Phương pháp nhận diện bằng dấu vân tay đã ra đời như thế nào?

Có những người không chỉ tên gọi mà ngay cả khuôn mặt cũng giống nhau như đúc, đó là lý do vì sao cách nhận diện bằng dấu vân tay đã ra đời.

Câu chuyện lạ kỳ xảy ra vào năm 1903 tại nhà tù Leavenworth thuộc thành phố Kansas, Hoa Kỳ. Khi làm thủ tục nhận một tù nhân có tên là Will West, nhân viên nhà tù M.W.McClaughry quả quyết rằng mình đã xử lý hồ sơ của tù nhân này vào năm 1901, tức là trước đó 2 năm.

(Ảnh: Elitereaders)

Khi McClaughry tra hỏi West rằng đã từng bị bỏ tù ở đây hay chưa, người này trả lời: “Đây là lần đầu tiên tôi bị đưa vào nhà tù này.”

Vẫn còn nghi ngờ về câu trả lời của West, McClaughry lục tìm lại hồ sơ của tù nhân mang tên Will West. Anh tìm thấy những bức ảnh chân dung trông giống hệt với người đang ở trước mặt mình.




Họ có thể là hai anh em sinh đôi?

Tuy nhiên, sau khi nhìn vào tập hồ sơ cùng với những bức ảnh trên, West lại khăng khăng nói rằng, “Đó là ảnh của tôi, nhưng tôi không hiểu anh đã lấy nó ở đâu, bởi tôi chưa từng đến đây bao giờ”.

Do đó, McClaughry đi khắp nơi để thực hiện phép đo Bertillon cho West. Phương pháp này được đặt theo tên của vị cảnh sát người Pháp Alphonse Bertillon và được dùng để đo kích thước của các đặc trưng chính trên cơ thể.

Theo phép đo này, trước sự ngỡ ngàng của McClaughry, người đàn ông ở trước mặt anh và người đàn ông trong bức ảnh chụp gần như có cùng một kết quả đo. Những tìm hiểu sâu hơn đã đưa tới một kết luận rằng, người trong bức ảnh thực sự là một Will West khác.

(Ảnh: Elitereaders)

Ngoài việc chỉ ra nhược điểm của phương pháp Bertillon, tình huống này cũng cho thấy sự cần thiết của việc nhận dạng dấu vân tay.




Cùng một khuôn mặt, khác dấu vân tay.


Các thủ tục lăn tay đã được sử dụng từ khoảng năm 1858, khi ngài William James Herschel, chánh án của tòa án huyện Hooghly, thuộc Junggipoor, Ấn Độ, yêu cầu người dân sử dụng lòng bàn tay của mình để đóng dấu các hợp đồng kinh doanh.

Một năm sau, thủ tục này cũng được thông qua bởi trung sĩ John.K.Ferrier thuộc sở chỉ huy cảnh sát London, người mà McClaughry đã có cơ hội gặp mặt tại Hội chợ Quốc tế tổ chức tại St.Louis vào năm 1904.

Với sự giúp đỡ của ngài Ferrier, McClaughry cuối cùng đã có thể nắm trọn cách sử dụng phương pháp lăn tay và sự chính xác của nó trong việc nhận dạng các kẻ phạm tội. Sau này, anh đã đưa nó vào thủ tục xử lý hồ sơ ở nhà tù Leavenworth.

Kể từ đó, cảnh sát có thể phân biệt được hai người cùng tên Will West nhờ vào sự tiến bộ trong lĩnh vực điều tra tội phạm. Nếu không có phương pháp này, những trường hợp giống nhau về ngoại hình sẽ tạo nên nhiều rắc rối!

Nguồn: DKN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *