Các nhà thiên văn đã tìm thấy hàng chục hành tinh có khả năng sinh sống được bên ngoài hệ Mặt trời của chúng ta. Đồng nghĩa với điều này là việc chúng ta có hàng tá cơ hội để khám phá ra sự sống ngoài hành tinh; hoặc chúng ta có thể sử dụng các hành tinh như thuộc địa ngoài vũ trụ đầu tiên của mình!
Nhưng làm thế nào để chúng ta biết hành tinh nào là tốt nhất? Bạn có thể nghĩ rằng những hành tinh có kích thước và vị trí giống Trái đất nhất nên đứng đầu danh sách. Liệu điều này có đúng không?
Thực ra điều chúng ta thực sự cần là hành tinh đó phải có nước, đất đai, bầu khí quyển và hàng nghìn tỷ dạng sống phủ lên bề mặt hành tinh.
Và theo một nhóm nhỏ các nhà nghiên cứu, có những hành tinh lớn và phù hợp cho sự sống phát triển hơn cả Trái đất. Chúng được gọi là siêu Trái đất.
Một siêu Trái Đất Kepler-69c được xác nhận có khả năng là hành tinh đất đá, quay quanh ngôi sao giống như Mặt Trời là Kepler-69. (Ảnh: NASA)
Siêu Trái đất có thể là dạng hành tinh phổ biến nhất trong thiên hà của chúng ta. Kể từ năm 2009, Kính viễn vọng Không gian Kepler đã phát hiện ra khoảng 4.000 ngoại hành tinh. 30% trong số đó là siêu Trái đất. Và một vài phần trăm các siêu Trái đất trong số đó quay quanh khu vực có thể sống được của ngôi sao chủ của chúng.
Khu vực có thể sống được là nơi mà bề mặt hành tinh có nhiệt độ thích hợp cho nước ở thể lỏng, không quá lạnh hoặc quá nóng. Tuy nhiên, có khả năng một số siêu Trái đất này không phải là cấu tạo từ đất đá như Trái đất. Chúng có thể được tạo ra chủ yếu bằng khí hydro và heli như Sao Mộc và Sao Thổ, nên sẽ không thích hợp cho sự sống.
Nhưng thực tế là, các nhà thiên văn học vẫn đang thu thập thông tin chi tiết về các siêu Trái đất khi có nhiều dữ liệu hơn.
Nước ở thể lỏng chỉ là một điều kiện xét đến đầu tiên. Những siêu Trái đất này có thể có bán kính lớn gần gấp đôi và nặng gấp 10 lần hành tinh của chúng ta. Phần khối lượng tăng thêm chính là thứ mà các nhà nghiên cứu nghĩ rằng có thể thực sự biến các siêu Trái đất trở thành những nơi hoàn hảo hơn cho sự sống. Bởi vì các hành tinh có khối lượng lớn hơn sẽ có lực hút mạnh hơn. Ví dụ, Super-Earth Kepler 20b có kích thước gần gấp đôi Trái đất và nặng gấp 10 lần. Điều này làm cho trọng lực bề mặt của nó mạnh hơn gần 3 lần. Lực hấp dẫn mạnh hơn có nghĩa là hành tinh có thể giữ lại nhiều phân tử không khí hơn để tạo thành một bầu khí quyển dày hơn.
Bầu khí quyển dày có tác dụng rất tốt trong việc bảo vệ hành tinh chống lại bức xạ không gian có hại. Lực hấp dẫn mạnh cũng khiến núi và đồi sẽ xói mòn nhanh hơn và để lại một bề mặt tương đối bằng phẳng hơn so với Trái đất. Nghe có vẻ không liên quan nhưng các nhà khoa học cho rằng điều này thực sự có thể sinh ra hàng chục hòn đảo có độ cao vừa phải trên khắp hành tinh.
Chỉ có một vấn đề là việc rời khỏi các hành tinh này sẽ vô cùng khó khăn. Tốc độ để tàu vũ trụ có thể thoát khỏi Kepler 20b cao hơn gấp đôi so với trên Trái đất. Có nghĩa là tên lửa sẽ phải giảm trọng lượng hoặc cần nhiều nhiên liệu hơn để đến đích. Ví dụ, một sứ mệnh tương tự như cuộc đổ bộ lên Mặt trăng của tàu Apollo sẽ cần gấp đôi lượng nhiên liệu hoặc chỉ mang theo một phần nhỏ trọng tải.
Một ví dụ khác là tàu Falcon Heavy của SpaceX có thể phóng 50.000 kg trọng tải lên quỹ đạo Trái đất nhưng nó chỉ có thể phóng lên quỹ đạo xung quanh một siêu Trái đất như Kepler 20b khoảng 40 kg, tương đương trọng lượng của một chú chó chăn cừu Đức.
Nguồn: NTDVN – Theo Businessinsider