Xác ướp sư tử con sống cách đây 44 nghìn năm vừa được phát hiện dưới lớp băng vĩnh cửu thuộc vùng Siberia.
Nỗ lực hồi sinh loài sư tử hang động – chủng loài sư tử đã tuyệt chủng cách đây hàng vạn năm – đã có thêm hi vọng nhờ việc phát hiện xác của 2 cá thể sư tử con dưới lớp băng tuyết vĩnh cửu của vùng Siberia (Nga). Đáng chú ý, khi được tìm thấy, xác của hai con sư tử này được bảo quản tuyệt vời, gây kinh ngạc cho giới nghiên cứu bởi độ nguyên vẹn của hình dáng và lớp lông bên ngoài, theo Daily Mail.
Ban đầu, các nhà khoa học đã nhầm lẫn khi xác định đây là một cặp anh em sư tử đực được sinh ra cách đây 44 nghìn năm. Sau các bước khám định tỉ mỉ hơn, một trong hai được xác định là giống cái và được đặt tên là Starta. Điểm thú vị, Sparta không hề có mối liên quan huyết thống tới Boris, chú sư tử còn lại.
Boris được sinh ra và kẹt trong hang ở thời điểm 44 nghìn năm trước. Nguyên nhân cái chết của Boris được chẩn đoán do bị đá rơi trúng, dựa trên việc phát hiện nhiều vết thương do bị vật nặng đè lên trên cơ thể chú sư tử này.
Trong khi đó, sư tử cái Sparta lại bị chết đói ở thời điểm 18 nghìn năm sau cái chết của Boris. Sự nguyên vẹn của thi thể Sparta khiến các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên. Sparta trông rất gầy so với ngoại hình của giống sư tử hang động.
Quá trình chụp cắt lớp các cơ quan nội tạng cho thấy không hề có chút chất béo nào trong cơ thể của Sparta. Rõ ràng con sư tử cái này đã trải qua một cái chết không hề dễ chịu. Giai đoạn kỷ Băng Hà cách đây 26 nghìn năm thực sự khắc nghiệt đối với những loài thú săn mồi.
Với những phát hiện mới này, các nhà khoa học đã có thêm vật mẫu nghiên cứu cho mục đích hồi sinh giống sư tử cổ xưa. Ở thi thể của cặp sư tử con vừa được tìm thấy, các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy các đốm và sọc sắc tố ở nhiều nơi trên cơ thể. Đây được cho là đặc điểm không hề có ở các giống sư tử hiện đại. Trước đó, việc thống nhất về diện mạo của loài sư tử này vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi.
Nguồn: Trithuctre