Siêu máy tính dự đoán cuộc đại tuyệt chủng vào năm 2100

Các nhà khoa học đã chạy một chương trình giả lập bằng siêu máy tính, mô tả cuộc đại tuyệt chủng trên Trái Đất vào năm 2100.

Trong một nghiên cứu được công bố tại Hội nghị đa dạng sinh học COP15 của Liên hợp quốc tại Canada, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng Trái Đất sắp phải trải qua cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6.

Theo nghiên cứu trên, chúng ta sẽ mất khoảng 10% động, thực vật vào năm 2050. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 27% vào năm 2100. Các nhà khoa học dự đoán nguyên nhân tuyệt chủng là do thay đổi khí hậu, khai thác tài nguyên bừa bãi và sự thay đổi trong sử dụng đất.

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu có thể xóa sổ hơn 25% số loài động, thực vật trên thế giới. (Ảnh: Pixabay).

Mô phỏng “Trái Đất ảo”

Tiến sĩ Giovanni Strona thuộc Trường Đại học Helsinki (Phần Lan) và Giáo sư Corey Bradshaw của Trường Đại học Flinders (Australia) đã sử dụng siêu máy tính để xây dựng một “Trái Đất ảo” nhằm mô phỏng sự kiện tuyệt chủng toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra.

Họ nói rằng công cụ này “có thể dự đoán sự kiện tuyệt chủng ở mọi nơi trên Trái Đất”, qua đó cho thấy tương lai của đa dạng sinh học trên toàn cầu.

Các nhà khoa học cho biết những phương pháp tiếp cận trước đây để đánh giá nguy cơ tuyệt chủng trong thế kỷ tới vẫn thiếu sót vì chúng đã bỏ sót các trường hợp “đồng tuyệt chủng”.

Rái cá biển nghỉ ngơi trong một khu rừng tảo bẹ ngoài khơi California. (Ảnh: Nicole LaRoche).

Ông Bradshaw giải thích rằng đồng tuyệt chủng là hiện tượng biến mất (tuyệt chủng) hoặc suy giảm của một loài, dẫn đến sự biến mất theo hoặc nguy cơ tuyệt chủng của một loài khác phụ thuộc vào chúng.

“Hãy nghĩ về một loài săn mồi mất đi con mồi. Việc loài bị săn biến mất do biến đổi khí hậu sẽ khiến loài săn mồi tuyệt chủng theo bởi chúng mất đi thức ăn. Hiện tượng này gọi là đồng tuyệt chủng”, giáo sư Bradshaw cho biết.

“Một ví dụ khác của đồng tuyệt chủng là khi một loài ký sinh trùng mất vật chủ hoặc một loài thực vật có hoa mất đi các loài thụ phấn vì biến đổi khí hậu. Mỗi loài đều phụ thuộc vào những loài khác theo một cách nào đó”, ông tiếp tục.

Theo ông, hiện tượng đồng tuyệt chủng là nguyên nhân chính dẫn đến mất đa dạng sinh học toàn cầu.

Tranh minh họa các nguyên nhân dẫn đến động vật tuyệt chủng. (Ảnh: ThoughtCo).

Để đưa ra nhận định trên, hai nhà nghiên cứu đã xây dựng Trái Đất ảo với mạng lưới các loài có liên kết chặt chẽ với nhau. Sau đó, họ áp dụng các thay đổi về khí hậu cho hệ thống để đưa ra dự đoán trong tương lai.

“Về cơ bản, chúng tôi đã tạo ra một thế giới ảo và lập bản đồ liên kết của hàng nghìn loài. Từ đó, chúng tôi có thể đánh giá mức độ thích ứng với các kịch bản khí hậu khác nhau, đồng thời liên kết với các yếu tố khác để dự đoán khả năng tuyệt chủng”, tiến sĩ Strona giải thích.

Cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6

Thế giới đã phải trải qua 5 cuộc đại tuyệt chủng trong suốt chiều dài lịch sử. Các chuyên gia khẳng định Trái Đất đang bước vào cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6. Đây là cuộc đại tuyệt chủng đầu tiên kể từ thời đại của loài khủng long.

Theo danh sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, hơn 42.100 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng.

“Chúng ra sẽ phải chứng kiến sự biến mất của hàng nghìn loài thực vật và động vật từ những loài lan nhỏ và côn trùng đến những loài mang tính biểu tượng như voi hay gấu túi. Trẻ em sinh ra 70 năm sau thậm chí sẽ không bao giờ được tận mắt nhìn thấy những loài này”, giáo sư Bradshaw cho biết.

Đại diện của nước Chủ tịch COP15 – Bộ trưởng Bộ Sinh thái và môi trường Trung Quốc Hoàng Nhuận Thu – phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Reuters).

Trong một thể kỷ qua, trung bình mỗi năm có hai loài động vật có xương sống tuyệt chủng. Một nghiên cứu năm 2017 tuyên bố “sự mất đa dạng sinh học” của động vật hoang dã trong những thập kỷ qua là nguyên nhân chính gây ra cuộc đại tuyệt chủng sắp tới.

Vì vậy, tại hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc hôm 19/12, các quốc gia đã thông qua một thỏa thuận lịch sử để đảo ngược hàng thập kỷ hủy hoại môi trường đe dọa các loài và hệ sinh thái trên thế giới.


Thỏa thuận Hướng tới bảo vệ 30% diện tích đất và biển trên thế giới vào năm 2030, với hàng trăm tỷ USD mỗi năm dành cho việc bảo tồn các loài và các khu vực hoang dã. Dự thảo nêu rõ mục tiêu khôi phục 30% diện tích tự nhiên bị suy thoái, cao hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu là 20%.

Sau 4 năm đàm phán căng thẳng, hơn 190 quốc gia đã tập hợp lại để ủng hộ hiệp định do Trung Quốc làm trung gian nhằm cứu đất, đại dương và các loài khỏi ô nhiễm, suy thoái và khủng hoảng khí hậu.

Nguồn: KH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *