạng cũng như những lý giải về phong tục dân gian, điều này có liên quan tới việc ‘đầu thai’ của sinh mệnh. Theo kinh Địa Tạng, thần thức của một người sau khi chết hầu hết đều phải trải qua giai đoạn trung gian. Tuổi thọ của thân trung ấm (nôm na là sự sống sau khi chết) tối đa là 49 ngày, sau đó người chết sẽ thọ sinh vào một cảnh giới tương ứng với nghiệp lực mà họ đã gây tạo. Trong Phật giáo có thuyết, sau khi người ta chết đi, linh hồn sẽ đi khắp nơi tìm cha mẹ có duyên với mình, lấy đó làm căn cứ để chuyển sinh. Nếu không tìm được nhân duyên chính đáng, sẽ trải qua vô số lần sinh tử. Cứ bảy ngày là một tuần, bảy lần là giới hạn, tổng cộng bảy bảy bốn mươi chính ngày là cực hạn. Trong bốn mươi chín ngày nhất định sẽ vì nghiệp lực dẫn dắt mà đầu thai, không thể lưu lại.
Ví dụ như một đứa trẻ trong thời gian ở âm gian đợi cơ duyên chuyển sinh cứ 7 ngày được tính là một kỳ. Nếu 7 ngày kết thúc vẫn chưa tìm được cơ duyên chuyển sinh thì tiếp tục đợi 7 ngày nữa, cứ như vậy trong vòng 49 ngày. Do vậy trong giai đoạn này cần phải cúng lễ siêu độ cho họ. Trung ấm thông thường tồn tại 49 ngày, chính là 7 lần 7. Trong thời gian trung ấm thì cứ 7 ngày, người chết lại có một lần biến dị sinh tử, cũng chính là nói họ cứ 7 ngày thì có một lần rất đau khổ.
Bởi thế, con người cũng nhất định không được tự sát. Tự sát thì vô cùng thống khổ, vì sao vậy? Hễ là người tự sát mà chết thì “Thân trung ấm” mỗi 7 ngày một lần lại phải tự sát một lần. Nó không phải làm một lần rồi xong mà mỗi 7 ngày thì phải diễn lại một lần, rất khổ sở. Thí dụ như treo cổ mà chết, mỗi lần cách 7 ngày họ lại phải treo cổ một lần. Uống thuốc độc mà chết thì cách 7 ngày họ lại phải uống độc một lần…
Từ việc Cúng Thất trong phong tục tang ma có thể phát hiện, số 7 ở đây mang đầy sự đau buồn, bi thương. So với số 7 trong ‘Nhân Nhật’, ‘Thất Tịch’ có liên quan tới chữ ‘Sinh’ với không khí vui mừng ở trên, thì Cúng Thất là hoàn toàn ngược lại.
Giai đoạn đầu thời kỳ cổ đại, số 7 trong phong tục tang lễ tượng trưng cho người có thân phận cao quý. Trong Lễ Ký. Vương chế có viết: “Thiên tử thất nhật nhi tấn, thất nguyệt nhi táng”. Tạm dịch: Hoàng đế băng hà bảy ngày mới đưa vào nhập quan, bảy tháng mới mang đi chôn cất. Những người dân thường khác không được sử dụng nghi lễ này. Tại sao tang lễ của các bậc đế vương lại có quy định cần để linh cữu 7 ngày và 7 tháng mới mang đi chôn. Nguyên nhân vì, thời đó số 7 đại biểu cho ‘Vua’.
Số 7 trong văn hóa Nhật Bản
Số 7 được coi là một con số may mắn ở Nhật Bản. Niềm tin này phát triển từ nền văn hóa và tôn giáo của đất nước chứ không phải chỉ là một trào lưu được truyền vào từ những nước khác.
Là một quốc gia mà người dân đa số theo Phật giáo, số 7 có ý nghĩa khá quan trọng trong đời sống tâm linh của người Nhật. Theo đó, một người có thể được tái sinh 7 lần trước khi vào được cõi Niết Bàn. Hình tượng biểu tượng của con số 7 này có thể được coi là điểm gốc của hình tượng con số 7 trong văn hóa Nhật.
Một biểu tượng may mắn của số 7 trong văn hóa Nhật là “7 vị thần may mắn”. Theo đó, 7 vị thần này thường được miêu tả đang chèo trên một con thuyền đầy châu báu và sẽ cập bến vào ngày đầu năm mới.
Họ sẽ phân phát quà và sức khỏe đến những người thực sự xứng đáng. Những phong bao lì xì đầu năm thường có hình của 7 vị thần này, tượng trưng cho một năm may mắn và đầy tài lộc.
Số 7 cũng gắn liền với lễ kỷ niệm sự sống và cái chết của con người. Người Nhật thường tổ chức lễ mừng 7 ngày sau sinh của trẻ con. Ngược lại, người ta cũng cho rằng bảy ngày là khoảng thời gian cần thiết để linh hồn người chết về với cõi âm. Nhiều lễ hội của Nhật cũng được tổ chức liên quan đến số 7 như ngày lễ 7-5-3 của trẻ con hay lễ Tanabata vào 7/7
“Con dao 7 lỗ” trong khảo cổ học
Trong nhiều ngôi mộ cổ vào thời kỳ đầu được các nhà khảo cổ học khai quật, có phát hiện nhiều con dao bằng ngọc hoặc bằng đá đá được tìm thấy trong những vật tuẫn táng theo người quá cố. Điều kỳ lạ là mặt sau của những con dao này được mài bóng và có 7 lỗ tròn, vì vậy chúng được gọi là “dao 7 lỗ”.
Thông qua trắc định, người ta phát hiện niên đại của những ngôi mộ có những con dao này thường có lịch sử hơn 3.000 năm trước. Ví dụ, dao bằng ngọc bích bảy lỗ thời nhà Hạ được khai quật tại di chỉ Yển Sư, Hà Nam Trung Quốc vào năm 1975…
Mặc dù chúng ta không thể lý giải hết những bí ẩn của con số “7” nghĩa là gì, nhưng từ các câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy đây là con số có liên quan đến sinh tử.
Theo Văn Tự Mẫn, Soundofhope
Nguồn: ĐKN