Rợn tóc gáy với những tiêu chuẩn làm đẹp của phụ nữ cổ xưa

Khi chưa có công nghệ can thiệp, phái đẹp xưa kia đã bất chấp cả tính mạng để làm đẹp.

Những chiếc eo bé đến khó tin thời xa xưa của phụ nữ châu Âu.

Ở mỗi quốc gia, mỗi thời kỳ, con người lại có riêng một quan niệm đẹp cũng như làm đẹp khác nhau. Nếu như giờ đây, dao kéo có thể coi là phương pháp làm đẹp có rủi ro cao nhất thì ngày xưa khi chưa có sự can thiệp của công nghệ, người ta còn có nhiều biện pháp rợn tóc gáy hơn cả. Tuy nhiên, đáng chú ý, hiện giờ vẫn còn một số nơi duy trì các tập tục làm đẹp kinh dị này.

Tạo thắt eo con kiến bất chấp không thở nổi

Chỉ vì để thỏa mãn nhu cầu của đàn ông châu Âu thế kỷ XVIII – XIX, phụ nữ thời đó đã bó eo mình trong những chiếc áo corset để khoe trọn vòng eo con kiến bé tí và trở thành hiệu ứng thời trang càn quét khắp châu lục. Đàn ông tuyển vợ sẽ nhìn vào vòng eo mà quan niệm rằng phụ nữ nào có vòng eo càng nhỏ thì sinh con ra sẽ rất thông minh và khỏe mạnh.

Áo corset là kiểu áo chẽn siết chặt eo, đồng thời nâng cao ngực, có tác dụng giúp định hình vóc dáng chuẩn của phái đẹp lúc bấy giờ. Trong chiếc áo corset, thân hình đồng hồ cát của họ được phô diễn một cách đầy gợi cảm và hấp dẫn.

Tuy nhiên, để đạt được vẻ đẹp ấy, cái giá mà họ phải trả là quá lớn. Họ thậm chí còn không được thở tự nhiên, chịu nhiều đau đớn do khung xương bị bó ép theo khuôn áo, máu khó lưu thông khiến làn da bị sần sùi. Họ di chuyển trong sinh hoạt cứ như con lật đật vì vô cùng khó khăn và bất tiện. Có không ít người đã bỏ mạng vì chạy theo tiêu chuẩn này.

Những chiếc corset được dùng thời xưa.

Cho tới đầu thế kỷ XX, khi y học phát triển hơn, người ta dần nhận thức tác hại của tiêu chuẩn đẹp trên, trào lưu này đã giảm đáng kể. Thay vì o ép bản thân trong khuôn khổ phi khoa học như vậy, phái nữ ngày nay đã biết tìm đến tập luyện và ăn uống khoa học để có cho mình một tỷ lệ cơ thể hoàn hảo mà vẫn đảm bảo được sức khỏe.




Tác hại của đeo đai corset.

Cắt máu để làm trắng da

Nếu như bây giờ, ở trời Âu, người ta chuộng làn da rám nắng khỏe khoắn thì ngày xưa, ở thời kì Phục Hưng, người ta lại quan niệm da trắng nhợt, đôi môi mọng đỏ mới là quyến rũ. Họ cho rằng làn da trắng nhợt đại diện cho tầng lớp quý tộc cao sang. Lý giải theo nguyên lý khoa học thời bấy giờ có thể hiểu chỉ có tầng lớp quý tộc giàu có mới sở hữu làn da trắng nhợt như vậy vì họ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.




Phụ nữ xưa dùng 1 loại bột chì carbonat (thường sử dụng trong hội họa), giấm, lưu huỳnh, phèn hoặc tro thiếc để bôi lên mặt. Phương pháp này đã cho họ 1 làn da trắng bệch, mịn ngay lúc đầu nhưng sau đó sẽ dần ngả sang vàng ố.

Thêm nữa, làn da trắng nhợt khiến người phụ nữ trở nên yếu đuối hơn và tạo cảm giác luôn cần được yêu thương che chở trong mắt của phái mạnh. Để có được vẻ đẹp như vậy, ngoài việc trang điểm thật kĩ để tạo ra làn da trắng nhợt như ý muốn, họ còn sẵn sàng cắt máu làm giảm lượng máu trong cơ thể chính mình.




Nữ hoàng Anh – Elizabeth I nổi tiếng với làn da trắng bệch được coi là tiêu chuẩn cho vẻ đẹp thời bây giờ.

Trán cao rộng như “sân bay”

Phụ nữ Italia ở thế kỷ XIV lấy độ rộng của vầng trán làm thước đo chuẩn mực cho cái đẹp. Họ “cuồng” tới mức nhổ hết tóc trên vùng trán, dùng giấm để tẩy sạch những lọn tóc phía trước. Họ kéo căng mái tóc ra phía sau đến mức để lộ cả chân tóc.




Không chỉ mốt làm da trắng bệch mà phụ nữ Âu cổ xưa còn chuộng mốt không lông mày và trán hói.

Ngày nay, phụ nữ hiện đại đã không còn giữ quan niệm này, dù vậy thì những người phụ nữ khi sinh ra đã sở hữu một vầng trán rộng được coi là người rất thông minh, khéo léo, rộng lượng, hoạt bát. Những người phụ nữ sở hữu vầng trán cao rộng như vậy được cho rằng là người rất may mắn.




Một góc nhìn ngang được mô phỏng lại bằng tranh vẽ cho thấy vẻ đẹp trán hói ngày xưa.

Cổ càng dài càng đẹp

Phụ nữ sở hữu chiếc cổ thon dài được cho là những người thanh tao, kiêu sa và đài các như đóa hoa loa kèn. Chiếc cổ dài được coi là báu vật đẹp nhất trên cơ thể của người phụ nữ Kayan (một bộ tộc có nguồn gốc ở Myanmar). Họ tôn sùng chân lý rằng cổ càng có nhiều những chiếc vòng tức là gia đình họ càng giàu có vì những chiếc vòng tượng trưng cho sự hưng thịnh gia đình mà người phụ nữ ấy gắn bó.




Myanmar giống như “người con gái ngủ quên” khi mọi thứ xung quanh ồn ào và náo nhiệt thì đất nước này lại vẫn giữ cho mình nét đẹp hoang sơ. Trông có vẻ kì dị nhưng những người này đối với bộ tộc Kayan được tôn thờ là bậc mỹ nhân.

Khi các bé gái lên 5 tuổi, chúng bắt đầu được đeo vòng đồng vào cổ. Những chiếc vòng này lần lượt được chồng lên nhau, khiến cho cổ các cô gái Kayan ngày một dài ra.




Phần khác, theo như người dân ở nơi đây những chiếc vòng giúp họ khỏi bị cọp cắn cổ tha đi và tránh được nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới. Thông thường những người phụ nữ ở đây sẽ không tháo chiếc vòng ra cho đến lúc chết, và theo tục lệ của người dân ở đây, người đàn bà nào phản bội chồng sẽ bị tháo chiếc vòng ra khỏi cổ, sẽ bị mọi người xa lánh, phải nằm một chỗ nếu không sẽ “gãy cổ” và chết, đó như một hình phạt đối với họ.

Phụ nữ ở Kayan không thể sống thọ vì những chấn thương gặp phải ở cổ vì sức ép lớn từ những bộ vòng bằng đồng gây lên vùng xương đòn và lồng ngực.

Bẻ gãy xương bàn chân để cho chân nhỏ

Cách đây khoảng vài trăm năm, những người phụ nữ Trung Quốc tin rằng một đôi chân bó gọn, quặp về phía mũi chân, chỉ dài chưa đầy 10cm là chuẩn mực của cái đẹp, giúp phụ nữ được tôn trọng hơn trong xã hội cũng như kiếm được một tấm chồng ưng ý.

Nếu không có chân gót sen, nhiều người bị coi là quá “nam tính”. Con gái nhà giàu không bó chân gót sen thì không lấy được người có địa vị cao quý trong xã hội, lại chịu ê chề điều tiếng. Con gái nhà nghèo không bó chân thì dễ bị đời xô vào kiếp nô lệ, mãi không ngóc lên được.




Nếu chỉ nhìn ảnh chụp X-quang mà không nhìn ảnh bàn chân thực tế, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ đây là bàn chân của một loại động vật nào đó.

So sánh bàn chân gót sen thời xưa với chân theo tiêu chuẩn hiện đại. Chiếc giày bé xíu đến độ nhiều người lầm tưởng là giày của trẻ nhỏ.

Đeo đĩa vào môi

Ở thung lũng Omo River, những người phụ nữ Surma và Mursi luôn đeo lên môi những chiếc đĩa nung bằng đất sét. Các cô gái khi đến tuổi cập kê sẽ nhổ đi hai răng cửa phía dưới để kéo môi dài ra, sau đó, họ sẽ được tiến hành tạo những lỗ nhỏ để đeo những chiếc đĩa.


Họ cho rằng, chiếc đĩa lớn mà môi họ mang theo sẽ thu hút nam giới, còn độ lớn của chiếc đĩa tỷ lệ thuận với lượng của hồi môn mà nhà gái được nhận khi họ đi lấy chồng. Kích thước đĩa càng lớn thì gia đình cô gái càng được nhận nhiều của hồi môn.

Cô gái này đã đạt kỷ lục Guiness khi là người phụ nữ “nong môi” lớn nhất thế giới. Ở bộ tộc của cô được coi là mỹ nhân nhiều người theo đuổi.

Nguồn: DV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *