Sinh vật bí ẩn thời cổ đại (P2): Tộc người đầu chó Cynocephaly

Thời cổ đại, rất nhiều chủng tộc kỳ dị đã được đồn đại, sống ở những vùng xa xôi trên khắp thế giới, từ những con người đầu chó đến những người đàn ông lạ với một chân lớn hay nhiều sinh vật đầy kinh ngạc khác.

Cynocephaly là tên để chỉ những người có đầu của một con chó. (Ảnh: Universe Inside You)

Ngày nay, rất ít người tin vào sự tồn tại của những sinh vật ấy. Tuy nhiên, không tin, không thấy không có nghĩa rằng điều đó không tồn tại.

Cynocephaly – Thần thoại chủng tộc thân người đầu chó
Được biết đến từ các mô tả trong nhiều nền văn hóa và truyền thuyết, Cynocephaly được nhắc tới trong hình dáng có cái đầu của một con chó (hoặc chó rừng) và thân thể của một con người. Cynocephaly được lấy (thông qua tiếng Latin) từ tiếng Hy Lạp: “κῠνοκέφᾰλοι – kynokephaloi”. Từ “kyno” (kết hợp dạng κύων – kyōn ) có nghĩa là “chó” và “κεφαλή – kephalē” có nghĩa là “đầu”.

Các tham chiếu được biết đến sớm nhất đối với Cynocephaly đã được tìm thấy ở Libya, được chạm khắc vào các vách đá và đá cuội trên một cao nguyên cách đây 4000 năm. Trong số các chạm khắc đá của hươu cao cổ và voi là hình hai người đầu chó. Những hình ảnh khác trong khu vực bao gồm một người đầu chó với một đứa con đầu chó đứng dưới chân và mang theo một con chó. Hay một con vật giống như loài bò đã tuyệt chủng, Aurochs được vác trên vai một người đầu chó.

Chạm khắc mô tả sinh vật thân người đầu chó tại Libya. (Ảnh: Universe Inside You)

Vào thời Hy Lạp cổ đại, Cynocephaly đã trở nên quen thuộc với người Hy Lạp thông qua đại diện của các vị Thần Ai Cập, như Duamutef – một trong bốn người con của Thần Horus, Wepwawet – tên của ông nghĩa là Người mở đường, là vị Thần sói bảo vệ và dẫn dắt người đã chết thông qua thế giới ngầm và Anubis – con của Nephthys và Seth, vị Thần tối quan trọng trong cái chết của người Ai Cập cổ, bảo vệ người chết khỏi sự lừa dối và cái chết vĩnh cửu. Thần Anubis có đầu màu đen, trong khi Thần Wepwawet có đầu màu xám hoặc trắng.




Thần Wepwawet (trái) và Thần Anubis (phải). (Ảnh: Deviant Art)

Vào thế kỷ thứ 5 TCN, bác sỹ người Hy Lạp Ctesias, trong cuốn Indica của mình đã viết một báo cáo chi tiết về sự tồn tại của Cynocephaly ở Ấn Độ. Ông mô tả một nền văn minh với khoảng 120.000 người đầu chó với làn da đen. Ông gọi họ là “Swarthy” – “với cái đuôi có lông dài, sống trong những ngọn núi cao và không thể tiếp cận”; “răng của chúng lớn hơn chó, móng tay của chúng rất dài”. Ctesias nói Swarthy ngủ trên lá hoặc cỏ trong hang núi và họ có thể sống đến 200 năm.




Họ là những tay thợ săn hiệu quả, theo đuổi và dễ dàng vượt qua con mồi của mình, nấu nó bằng cách “nướng trong ánh mặt trời” trước khi ăn. Ctesias cũng cho biết họ là những người chăn nuôi cừu, dê, lừa và lấy sữa từ chúng. Những người giàu nhất trong số họ có nhiều cừu hơn và mặc quần áo vải, trong khi phần còn lại mặc da động vật được phơi khô. Họ cũng ăn trái “Siptakhora” ngọt ngào, họ thu thập bè cùng với hoa màu tím dùng cho thuốc nhuộm. Sau đó họ gửi cho vua Ấn Độ để đổi lấy bánh mì, bột mì, bông và vũ khí (kiếm, cung tên). Ctesias nói rằng họ hiểu ngôn ngữ Ấn Độ, nhưng không thể nói chuyện, chỉ sủa hoặc tạo ra những dấu hiệu bằng tay và ngón tay để trả lời. Ông còn nói thêm rằng những người phụ nữ Swarthy tắm hàng tháng, còn những người đàn ông (ngoại trừ bàn tay của họ) thì không hề.

Cũng vào thế kỷ mà Ctesias sinh sống, nhà sử gia vĩ đại Herodotus cũng mô tả rằng những sinh vật như vậy sống ở phía đông Libya, cũng như những người không đầu Blemmyes và nhiều sinh vật dị thường khác. Một thế kỷ sau, nhà thám hiểm, nhà sử học Megasthenes trở về từ những chuyến du lịch đến Ấn Độ đã tuyên bố có những người đầu chó sống ở vùng núi Ấn Độ, giao tiếp bằng cách sủa, mặc da thú hoang và sống bằng nghề săn bắn. Vào thế kỷ 2- SCN, tác giả và là nhà hùng biện La Mã Claudius Aelianus, giống như Ctesias, những mô tả của ông về Cynocephaly hết sức chi tiết và nhất quán với những điều được nhắc tới trong cuốn Indica. Ông cũng rất hào hứng khi nghĩ rằng một Cynocephaly uống rượu sẽ khá thú vị.

Tranh mô tả nền văn minh của những người đầu chó (Ảnh: Twitter)




Vài thập niên sau công bố của Ctesias, tức thế kỷ 4 TCN, Alexander Đại đế xâm lược Ấn Độ, và ông cũng tuyên bố bằng thư gửi cho nhà triết học nổi tiếng của mình, Aristotle, rằng ông đã nhìn thấy Cynocephaly. Ông thậm chí còn tuyên bố đã bắt được một số người, và mô tả họ là “những con thú dữ tợn, hung dữ, sủa, gầm gừ”. Trong bức thư ông gửi cho Aristotle, ông đã bao gồm một bản thảo mà bây giờ chúng ta biết là bài thơ sử thi nổi tiếng “Beowulf” (anh hùng ca tồn tại lâu đời nhất của tiếng Anh cổ gồm 3182 dòng thơ lặp âm dài, bối cảnh ở Scandinavia).

Vượt xa thời Ai Cập và Hy Lạp cổ đại, trong khoảng 1.500 năm sau những tài liệu ban đầu về Cynocephaly, nhiều nhà thám hiểm, người chinh phục, và thậm chí cả những nhà truyền giáo Kitô, tuyên bố đã nhìn thấy và tương tác với những người đầu chó này. Ngay cả Vua Arthur cũng tham gia vào các nhân chứng khi ông và quân đội của ông bị cáo buộc đã đánh bại một nhóm binh sĩ có đầu chó ở vùng núi bao quanh Edinburgh, Scotland.

Tranh mô tả chiến tranh giữa loài người và tộc Cynocephaly (Ảnh: Flickr)




Cynocephaly xuất hiện trong một số tác phẩm văn học thời Trung cổ. Sự tồn tại và nguồn gốc của họ đã được đặt câu hỏi trong City of God, Sách XVI, Chương 8, được viết bởi Thánh Augustine. Các Kitô hữu đã có câu chuyện về “kẻ đáng ghét” có khuôn mặt của một con chó và sống trong một thành phố của những kẻ ăn thịt người. Khi được báp têm (tức rửa tội hay thanh tẩy), các thuộc tính của loài chó biến mất. Giáo hội Chính thống phương Đông xem Thánh Christopher là người có đầu của một con chó, có thể là kết quả của việc hiểu sai về chữ Latin “Cananeus” để nói về “canineus”, hoặc “canine”. Sau đó, giám mục Đức và là nhà thơ Walter of Speyer đã viết về Thánh Christopher như một Cynocephaly khổng lồ ở vùng đất của người Chanan (Canaan trong Tân Ước), người đã ăn thịt người và sủa. Cuối cùng, Thánh Christopher gặp gỡ Đấng Kitô, hối hận về những việc làm của mình, và ông đã nhận được phép báp têm và được ban tặng ngoại hình của một con người. Từ đó, ông cống hiến cả đời mình để phục vụ Kitô giáo và trở thành một nhà truyền giáo của Thiên Chúa. Sau này ông đã bị sát hại trong triều đại mà Hoàng đế La Mã Decius trị vì (thế kỷ thứ 3 SCN). Ý tưởng hình dáng giống như con chó trở thành con người khi được rửa tội và chấp thuận Thần là một câu chuyện lặp đi lặp lại, minh họa cho các Kitô hữu, ngoại hình giống chó là một đặc tính tiêu cực, một sự trừng phạt mà chỉ có thể bị loại bỏ bằng cách chọn tuân theo một số tín ngưỡng tôn giáo nhất định.

Thánh Augustine (354 – 430) là một trong những cha xứ Kitô giáo thời kỳ đầu có ảnh hưởng nhất. Ông đã nói về sự tồn tại của Cynocephaly và các chủng tộc đặc biệt khác, tuyên bố rằng ông đã đích thân rao giảng, mang phúc âm tới cho họ. Và thông qua những lời giảng của mình, họ đã được công nhận là “ngu ngốc về mặt đạo đức, đôi khi thậm chí như ma quỷ” – nhưng dù sao vẫn “có thể cứu rỗi”.




Thánh Christopher với cái đầu của một con chó (Ảnh: Wikimedia Commons)

Nowell Codex, thường được gọi là bản thảo chứa một phần văn học Anglo-Saxon và sử thi Beowulf , cũng tham chiếu đến Cynocephaly. Một trong những tài liệu tham khảo có thể được tìm thấy trong một phần của bản thảo được gọi là kỳ quan của phương Đông, trong đó chúng được gọi là “healfhundingas” hoặc “half-dogs” (“nửa chó”). Ngoài ra, ở Anglo-Saxon England (đầu thời trung cổ nước Anh, gồm nhiều vương quốc Anglo-Saxon cho đến năm 927 khi nó được hợp nhất với Vương Quốc Anh bởi Vua Athelstan), từ tiếng Anh cổ wulfes heafod (đầu chó sói) là một thuật ngữ để chỉ một kẻ ngoài vòng pháp luật.

Vào thế kỷ 13, nhà thám hiểm nổi tiếng Marco Polo và Giovanni da Pian del Carpine đều đề cập đến Cynocephaly. Giovanni viết về quân đội của Oa Khát Đài (khoảng 1186 – 1241, là con trai thứ ba của Thành Cát Tư Hãn và là Đại Hãn thứ hai của đế quốc Mông Cổ), họ đã đụng độ với những người đầu chó sống ở phía bắc Dalai-Nor (Bắc Băng Dương), hoặc Hồ Baikal. Marco Polo mô tả Cynocephaly là những kẻ ăn thịt man dợ. Trong chuyến du hành tới đảo Angamanian, ngoài khơi bờ biển Miến Điện (tức Myanmar) ở Ấn Độ Dương, ông nói họ không có vua và ông coi họ “không thua kém gì loài thú hoang dã”. Ông mô tả họ giống như “chó ngao Mastiff”. Ông nói rằng họ là “một thế hệ tàn nhẫn”, và họ sẽ ăn bất cứ ai mà bị họ bắt, nếu không thuộc chủng tộc của họ.




Cynocephaly trên quần đảo Nicobar, một nhóm 22 hòn đảo ở phía đông Ấn Độ Dương. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Trong các tài liệu viết cổ xưa nhất của Cynocephaly ở Ấn Độ và Ba Tư, di chuyển về phía tây theo thời gian, những câu chuyện trở nên bạo lực hơn, và “những con thú” dã man hơn. Vào thế kỷ 15, Christopher Columbus đến Haiti trong một tình huống không mong muốn nhất, nơi ông tuyên bố đã thấy “những người đàn ông với một mắt… và những người khác có mũi chó là kẻ ăn thịt người, và khi họ bắt được kẻ thù, họ đã chặt đầu, uống máu, và cắt nạn nhân thành những bộ phận riêng biệt”.

Cuối cùng, Cynocephaly xuất hiện trong truyền thuyết Trung Quốc, được nhắc tới trong các tác phẩm được gọi là History of the Liang Dynasty (Lịch sử của triều đại nhà Lương). Trong tác phẩm, nhà truyền giáo Phật giáo Huệ Sinh mô tả một hòn đảo ở phía đông của xứ sở Phù Tang, vùng đất bí ẩn của phương Đông (ngày nay được cho là chỉ đất nước Nhật Bản, Phù Tang có hàm nghĩa chỉ nơi mặt trời mọc), nơi sinh sống của những sinh vật hoang dị. Sử gia triều Đường, Lý Diên Thọ cũng mô tả một vương quốc chó trong History of the Northern Dynasties (Lịch sử các triều đại phía Bắc, một trong những công trình lịch sử Trung Quốc chính thống trong nhị thập tứ sử).


Cynocephaly luôn là một ẩn đố của lịch sử cổ đại. (Ảnh: Universe Inside You)

Trong các truyền thuyết khác cũng nhắc tới một số sinh vật có đầu chó như Itbarak trong thần thoại Thổ Nhĩ Kỳ, Psoglav trong thần thoại Serbia, hay Ma sói… Theo nhà sử học người Pháp Henri Cordier, nguồn gốc của tất cả các truyện ngụ ngôn về những người man rợ đầu chó, dù là Châu Âu, Ả Rập hay Trung Quốc, đều có thể tìm thấy trong cuốn tiểu thuyết The Romance of Alexander. Nhưng dù thế nào đi nữa, Cynocephaly vẫn luôn là một ẩn đố trong vô vàn bí ẩn về những sinh vật huyền bí thời cổ đại.

Nguồn: TH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *