Sao Hỏa là một hành tinh có nhiều điểm tương đồng với Trái đất. Đây không còn là một điều quá bất ngờ đối với chúng ta nữa.
Bề mặt sao Hỏa. Sao Hỏa có thật sự khô cằn và “chết chóc” như chúng ta vẫn nghĩ?. (Ảnh: Ancient-Code)
Hành tinh này giống với trái đất của chúng ta như thế nào? Có phải hành tinh đỏ đã từng có đại dương, ao hồ và những con sông? Nơi này đã từng có thực vật? Liệu đã từng có sự sống tồn tại ở nơi xa xôi, cằn cỗi này?
Hãy tưởng tượng những câu hỏi trên được đưa ra vào khoảng 30 năm trước. Các nhà thiên văn học lúc ấy sẽ ngay lập tức nói rằng hành tinh đỏ nhiều khả năng chưa từng có nước chảy trên bề mặt.
Cũng dễ hiểu bởi tại thời điểm đó chúng ta không có những dữ liệu mà chúng ta có ngày nay.
Chúng ta đã không có tàu vũ trụ với những chiếc máy ảnh “gắn mắt đại bàng” quay quanh hành tinh, để chụp ảnh bề mặt của nó.
Chúng ta cũng không có những con robot khám phá bề mặt hành tinh này, để tìm kiếm các vết tích của quá khứ.
Bây giờ chúng ta biết rằng Sao Hỏa đã từng có nước lỏng trên bề mặt của nó. Nó từng có đại dương, sông suối, và ao hồ. Nó cũng từng có một bầu khí quyển bảo vệ hành tinh này khỏi các dạng thức thời tiết nguy hiểm ngoài không gian.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy mạng lưới thung lũng sông cạn trên sao Hỏa. (Ảnh: ESA/DLR/FU Berlin)
Dù giờ đây, tất cả điều đó đã biến mất. Nhưng bằng chứng về một sao Hỏa xanh tươi trong quá khứ có thể được tìm thấy nếu chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Những hình ảnh mới được công bố gần đây từ vệ tinh Mars Express Satellite thuộc Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã hé mở các dấu vết của nước chảy trong quá khứ trên Sao Hỏa.
Theo ESA , những hình ảnh vệ tinh đã cho thấy một hệ thống rãnh và thung lũng khô cằn – dấu hiệu của dòng nước cổ xưa chảy qua bề mặt sao Hỏa.
Cơ quan này cho hay:
“Chúng ta thấy Sao Hỏa là một thế giới khô cằn, lạnh lẽo, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy rằng điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Một lòng sông đã cạn khô trên bề mặt Sao Hỏa. (Ảnh: ESA)
Thay vào đó, các nghiên cứu trong những năm qua ngày càng chỉ ra rằng hành tinh này từng có bầu khí quyển dày hơn, đặc hơn, có thể tồn trữ bầu không khí ấm áp lớn hơn rất nhiều. Điều này tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự dịch chuyển của dòng chất lỏng trên bề mặt bên dưới.”
Các dấu tích của dòng nước chảy trong quá khứ trên hành tinh đỏ đã được tìm thấy bởi vệ tinh Mars Express khi nó bay ngang qua phía trên vùng cao nguyên phía nam của Sao Hỏa, nằm ở phía đông của một miệng núi lửa khổng lồ và nổi tiếng có tên Huygens, và ở ngay phía bắc Hellas – hố va chạm lớn nhất trên bề mặt hành tinh đỏ.
Các nhà khoa học nói rằng vùng cao nguyên phía nam trên Sao Hỏa là một trong những khu vực lâu đời nhất và có nhiều hố va chạm nhất của Sao Hỏa, với niên đại từ 3,5 đến 4 tỷ năm.
Và chính ở nơi đây, một khu vực chứa đầy những hố va chạm của Sao Hỏa cổ đại – nơi ESA nói rằng những dòng nước chảy thời cổ đại đã được phát hiện và quan sát.
Trong thực tế, như được giải thích bởi các nhà khoa học, địa hình nơi đây cho chúng ta biết rằng dòng nước đã chảy xuống dốc từ phía bắc xuống phía nam, tạo thành một thung lũng khổng lồ rộng đến 2 km và sâu hơn 180 m. Những thung lũng như thế này – hình thành từ hàng tỷ năm trước – đã trải qua sự xói mòn nghiêm trọng.
Nguồn: DKN – Theo Ancient-Code
- Lạnh người “bàn tay ma quái khổng lồ” vươn dài sau vụ nổ siêu tân tinh
- Hố đen chính xác là gì?
- Mãn nhãn hình ảnh lỗ đen ‘nuốt’ trọn ngôi sao và phóng ra tia plasma xoay tròn trong không gian