Phép thuật hồi sinh của người Ai Cập cổ đại

Phép thuật hồi sinh của người Ai Cập cổ đại

Cũng có nhiều học giả cho rằng, Alexander muốn chiếm đoạt “thuật trường sinh bất tử” do các Pharaoh Ai Cập cổ đại truyền lại qua nhiều thế hệ, và hiện thực hóa việc “trường sinh”.

Với người Ai Cập cổ đại, chết không có nghĩa là kết thúc sinh mệnh mà là mở ra một cuộc đời khác (Nguồn ảnh: Daniel Berehulak/Getty Images)

Năm 334 trước Công nguyên, Vua Alexander Đại đế của Macedonia phát động một cuộc viễn chinh xâm lược châu Á và châu Phi. Người ta đã nghiên cứu lộ trình tấn công của ông, và thấy rằng sau khi đánh chiến xong ở khu vực Tây Á và Trung Đông, ông không tiếp tục đến Lưỡng Hà. Thay vào đó, đi đường vòng để chiếm Ai Cập, và sau đó tiến mạnh về phía Đông.

Bản đồ lộ trình tấn công của Alexander Đại đế, vòng tròn màu đỏ và vòng tròn màu tím lần lượt là vị trí của Macedonia và Ai Cập (Ảnh chụp màn hình kknews)




Trước động thái bất thường này, một số nhà sử học cho rằng vùng đất trù phú và giàu có của Ai Cập đã thu hút Alexander. Cũng có nhiều học giả cho rằng, Alexander muốn chiếm đoạt “thuật trường sinh bất tử” do các Pharaoh Ai Cập cổ đại truyền lại qua nhiều thế hệ, và hiện thực hóa việc “trường sinh”.

Người Ai Cập thực sự tin rằng, mọi người đều có thể có cơ hội sống lần hai. Trong Thần thoại của họ, Thần Osiris là hình mẫu của sự chiến thắng cái chết và hồi sinh. Ông bị Thần Seth giết hại, chặt xác thành nhiều mảnh, và cuối cùng nhờ phép thuật siêu nhiên của Thần Isis và các vị Thần khác, ông đã được hồi sinh.

Đối với người Ai Cập cổ đại, cái chết không thể chế ngự hay chinh phục được, nhưng chết không có nghĩa là kết thúc sinh mệnh mà là mở ra một cuộc đời khác.

Để đạt được sự chuyển hóa “từ chết sang sống” này, người Ai Cập cổ đại đã có những chuẩn bị đầy đủ. Ngoài các kim tự tháp, miếu Thần, xác ướp, bùa hộ mệnh và đồ cúng quen thuộc, cuốn “Ai Cập sinh tử kỳ thư” cũng là một chỉ dẫn cần thiết cho người Ai Cập cổ đại trên con đường hồi sinh.

1. “Ai Cập sinh tử kỳ thư” là Kinh Thánh của người Ai Cập cổ đại, sách hướng dẫn hồi sinh của người chết
“Ai Cập sinh tử kỳ thư” hay còn gọi là Kinh Thánh của người Ai Cập cổ đại, là một trong những tài liệu mai táng nổi tiếng nhất được lưu truyền từ thời Ai Cập cổ đại. Nó thường được viết trên giấy cói, đặt trong quan tài hoặc giữa tấm vải liệm xác ướp.




“Ai Cập sinh tử kỳ thư” được viết trên giấy cói (Ảnh chụp màn hình kknews)

“Ai Cập sinh tử kỳ thư” luôn là một tài liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử và nền văn minh của Ai Cập cổ đại. Mỗi đoạn văn đầu và cuối đều có kèm theo lời phụ, nhấn mạnh tác dụng của các đoạn và nhắc nhở người chết những việc cần chú ý khi sống lại.

Nội dung cuốn sách chủ yếu được chia thành bốn phần lớn:

Giúp người đã khuất có được khả năng hoạt động trong cõi âm, đặc biệt là khả năng nói (Phần 1-16).
Mô tả nguồn gốc của các vị Thần, chức năng và phạm vi hoạt động của họ liên quan đến thế giới bên kia (phần 17-63).
Mô tả cách người chết sau khi chuyển sinh ban ngày sẽ đi thuyền mặt trời như thế nào để du ngoạn bầu trời, tới ban đêm sẽ đi đến âm phủ do Thần Osiris thống trị, thưởng thức các đồ cúng tế để có được năng lượng cần thiết cho sinh mệnh vĩnh hằng (Phần 64- 129).
Đưa ra một chỉ dẫn để thành công vượt qua sự thẩm phán của thế giới bên kia để được sống lại. Triển hiện cho người chết thấy cuộc sống tự do của người đã khuất ở âm phủ, trần gian và Thiên đàng (trang 130-190).
Nếu nói rằng chức năng của “Văn tự khắc Kim tự tháp” là giúp các Pharaoh tôn quý tái sinh trong kim tự tháp, thì cuốn “Ai Cập sinh tử kỳ thư” có xu hướng dành cho những người bình thường hơn, giúp những người chết sở hữu cuốn sách vượt qua phiên tòa thẩm phán tại âm phủ để sống lại.




Bìa sách cuốn “Ai Cập sinh tử kỳ thư” (Ảnh chụp màn hình kknews)

Người Ai Cập cổ đại tin rằng, từ ngữ và hình ảnh đều có những chức năng đặc biệt, và một khi chúng kết hợp với nhau, chúng sẽ tạo ra ma lực thần bí. Vì vậy, cuốn “Ai Cập sinh tử kỳ thư” đã sử dụng phương thức hình ảnh và chữ viết để lưu truyền. Nhờ văn tự và hình ảnh minh họa dễ hiểu, đã giúp người chết có được chỉ dẫn liên quan tới Thần, đánh bại ma quỷ, côn trùng độc, và đến được bên kia thế giới.

Vậy điều kiện và quy trình hồi sinh cho người chết vào thời Ai Cập cổ đại là gì? Họ sẽ sống như thế nào ở đời sau? Và những bí mật cốt lõi nào được ẩn giấu trong “Ai Cập sinh tử kỳ thư”?




2. Điều kiện và quá trình phục sinh của người chết ở Ai Cập cổ đại
Trước khi tìm hiểu bí mật “phục sinh” cốt lõi của người Ai Cập cổ đại, trước tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu điều kiện và quy trình cụ thể để người chết phục sinh?

Người Ai Cập cổ đại tin rằng, khi Thần tạo ra con người thì Ngài đã giữ cho họ một vị trí ở đời sau. Nhưng dù có thực sự tái sinh được hay không thì vẫn cần phải đáp ứng một số điều kiện.

Hai điểm quan trọng nhất là người chết khi còn sống có tuân thủ quy phạm đạo đức và luân lý xã hội hay không; có dựa theo các quan niệm tôn giáo phổ biến để chuẩn bị cho tái sinh chưa? Ngoài ra, người quá cố cũng cần được ướp xác sau khi chết để duy trì thân thể không mục, linh hồn bất tử (Ka và Ba), danh tiếng bất diệt và hình bóng trường tồn.

Ka được cho là độc lập với cơ thể trần thế của con người, có thể di chuyển, ăn uống theo ý muốn nhưng bị hạn chế ở trong lăng mộ, nơi có thi thể (xác ướp) hoặc thậm chí là tượng của người đã khuất. Ba là một phần của linh hồn bắt đầu cuộc hành trình đi theo các vị Thần.

Tất nhiên, ướp xác chỉ là bước đầu tiên trong quá trình phục sinh. Người chết cũng phải trải qua một hành trình dài xuống âm phủ. Có rất nhiều trạm quan ải do các vị Thần và ma quỷ canh gác. Người quá cố không chỉ phải chọn đúng tuyến đường mà còn phải cung cấp các ám hiệu hoặc mật mã tương ứng để được đi qua. Họ còn phải vượt qua sự thẩm phán của Thần Osiris và 42 vị Thần khác.




Trong đó, phần gay cấn và hấp dẫn nhất của toàn bộ phiên thẩm phán, chính là cân đo trái tim của người chết. Ở phía bên trái của cán cân đặt trái tim của người chết, và phía bên kia cán cân là một chiếc lông vũ tượng trưng cho chân lý và trật tự. Nếu người chết không có tội, thì cán cân vẫn duy trì cân bằng và người chết sẽ vượt qua thẩm phán. Nếu cán cân mất thăng bằng, dù quá nhẹ hay quá nặng, trái tim sẽ bị Thần thú ăn mất. Linh hồn của người chết cũng sẽ biến mất hết, và không còn khả năng tái sinh.

Cân đong trái tim và lông vũ (Ảnh chụp màn hình từ “Sê-ri Thần thoại Ted-ED”: Ai Cập sinh tử kỳ thư)




Cho dù việc phải chịu sự thẩm phán của các vị Thần là một điều khủng khiếp, nhưng một khi vượt qua nó một cách thành công, người chết có thể có được cơ hội sống lần nữa và có được cuộc sống vĩnh cửu ở thế giới bên kia như Thần. Vì thế, tiếp nhận sự thẩm phán cũng rất đáng.

Quy trình phục sinh của người chết ở Ai Cập cổ đại trải qua 5 bước chính sau:
Bước 1: tuân thủ trật tự đạo đức xã hội, để được ‘tuyên bố bất tử’
Bước 2: ướp xác để người chết có ‘thi thể bất hoại’, ‘linh hồn bất diệt’
Bước 3: tiến vào cửa sang thế giới bên kia, gặp nữ Thần chính nghĩa và chân lý Ma’at
Bước 4: vượt qua thành công thẩm phán của 42 vị Thần
Bước 5: cân đong trái tim, vượt qua bước cuối cùng để được phục sinh

3. Để phục sinh thành công, người Ai Cập cổ đại đã thực hiện những bí thuật nào?
Để cho phép các linh hồn lần đầu tiên bước vào âm phủ có thể đi qua một cách suôn sẻ, người Ai Cập cổ đại dựa trên quy trình tái sinh, đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng một loạt các chỉ dẫn trong cuốn “Ai Cập sinh tử kỳ thư” được người chết mang theo.




Cung cấp một câu thần chú bảo lưu cơ thể, trái tim, linh hồn và tên của người chết
Trong cuốn “Ai Cập sinh tử kỳ thư” có rất nhiều loại chú ngữ, để người chết có đủ tư cách đi qua thế giới bên kia. Bao gồm cả việc bảo tồn cơ thể, trái tim, tên và hình bóng của họ. Chính là như đã nói ở trên, để người chết giữ cho thân thể không bị hủy hoại, linh hồn bất tử, danh tiếng bất diệt và hình bóng trường tồn.

Có thể nói, toàn bộ “Ai Cập sinh tử kỳ thư” đều nhằm mục đích lưu giữ linh hồn người chết (“Ka” và “Ba”). Trong chương thứ 61 và 89, người chết có thể sử dụng chú ngữ và điếu văn để khiến thi thể và “Ka” của họ vẫn lưu lại trong lăng mộ, trong khi “Ba” có thể đến nơi nó muốn đến.

Hướng dẫn người chết tìm đường qua thế giới bên kia, đồng thời cung cấp cho họ những mật mã, ám hiệu để đối phó với những quỷ Thần cõi âm.
Người đã khuất phải làm theo những gợi ý trong cuốn sách để tìm ra mỗi trạm quan ải.

Trong quá trình tìm kiếm các trạm đó, người Ai Cập cổ đại đã chuẩn bị nhiều loại chú ngữ cho người chết để đẩy lùi kẻ thù rình rập trên đường. Bao gồm các câu thần chú chống lại rắn (các chương 4, 33, 34, 35, v.v.), chống lại côn trùng độc (chương 36) và thậm chí là câu chú chống lại ma nữ dẫn dụ người chết đi lạc đường.




Sau khi đến trạm quan ải, người quá cố sử dụng những câu trả lời tiêu chuẩn trong cuốn sách để đối phó với những câu hỏi khó khác nhau của người canh gác. Trong một đoạn mô tả con đường đi đến thế giới bên kia, người sống cầu mong người chết: “Cầu mong bạn thoát khỏi băng vải quấn của xác ướp; mong bạn có thể tháo mặt nạ ra; mong đôi mắt như Thần của bạn có thể nhìn thấy ánh sáng trở lại; mong bạn thoát khỏi tình trạng ngủ mệt, vô lực, hãy nắm lấy quyền sống bằng hai tay”.

Giúp người chết chứng minh có đủ tư cách để sang thế giới bên kia và xứng đáng được sống lại.

Mỗi linh hồn muốn được hồi sinh cần phải chứng minh với các vị Thần rằng mình đủ điều kiện để phục sinh (Ảnh chụp màn hình kknews)




Mỗi linh hồn muốn được hồi sinh cần phải chứng minh với các vị Thần rằng mình đủ điều kiện để phục sinh.

Ví dụ, trong chương 104, người chết nói lớn với các vị Thần rằng anh ta là một thành viên trong số họ. Chương thứ 42 thì mô tả mỗi bộ phận hoặc cơ quan thân thể của người chết tương đồng với một vị Thần cụ thể. Tất cả đều là nhấn mạnh quyền của người chết được tái sinh và hưởng cuộc sống vĩnh cửu.

Trong quá trình này, người chết cố tình nhấn mạnh rằng mình được các vị Thần bảo vệ.

“Tôi chính là Thần Ra đại nạn không chết, tôi chính là Thần Osiris với tấm lưng bất động như một cây liễu kỳ dị. Sự bình an của tôi đồng nghĩa với sự ổn định của cả thế giới. Tóc tôi là Thần Nunn, và khuôn mặt tôi chính là Thần Montis”. (Chương 42)

Trong đoạn chỉ dẫn trên, chúng ta có thể thấy rằng những người đã khuất tự xưng là hóa thân của Thần Ra (Thần Mặt trời) và Thần Osiris (Thần của thế giới bên kia, người cai quản âm phủ), và mỗi phần của cơ thể được tạo ra từ các vị Thần khác nhau. Cơ thể của họ được bảo vệ bởi con mắt của Thần Tut và Horus, và họ có quyền đi bước vào thế giới bên kia và tự do ra vào cõi âm.

Tiếp theo, người đã khuất cần nhấn mạnh rằng mình có ích với tất cả các Thần.

“Nếu những vị Thần cần tôi cúng tế nghe thấy rằng Ngài muốn cướp lấy trái tim tôi, họ sẽ ngã xuống đất một cách yếu ớt và không thể thực hiện nhiệm vụ của họ, bởi vì vật cúng mà tôi đã chuẩn bị là thiếu yếu không thể thiếu được đối với họ”. (Chương 29)




Sau đó, người đã khuất cần phải tự trần thuật rằng bản thân “vô tội” và tiếp tục thuyết phục các vị  Thần rằng bản thân “đủ tư cách” và “xứng đáng” được tái sinh.

Nhưng vấn đề là, nếu tuân theo tiêu chuẩn hồi sinh của người Ai Cập cổ đại – cả đời không được phạm lỗi lầm, thì sẽ có rất ít người có thể thành công. Vì căn bản không có người hoàn hảo, khi còn sống ai cũng mắc sai lầm. Vậy trước tình huống này, người Ai Cập cổ đại đã có những biện pháp ăn gian nào để giúp người chết vượt qua?

Hóa ra là để ngăn người chết vô ý nói ra một số lời khai bất lợi, người Ai Cập cổ đại đã viết rất nhiều lý lẽ và câu thần chú trong cuốn “Ai Cập sinh tử kỳ thư”. Những từ này có hai tác dụng chính, một là làm cho người đã khuất có “phẩm chất” giống như Thần; hai là kể những việc thiện, lấy công chuộc tội. Nhờ đó, khi thẩm phán, người chết có thể vượt qua thử thách.

Trong chương thứ 125 của cuốn sách, mô tả chi tiết quá trình “kể những việc thiện, lấy công chuộc tội”.

“Tôi trong sạch, bởi vì tôi chưa bao giờ phạm bất cứ tội ác nào. Tôi chưa bao giờ làm phiền lòng bất kỳ vị Thần phụ trách một khía cạnh nào đó. Tôi không phải là loại người thích tranh cãi”.

Ngoài việc thanh minh rằng mình không phạm lỗi, người đã khuất còn phải tuyên dương phẩm hạnh của bản thân.




“Tôi đưa bánh cho kẻ đói, nước sạch cho kẻ khát, áo cho kẻ trần, và thuyền cho kẻ không qua sông được. Tôi dâng lễ vật cho Thần tôn kính, và đồ cúng cho người chết”.

Bằng cách liệt kê những việc làm tốt của bản thân trong đời, chẳng hạn như đối xử tốt với nhóm người yếu thế, thờ cúng Thần linh và bày tỏ lòng kính trọng đối với người đã khuất, v.v. Người chết một lần nữa chứng minh rằng mình có đủ tư cách để sang thế giới bên kia và xứng đáng được sống lại.

Những lời cầu nguyện của người Ai Cập cổ đại (Ảnh chụp màn hình kknews)




Cuối cùng, để tăng cơ hội vượt quan, cuốn sách còn cẩn thận chuẩn bị một số lượng lớn những lời hoa mỹ để người chết ca tụng Thần Thánh. Tóm lại, để thuận lợi và làm hài lòng các vị Thần cho mình hồi sinh, người Ai Cập cổ đại đã dùng mọi cách từ “liệt kê công đức đến ca tụng Thần”.

Tất nhiên, ngoài chỉ dẫn vượt qua âm phủ, cuốn “Ai Cập sinh tử kỳ thư” còn nêu rõ tất cả các vật phẩm cần thiết trong thời kỳ hồi sinh cho người chết, bao gồm ánh sáng mặt trời, không khí, nước và thức ăn để giúp người đã khuất lên thành công “con thuyền triệu người” do Thần Ra điều khiển và đến đời sau.

4. Từ chỉ dẫn hồi sinh của “Ai Cập sinh tử kỳ thư” nhìn ra quan niệm, trí tưởng tượng về tín ngưỡng và thế giới bên kia của người Ai Cập cổ đại
Mặc dù mục đích cơ bản của “Ai Cập sinh tử kỳ thư” là hướng dẫn người đã khuất đi đến đời sau, nhưng không có mô tả chi tiết về đời sau sẽ như thế nào và ở đâu. Nhưng qua cuốn sách, chúng ta biết rằng đời sau theo như lời người Ai Cập thực chất chỉ là một phiên bản của thế giới hiện tại.

Trong trí tưởng tượng của họ, con người không chỉ có thể hồi sinh từ cái chết, mà còn có thể sống mãi mãi. Sau khi sống lại, con người có thể lấy lại đầu (chương 43) và tim (chương 26-30), và phục hồi các chức năng khác nhau của cơ thể, chẳng hạn như thị lực, khả năng ngôn ngữ và khả năng ăn uống (chương 21 – 23 ). Con người cũng có thể lao động như khi còn sống, đoàn tụ với gia đình ở thế gian này trong kiếp sau, rồi cùng nhau hưởng hạnh phúc gia đình (chương 110).




Quả thực, “Ai Cập sinh tử kỳ thư” có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với chúng ta trong việc tìm hiểu quan niệm về thế giới bên kia của người Ai Cập cổ đại.


Một mặt, nó đòi hỏi mọi người phải nỗ lực và chuẩn bị về mặt tinh thần và vật chất khi sống, để có đủ khả năng tái sinh sau khi chết.

Mặt khác, nó thể hiện tín niệm tôn giáo của người Ai Cập cổ đại, và trí tưởng tượng về đời sau: người chết sẽ có được sự sống lần thứ hai sau khi vượt qua sự phán xét của Thần, và sống một cuộc sống tương tự như thế giới hiện tại.

Từ cuốn sách này có thể thấy, người Ai Cập cổ đại rất dũng cảm đối mặt với cái chết và cố gắng chinh phục nó. Dù đứng trước Thần chết, họ cũng không sợ hãi, nghiêm túc và kiên trì, tận hưởng khoảnh khắc. Đây chính là điều đáng khâm phục ở người Ai Cập cổ đại.
Nguồn: NTDVN – Theo kknews

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *